Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên
NƯỚC TRỜI
và dấu chỉ « nhưng không »
LỜI
CHÚA: Mt 10, 7-15
7
Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.8 Anh em hãy chữa
lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch
bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như
vậy.
9
Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.10 Đi đường, đừng mang bao bị,
đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
11 "Khi anh em vào bất
cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và
hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc
bình an cho nhà ấy.13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em
sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về
với anh em.14 Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì
khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại.15 Thầy
bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan
hồng hơn thành đó.
SUY NIỆM
1. Lời và Luật
Khi sai các môn
đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết, chi tiết đến độ không thể
thực hiện được:
Đừng kiếm vàng
bạc hay tiền giắt lưng.
Đi đường, đừng mang bao bị,
đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy.
(c. 9-10)
Và Đức Giê-su còn
có nhiều lời mời gọi tương tự (x. Mt 5, 19-48). Tuy nhiên, nếu chúng ta không
sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát
(x. Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 15,
5; 21, 3-6).
Đức Giê-su cố ý
nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài
thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng
động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bỡi lẽ, Lời Chúa là thần khí (x.
2Cr 3, 17). Không như một bản luật, những lời của Đức Giê-su không mô tả cho
chúng ta những hành vi phải thực hiện một cách chính xác, nhưng mời gọi chúng
ta tiến tới, nếu cần thiết, thật xa theo năng động mà lời của Người gợi ra.
Ngoài ra, Đức
Giê-su còn căn dặn khá chi tiết: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng
đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc
nhà Israel”. Như thế, khi thi hành sứ vụ, chúng ta luôn phải thi hành theo sự
hướng dẫn của Lời Chúa, được lắng nghe trong cầu nguyện, qua việc nhận định thiêng
liêng. Trong những lời này, Đức Giê-su còn nêu rõ đối tượng của sứ vụ rao giảng
Nước Trời: “các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, trong sứ vụ, người môn đệ
luôn phải lựa chọn đối tượng ưu tiên; và khi lựa chọn, đừng quên “các con chiên
lạc” của Chúa hiện diện ở giữa chúng ta, ở ngay bên cạnh chúng ta.
2. Nước Trời và dấu chỉ “nhưng không”
Lời rao giảng
« Nước Trời đã đến gần » đi đôi với một dấu chỉ, đó là dấu chỉ
« nhưng không » :
Anh em đã được
cho không,
thì cũng phải cho không như vậy.
(c. 8)
Có thể nói, nếu
chúng ta không kinh nghiệm sự nhưng không, không thực hành sự nhưng không,
không xây dựng sự nhưng không, thì Nước Trời sẽ không hiện diện ở giữa chúng ta.
Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không.
Thiên Chúa là
nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính
loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì.
Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho
hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, dù người con sẽ như
thế nào đi chăng nữa.
Trong đời dâng
hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm
được gì cho Chúa và cho Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người
này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này,
chúng ta không thể sống hạnh phúc và không thể sống đến cùng ơn gọi của mình ;
và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa
gia đình, Cộng Đoàn của chúng ta.
Vì thế, khi đọc
lại đời mình, chúng ta được mời gọi nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa
ban cho chúng ta, nhưng không trong ơn huệ sự sống và cũng nhưng không trong ơn
tha thứ. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật,
chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của
chúng ta, nhất là trong Cộng Đoàn và ngay cả trong xã hội, nếu không có sự
nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với
« sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không
có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta
cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con
người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu
nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày
hôm nay ở Cộng Đoàn này, chúng ta được qui tụ từ rất xa trong niềm vui sống ơn
gọi như thế này.
Chúng ta đón
nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) nhưng
không chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng
không cho sự sống : sự sống thể lí (quan tâm đến những người nghèo hèn,
bệnh tật) và sự sống nhân linh (con người sống không nguyên bởi không khí,
nghĩa là nhu cầu, nhưng còn bầu khí ; ma quỉ thường làm ô nhiễm và tấn
công vào bầu khi Cộng Đoàn và gia đình, tương quan giữa chúng ta : mù lòa,
câm điếc, tê liệt đối với nhau). Những dị tật, vết thương, hiểu lầm, hiểu sai
về mình, về Chúa, về nhau… là bệnh thật sự, thật khó chữa và cần phải chữa.
3. « Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng
lại Chúa tất cả »
Lời dặn của Đức
Giê-su thật là nhiệm nhặt : « Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.
Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm
gậy ». Nếu làm theo, nhất là trong thời đại ngày nay, chúng ta sẽ không
thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí không đi xa được, vì không « đi dày
dép hay cầm gậy », vốn là những phương tiện đi lại !
Lời dặn của Đức
Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa
trên ơn Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng
ta ; và nếu có các phương tiện và tài năng, thì tất cả là ơn huệ Chúa ban
để chia sẻ và phục vụ. Và sẽ có lúc, chúng ta được mời gọi thực hiện kinh
nghiệm nghèo khó và bất lực của các môn đệ trong phép lạ « Bánh Hóa Nhiều »
(x. Mt 14, 13-21), hay như kinh nghiệm này của thánh Phao-lô : « Đã
ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi:
“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự
yếu đuối” » (2Cor 12, 8-9). Chính khi đó, chúng ta được mời gọi thân thưa
với Chúa : « Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất
cả ».
* * *
Đó chính là
hành trình của « hạt lúa mì » mà Đức Ki-tô sẽ hoàn tất trong mầu
nhiệm Vượt Qua, và mời gọi mỗi người chúng ta cùng đi với Người hôm nay.
Lm Giuse Nguyễn
Văn Lộc