Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 14

Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên Năm C

TRỞ THÀNH SỨ GIẢ ĐEM BÌNH AN ĐẾN CHO NGƯỜI KHÁC

cn14tnc.jpg

Mặc dù không có chiến tranh nhưng xã hội ngày nay vẫn gây ra cho nhiều người cảm giác bất an bất ổn. Những vấn đề đang xảy ra liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, môi trường, lương thực, an ninh, trật tự xã hội… thực sự khiến cho nhiều người lo lắng, bất an về cuộc sống hiện tại và tương lai của mình cũng như gia đình. Bên cạnh sự bất an đến từ bên ngoài còn có một sự bất an phát xuất từ bên trong tâm hồn đang khiến cho nhiều người vô cùng đau khổ; nhiều gia đình mất niềm vui, thiếu tiếng cười, gương mặt và cuộc sống của người vợ người chồng trở nên khắc khổ, khô héo. Sự đau khổ đó đến từ sự bất an trong tâm hồn, do lương tâm dằn vặt, do vết thương của tội lỗi, do hoàn cảnh gia đình. Mặc cảm về tình trạng tội lỗi khiến cho nhiều người phải mang gánh nặng đau khổ trong tâm hồn mà không dễ tỏ bày chia sẻ với người khác. Nhiều người từ chối sự tha thứ chữa lành của Thiên Chúa và từ chối chính Thiên Chúa bước vào tâm hồn, khiến cuộc đời của họ là chuỗi ngày chán nản, bất an, dằn vặt và bộc lộ ra bên ngoài bằng sự buồn bã, nóng nảy, cáu gắt giận hờn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở thành sứ giả đem niềm vui và bình an đến cho thế giới và con người ngày nay. Bài đọc một cho thấy khung cảnh bi đát của dân Israel. Lúc này dân Israel đang bị nô lệ tại Ai Cập, thành Giêrusalem bị dân ngoại chà đạp, nay trở nên hoang tàn, hy vọng trở về quê hương dường như xa vời, dân chúng rơi vào tình trạng chán nản thất vọng, suy xụp. Trước hoàn cành bi đát cả về thể xác lẫn tinh thần như thế, Isaia đã dùng Lời Chúa để an ủi động viên, giúp Israel tìm lại niềm vui và hy vọng. Những lời của Isaia không chỉ nhắm vào niềm vui khôi phục lại vương quốc mà còn là niềm vui phục hồi lại trình trạng bất an trong tâm hồn. Những lời của Isaia tràn đầy hy vọng: “Hãy vui mừng với Giêrusalem… Vì Đức Chúa phán như sau: Này ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả và ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như nước vỡ bờ. Còn đối với dân Israel: Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm trên hông và nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, ta sẽ an ủi các người như vậy”. Trong hoàn cảnh tha hương sống tủi nhục chán chường, những lời này của vị tiên tri quả là lời đem lại niềm vui, sự bình an và tin tưởng trong tâm hồn dân Israel. Chắc chắn niềm vui và ơn bình an của Thiên Chúa hoàn toàn khác với niềm vui và bình an của thế gian. Niềm vui của thế gian là những cuộc vui đến từ bên ngoài, còn niềm vui và bình an của Thiên Chúa thì phát xuất từ bên trong tâm hồn lan tỏa ra bên ngoài.

Khi chọn gọi bảy mươi hai môn đệ và sai các ông đi trước Ngài, Chúa Giêsu nhấn mạnh một hành trang không thể thiếu đó là sự bình an: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Chúa Giêsu nhìn thấy một thế giới đang khao khát mong chờ có nhiều sứ giả đem bình an và niềm vui ơn cứu độ đến cho họ, giống như cánh đồng lúa chín đang chờ thợ gặt. Vì thế, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, anh em hãy xin chủ sai thợ ra gặt lúa về”. Thế giới thời Chúa Giêsu cũng giống như thế giới ngày nay, đó là một thế giới bất an bởi vì tội lỗi dày vò, lương tâm cắn rứt, hận thù giày xéo… ở đó có nhiều tâm hồn đang khao khát tìm cho mình một cuộc sống bình an, vui tươi hạnh phúc thực sự trong tâm hồn, mong được ơn giải thoát.

Khi sai các môn đệ ra đi, Chúa căn dặn các ông: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Tại sao chúa lại dặn kỹ như thế? Vì trước hết Chúa muốn các môn đệ không để mình quá bận vướng vào tiền bạc của cải vật chất, cũng không đặt nặng hình thức bên ngoài như giày dép mũ áo, nhưng phải để cho lòng mình thật thanh thoát nhẹ nhàng. Hơn nữa khi không trang bị cho mình tiền bạc còn là để các môn đệ đừng cậy dựa vào vật chất, nhưng cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Như thế, thành công hoặc kết quả công việc của các ông là do Chúa chứ không do khả năng hoặc sức mạnh vật chất. Đặc biệt hơn, các môn đệ được sai đi không phải để giải quyết hoặc đáp ứng nhu cầu vật chất của xã hội hay của người nghe, nhưng phải đáp ứng nhu cầu quan trọng, đó là những vấn đề liên quan đến tâm hồn con người. Sứ mạng chính yếu của các ông là đem bình an đến cho tâm hồn mọi người, mọi gia đình không phân biệt họ có đạo hay không có đạo: “Vào bất cứ nhà nào trước hết hãy nói: Bình an cho nhà này”. Lời căn dặn này cũng là điều kiện và là đòi hỏi nơi các môn đệ, làm sao để qua lời giảng và đời sống của các ông phải đem đến bình an cho người khác, dù họ là ai, thuộc đảng phái chính trị, tôn giáo, giai cấp nào. Vì, người môn đệ của Chúa không thể là người gieo bất an hận thù chia rẽ; Người môn đệ đi đến đâu phải đem bình an đến đó, gặp gỡ ai thì phải mang bình an đến cho người đó.

Ngoài hành trang là sự bình an, Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ cách ứng xử của người được sai đi: “Đừng chào hỏi ai dọc đường… Nếu ở nơi đó có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại trên người ấy; bằng không thì bình an sẽ trở lại với anh em”. Có lẽ Chúa không dạy một thái độ im lặng bất lịch sự, nhưng Chúa muốn các môn đệ không mất nhiều thì giờ với những chuyện vô bổ, vô ích mà quên lãng nhiệm vụ chính yếu là sứ giả của bình an. Những người, những gia đình đón nhận lời rao giảng của các môn đệ và chấp nhận điều chỉnh lại nếp sống thì đón nhận được bình an của Chúa từ các môn đệ. Trái lại, nếu những người nghe không đón nhận và từ chối, thì các môn đệ vẫn không phải áy náy, họ vẫn bình an vì đã làm việc hết mình, đã chu toàn nhiệm vụ.

Thái độ tiếp theo Chúa muốn nơi các môn đệ đó là bằng lòng, hòa mình với cuộc sống của mọi người, không đòi hỏi yêu sách, không đòi được người khác phục vụ, không đặt điều kiện hoặc tìm kiếm vật chất và những gì hợp với sở thích: “Hãy ở lại nhà ấy, ăn những gì người ta dọn cho… đừng đi nhà nọ qua nhà kia. Hãy chữa những người đau yếu và nói với họ: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Chúa muốn các môn đệ phải hết sức chú tâm vào công việc của mình, miệt mài cần mẫn với nhiệm vụ Chúa trao. Các ông không chỉ là người rao giảng về sự bình an của Chúa, mà còn phải là chứng nhân của sự bình an đó, qua cách sống của các môn đệ. Hai việc làm để đem đến sự bình an trong tâm hồn đó là chữa lành các bệnh nhân và xây dựng Triều đại Thiên Chúa. Nếu như quan niệm của người Do Thái: mọi bệnh tật đều do tội gây ra, thì việc chữa lành bệnh nhân là chữa nguyên nhân gây bệnh, tức là tội. Vì thế, để giúp chữa lành bệnh nhân thì phải giúp họ chữa lành các vết thương trong tâm hồn, tẩy trừ khỏi tình trạng tội lỗi. Xây dựng Triều Đại của Thiên Chúa là xây dựng Nước Trời trong tâm hồn và trong thế giới. Vì chỉ khi Nước Trời được thiết lập và xây dựng từ trong tâm hồn mỗi người, thì sự bình an của Chúa sẽ đến và ở trong tâm hồn ấy, ban lại cho họ niềm vui ơn cứu độ, và từ các tâm hồn đó, sự bình an và niềm vui sẽ lan tỏa ra trong gia đình và thế giới.

Thưa quý OBACE, là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tuyển chọn và sai đi, chúng ta là sứ giả đem bình an đến cho mọi người. Nhưng chúng ta chỉ có thể đem bình an và niềm vui đến cho người khác khi tâm hồn chúng ta thực sự bình an và vui tươi; chúng ta chỉ có thể đem Chúa và ơn cứu độ đến cho người khác khi chúng ta có Chúa và chúng ta đã đón nhận được ơn cứu độ. Trước hết, chúng ta phải cảm nhận và sống niềm vui của những người con cái Chúa, vui vì chúng ta biết mình được Chúa yêu thương và vui vì biết mình được Chúa thứ tha. Mỗi ngày sống dù còn có những khó khăn, nhưng trong mọi hoàn cảnh ta vui vì tin rằng có Chúa luôn hiện diện nâng đỡ như người bạn. Ma quỷ không thể đem lại niềm vui, nó dụ dỗ ta phạm tội chống lại Thiên Chúa và tội chính là nguyên nhân gây nên buồn chán. Nếu chúng ta có yếu đuối phạm tội, chúng ta không bao giờ thất vọng về tình trạng tội của mình, cho dù là bất cứ tội gì, vì nơi Bí Tích Giải Tội, chúng ta luôn được Chúa yêu thương, đón nhận và thứ tha.

Nhiều người ngày nay đang đau khổ trong tâm hồn, mất bình an, có thể vì bệnh tật hoặc hoàn cảnh bên ngoài xảy đến hoặc vì chính vợ chồng con cái gây ra cho nhau, bị hiểu lầm, thất bại, bị loại trừ… Chúng ta đừng để cho những gánh nặng đó giày vò tâm hồn chúng ta, chúng ta cũng đừng mang những gánh nặng ấy một mình, nhưng hãy đến với Chúa. Chúa đã mời gọi: “Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”. Đến với Chúa qua gặp gỡ, cầu nguyện, qua việc tham dự thánh lễ mỗi ngày, chúng ta trút gánh nặng cho Chúa và để cho Chúa an ủi chia sẻ với chúng ta, Ngài sẽ ban lại cho tâm hồn ta niềm vui và bình an.

Xin cho chúng ta luôn ý thức Lời Chúa mời gọi và sai đi, để từng ngày sống, từng công việc, từng lời nói của chúng ta sẽ đem đến niềm vui và bình an cho gia đình và những người chúng ta gặp gỡ. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên - Lm. J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIVThường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV - Thường niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường niên - Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIV - Thường niên- Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên-Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên_Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên- Nt. Maria Phương Trâm, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Tuần XIV Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIV Thường Niên Năm B- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Tuần XV Thường Niên_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên_Lm. Mi-ca-e Vũ An Lộc