SUY
NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIV:
SỐNG HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Theo
bản năng, con vật luôn thể hiện sự oai phong thống trị của mình trên những con
vật khác, ví dụ con sử tử dùng tiếng gầm và móng vuốt để thể hiện mình là chúa
sơn lâm; con công tuy cái đầu rất nhỏ, nhưng lại rất kiêu hãnh để khoe mẽ bộ
lông, bộ cánh của mình. Con người nhiều khi cũng để cho bản năng điều khiển và
luôn muốn thể hiện sự ngông cuồng và sức mạnh của mình. Có những người thể hiện
sức mạnh thống trị qua cơ bắp và gương mặt giận dữ, người khác thể hiện sức mạnh
và sự cao ngạo của mình qua việc sử dụng quyền lực để trấn áp người khác, ví dụ
như những nhà độc tài. Cũng có những người trình độ thấp, bị người khác sử dụng
như một công cụ bạo lực với những lời hứa hẹn hoặc chút quyền nhỏ nhoi, những
người này hết sức thể hiện bản năng hung hãn và thú tính cũa mình.
Hôm
nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống vượt trên bản năng, huấn luyện, thuần hóa
con người mình, để sốnng theo lời mời gọi của Ngài: Hãy học với tôi vì tôi có
lòng hiền lành và khiêm nhường. Hãy đến với tôi hỡi những ai mang gánh nặng nề,
tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Lời
mời gọi này như lời mời của một người cha dành cho con: Hãy đến với tôi, hỡi những
ai mang gánh nặng nề, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Con người ngày nay dường
như bị cuốn hút vào công việc, mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền, khiến họ không còn
thời gian cho mình và cho Chúa. Sức ép của xã hội khiến cho nhiều người dường
như không có ngày nghỉ, họ mệt mõi rã rời vì công việc và cuộc sống. Bên cạnh sự
mệt mọi rã rời thể xác, nhiều người còn bị mệt mỏi trong tâm hồn. Họ đang phải
mang một tâm trạng đau đớn buồn phiền, nặng nề vì bất an, vì gia đình. Sự mệt mỏi
vì lo toan, sự nặng nề vì bất an trong tâm hồn, khiến cho mệt mỏi nhiều hơn sự
mệt mỏi về thể xác. Sự mệt mỏi về thể xác có thể được phục hồi sau một hai ngày
nghỉ ngơi, nhưng sự mệt mỏi trong tâm hồn khiến cho nhiều người mất ăn mất ngủ,
mệt mỏi kéo dài.
Chính
vì thấu hiểu nỗi khổ của con người, Chúa Giêsu đã đưa vai ra để chia sẻ gánh nặng
cuộc sống với chúng ta, Ngài mời gọi: Hãy đến với tôi, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức
cho. Chúa không hứa sẽ cất gánh nặng cuộc sống khiến cho con người không phải
lo toan, nhưng Chúa hứa sẽ cho nghỉ ngơi và sẽ bồi bổ sức lực để ta có thể giải
quyết được những khó khăn trong cuộc sống và thêm sức mạnh để chúng ta bước đi
trong niềm vui và bình an. Chúa muốn chia sẻ với mỗi chúng ta, với điều kiện,
là chúng ta đến với Chúa và dám trút gánh nặng cuộc đời cho Chúa. Chúa muốn lắng
nghe lời tâm sự của mỗi người. Giống như cha mẹ có thể nhìn thấu nỗi đau khổ từ
trong ánh mắt con cái, nhưng vẫn muốn con cái đến sà vào lòng mẹ cha, tâm sự và
kể cho cha mẹ nghe nỗi lòng của mình. Thiên Chúa cũng như thế, Ngài muốn giang
rộng đôi tay để ôm chúng vào lòng, truyền cho chúng ta hơi ấm và sức mạnh của
tình thương, Ngài sẽ cảm thông và tha thứ chữa lành các vết thương trong tâm hồn,
Ngài sẽ cùng đồng hành với ta cùng chia sẽ niềm vui nỗi buồn với ta.
Đến
với Chúa còn để học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng. Đau
khổ, gánh nặng của cuộc sống là hậu qủa của sự ngông cuồng ngạo mạn của con người
gây ra cho mình và gây ra cho nhau. Vì sự cao ngạo, con người muốn biến mình
thành kẻ thống trị người khác, muốn mình phải trở thành vua thành người đẳng cấp,
cao cấp hơn người khác. Với sự hung hăng dữ tợn, người ta có thể gây tổn thương
trong tâm hồn mình và tổn thương người khác. Hôm nay Chúa muốn chúng ta giải
quyết những đau khổ gánh nặng của cuộc sống bằng cách mỗi người phải thay đổi
cách nhìn, cách sống của mình, điều khiển những tham vọng thú tính để sống với
nhau theo tình người và tình Chúa.
Không
ai trên trần gian dám đưa mình ra làm mẫu cho người khác, chỉ có Chúa Giêsu,
Ngài là một Thiên Chúa tốt lành quyền năng và cũng là một con người hoản hảo
tuyệt đối, mới có thể mời gọi mọi người: Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và
khiêm nhường trong lòng.
Tiên
tri Dacaria trong bài đọc một đã diễn tả sự khiêm nhường hiền lành của Đấng
Mêsia, chính là Đức Giêsu sau này: Hỡi thiếu nữ Sion, hãy vui sướng reo hò, vì
Đức vua của ngươi đang đến với ngươi, Người là đấng Chính Trực, Toàn Năng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa. Khác với các vua chúa trần gian, muốn thể hiện sức
mạnh uy quyền bằng một dáng vẻ oai phong, ngồi trên lưng chiến mã một cách kiêu
hãnh, Đức Giêsu là Vua Trời Quyền Năng, Đấng Toàn Thắng, lại chỉ xuất hiện
trong dáng vẻ đơn sơ hiền lành, ngồi trên lưng một con lừa, là con vật hiền
lành, con vật chở đồ, con vật của hòa bình. Ngài sẽ giải thoát con người khỏi
chiến trach chết chóc và hận thù là nguyên nhân khiến cho con người đau khổ mỏi
mệt triền miên. Ngài sẽ xây dựng và đem lại một cảnh thái bình viên mãn cho con
người cả trong tâm hồn lẫn thể xác.
Hiền
lành và khiêm nhường không có nghĩa là sống ngu ngơ khờ dại, nhưng khiêm nhường
là biết mình và dám sống thật với con người của mình, không tô vẽ giả tạo.
Khiêm nhường không phải là coi thường khả năng hoặc phẩm giá của mình nhưng là
sẵn sàng đem hết khả năng của mình để cống hiến và phục vụ người khác, là biết
đặt phẩm gia của mình ngang hàng với người khác. Khiêm nhường còn là dám mở
lòng ra để cho Chúa thấy sự thiếu thốn và bất toàn của mình để Chúa lấp đầy và
tha thứ, chữa lành. Cũng vậy, hiền lành không có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ trước
sư ác, sự dữ hoặc trước cái sai, nhưng là biết dẹp bỏ sự nóng giận tự ái, cư xử
với nhau bằng lòng xót thương. Hiền lành để không dùng ác báo ác, không trả thù
trả miếng, nhưng biết sống quảng đại và tha thứ cho những người xúc phạm, làm tổn
thương mình.
Nói
như Thánh Phaolô trong bài đọc hai, học sống sự hiền lành và khiêm nhường theo
gương Chúa Giêsu, trước hết là phải loại bỏ tính xác thịt và những phản ứng
theo bản năng xác thịt mà sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, để cho Thần Khi
của Thiên Chúa chi phối hướng dẫn mọi hành vi lối sống của mình. Tính xác thịt
đưa con người đến sự chết, hành động theo xác thịt, bản năng sẽ gây tổn thương
đau khổ cho nhau, chất gánh nặng lên vai nhau. Sống theo Thần Khí là sống sự đổi
mới. Đón nhận và để cho Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn, tâm hồn ta sẽ trở
nên nhẹ nhàng và cuộc sống con người sẽ được thăng hoa.
Xã
hội này càng ngày càng mất đi những giá trị nhân bản đạo đức và siêu nhiên, nó
kéo con người xuống chỉ sống vì vất chất và cư xử với nhau theo bản năng, vì thế
nó biến con người trở nên như dã thú với nhau, gây đau khổ cho nhau, chất gánh
nặng lên nhau. Khoa học kỹ thuật và sự tiến bộ của nó đã khiến cho con người
ngày càng cao ngạo hơn, nghĩ rằng con người có thể làm được tất cả không cần đến
Thiên Chúa. Tình trạng này khiến cho con người đóng cửa lòng lại trước Thiên
Chúa và cũng đóng cửa lòng lại với nhau, không còn mở ra để đón nhận tình
thương và sự trợ giúp của Thiên Chúa và cũng không mở ra để sẻ chia và cảm
thông với nhau.
Xin
cho chúng ta học nơi Chúa Giêsu sự hiền lành và khiêm nhường để biết cư xử với
nhau như Chúa và xin cho chúng ta cũng tin tưởng ký thác đường đời cho Chúa, để
Chúa nâng đỡ an ủi chúng ta. Amen.