CHỦ NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN
Khi mời gọi chúng ta đến với một tình yêu toàn hảo, Mạc khải ki tô giáo bảo đảm với chúng ta rằng Tình yêu ấy có khả năng sáng tạo vĩnh cửu. Như thế, sự sống có thể trở thành thử thách, nhưng thử thách có một ý nghĩa. Phần chúng ta phải đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và lời đáp trả tuyệt vời nhất được diễn tả hoàn toàn nơi Con người Chúa Giê su. Chính ngang qua cái chết, chúng ta có thể gặp gỡ hoàn toàn với tha nhân và Thiên Chúa.
Sách Khôn Ngoan 18,6-9
Khi đọc lại các biến cố lớn trong Dân Chúa, tác giả muốn nói rằng Lịch sử trần gian có một ý nghĩa. Như cuộc Xuất Hành chẳng những là cuộc giải thoát Israel khỏi ách nô lệ, mà còn là cánh cửa đưa nhân lọai đến một tình trạng tốt hơn, từ nay phản ảnh Vinh quang Thiên Chúa và cho phép khám phá ra Sự Khôn Ngoan đích thực.
Thánh vịnh 32
Đây là Bài Thánh ca ca tụng Thiên Chúa đã tiếp tục công cuộc chân lí, công chính và luật lệ của Người. Những ai quay hướng về Thiên Chúa có thể kín múc nơi Người sức mạnh.
Hr 11,1-2.8-19
Người Ki tô hữu cảm thấy nhớ nhung các hi tế do thái cũ. Tác giả bức thư giải thích cho họ ý nghĩa cách sống của tổ tiên, hướng họ đến tương lai, để tìm kiếm một thực tại mà họ đã thấy từ xa và là Kinh thành của chính Thiên Chúa. Do vậy thực là vô ích khi quay lại quá khứ. Trái lại, phải hướng đến tương lai, sẵn sàng hi sinh mọi sự để tiếp nhận đối tượng của Lời Hứa.
Tin mừng Lc 12,32-48
NGỮ CẢNH
Tiếp liền những lời giảng dạy về việc đoạn tuyệt với của cải, đọan văn nầy gom góp một vài lời giáo huấn của Chúa Giê su về: giáo hội (12,32), về việc bố thí (12,33-34), về việc phải tỉnh thức chờ Chúa trở lại (12,35-48).
TÌM HIỂU
Đoàn chiên bé nhỏ: đó là đòan dân Thiên Chúa đối với mục tử của mình (Êd 34; Tv23). Nhóm các môn đệ cũng là đòan chiên bé nhỏ đối với Chúa Giê su, nên họ là đối tượng của tình yêu và sự che chở. X. Cv 20,28. Tính từ “bé nhỏ”, được Chúa Giê su dùng ở đây, diễn tả thực tại khiêm nhường nhỏ bé của đoàn chiên Ngài. Nhưng, chính vì bị giới hạn như thế mà đoàn chiên nhận được lời hứa.
Đã vui lòng: x. Lời cầu nguyện của Chúa Giê su (10,21). Có thể tất cả đọan nầy đặc biệt nhắm đến các môn đệ được sai đi vào sứ vụ.
Bố thí: x. 11,41 và 16,9.
Kho tàng: câu nầy như là một câu kết luận: người ta không thể phân chia tâm hồn của mình; Thiên Chúa là đấng hay ghen tương; Nước Thiên Chúa không chấp nhận sự cạnh tranh (16,13). Kho tàng đích thực của người môn đệ Đức Kitô được giấu kín với Đức Ki tô trong Thiên Chúa (Cl3,3).X.10,20.
Thắt lưng cho gọn: cách ăn mặc của người đang làm việc, nhưng cũng là của người Híp pri khi cử hành lễ Vượt Qua (Xh 12,11). Đèn cháy sáng báo trước Chúa sẽ đến giữa đêm; cuộc Xuất hành cũng xảy ra giữa đêm tối (Xh 14,20-24) và cũng trong đêm mà người ta cử hành lễ Vượt Qua; việc đi vào Nước Chúa là đi trong ánh sáng của ngày không cùng: “Đêm đã gần tàn và ngày gần đến” (Rm 13,12).
Chủ đi ăn cưới về: Chúa Giê su tự đồng hóa với ông chủ (x. c.40: Con Người). Giữa việc Ngài ra đi (9,310) tương ứng với việc Người chồng bị đem đi (5,35) và việc Ngài trở lại có một quãng cách, mà chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi.
Gõ cửa: “Nầy đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Đang tỉnh thức: khi Chúa trở lại, Ngài sẽ thấy người ta đang hết lòng tin tưởng canh thức (1 Cr 16,13; 1Tx 5,4-8) chăng? Đây là việc canh thức để đi vào thế giới mới là Ngày của Chúa. Cần phải canh thức như người Híp pri tưởng niệm họ được giải phóng khỏi Ai cập bằng việc canh thức đêm Vượt qua (Xh 12,42).
Chủ sẽ thắt lưng: chi tiết nầy, của riêng Lu ca là một trong những kiểu nói lạ lùng nhất trong Tin mừng của ông. Ông chủ sẽ thay vị trí các đầy tớ trong bửa tiệc đám cưới (22,27; Kh 19.9).
Một vì Thiên Chúa trong tư thế một người nô lệ: đây không phải là một mạc khải lạ lùng của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho lòai người sao? Trong Ga 13 (Chúa Giê su rửa chân), như trong Pl 2,6-8, chúng ta tìm thấy cũng một hình ảnh Chúa Giê su tôi tớ ấy. Tuy nhiên ở đây chúng có một một cách diễn tả chính xác hơn bởi vì được lồng vào lúc hoàn tất của Nước Chúa vào lúc cuối thời gian.
Kẻ trộm đến: nếu một chủ nhà có thể để mình bị kẻ trộm bắt chợt, thỉ chúng ta cũng có thể bị nguy cơ bị bắt chợt trong ngày Chúa đến.
Người quản lí: Chúa Giê su không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của ông Phê rô, nhưng dường như Ngài nghĩ đến các “người quản lí các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1), những vị đang thi hành một chức vụ trong Giáo Hội (1Pr 4,10). Các ngài phải quản lí của cải của Nước bằng cách quan tâm đến lợi ích thiêng liêng của đòan dân. Được chọn lựa giữa các môn đệ trung thành hơn và khôn ngoan hơn, họ phải tỏ ra có khả năng điều hành những kẻ khác với tất cả nỗ lực của mình. Họ sẽ được đối xử một cách nghiêm khắc hơn, bởi vì họ đã lãnh nhận nhiều hơn: ai tỉnh thức, Thiên Chúa sẽ giao phó mọi của cải của Người, nhưng sẽ từ khước những kẻ nghiêm khắc với kẻ khác, lười biếng và dễ dãi đối với bản thân mình (x. 8,14;12.19).
Do đó, Phê rô và tất cả những ai có một nhiệm vụ trong Giáo Hội sẽ được đối xử như các bạn bè ông được đối xử. Đó là những điều được Phao lô nhắc nhở (Cv 20,28-31) và được Phê rô khuyên nhủ cho các kì mục (1Pr 5,1-4).
SỨ ĐIỆP
Các bài đọc ngày chủ nhật hôm nay đều nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc đời không phải là một vòng tròn đóng kín. Lịch sử trần gian hướng đến tương lai. Đó là tin mừng mà chúng ta tìm thấy trong toàn bộ Thánh Kinh. Thiên Chúa đã ban cho ông Abraham một lời hứa quan trọng. Dù trải bao thăng trầm trong cuộc sống, Abraham, Isaac và Gia cóp đã tin vào lời hứa ấy, và đã nuôi hưỡng niềm hi vọng con cháu họ. Theo mẫu gương sống của các vị tổ phụ nầy thì tin tức là chấp nhận tin tưởng mà không hiểu gì cả.
Là những người Ki tô hữu hôm nay, chúng ta là những người thừa kế lời Thiên Chúa hứa. Đó chính là tin mừng mà chúng ta loan báo trong mỗi Thánh lễ: “Chúng con chờ đợi vinh quang của Chúa hiện đến”. Tin mừng nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê su sẽ trở lại. Cả cuộc sống của chúng ta là để chuẩn bị cuộc gặp gỡ quyết định đó với Ngài. Chúng ta được mời gọi chuẩn bị cho biến cố đó như là một ngày đại lễ với lòng kiên trì và thái độ tỉnh thức của người đặt trọn niềm tin vào lời Chúa hứa. Và chúng ta đừng quên rằng chuẩn bị cho một cuộc lễ, không phải là việc làm của một cá nhân riêng lẻ, nhưng của cả một nhóm. Vì thế chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lớn với Đức Ki tô, đó là sứ mạng của toàn thể Giào Hội và của mỗi phần tử chúng ta.
Nguy cơ lớn nhất, đó là chúng ta ngủ quên, là xây dựng cuộc sống của chúng ta trên những giá trị không thực hữu. Chúng ta sống trong một tình thế bất an, trong một thời khắc đầy bất định của ngày mai khiến ai trong chúng ta đều ngại dấn thân. Trung thành với sự dấn thân là một điều khó giữ, vì nó là một cuộc chinh phục hằng ngày cần phải kiên trì và củng cố.
Nhưng trong cuộc chiến nầy, chúng ta không cô đơn. Chúa ở với chúng ta để đồng hành và hướng dẫn chúng ta. Ngài hiện diện khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta tiếp nhận Lời Ngài và nhất là khi chúng ta họp nhau để cử hành lễ Tạ ơn. Lời nhắn nhủ quan trọng nhất mà Ngài để lại cho chúng ta là hãy tỉnh thức, chú ý đến các dấu chỉ sự hiện diện và tình yêu Ngài. Ngài mời gọi chúng ta thức tình và sẵn sàng phục vụ vì Ngài sẽ trở lại vào lúc chúng ta không ngờ. Không có thời gian ngừng nghỉ cũng như không có vấn đề về hưu sớm trong việc đi theo Đức Ki tô. Trái lại, phải luôn trong tư thế truyền giáo và phục vụ trong suốt cuộc sống chúng ta. Điều đó đòi chúng ta phải chú ý và thức tỉnh thường xuyên.
Nhưng cần phải hiểu rõ: sự trung thành mà Chúa chờ đợi chúng ta không phải là sự dửng dưng đầy lạnh lùng viện cớ cuộc sống bị chi phối bởi nhiều nguyên tắc. Nó cũng không bao gồm trong những tình cảm suông. Trái lại, nó đòi hỏi nhiều nghị lực và can đảm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó hệ tại ở tình yêu. Sự trung thành của chúng ta phải được hình thành trong một tình yêu. Nếu không như thế thì đời sống chúng ta sẽ trống rỗng. Chính tình yêu hằng ngày của chúng ta đối với những người chung quanh đem lại giá trị cho cuộc sống trần gian.
Một cách cụ thể, điều đó có nghĩa là chúng ta quan tâm nhiều hơn đến những người chung quanh. Chính đó là nơi mà Chúa chờ đợi chúng ta. Và chắc chắn, chúng ta không quên những người đau yếu, những người dễ bị tổn thương. Khi Chúa đòi chúng ta phải sẵn sàng phục vụ, Người muốn mời gọi chúng ta phục vụ tất cả những người mà Người đặt trên đường chúng ta, vì khi tiếp đón họ, chính là cách chúng ta đi về quê hương mà Ngài đã hứa cho chúng ta.
Đôi khi chúng ta bị cám dỗ vì mệt mõi, vì bi quan hay thất vọng. Chúng ta cũng có thể để mình buông theo những thái độ quá khích, bị lôi cuốn bởi những lời nói thâm độc vì ác ý. Chúng ta cũng có thể để mình bị ảo tưởng bởi đủ mọi thứ cám dỗ tìm cách lôi kéo chúng ta khỏi điều cốt yếu. Tỉnh thức, đó chính là ý thức tất cả những nguy hiểm đó và làm mọi cách để tránh xa. Nhưng nếu chúng ta bị sa ngã, Chúa luôn luôn hiện diện để mời gọi chúng ta chỗi dậy và đi về với Ngài với cả tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta thực sự muốn, thì bí tích hòa giải vẫn luôn mời gọi chúng ta. Với Chúa, luôn luôn có thể đứng dậy và trở về để phục vụ. Mong muốn lớn nhất của Người là thiết lập một vương quốc tình yêu và công chính bằng đôi tay bé nhỏ của chúng ta.
Chúa còn dạy chúng ta: “Hãy cầm đèn cháy sáng trong tay”. Chiếc đèn đó chính là đèn tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Ngài. Có thể sẽ có những bão táp trong cuộc đời khiến cho ánh sáng đèn bị tắt. Nhưng Chúa luôn luôn chuẩn bị đặt sẵn trên đường chúng ta những người cần thiết để khơi lại trong chúng ta ánh sáng đến từ Người. Để rồi chính chúng ta, chúng ta có thể truyền lại ánh sáng ấy cho những ai đang tìm kiếm. Cùng nhau và với nhau, tất cả chúng ta được Chúa gọi và sai thi hành sứ mạng ấy.
“Anh em hãy tích trử cho mình một kho tàng trên trời!”. Ai trong chúng ta đều cho rằng kho tàng là tất cả những việc lành mình đã làm. Nhưng điều quan trọng nhất lại ở chỗ khác. Cái “kho tàng ở trên trời” là chính Thiên Chúa. Với Người chúng ta phải trở nên giàu có bằng chính sự giàu có của Thiên Chúa. Nhưng để chiếm hữu kho tàng ấy, phải có một điều kiện: đó là một tâm hồn của người nghèo, là đoạn tuyệt với tất cả những gì phù phiếm và sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa.
Khi lên rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta kín múc từ nơi Ngài sức mạnh cần thiết để được trung thành trong việc phục vụ của chúng ta. Chúng ta trở nên Mình Đức Ki tô. Đó chính là ánh sáng của chúng ta..