Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 19


SỬA LỖI

t4-t-19.jpg

Trong việc sửa lỗi cho nhau, Chúa Giêsu đi từng bước một: từ việc khuyên bảo trực tiếp nhưng kín đáo với người có lỗi, sau đó mới mời thêm hai ba nhân chứng, và cuối cùng mới đưa họ đến với Hội Thánh. Việc sửa lỗi cần có sự hỗ trợ của nhiều người.

Trong một tập sách nổi tiếng thời nhà Minh có ghi lại câu chuyện về cách xử thế khôn ngoan của Vua Thuấn như sau. Vua Thuấn thấy một số những thanh niên đánh cá ở một cái đầm lớn luôn tranh giành nhau chỗ nước sâu có nhiều cá, còn người già yếu phải tìm chỗ nước cạn chảy xiết và có ít cá. Vốn là người khéo dụng công, vua không lên án những người hay tranh giành nhưng bước đến nhẹ nhàng khen ngợi những người biết nhường chỗ tốt cho người khác. Thấy vậy, dần dần người ta cảm thấy xấu hổ và nhường nhịn nhau mà không tranh giành nữa. Hành động của vị vua này quả là khôn khéo, chẳng phải tốn nhiều lời mà vẫn khuyên bảo, giáo hóa được lòng người. Ông không dùng lời nói để lên án chỉ trích mà dùng chính bản thân mình làm gương cho người khác tự sửa đổi.

Sửa lỗi là một việc làm rất khó bởi lẽ chúng ta thường không dễ dàng chấp nhận mình là người có lỗi. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta phải biết khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của mình và xin ơn “biết xấu hổ” về những hành vi sai trái. Đây là bước khởi đầu cho tiến trình thức tỉnh về bản thân để trở nên hoàn thiện.

Điều chính yếu của việc sửa lỗi là phải dựa trên tình thương yêu và lòng tha thứ. Khi không có tình thương, người ta dễ dàng biến cọng rơm thành cái xà (x. Mt 7,3-15), thổi bùng cơn giận và gây ra biết bao hệ lụy khôn lường. Nói cách khác, khi chúng ta kinh nghiệm và mở lòng ra với một tình yêu lớn hơn, thì mọi sự khác sẽ trở thành một phần của tình yêu ấy (Romano Guardii). Ngọn lửa giận sẽ biến thành lửa mến, mọi rác rưởi sẽ được dọn sạch, được sắp xếp ổn thỏa. Sự thù hận, ghen ghét làm cho người ta xa cách và loại trừ nhau, còn đức mến hàn gắn đưa người ta đến gần nhau hơn.

Trong mỗi chúng ta luôn có khuynh hướng nhìn thấy rõ những lỗi phạm của người khác nhưng lại “mù lòa” về chính mình. Với thánh Phaolô tông đồ, con người luôn bị giam cầm trong u mê tội lỗi nên cần phải được khai thị để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa, tức là Đức Kitô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết (x. Cl 2,2-3). Thiên Chúa có nhiều cách để sửa lỗi đưa dẫn chúng ta từ chốn tối tăm vào miền ánh sáng, từ kiếp nô lệ thành người tự do. Nhờ cuộc phục sinh của Đức Kitô, mọi thứ xiềng xích của tội được tháo gỡ, thay vào đó là sợi dây công chính gắn kết chúng ta vào với thập giá cứu độ, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (x. Rm 5,5).

Nhân loại chúng ta đã được sinh ra trong tội lỗi và luôn mang nơi mình những dấu vết di chứng của tội lỗi. Tội lỗi đã làm con mắt chúng ta ra mờ tối và không nhận ra sự hiện diện của Chúa. Chúng ta chối bỏ Thiên Chúa hằng sống để tôn thờ ngẫu tượng, đem chân lý đổi lấy dối trá. Trái tim vốn sẵn hạt mầm yêu thương hướng về Chúa nay lại mù tối hướng về satan, yêu chuộng trần gian, đi tìm thứ hạnh phúc tạm bợ ngoài Thiên Chúa khiến tâm hồn chúng ta ra cằn cỗi. Vì thế, Thiên Chúa đã đi một bước vạn dặm của tình yêu, mặc lấy bản tính loài người để cho chúng ta được thông dự vào bản tính Thần Linh. Nhìn vào cuộc đời và con người Đức Giêsu, chúng ta mới hiểu thế nào là tình yêu. Người đã đến làm bạn với những người nghèo khổ đau bệnh. Người không kết án các tội nhân nhưng mở cho họ con đường sống. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô số phận của con người đã được thay đổi, từ hư vô trở nên vĩnh hằng, từ mục nát trở thành bất tử.

Là con người, ai trong chúng ta cũng có những lầm lỗi yếu đuối nên mỗi người phải học cách khoan dung tha thứ để tránh làm tổn thương cho người khác. Khoan dung tha thứ là liều thuốc tốt để giải trừ oán hận. Hãy tha thứ cho nhau vì chúng ta đã được Thiên Chúa thứ tha “Nếu anh em tha thứ cho người ta thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6,14). Như vậy tha thứ có một hệ lụy nhất định, chúng ta chỉ lãnh nhận được ơn tha thứ từ Thiên Chúa khi chúng ta biết tha thứ cho người khác. Ngược lại nếu chúng ta khư khư giữ lấy oán thù trong lòng nghĩa là chúng ta đang từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Khuyết điểm của chúng ta là dễ dàng kết án và thù hận người khác mà quên rằng chúng ta cũng là người yếu đuối luôn cần được tha thứ. Đừng tự trói buộc bản thân mình vào những u sầu phiền não để rồi mất hết tự do, mất đi khả năng yêu thương. Hãy thiết lập mối quan hệ và đối xử thân ái với mọi người xung quanh.

Cuộc đời con người là những chuỗi ngày tội lỗi và phản bội lại tình yêu Thiên Chúa. Như người cha nhân lành, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn mời gọi chúng ta hoán cải trở về. Chúa không nỡ nào tiêu diệt cỏ lùng trong ruộng lúa nhưng cho chúng lớn lên chờ đến mùa gặt. Hơn ai hết Thiên Chúa biết chúng ta yếu đuối nên Người hằng chờ đợi và tạo cho chúng ta cơ hội tốt để trở về như lời ngôn sứ Êdêkiel đã quả quyết “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33,11). Qua các bí tích, Giáo hội chính là cửa ngõ để chúng ta trở về giao hòa với Thiên Chúa và tha nhân. Điều kiện để lãnh nhận ơn tha thứ là phải có niềm tin và thật lòng ăn năn sám hối.

Hành động tội lỗi xấu xa bao nhiêu thì thái độ ăn năn sám hối cao đẹp hơn bấy nhiêu. Nếu tội lỗi hủy hoại sự sống thế nào thì ơn tha thứ của Thiên Chúa tái sinh sự sống thế ấy. Nói cách khác ơn tha thứ chính là ơn cứu độ. Một khi lãnh nhận ơn tha thứ là chúng ta được sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa. Khi chưa được tha thứ là chúng ta còn đang ở trong tình trạng tội lỗi.

Sống là bước tiếp, là đi tới. Chúng ta hãy vượt qua những cảm xúc buồn khổ tiêu cực hướng tới những điều tích cực. Đừng tự dằn vặt mình với những nỗi buồn cỏn con vụn vặt. Hãy tập bộc lộ, sống cởi mở chia sẻ với người khác những nỗi u uất trong lòng, cách đó giúp chúng ta vượt qua nỗi buồn để tận hưởng được niềm vui lớn lao. Tha thứ cho người cũng là tha thứ cho chính mình.

Lạy Chúa Giêsu, biết bao lần chúng con xúc phạm đến Chúa nhưng Chúa luôn quảng đại tha thứ, xin cho chúng con cũng biết tha thứ cho người khác hầu xây dựng mối tương quan huynh đệ đằm thắm. Chúa đã không để chúng con phải hư mất trong tội lỗi nhưng ban ơn tha thứ để chúng con được sống trong ơn sủng bình an của Chúa. Amen. 

Nt. M. Anh Thư, OP

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIX Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ hai Tuần XIX Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIX Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIX Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIX Thường niên - Duyên Trần

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIX Thường niên - Bertrand Nguyễn Thanh Hoài, CSF.
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIX Thường niên - Lm. J.P
     Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên-Trích Mỗi Ngày Một Niềm Vui
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên - Fr. Jude Siciliano, op
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIX Thường Niên - Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIX Thường Niên Năm A-Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.