TÔN TRỌNG VÀ YÊU THƯƠNG NGƯỜI BÉ MỌN
LỜI CHÚA: Mt 18, 1-5. 10. 12-14
1Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa
Giêsu mà hỏi: "Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" 2Chúa
Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông 3mà phán rằng:
"Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các
con sẽ không được vào Nước Trời. 4Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ
này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.5"Và kẻ nào đón
nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy.
10Các con hãy coi chừng, đừng khinh
rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng
trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Ðấng ngự trên trời.
12"Các con nghĩ sao? Nếu ai có
một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín
con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? 13Nếu người đó tìm được,
Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín
con chiên không thất lạc. 14Cũng vậy, Cha các con trên trời không
muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất".
SUY NIỆM:
Muốn
vào Nước Trời, phải trở nên như trẻ thơ, và biết tôn trọng, yêu thương những
người bé mọn.
1.Người nhỏ bé, thường bị coi
thường, khinh chê.
Trẻ em
bé bỏng, dễ thương, ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, kính trọng người lớn. Nhưng
nhiều trẻ em cũng bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động, đánh đập và
xua đuổi.
Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng bảo vệ các trẻ
em bị bóc lột lao động: “Thứ
Sáu tới, ngày 12-06-2020, là Ngày thế giới chống lại sự bóc lột sức lao động
trẻ em. Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên trong các gia đình trong cảnh đói
nghèo buộc phải làm việc cực nhọc. Đây là những hình thức nô lệ và tù đày, với
hậu quả là sự đau khổ về thể xác và tâm lý. Tất cả chúng ta chịu trách nhiệm về
điều này.
ĐTC còn nói: Tôi kêu gọi các tổ chức đưa ra mọi nỗ lực để bảo vệ trẻ vị thành niên…
Trẻ em là tương lai của gia đình nhân loại: tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển, sức khỏe và sự thanh bình cho các em!
(Vatican News).
Theo Báo Pháp luật, ngày 28-05-2020, cho
biết: “Ngày 27-5, Quốc hội (QH) đã dành cả
ngày làm việc để thảo luận về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực
hiện chính sách, pháp luật về
phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Trình bày báo
cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn giám sát, cho biết
chỉ trong vòng năm năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6-2019), có 8.442 vụ
với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.
Báo cáo giám
sát cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ ngày càng gia tăng, đặc biệt là các vụ xâm
hại tình dục. Trung bình mỗi ngày có bảy trẻ em bị xâm hại tình dục, một năm có
38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và có
84 trẻ em bị mang thai. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là hai trong 10 địa phương
có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước…”
Là những người có trách nhiệm như cha mẹ
trong gia đình, thầy cô nhà trường và đặc biệt, toàn xã hội cần phải có biện
pháp để bảo vệ trẻ em, và giúp trẻ em được sống và trưởng thành trong một môi
trường, điều kiện tốt nhất…
Chúa
Giêsu đưa một em bé đứng giữa các môn đệ, và mời gọi các ông hãy nên giống như
em nhỏ này, mới xứng đáng vào Nước Trời.
“Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước
Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước
Trời.”
Trẻ em có cuộc sống dễ thương,
không chỉ vì chúng ngây thơ, vô tội, mà còn vì chúng hoàn toàn tin tưởng, cậy
dựa vào cha mẹ. Trẻ em thành thật, không tính toán, mưu mẹo, tham lam, gian
xảo, lừa đảo, bất công. Trẻ em là hình tượng lý tưởng mà Chúa Giêsu muốn các
môn đệ phải nên giống như chúng.
Sống tâm hồn trẻ thơ là luôn tin tưởng, phó
thác vào Thiên Chúa tình yêu, như thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu đã sống.
2.Từ một trẻ em ngây thơ, trong
trắng, Chúa Giêsu hướng chúng ta đến những kẻ bé mọn, những người nghèo khổ
trong xã hội.
Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta phải tôn trọng, yêu thương những người bé mọn. “Các
con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này.”
Hình ảnh người bé mọn ở đây là
những người nghèo khổ, thiếu thốn, không nơi nương tựa, bị bóc lột, bị bỏ rơi,
bị khinh chê, ruồng bỏ. Họ là những người khốn khổ trong mọi xã hội của loài
người.
Tôn trọng thôi chưa đủ, mà còn
phải giúp đỡ, chia sẻ với tình yêu thương, với lòng kính trọng. “Kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì
danh Thầy, tức là đón nhận Thầy.”
Yêu thương, giúp đỡ, phục vụ
những con người nhỏ bé này, vì nhân phẩm của họ bị chà đạp, trong khi họ cũng
là con người, là đồng loại của ta.
Yêu thương họ, giúp đỡ họ là làm
cho Chúa. Những người nghèo, người bé mọn là hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Hình ảnh công nương Diana gần
gủi, ôm ẵm một em bé người Phi Châu; một hình ảnh Mẹ Têrêsa Calcutta thương cảm
những người bị bỏ rơi ngoài đường phố Ấn Độ; một hình ảnh Đức Cha Gioan
Cassaign sống gần gũi những người cùi tại Di Linh, Lâm Đồng…có đánh động chúng
ta hay không? Tôi sẽ làm gì để chia sẻ cho những người nghèo khổ xung quanh
mình, kể cả việc quan tâm, bảo vệ những trẻ em, tránh khỏi những lạm dụng của
người lớn….?
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta cần tôn trọng, yêu thương và phục vụ những người bé mọn, chính là sống
tình liên đới, hiệp thông và chia sẻ, không laoị trừ một ai.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho
chúng con có một trái tim nhạy bén, để biết đón nhận và quan tâm giúp đỡ những
người bé mọn, biết yêu thương và tôn trọng những anh chị em nghèo khổ, yếu đuối
xung quanh chúng con. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang