NHẬN RA SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA
LỜI CHÚA Mt 14, 22-33
(22)
Ðức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người
giải tán đám đông. (23) Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng
lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình, (24) còn
chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió.(25)
Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. (26)
Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!",
và sợ hãi la lên. (27) Ðức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm,
chính Thầy đây, đừng sợ!" (28) Ông Phêrô liền thưa với Người:
"Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà
đến với Ngài". (29) Ðức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!" Ông
Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. (30)
Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa
Ngài, xin cứu con với!" (31) Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông
và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" (32)
Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. (33) Những kẻ ở trong
thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!"
SUY NIỆM:
Tình hình dịch bệnh
do virus corona gây ra vẫn đang gây nhiều đau khổ, chết chóc cho các quốc gia.
Số người nhiễm bệnh lên đến hàng triệu người, số người chết lên đến hàng trăm
ngàn người, nhiều hơn số người chết trong những cuộc chiến tranh. Trước đại họa
kinh hoàng như thế, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu khi chúng ta đau khổ? Thiên Chúa ở đâu khi con người
đang phải sợ hãi đối diện với đại dịch này?”
Thiên Chúa vẫn ở
bên những người thành tâm tìm kiếm Ngài. Ngài vẫn ở bên những người đau khổ để
nâng đỡ, an ủi và sẻ chia. Sở dĩ con người không nhận ra sự hiện diện ân cần của
Chúa, là vì họ chỉ lo gào thét kêu trách mà không bình tâm để kiếm tìm và lắng
nghe tiếng Chúa. Đó cũng là điều Lời Chúa hôm nay muốn trả lời cho chúng ta.
Câu chuyện tiên
tri Êlia trong bài đọc một là một minh chứng về sự hiện diện của Chúa. Sau khi
đương đầu với hoàng hậu Giêzabel, vợ vua Akhát và chiến thắng các sư sãi của thần
Baal, ông bị hoàng hậu truy đuổi. Ông đã nghe theo Lời Chúa, trốn lên núi
Horeb. Trong lúc một mình cô quạnh trên núi, ông bị dằn vặt bởi cám dỗ rằng:
ông đã hoàn toàn làm theo lệnh Chúa, ông đứng ra bảo vệ Danh Chúa, mà tại sao
ông lại rơi vào tình trạng khốn khổ này? Chúa có còn ở bên ông không hay Ngài
đã bỏ rơi ông rồi? Thiên Chúa như thấu hiểu nỗi lòng của Elia. Ngài muốn tỏ
mình ra cho ông được gặp Ngài. Thiên Chúa nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi. Kìa Đức Chúa đang đi qua”.
Tuy nhiên, khi một
cơn bão đi qua xẻ núi non, đập vỡ tảng đá lớn, nhưng Chúa không ở trong cơn gió
bão. Sau đó là động đất rung chuyển núi non, Chúa cũng không ở trong cơn động đất.
Sau động đất là lửa, Chúa cũng không ở trong lửa. Khi chiều đến, một cơn gió
hiu hiu thoáng qua, Elia nhận ra Chúa, ông lấy áo choàng che mặt, ra cửa hang
đón Chúa. Sự hiện này nói lên điều gì? Thưa, con người thường cho rằng, Thiên Chúa
sẽ hiện diện qua những gì lớn lao mạnh mẽ như gió bão. Ngài sẽ xuất hiện làm
rung chuyển núi non. Ngài phải làm một cái gì đó thật khác thường. Nhưng khác với
suy nghĩ của con người, Thiên Chúa hiện diện, khích lệ con người cách nhẹ nhàng
và rất đỗi bình thường. Ngài không làm những điều khác thường, Ngài hiện diện để
nâng đỡ, trợ lực cho Elia chỉ qua cơn gió hiu hiu ban chiều.
Để nhận ra Chúa
qua cơn gió hiu hiu ban chiều ấy, chắc chắn Elia đã phải để cho tâm hồn mình lắng
xuống trong sự bình an. Ngược lại, một khi tâm hồn bất an, hoặc một tâm hồn nổi
loạn kêu gào oán trách Chúa, thì khó có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa ở bên
mình. Chỉ những ai sống trong sự bình tâm, thinh lặng, cầu nguyện và suy gẫm,
nhìn lại các biến cố đang diễn ra trong cuộc đời mình, người ấy sẽ nhận ra bàn
tay Chúa vẫn ân cần như người mẹ lo cho con cái, tế nhị nhẹ nhàng như cơn gió
thoảng giữa trưa hè.
Bài Tin Mừng hôm nay
kể về một cơn sóng gió ập xuống trên con thuyền của Phêrô và các tông đồ. Câu
chuyện xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho năm
ngàn người ăn no. Dân chúng lúc đó hết sức ngỡ ngàng và khâm phục thầy trò của
Chúa. Để tránh cho các môn đệ rơi vào ảo tưởng, chờ đợi hoặc tìm kiếm lời ca ngợi
từ dân chúng, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các tông đồ âm thầm rút lui qua bờ bên
kia, còn Chúa thì giải tán đám đông, sau đó Ngài lên núi cầu nguyện một mình.
Thánh Matthêu kể
lại rằng vào lúc tối đến, Ngài vẫn ở đó cầu nguyện, còn thuyền thì đã đi xa bờ
mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Con thuyền này không chỉ là con thuyền
lúc đó đang trên hồ Tiberia, mà còn là hình ảnh của con thuyền Giáo Hội. Tin Mừng
muốn nói rằng, một khi không có Chúa trên thuyền, thì những cơn gió bão ngược với
Tin Mừng do ma quỷ gây ra sẽ gây bao sóng gió cho con thuyền Giáo Hội. Vào lúc
canh tư (tức 1-2g sáng) Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Chúa
bước trên sóng gió mà đến với các ông đang lúc các ông vất vả, lo sợ vì phải chống
chọi với gió bão lúc đêm khuya. Sóng gió là hình ảnh của các thế lực ma quỷ, tội
lỗi và sự dữ. Biển cả là nơi chúng cư ngụ. Chúa Giêsu đã thể hiện quyền năng của
Ngài bằng việc bước trên chúng mà đến với các môn đệ.
Chúa Giêsu xuất
hiện rất đúng lúc, ngay khi các ông đang gặp khó khăn thử thách. Tuy nhiên
trong lúc hốt hoảng như vậy, các môn đệ đã không nhận ra Chúa Giêsu. Họ sợ hãi
la lên: “Ma kìa!” Chúa Giêsu đã trấn
an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng
sợ!” Điều này cho thấy rằng, dù các tông đồ rất thân thiết với Chúa, nhưng
trong lúc sóng gió, các ông cũng không nhận ra sự hiện diện của Chúa. Các tông
đồ đã để cho sự sợ hãi làm mờ mắt của mình, để cho sự hốt hoảng làm tê liệt tâm
hồn, khiến họ không nhận ra Chúa. Nhưng quan trọng hơn, các tông đồ dù mới chứng
kiến quyền năng của Chúa qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng dường như các ông
vẫn chưa xác tín tuyệt đối vào quyền năng của Thầy, cụ thể là Phêrô đã thưa: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền
cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Ngài”. Chúa Giêsu đã đáp lại Phêrô: “Cứ đến!”
Việc Phêrô xin được
bước đi trên mặt nước để đến cùng Chúa, như là ông muốn thử quyền năng của người
đang bước trên biển để đến với ông. Đồng thời, việc Chúa Giêsu cho ông bước trên
mặt nước để đến với Ngài, như để thử lòng tin của ông. Phêrô đã thất bại, sự sợ
hãi đã đè bẹp đức tin nhỏ bé của ông. Mặc dù Chúa cho ông thấy quyền năng của
Chúa, nhưng ông lại không cho Chúa thấy đức tin của ông. Mặc dù Chúa đang đứng
trước mặt ông, nhưng ông vẫn chưa đủ lòng tin, ông bước đi trong sợ hãi vì sóng
gió quá lớn. Vì thế sóng gió và sự sợ hãi đã kéo ông xuống khiến ông bắt đầu
chìm. Nhưng rất may, trong lúc bị chìm như thế, ông vẫn còn vùng vẫy và kêu cứu
với Chúa: “Thầy ơi, xin cứu con với! Chúa
đã đưa tay ra kéo ông lên và nói:
Kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi!” Điều
này cho thấy một thực tế là, sự sợ hãi và thử thách có thể khiến chúng ta nghi
ngờ về sự hiện diện của Chúa, có thể làm lung lạc đức tin của chúng ta. Khi Thầy
trò đã lên thuyền, thì gió lặng. Các môn đệ bái lạy Người và tuyên xưng: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”. Điều
này cho thấy có Chúa trong tâm hồn và có Chúa trong chiếc thuyền cuộc đời sẽ
không có sóng gió khó khăn nào có thể đe dọa người môn đệ của Chúa.
Thưa quý OBACE,
con thuyền Giáo Hội luôn bị tấn công bởi ma quỷ và sự dữ, các môn đệ của Chúa
luôn bị sóng gió đe dọa nhấn chìm. Các cơn gió ngược của các trào lưu mê tín, lạc
giáo, lệch lạc đang khiến cho nhiều tín hữu chao đảo trong đức tin, hồ nghi vào
sự hiện diện của Thiên Chúa. Những lúc gặp khó khăn thử thách, đừng sợ hãi,
cùng đừng dễ dàng buông xuôi, nhưng hãy tin tưởng kêu lên như Phêrô: “Thầy ơi cứu con với!” đồng thời đưa tay
ra để cho Chúa nắm lấy và kéo ta lên. Đừng chỉ kêu là mà không đưa tay ra cho
Chúa, Chúa sẽ không làm gì được nếu chúng ta không đưa tay ra cho Ngài.
Có nhiều lúc
chúng ta để cho chiếc thuyền cuộc đời và chiếc thuyền gia đình vắng bóng sự hiện
diện của Chúa. Lúc đó, ma quỷ sẽ chớp thời cơ, lợi dụng để gây sóng gió và sức
ép trên gia đình, làm lung lạc đức tin và nhằm nhấn chìm chúng ta. Vì thế, điều
cần thiết là đừng bao giờ để cho công việc, vui chơi giải trí hoặc những lo
toan cơn áo đời thương chiếm hết chỗ của Chúa trong gia đình, đừng để cho ma quỷ
thừa cơ lợi dụng, vì khi không có Chúa sự bất an bất ổn sẽ xảy đến trong gia
đình.
Những lúc gặp khó
khăn thử thách, đừng kêu gào oán trách, khiến ta khó nhận ra sự hiện diện nâng
đỡ của Chúa, nhưng cần bình tâm, suy gẫm và cầu nguyện, ta sẽ nhận ra Chúa đang
nhẹ nhàng ở ngay bên để nâng đỡ, sẻ chia và giải gỡ khó khăn cho chúng ta. Có
nhiều lúc gặp thử thách, ta tưởng như mình phải chèo chống một mình, nhưng thực
ra Chúa đang bước đến bên ta, đang hiện diện trong cuộc đời để gìn giữ ta, có
điều, ta chỉ có thể nhìn và nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin mà thôi.
Xin Chúa thêm đức
tin cho mỗi người, giúp chúng ta luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc
đời dù lúc vui hay buồn, dù thành công hay lúc khó khăn thử thách. Xin Chúa trợ
giúp để chúng ta không bị chìm ngập trong sợ hãi nhưng luôn tin tưởng kêu lên với
Chúa: “Thầy ơi, xin cứu con với!” Chắc
chắn Chúa sẽ đưa tay ra và kéo chúng ta lên, trả lại cho chúng ta sự bình an.
Amen.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí