Suy Niệm Lời Chúa Thứ
Năm
LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
« Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả »
Lời Chúa : Lc 1, 39-56
39
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc
Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.
41 Bà
Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và
bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng:
"Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang
cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với
tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa
con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin
rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
46
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh
hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà
Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Suy Niệm
Đức Maria, trong lời ca tụng
bất hủ, vì lời ca tụng của Mẹ trở thành lời ca tụng hằng ngày của chúng ta
trong giờ Kinh Chiều, đã nói cho mọi người thuộc mọi thế hệ, trong đó có chúng
ta hôm nay, về Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của Mẹ :
« Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả »
Và trong ngày lễ hôm nay,
chúng ta tưởng nhớ một trong những điều cao cả, Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, đó là
ơn huệ « Lên Trời ». Ơn huệ « Lên Trời » có lẽ là một trong
những điều cao cả nhất và nhiệm mầu nhất mà Mẹ đã nhận được từ tình yêu nhưng
không của Thiên Chúa ; tuy nhiên, trình thuật Tin Mừng của ngày lễ tôn
vinh hồng ân « Lên Trời » của Đức Mẹ lại mời gọi chúng ta chiêm ngắm
một hành trình rất đỗi đời thường : « Hồi ấy, Đức Maria lên đường,
vội vã… » đi thăm viếng !
Vì thế, Lời Chúa trong ngày
lễ tôn kính trọng thể Đức Maria Lên Trời mời gọi chúng ta nhận ra rằng, con
đường « Lên Trời » của Mẹ, là con đường « Thăm Viếng ». Và
nếu là như thế, con đường lên trời của Mẹ cũng phải là con đường lên trời của
chúng ta : « Con Đường Thăm Viếng ». Và con đường này thật đời
thường và thân thương đối với từng người chúng ta, vì chúng ta không thể sống
mà không được thăm viếng và đi thăm viếng !
1. Đức Maria vội vã lên
đường
Chúng
ta hãy hình dung ra Đức Maria « vội vã lên đường », bước đi và tâm
tình của Mẹ trong cuộc hành trình đi đến miền núi, đến thành thuộc chi tộc
Giu-đa.
Với mầu nhiệm Truyền Tin, Đức Mẹ “trở nên một” với Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ đón
nhận ơn huệ Đức Giê-su-Ki-tô không phải cho riêng mình, nhưng để chia sẻ, thậm
chí trao ban cách trọn vẹn cho loài người và cho từng người thuộc mọi thế hệ,
trong đó có chúng ta hôm nay. Chính vì thế, ngay sau đó, Đức Mẹ “vội vã lên
đường”, để hướng về người khác. “Người khác” là những ai? Là bà Elizabeth đang
cưu mang, và em bé tuy còn đang được hình thành trong bụng mẹ, đã nghe được lời
chào yêu thương trao ban Lời Sự Sống của Mẹ Maria, nên đã “nhảy mừng”; và chung
quanh hai mẹ con, còn có người cha, các thành viên trong gia đình, còn có dòng
tộc, hành xóm láng giềng và nhiều người ở “khắp miền Giu-đê” (Lc 1, 65).
Chính từ cuộc gặp gỡ này,
trào vọt ra những lời ca tụng bất hủ: lời ca chúc mừng của bà Elizabeth góp
phần làm nên kinh Kính Mừng vang lên khắp nơi và bất tận từ lòng tin, lòng mến
và niềm hi vọng của Giáo Hội; và lời ca tụng Magnificat của Mẹ Maria trở thành Tin Mừng và lời ca tụng Thiên
Chúa trang trọng nhất trong Giờ Kinh Chiều hằng ngày của chúng ta.
Đức Maria
|
Ñ
Ò
(trở nên một)
|
Đức Giê-su
|
ÔÓ
(lên đường gặp gỡ)
|
|
Người khác
|
|
Lời chúc mừng nhau
và lời ca tụng Thiên Chúa
|
Nếu chúng ta đặt mầu nhiệm
Thăm Viếng dưới ánh của toàn bộ cuộc đời Đức Mẹ trong tương quan mật thiết với
Đức Ki-tô, chúng ta sẽ nhận ra rằng, “trở nên một” không chỉ là thời gian Đức
Mẹ cưu mang Đức Giê-su, nhưng còn là hình ảnh diễn tả hành trình trở nên một
với Đức Giê-su của Đức Mẹ trong suốt cả cuộc đời, và không chỉ ở đời này, những
còn mãi mãi, đặc biệt với ơn huệ “Hồn Xác Lên Trời”.
Vì thế, mầu nhiệm Thăm Viếng
của Đức Mẹ không chỉ là một biến cố đã qua, nhưng là một “năng động sống”, thậm
chí « linh đạo » của Đức Mẹ. Vậy, chúng ta hãy chiêm
ngắm cuộc đời của Đức Mẹ như là một hành trình:
Ø Liên lỉ đón nhận và trở
nên một với Đức Ki-tô, như một “Nữ Tì hèn mọn”.
Ø Liên lỉ chia sẻ Đức
Ki-tô cho người khác.
Ø Liên lỉ ca tụng
Thiên Chúa.
Và chúng ta được mời gọi
quảng đại mở lòng và mở cuộc đời, để đón nhận ra những gì Mẹ chia sẻ, đó là Đức
Ki-tô và cách thức Mẹ trở nên một với Ngài, để chúng ta cũng thực hiện cùng một
hành trình « Thăm Viếng » của Mẹ trong đời sống ơn gọi mỗi ngày của
chúng ta.
2. Nhìn ngắm bà Elizabet và
Mẹ Maria, diện đối diện
Nghệ thuật Kitô giáo ở mỗi
thời đại và trong các nền văn hóa khác nhau đều được đánh động và vì thế đã họa
lại cuộc gặp gỡ diện đối diện của hai người mẹ. Chẳng hạn, bức tranh « Visitation »
của họa sĩ Mariotto Albertinelli (người Ý), vẽ năm 1503.
Bức tranh này, hoặc chính
kinh nghiệm sống của chúng ta, sẽ giúp chúng ta hình dung khung cảnh của cuộc
gặp gỡ giữa hai chị em. Tư thế diện đối diện, có thể làm chúng ta nghĩ đến cách
sắp xếp vị trí của các đan sĩ khi hát kinh, đó chính là trung tâm mà từ đó lời
ca tụng được khai sinh. Hay như chính cộng đoàn của chúng ta đây, khi chúng ta
cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ và cầu nguyện. Bởi lẽ, lời ca tụng là một sự hiệp
thông. Chúng ta không thể ca tụng Chúa, nếu không hiệp thông với nhau ; và
chỉ khi chúng ta hiệp thông với nhau, chúng ta mới có thể thực sự ca tụng Thiên
Chúa. Tâm tình hiệp thông và ca tụng sẽ giải thoát chúng ta khỏi thái độ chết
chóc, là ghen tị nhau và kêu trách Thiên Chúa.
Cuộc gặp gỡ có nhiều người
hơn chúng ta tưởng (lời của bà Elizabeth sẽ nói rõ cho chúng ta trong cuộc gặp
này thực sự có bao nhiêu người), vì Bà Elizabeth vừa nghe Đức Maria chào hỏi,
đứa con trong bụng bà nhảy lên ! Như thế, cùng với mẹ, em bé cũng đã nghe
được lời chào của Đức Maria. Có thể nói, em bé Gioan như đã nghe được tiếng của
em bé Giêsu, ngang qua tiếng của Đức Maria. Vì khi còn trong bụng mẹ, một cách
nào đó, tiếng của mẹ là tiếng của con. Như thế, ở bên trong cuộc gặp gỡ giữa
hai người mẹ, ẩn dấu một cuộc gặp gỡ khác nhiệm mầu và vô hình, nhưng rất hiện
thực và sống động giữa hai người con ; và cả hai đều là ơn huệ tuyệt đối
của Thiên Chúa. Sau này, theo các Tin Mừng kể lại, họ sẽ gặp nhau công khai tại
sông Gio-đan, nhưng họ đã gặp nhau từ trước rất lâu qua cuộc gặp gỡ rất đỗi
bình thường của hai người mẹ.
Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe
tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn
Thánh Thần.
Chúng ta có thể tự hỏi, làm
sao lời chào của Mẹ Maria mang lại hiệu quả kì diệu như thế, lại « đánh
động » người nghe sâu xa như thế ?
Ø Đứa con trung bụng nhảy lên.
Đứa con trong bụng cũng nghe được lời chào; và ngang qua lời chào của Đức
Maria, em bé như đã nghe được tiếng của Đức Giê-su; vì thế, em “nhảy lên” vui
mừng và mãn nguyện, bởi lẽ Đức Giê-su sẽ là “tất cả” của em. Xin cho chúng ta
cũng có được kinh nghiệm “nhảy lên” khi gặp gỡ Đức Ki-tô ngang của Lời Kinh
Thánh. Nhưng « Đứa con trong bụng nhảy lên » còn là hình ảnh nói lên
sự đánh động ở chiều sâu trong tâm hồn. Lời chào của Mẹ đánh động bà Elizabeth
mạnh mẽ và sâu xa đến như thế : đánh động vì tình thương, tình liên đới,
vì sự quảng đại không quản ngại đường xa vất vả, vì sự khiêm tốn của Mẹ… và
nhất là vì tình yêu Thiên Chúa dành cho bà, ngang qua cuộc viếng thăm của
Mẹ : « bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế
này ? »
Ø Tràn đầy thánh thần và thốt ra lời ca
tụng bất hủ. Bởi vì, lời của bà Elizabeth hoàn toàn hướng về em
của mình và Ân Huệ Chúa ban nhưng không cho em. Tương tự như chính Mẹ Maria, Mẹ
đã hoàn toàn hướng về chị Elizabeth trong cuộc hành trình « thăm
viếng ». Ra khỏi mình để nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho người khác, đó
chính là hiệp thông và ca tụng , vốn là ơn gọi của con người. Thái độ ngược lại
là đóng kín và ghen tị. Lời của bà Elizabeth thật là đẹp, đẹp cả về hình thức
lẫn nội dung, chính vì thế mà lời này trở thành một phần lời « Kính
Mừng » vang lên liên lỉ và bất tận của chúng ta ; và nhất là với
« Sự Vui Thứ Hai », chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một hành
trình của Đức Mẹ, đó là ra khỏi mình để hướng về Ân Huệ tuyệt đỉnh Thiên Chúa
ban cho Mẹ cách nhưng không, hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh chị em, bà
con của mình. Cảm nhận như thế khi đọc lời kinh « Kính Mừng », chính
là cách tốt nhất để chuẩn bị mình đón nhận sự chia sẻ cùng một Ân Huệ của Mẹ, « Ân
Huệ Giêsu Kitô ».
Hằng
ngày, chúng ta cũng chào hỏi nhau. Làm sao để lời chào của chúng ta đánh động
người nghe, như lời chào của Đức Mẹ ? Ngang qua lời chào, chúng ta được
mời gọi nhận ra cả một cách tương quan, một cách sống với người khác, nhất là
trong đời sống gia đình và đời sống cộng đoàn: mang lại niềm vui, nhận ra tình
yêu Thiên Chúa, thêm lòng yêu mến Chúa và vì thế thêm lòng khát khao dâng hiến;
thay vì ngược lại (không nhận ra tình yêu Chúa, không thêm lòng yêu mến Chúa,
không còn yêu mến ơn gọi).
3. “Magnificat anima mea Dominum”
a. “Thiên Chúa Đấng Cứu Độ Tôi” (c. 46-48)
Mẹ
Elizabet ca tụng Mẹ Maria bằng lời chúc mừng: Phúc cho người phụ nữ đã tin!
(Lc 1, 45) Đức Maria dâng lời tạ ơn và ca tụng cùng với tất cả những người sẽ
thụ hưởng điều Mẹ đã lãnh nhận. Trong trình thuật này của Luca, chúng ta chứng
kiến biến cố khai sinh của bài ca tán tụng bất hủ Magnificat. Bài ca
diễn tả cả một kinh nghiệm vừa sâu vừa rộng về Thiên Chúa của Đức Mẹ. Và mỗi
khi chúng ta đặt mình vào chủ thể « Tôi » của bài ca, chúng ta được
mời gọi thực hiện cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa như Mẹ.
Kinh
nghiệm Thiên Chúa của Đức Mẹ, trước hết, đó là kinh nghiệm : Thiên Chúa là
Đấng cứu độ, và tiên vàn không phải Thiên Chúa, Đấng cứu độ loài người, nhưng
là Thiên Chúa, « Đấng cứu độ của tôi ». Kinh nghiệm này làm cho con
tim của Đức Mẹ thực sự « bừng cháy » và thốt lên lời ngợi khen Thiên
Chúa, là Đức Chúa của mình.
Tĩnh
từ sở hữu « của tôi », hay « của con » thật nhỏ bé và đơn
sơ nhưng dấu ẩn cả một bí mật, một tương quan rất thiết thân. « Của
tôi », « của con », « của bố », « của mẹ »,
« của anh », « của chị », « của em »… Khi nghe
hay nói những từ này, lòng chúng ta hẳn đã xao động, bởi vì đó là ngôn ngữ của
tình yêu. Thánh Inhaxiô, trong các bản văn, khi nói tới Đức Kitô hay Thiên
Chúa, ngài luôn thêm tĩnh từ sở hữu « của chúng ta » (x. Linh Thao
23 ; 158).
Ngoài
ra, tĩnh từ sở hữu « của con » còn mang một vẻ nổi bật đặc biệt trong
bối cảnh Kinh Thánh, bởi vì nó thuộc về ngôn ngữ của giao ước: Ta sẽ là
Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của ta. Qua lời giao ước,
hai bên cam kết sẽ thuộc về nhau mãi mãi. Và tương quan thuộc về này của giao
ước hoàn toàn không xa lạ với chúng ta. Thực vậy, qua phép rửa, « Thiên
Chúa trở thành Thiên Chúa của con ; và con, con trở thành con của Thiên
Chúa ». Tương quan giao ước này là nền tảng cho mọi tương quan giao ước
khác, được diễn tả qua lời cam kết hôn nhân, lời cam kết chức thánh, lời tuyên
khấn, lời tuyên hứa…
« Thiên
Chúa là Đấng cứu độ », lời tuyên xưng này, đối với chúng ta trong thực tế,
có thể đã trở thành một chân lí khách quan, thậm chí một công thức, vì thế
không thực sự liên quan đến cuộc đời cụ thể và như nó là của mỗi người chúng
ta, không diễn tả một kinh nghiệm thiết thân, không mang lại niềm vui ca
tụng ; « Thiên Chúa là Đấng cứu độ », nhưng Ngài chưa thực sự là
« Đấng cứu độ của con ». Kinh nghiệm của Đức Mẹ về những gì Thiên
Chúa đã làm cho mình, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn này để đi vào tương
quan « thuộc về nhau » với Thiên Chúa.
Trong
tương quan thiết thân với Thiên Chúa, Mẹ Maria tự nhận mình là « nữ tì hèn
mọn », và chắc chắn Mẹ luôn nhận mình là như thế, bởi lẽ trước đó trong
biến cố Truyền Tin, Mẹ đã nói về mình : « Tôi đây là nữ tì của Đức
Chúa » (Lc 1, 38). Vì thế, chúng ta nên từ bỏ não trạng thời Trung Cổ là
thích gom góp mọi thứ tước hiệu mô tả sự vĩ đại và vẻ đẹp của Mẹ. Chúng ta hãy
tôn trọng tước hiệu mà Mẹ tự nhận cho mình. Như thế, không còn là những đặc ân
« ngoại thường » lôi kéo sự chú ý của chúng ta nữa, nhưng là Đức
Trinh Nữ của Israel, « nữ tì hèn mọn của Đức Chúa », đại diện cho
những người nghèo của Đức Chúa, đã sống một cuộc đời bình thường và đã tự xóa
mình đi trước sứ mạng của Con Mình, để rồi lại xuất hiện trong giờ thử thách
của Thập Giá. Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế.
b. “Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi” (c. 49)
Khởi
từ thân phận « nữ tì hèn mọn », Đức Maria tuyên xưng : « Đấng
toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả ». Mẹ hèn mọn nhưng lại
được Chúa làm những điều lớn lao. Như thế, sự lớn lao của Mẹ hoàn toàn đến từ
Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này là tâm điểm của bài ca Magnificat, bởi vì
những gì Mẹ nói ở đầu chính là để dẫn đến kinh nghiệm thiết thân này, và từ
kinh nghiệm thiết thân này, Mẹ nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi nhân loại
và nơi dân tộc của Mẹ.
Những
gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, không trừu tượng chút nào, vì « Lời
Chúa » đụng chạm đến thân xác, tâm hồn và cả cuộc đời của Mẹ. « Lời
Chúa » chạm đến con người của Mẹ, hình thành nơi cung lòng của Mẹ, sinh ra
và lớn lên trong cuộc đời của Mẹ, đồng hành với Mẹ cho đến tận cùng, và cuối
cùng mãi mãi trở nên một với Mẹ. Nơi Mẹ, « Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa
hẹn cả mùa gặt bao la »[2] ;
nơi Mẹ, Lời Chúa trở nên hiện hữu ở mức độ cô đọng nhất, nghĩa là ở mức độ
« Ngôi Lời Thiên Chúa ».
Ngay
lúc này Đức Mẹ đã cảm nhận được lời chúc khen của mọi thế hệ dành cho Mẹ, trong
đó có lời chúc khen của thế hệ chúng ta hôm nay. Về phần Mẹ, luôn với cung cách
của một « nữ tì », Mẹ chúc khen Thiên Chúa : « Danh
Người thật chí thánh chí tôn », bởi vì tất cả tất cả những gì Thiên
Chúa làm cho Mẹ là do lòng đoái thương hoàn toàn nhưng không.
c. “Chúa hằng thương xót” (c. 50-55)
Khởi đi từ kinh nghiệm bản thân, về những gì Thiên Chúa làm cho mình,
Đức Mẹ trong bài ca Magnificat khám phá ra cách hoạt động của Thiên Chúa
trong lịch sử con người và nhất là trong dân tộc mình : như Thiên Chúa đã
đoái nhìn đến phận nữ tì của Mẹ, Thiên Chúa cũng bày tỏ lòng thương xót với
Ø những ai kính sợ Người,
Ø những người khiêm
nhường,
Ø những người đói
nghèo.
Và Đức Mẹ cảm nhận Thiên
Chúa tỏ bày lòng thương xót một cách duy nhất và đặc biệt với Israel, tôi tớ
đau khổ của Thiên Chúa, không phải vì Israel « đạo đức thánh thiện »
nên Chúa trả công, nhưng bởi vì Ngài nhớ lại lời hứa thủy chung đến muôn đời
của Ngài ngay từ buổi khởi đầu. Tuy nhiên, lời của Mẹ cũng thật mạnh mẽ, nếu
không muốn nói là dữ dội, khi diễn tả cung cách của Thiên Chúa đối với
Ø phường lòng trí kiêu
căng,
Ø những ai quyền thế,
Ø những người giàu có.
Vì đó là những lựa chọn ngẫu
tượng, nghĩa là lựa chọn hư vô : ngẫu tượng dang vọng, ngẫu tượng quyền
bính, ngẫu tượng vật chất. Những Lời này của Mẹ hôm nay, một ngày kia sẽ trở
thành lời của chính Đức Giêsu, Con của Mẹ, trở thành chính cung cách hành xử
của Ngài ngang qua Thập Giá, để giải phóng con người khỏi mọi thứ ngẫu tượng
bằng cách bắt chúng phải lộ diện, và đồng thời bày tỏ khuôn mặt đích thật của
Thiên Chúa cho con người.
Mỗi khi đọc hay hát bài ca Magnificat
của Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi nhận lời của Mẹ làm của mình, nếu không lời
của chúng sẽ chỉ là giả tạo. Nhận lời của Mẹ làm của mình, điều này có nghĩa là
kinh nghiệm Thiên Chúa thực sự là « Đấng cứu độ của tôi », bằng cách
nhận ra những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đúng là chúng ta không được
ban những ơn cao cả như Đức Mẹ, nhưng chúng ta được thụ hưởng, được chia sẻ
những gì Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Và chỉ khởi đi từ kinh nghiệm thiết
thân về Thiên Chúa, mà chúng ta mới có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên
Chúa dành cho người khác, trong cộng đoàn, Hội Dòng… và dân tộc Việt Nam.
Cuối cùng, chính khi chúng
ta có cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa, cả cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành
bài ca Magnificat, tán tụng Thiên Chúa, như cuộc đời của Mẹ Maria,
« Nữ Tì Hèn Mọn » của Đức Chúa.
* * *
Chúng
ta cũng nên hình dung ra trong suốt ba tháng ở nhà người chị họ, Mẹ đã làm
những gì và với tâm tình nào. Kinh nghiệm sống của chúng ta, sẽ giúp chúng ta hình
dung những gì Mẹ làm trong thời gian ba tháng tại nhà bà Elizabeth. Nghe biết
chị Elizabeth, vừa hiếm muộn vừa đã có tuổi, nhưng lại có thai, Đức Maria liền
vội vã lên đường đi thăm hỏi và giúp đỡ bà chị của mình. Em đi giúp chị sắp
sinh con là điều vẫn còn xẩy ra trong đời thường của chúng ta, nhất là với những
cuộc sinh ra đặc biệt. Và chính trong sự việc rất nhỏ bé của đời thường này mà
Ân Huệ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được nhìn nhận và tuyên xưng.
Đó
là “công việc” đầu tiên của Đức Maria ngay sau khi cưu mang Ngôi Lời. Đó cũng
là công việc Mẹ ưa thích, với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, là mãi mãi phục vụ cho
sự sống của chúng ta với tình Hiền Mẫu.
Với
sứ mạng loan báo Tin Mừng, chúng ta hay lo lắng về những việc lớn và khả năng
lớn ; còn Mẹ thực hiện như thế đó, ngang qua những việc rất nhỏ bé, nhưng với
lòng mến rất lớn lao.
Lễ Đức Mẹ Lên Trời
2019
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc