CHỦ NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, và cứu chuộc chúng ta. Điều đó quá quen thuộc đến nỗi nhiều khi chúng ta quên tạ ơn Ngài, tưởng rằng đó là điều đương nhiên. Tạ ơn Thiên Chúa là nhận rằng tất cả là hồng ân, rằng chúng ta không đáng được như thế, nhưng lòng Tốt của Người là vô giới hạn. Tạ ơn hoàn tất tạo thành. Thánh Thể là đỉnh cao của hành vi tạ ơn đích thực.
Sách 2 Vua 5, 14-17
Theo luật Is ra en, viên tướng Si ria nầy, là một người ngoại giáo, bị ô uế đến hai lần: phung cùi và ngoại đạo. Nhưng trong tình yêu Thiên Chúa, đó là một bệnh nhân cần phải được cứu chữa, một người cần được an ủi. Đối với người ki tô hữu, tất cả mọi người đang cần được cứu giúp là một lời mời gọi của Thiên Chúa.
Thánh vịnh 97
Những điều kì diệu Thiên Chúa Is ra el thực hiện được hòan thành trước mặt muôn dân. Trong Giao ước mới, các dân không chỉ là chứng nhân, mà còn là những người thừa hưởng cả những điều kì diệu của Thiên Chúa.
Thư 2 Tm 2,8-13
Trong suốt sứ vụ của mình, Phao lô vấp phải những chống đối: lương dân, người do thái, và cả các người Ki tô hữu gốc do thái nữa qua tinh thần nệ luật và nghi thức. Tuy nhiên, Phao lô được Thánh Thần thúc đẩy hướng đến thế giới Hi lạp, đã khám phá ra rằng Lời Thiên Chúa không thể bị xiềng xích. Được thấm nhuần ân sủng, nên ngài có thể đương đầu với mọi chướng ngại để truyền rao Tin mừng Tình yêu của một vì Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người đến Vinh quang.
Tin mừng Lc 17,11-19
NGỮ CẢNH
Câu 7,11 nhắc lại sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong phần nầy của tin mừng khởi đầu từ câu 9,51: Chúa Giê su đang trên đường đến Giê ru sa lem, nơi Ngài sẽ chịu chết (x. 13,22).
Dọc cuộc hành trình của Chúa Giê su từ Ga li lê lên Giê ru sa lem, Luca không quan tâm đến lộ trình địa lí. Ngài đặt câu truyện Matta và Maria ngay tại Bê ta nia, cửa ngõ vào Giê ru sa lem (10,38-42) trước khi Chúa Giê su vượt qua vùng Sa ma ria. Điều Lu ca muốn nhấn mạnh là ý nghĩa và mục tiêu cuộc hành trình nầy.
Phép lạ chữa lành chỉ lướt qua (17,12-15), để trình thuật tập trung vào người phung cùi Sa ma ri là người duy nhất nhận ra ý nghĩa của việc được chữa lành và nhờ vào lòng tin, đã thực sự được chữa lành (17,16-19). Chỉ có Lu ca kể lại câu truyện nầy.
TÌM HIỂU
Làng kia: x. 5,12 nói đến những người phong hủi đi vào một thị trấn nơi Chúa Giê su đang đi qua.
Những người phong hủi: họ làm thành một nhóm gồm những người Do thái và Sa ma ri: bệnh của họ không những khiến họ không còn xa cách và đối địch nữa mà còn giúp họ giao hảo với nhau.
Đằng xa: những người phong hủi đứng ở đàng xa để không lây truyền bệnh của họ và gây ra ô uế theo như lề luật buộc (Lv 13,45-46).
Lạy Thầy Giê su: chứ không lạy Chúa như ở 5,12. đầy là lần duy nhất tước hiệu chỉ uy quyền của một người đứng đầu được gán cho Chúa Giê su bởi một người không thuộc vào nhóm môn đệ của Ngài (x. 5,5).
Xin dủ lòng thương: họ không xin được thanh sạch như người phong hủi ở đoạn 5,12, mà xin được thương xót bởi lòng nhân hậu của Chúa Giê su (x. 18,38). Họ hướng về Chúa Giê su như người Do thái hướng về Thiên Chúa trong lời kinh hằng ngày của họ (Tv 51,3).
Hãy đi trình diện: lệnh truyền của Chúa Giê su có một chút gì bất ngờ: Ngài không làm bất cứ một cử chỉ nào (khác với 5,13), cũng không hứa hẹn điều gì cả, mà chỉ bảo họ đến với các thầy tư tế, dường như Ngài coi họ đã được chữa khỏi. Quả thật các thầy tư tế có bổn phận phải chứng thực rằng tình trạng ô uế đã khỏi (Lc 14,2-3). Họ đã vâng lời, và như thế họ đã cho thấy có một lòng tín thác mạnh mẽ nhất.
Tôn vinh Thiên Chúa: cũng như các mục tử (2,20), người bại liệt (5,25), người đàn bà còng lưng (13,13), người mù (18,43), viên bách quan (23,47). Ở đây, Lu ca đặt thái độ tôn vinh Thiên Chúa trong tương quan với tư thế phủ phục trước mặt Chúa Giê su của người phong hủi đã được chữa lành để tạ ơn Ngài. Người ngọai quốc nầy đã biết nhận ra hành động của Thiên Chúa. Ở đây đức tin của anh được bày tỏ theo theo hướng sẽ được Chúa Giê su chấp nhận. Nơi tạ ơn không còn là đền thờ Giê ru sa lem nữa, mà là con ngừơi của Chúa Giê su.
Người Sa ma ri: x. 10,33. Lu ca nhấn mạnh đến nguồn gốc của người biết ơn nầy: những người mau mắn tiếp nhận Chúa Giê su là những người ở xa hơn đối với thế giới Do thái (x. Ga 4, và Cv 8).
Chín người kia đâu: mười người được chữa khỏi nhưng chỉ có một người duy nhất ca tụng Thiên Chúa. Chúa Giê su không trách chín người kia về sự vô ơn của họ, như một vị chữa bệnh có thể làm; Ngài chỉ than phiền rằng họ không biết nhận ra nơi Ngài là đấng cứu độ của họ. Chúa Giê su không nói lên ý nghĩ nầy cho người Sa ma ri, nhưng cho tất cả các môn đệ là những người vẫn chưa có một niềm tin đích thật (17,6). Thái độ của người Sa ma ri là một bằng chứng thúc đẩy họ tin. Người ta tin rằng câu hỏi của Chúa Giê su cho thấy Ngài quan tâm muốn qui tụ tất cả bạn bè của Ngài vào trong Giáo Hội.
Đứng dậy về đi!: Chúa Giê su đỡ người Sa ma ri đang còn phủ phục đứng dậy, bởi vì nếu lòng tin mời gọi con người tôn thờ, thì cũng giúp người ấy chỗi dậy để phục vụ.
Lòng tin: Chúa Giê su cũng nói câu nầy với những người đã được hưởng phép lạ khác (7,9; 8,48.50;18,42) cũng như đối với người phụ nữ phạm tội (7,50). Thật vậy, việc tạ ơn là một cách diễn tả đức tin, là một sự nhận biết Thiên Chúa như Ngài là: đấng cứu độ cho không.
Đã cứu chữa anh: người phung hủi không chỉ được chữa lành hoặc được thanh sạch, mà còn được liên kết với Chúa Giê su, đấng Cứu độ, do đó trở thành một tạo vật mới nhờ Ngài.
Vậy, Chúa Giê su đặt niềm tin ở trên lề luật. Lộ trình không kết thúc khi người ta đến với các định chế Do thái; sau khi đi đến với các tư tế, cần phải nhận ra Chúa Giê su là Đấng Cứu độ. Khi tạ ơn Chúa Giê su, người ta gặp Thiên Chúa nơi Ngài và đến với ơn cứu độ.
SỨ ĐIỆP
Tuy cách nhau một vài thế kỉ, sách Các Vua và Tin mừng đều nói với chúng ta về người phung cùi. Sách Các Vua nói về viên tướng Naaman người Siria, còn Tin mừng thì kể cho chúng ta nghe tình cảnh đáng buồn của mười người kiều dân của Israên. Bệnh của họ biến họ trở thành những người ô uế, bị mọi người xa lánh, bị gạt ra bên lề xã hội.
Người ta phải tránh xa họ để khỏi bị nhiểm uế, còn họ thì đi đâu cũng phải lắc chuông để cảnh báo cho người khác biết sự hiện diện của mình, và lẩn tránh họ. Hơn nữa căn bệnh khủng khiếp ấy còn bị coi là biểu tượng và hậu quả của tội lỗi, đánh mất hình ảnh của Thiên Chúa trong họ.
Tình cảnh những người khốn khổ ấy giúp chúng ta suy nghĩ về bản thân và cuộc đời trong một xã hội đang bị hoành hành bởi một chứng bệnh phung cùi đáng sợ hơn nhiều. Thực vậy, xã hội ngày nay lôi kéo chúng ta sống và suy nghĩ theo tất cả mọi người. Những điều thiết yếu thường được nói đến là tiền, chức vị, danh vọng. Và để đạt được những thứ đó, người ta chấp nhận làm mọi điều, kể cả những gì sai trái. Áp lực xã hội là một điều khủng khiếp vì nó thúc đẩy chúng ta suy nghĩ và hành động giống như mọi người. Vì thế điều quan trọng hôm nay là chúng ta hãy để cho tin mừng mời gọi chúng ta.
Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay loan báo cho chúng ta một tin mừng: Thiên Chúa có thể chữa trị những người phung cùi, như trường hợp của ông Naaman người Syri trong bài đọc thứ nhất. Và đó cũng là trường hợp của mười người đến tìm gặp Đức Ki tô. Nhưng điều quan trọng hơn hết không phải là phép lạ. Chúa Giê su không bao giờ phô trương quyền năng làm phép lạ của mình. Trái lại, đối với Ngài, đức tin là yếu tố quyết định mang lại phúc lành cho người bệnh: “Đức tin của con đã chữa lành con”.
Phép lạ chỉ là bước đầu mời gọi đức tin, và con người tự do tiếp nhận hay từ chối dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho. Như trong trường hợp mười người phung cùi được Chúa cứu, sự chữa lành đó không phải là ơn cứu độ đích thực, nhưng chỉ là một dấu chỉ mà thôi. Chỉ có người thứ mười đã tìm được ơn cứu độ bởi vì anh ta đã hiểu rằng vị Thầy ấy không phải là một người chữa bệnh đơn thuần.
Như mười người phung cùi, chúng ta cũng có thể hướng về phía Chúa và kêu xin Ngài cứu giúp chúng ta. Chúng ta cầu xin cho mình, cho những người đau yếu và cho thế giới đang đau khổ vì bạo lực, chiến tranh và đủ mọi tai ương. Tin mừng nói rằng Chúa Giê su không im lặng trước lời kêu cứu từ sự khốn khổ của chúng ta. Người luôn luôn lắng nghe những người bé mọn, những kẻ đau yếu, những người bị xã hội lọai trừ. Ngài tiếp nhận tất cả những ai đến với Ngài. Khi sai họ đến với Thầy cả, Ngài tái hội nhập họ vào cộng đòan để họ tìm lại chỗ đứng của mình. Đó là sự ưu ái Ngài dành cho họ, và cũng muốn dành cho chúng ta.
Nhưng vẫn còn vấn đề cho người phung cùi thứ mười. Vì là một người Sa ma ri. ông không thể trình diện với vị thầy cả, vì có thể ông sẽ bị đuổi đi. Bởi thế ông quay trở lại và đến cùng Chúa Giê su. Ông suy nghĩ rằng mình không thể làm điều gì khác hơn. Còn chín người kia đã làm theo như những gì lề luật dạy, nhưng họ đã không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa. Người Sa ma ri là người duy nhất đã lãnh nhận ơn Cứu độ. Lời tạ ơn của ông là chính cách diễn tả đức tin cứu thoát ông ta. Cầu nguyện không chỉ là lịch sự cám ơn Thiên Chúa. Lời kinh đích thực chính là lời kinh giúp chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ và khép mình theo tình yêu Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Vì thế ngày chủ nhật hôm nay chúng ta được mời gọi đến đức tin. Nhưng không có đức tin nếu không có lòng khiêm nhường sâu xa và từ bỏ chính mình. Naaman đã bỏ tính kiêu căng. Ông đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa Israel và đã ra đi đến đó với ý muốn cương quyết là tôn vinh Thiên Chúa đã chữa lành ông. Ngày nay cũng thế, chính Thiên Chúa tiếp tục hành động với những phương tiện nghèo nàn: Cha sở Ars, Thánh nữ Bernadetta Lộ Đức, Mẹ Têrêxa và nhiều người khác.
Là người Ki tô hữu, chúng ta được sai đi làm chứng cho Ơn cứu độ của Thiên Chúa trong xã hội hôm nay, mang đậm dấu ấn bệnh phung cùi của sự lãnh đạm và duy vật. Nhiều người bị nhấn chìm trong buồn nản và lo âu bở vì họ mất phương hướng cũng như lí do để sống. Chúa Giê su chỉ muốn chữa lành họ khỏi căn bệnh mà họ không biết.
Thế giới chúng ta cần những chứng nhân vui tươi và trong sáng, không sợ trả lẽ về niềm hi vọng thúc đẩy họ. Thiên Chúa đã đặt trên đường chúng ta những người cần được giúp đỡ để trở về với Người và tiến triển trong đức tin.
Tụ họp để loan báo tin mừng, chúng ta ca ngợi Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Người chữa lành chúng ta khỏi các chứng bệnh phung cùi; Ngài cho chúng ta đứng lên và sai chúng ta đi đến với người khác. Hành vi tạ ơn sau rước lễ không chỉ là một vài giây phút trước khi xong Thánh lễ; nó phải được kéo dài trong suốt tuần lễ trong chứng từ vui tươi vì được giải thoát: “Chúa đã làm cho tôi nhiều điều kì diệu. Danh Ngài là Thánh”.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tiên tri Elisha là ai?
THƯA: Elisha là vị tiên tri nổi tiếng thời Cựu Ước. Cách ông được chọn làm tiên tri cũng rất lạ lùng. Khi ông đang cày ruộng với 12 con bò, thì tiên tri Elia đến ném chiếc áo choàng như dấu chỉ trao sứ vụ tiên tri cho ông. Ông liền giết bò và lấy cày làm củi để nấu thức ăn để tạ thầy mình. Sau khi Elia được cất về trời trong cơn gió lốc, Elisha tiếp tục sứ vụ tiên tri của thầy suốt 60 năm từ năm 892-832 trước Công nguyên như trong Sách Các Vua quyển II ghi lại ở đoạn 5-8.
2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Naaman là tướng quân của Syria. Ông không chỉ là người ngoại mà còn là người mắc bệnh phung cùi, nên bị mọi người xa lánh. Ông coi đó là một điều chúc dữ. May mắn thay, vợ ông có người đầy tớ Ít ra ên, mách cho ông biết ở Sa ma ri có một tiên tri lớn có thể chữa ông khỏi bệnh. Vua Syria gửi thư giới thiệu Naaman với vua Sa ma ri để nhờ cho người chữa bệnh cho Naaman. Được tin ấy, tiên tri Ê li sha cho người bảo Naaman đến với mình. Khi Naaman mang đủ thứ lễ vật đến, thì vị tiên tri cho người đầy tớ đến bảo Naaman hãy đi xuống sông Gio đan tắm bảy lần thì sẽ được sạch. Vừa nghe, Naaman giận dữ định quay về, nhưng nhờ các đầy tớ can gián, Naaman nghe lời xuống sông tắm như lời tiên tri, nhờ vậy mà ông được lành sạch.
3. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?
THƯA: Bài đọc một hôm nay kể lại việc tiên tri Elisha chữa tướng Naaman người Syria khỏi bệnh phong cùi. Ông đã phải tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa nơi con người của Chúa là tiên tri Elisha. Ông đã phải vâng theo lệnh của tiên tri và xuống tắm bảy lần trong dòng sông Giôđan, cho dù nước của sông nầy không sạch bằng sông Damas bên xứ Ông. Naaman dìm người bảy lần trong giòng sông Giôđan và da thịt ông trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Sau khi được chữa lành, ông đã tuyên xưng rằng: Không đâu có Thiên Chúa ngoại trừ ở Do Thái. Câu chuyện nầy rất gần với bài Phúc Âm Thánh Luca kể lại phép lạ Chúa chữa lành mười người phung cùi.
4. HỎI: Bài đọc nầy để lại cho ta điều gì?
THƯA: Thứ nhất, không phải tiên tri mà chính là Thiên Chúa đã chữa lành cho ông Naaman khỏi bệnh phung cùi. Thứ hai, không có một hành vi lạ lùng hay phù phép nào cả, mà chỉ cần vâng theo lệnh truyền, xuống sông tắm là được quyền năng của Thiên Chúa chữa lành. Người không đòi gì khác hơn là tin tưởng vào Người. Thứ ba, để tạ ơn Người không cần phải có quà cáp gì, mà chỉ cần nhận biết điều Người ban cho, như Chúa Giê su dạy: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không” (Mt 10, 8).
5. HỎI: Chúa Giê su gặp 10 người phung cùi ở đâu?
THƯA: Chúa Giê su gặp 10 người phung cùi khi cùng với các môn đệ đang trên đường lên Giê ru sa lem. Ngài biết cuộc hành trình đó đưa Ngài đến nơi hoàn thành thánh ý Thiên Chúa Cha trong sứ mạng cứu độ con người qua cuộc khổ nạn, chết và sống lại.
6. HỎI: Tại sao 10 người phung cùi phải đứng ở đàng xa?
THƯA: Vì Lề luật Mô sê cấm họ đến gần bất cứ ai, sợ họ làm ô uế người khác về nhiều phương diện. Phung cùi là bệnh hay lây và vào thời đó, phung cùi là dấu chỉ bị Thiên Chúa chúc dữ.
7. HỎI: So sánh cử chỉ Chúa Giê su và Tiên tri Ê li sê trong bài đọc một?
THƯA: Chúa Giê su và tiên tri Ê li sê không làm một cử chỉ nào để thực hiện phép lạ. Cũng như Chúa Giê su, Ê li sê chỉ ra lệnh: “Hãy đi tắm bẩy lần trong dòng nước Gio đan và ông sẽ được sạch”. Trong cả hai trường hợp, vâng theo lệnh truyền đã mang đến cho người phung cùi sự lành sạch.
8. HỎI: Tại sao người Samari quay trở lại tạ ơn Thiên Chúa?
THƯA: Vì anh ta đã gặp Chúa Giê su và tin rằng Ngài chính là đấng Cứu độ. Dù bị coi là lạc đạo, anh biết rằng sự sống và sự chữa lành đến từ Thiên Chúa, nên anh quay trở lại, và nhờ được lành sạch nên anh được đến gần Chúa Giê su. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giê su, một cử chỉ thờ phượng dành riêng cho Thiên Chúa.
9. HỎI: Tại sao chín người kia không trở lại tạ ơn Chúa Giê su?
THƯA: Họ đã gặp đấng Cứu thế, nhưng họ không nhận ra Ngài. Vì thế, họ quan tâm đến việc làm theo những điều Lề luật dạy, mà không để ý đến việc tạ ơn Chúa Giê su, người đã chữa lành họ.
10. HỎI: Như vậy điều mà các sách tin mừng muốn đề cao là gì?
THƯA: Các sách tin mừng đều nhấn mạnh: ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, nhưng không phải những người gần nhất đã biết lãnh nhận một cách xứng đáng. Thánh Gioan nói: “Ngài đã đến nhà các gia nhân của Ngài nhưng họ đã không nhận ra Ngài”.
11. HỎI: Việc thánh Lu ca đề cao người Sa ma ri có ý nhấn mạnh điều gì?
THƯA: Ngài muốn nhấn mạnh đến 3 điều: một là ơn cừu độ mà Chúa Giê su đã thực hiện trong cuộc thương khó, sự chết và phục sinh được dành cho tất cả mọi người không trừ ai. Hai là tạ ơn Thiên Chúa là ơn gọi của dân ưu tuyển, nhưng thỉnh thoảng chính những người ngoại thường bị coi là những kẻ rối đạo lại làm tốt nhất. Ba là thông thường những người nghèo có tâm hồn rộng mở hơn nên dễ gặp Thiên Chúa hơn.
12. HỎI: Tại sao có một người Samari đi chung nhóm với người Do Thái? và
THƯA: Bởi vì ngôi làng toạ lạc ngay biên giới giữa Ga-li-lê và Sa-ma-ri, nên nhóm người đã được hình thành gồm chín người Ga-li-lê và một người Sa-ma-ri: Dù tương quan không tốt, nhưng trong nỗi khốn cùng, người Sa-ma-ri và chín người Do Thái bệnh tật cảm thấy gần gủi và giúp đỡ lẫn nhau.
13. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu không chữa ngay cho họ mà lại bảo những người phong cùi hãy đi trình diện với các Tư tế?
THƯA: Chúa Giê su dạy các người phung cùi chấp hành luật thanh tẩy như đã qui định trong Luật Mô sê (Lv 14,2). Thật vậy, Lề luật buộc người phong cùi phải đến trình diện với thầy tư tế, không phải để được chữa lành, nhưng để được chứng nhận là đã được khỏi bệnh.
14. HỎI: So với những phép lạ khác, phép lạ nầy có gỉ đặc biệt?
THƯA: Nét độc đáo này thể hiện trong phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài ngạc nhiên trước tấm lòng biết ơn của một người thụ ơn duy nhất. Điều ấy khiến Ngài dành cho người Samari sự cứu chữa toàn diện cùng với ơn tha tội. Đứng trước biến cố lạ lùng được chữa khỏi bệnh phong cùi, chỉ có người Sa-ma-ri (người ngoại) cảm thấy nhu cầu và bổn phận tạ ơn, “cất tiếng lớn chúc tụng Thiên Chúa”. Tất cả mọi người tuân theo lệnh của Chúa đã chiến thắng sự thử thách của đức tin, nhưng chỉ có một người đã vượt qua sự thử thách của lòng biết ơn.
15. HỎI: Qua phép lạ nầy, Chúa Giê su muốn mạc khải điều gì?
THƯA: Qua phép lạ chữa lành người phung cùi, Chúa Giê su muốn cho thấy quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Ngài. Ngài chính là “Thiên Chúa hiển linh” ở trần gian, và Nước Thiên Chúa đã hiện diện nơi bản thân Ngài.
16. HỎI: Câu chuyện xảy ra trong cuộc đời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy nghĩ về điều gì?
THƯA: Về nhân đức của lòng biết ơn. Điều nầy thật khẩn thiết vì chúng ta đang dần dần đánh mất nhân đức ấy đối với Thiên Chúa và tha nhân. Con người hiện đại huênh hoang rằng mình luôn là người “sáng tạo” hơn là “tạo vật”, liên tục bị lôi cuốn bởi những lời mời mọc mà tên cám dỗ khi xưa đã dụ dỗ ông A-đam và bà Ê-và: “Ông bà sẽ giống như Thiên Chúa” (St 3,4-5), có nghĩa là: “Ông bà sẽ được độc lập khỏi Thiên Chúa, ông bà có thể quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu, trở thành người phán xử luân lí”. Và như thế, con người chối bỏ Tình yêu, chỉ lo tìm kiếm căn tính của mình nơi bản thân (x., Stk 3). Và sự sống mà không có Thiên Chúa, đối với tổ tông loài người cũng như chúng ta, đã trở thành một thất bại, vì nó hạ thấp phẩm giá con người và làm sai lệnh các tương quan với Đấng Tạo Hóa, với sự vật và với tha nhân.
17. HỎI: Tại sao chúng ta phải cảm ơn Thiên Chúa?
THƯA: Chúng ta phải dâng lời cảm tạ Thiên Chúa trước hồng ân liên tục và rộng lượng của Thiên Chúa: từ cuộc sống vật chất đến đời sống thiêng liêng, từ nhu cầu hằng ngày đến ơn cứu độ muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô. Bỏ qua lời tạ ơn Thiên Chúa, thì lời tạ ơn đối với đồng loại cũng biến mất. Thiếu sót này làm cho cuộc sống chung trở nên khô khan, cuộc sống hàng ngày trở nên nặng nề vì thiếu vắng tình người. Cộng đoàn không còn sinh lực để vươn lên.