Suy Niệm Lời
Chúa Chúa Nhật II Mùa Chay C
TIN
VÀ KẾT QUẢ CỦA LÒNG TIN
Ngày nay, khoa học thực nghiệm phát triển, nó kéo
theo một cám dỗ muốn kiểm chứng đức tin bằng thực nghiệm khoa học và gạt Thiên
Chúa ra khỏi thế giới. Người ta cho rằng những gì khoa học không giải thích
được thì đều không giá trị. Đức tin không đi ngược lại khoa học, nhưng giúp
khoa học đi đúng hướng. Để đạt đến được đức tin, cần phải có một bước nhảy dài,
nhảy vọt vượt trên những lý luận của lý trí, của khoa học, để dám chấp nhận và
tín thác vào Đấng mà mình tin nhận. Nhưng quan trọng hơn nữa, để có được đức tin
vào Thiên Chúa, cần phải có ơn Chúa ban, và chỉ nhưng ai được Chúa ban, thì mới
có thể hiểu và tin, những người dân ngoại sẽ không thể hiểu được điều này.
Câu chuyện Thiên Chúa ký kết giao ước với Apbraham
là một câu chuyện đức tin nghe rất thân tình. Thiên Chúa và Apbraham như hai
người bạn. Kể từ khi nghe tiếng Chúa mời gọi, Apbraham hoàn toàn tin tưởng vào
Thiên Chúa, ông đã cất bước lên đường, bỏ lại đàng sau tất cả quê hương, gia
đình và tài sản. Ông ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ tin rằng, Chúa sẽ cho
ông một mảnh đất làm gia nghiệp và có con cháu đông như sao trời cát biển. Tuy
nhiên, khi đã già, ông vẫn chưa thấy lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện.
Niềm khao khát lớn lao nhất đối với ông lúc này là có được một người con nối
dõi, vậy mà, ước mơ ấy vẫn chưa hiện thực. Thiên Chúa như thấu hiểu được nỗi
lòng Apbraham, khi ông dường như dỗi với Chúa. Ông nói : Làm sao mà con biết là
con sẽ được đất này làm sở hữu ?
Để chứng minh cho lời hứa, Thiên Chúa đã đề nghị
ông cùng ký kết một giao ước. Đáng lẽ Thiên Chúa không cần phải làm như thế,
nhưng vì để củng cố lòng tin cho Apbraham, Thiên Chúa đã yêu cầu ông đi kiếm
các lễ vật làm của lễ giao ước và lập tế đàn để cùng ký kết. Tuy nhiên, câu
chuyện cho thấy, lúc đến giờ long trọng để hai bên cùng thực hiện lời hứa, thì
Apbraham chìm vào một giấc ngủ mê mệt, một nỗi kinh hoàng và bóng tối bao phủ
ông. Lúc đó, Thiên Chúa xuất hiện như một lò lửa bốc cháy đi ngang qua các của
lễ. Thiên Chúa tái khẳng định lời hứa : Đây, Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này,
từ Sông Ai Cập đến Sông Cả.
Câu chuyện cho thấy, Thiên Chúa luôn đáp lại sự
mong đợi của kẻ có lòng tin. Ngài luôn trung thành với lời đã phán hứa. Về phía
con người, kẻ nào hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, hết lòng tin tưởng, thì Thiên
Chúa không bao giờ bỏ rơi họ, nhưng luôn lắng nghe tiếng họ kêu cầu và ban
thưởng vinh quang cho họ.
Nếu như Apbraham đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa,
trở thành bạn thân của Thiên Chúa thì Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện các
tông đồ theo Chúa Giêsu, nhưng dường như các ông vẫn chưa đủ tin. Chúa Giêsu
lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đang lúc Ngài cầu
nguyện thì dung mạo Ngài được biến đổi sáng láng, y phục trở nên trắng tinh. Sự
kiện này xảy ra để củng cố đức tin cho các tông đồ trước khi Chúa Giêsu bước
vào cuộc tử, nạn thập giá.
Mặc dù đã nhiều năm theo Chúa Giêsu, nhưng dường
như đức tin của các tông đồ vào Chúa Giêsu còn rất mỏng manh. Các ông theo Chúa
nhưng vẫn để ý tìm kiếm những vinh quang vật chất hơn là xác tín phó thác vào
Chúa Giêsu. Thời gian bước vào cuộc vượt qua đã gần, Chúa Giêsu biết chắc rằng,
các học trò của Ngài sẽ vô cùng hoảng sợ và có thể ngã lòng trước biến cố đau
thương này. Ngài đã muốn cho các ông xem thấy trước một chút vinh quang Thiên Chúa
ở nơi Ngài, để khi sự việc xảy ra, các ông có thể đứng vững.
Tin Mừng kể lại : Đang lúc Người cầu nguyện, dung
mạo Người biến đổi nên khác. Như thế, Tin Mừng muốn nhấn mạnh rằng, chính qua
việc cầu nguyện, gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ biến đổi gương
mặt con người. Nói đúng hơn khi gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa qua cầu nguyện,
con người sẽ đón nhận được sức sống thần linh từ Thiên Chúa thông ban và biến
đổi con người nên giống Thiên Chúa. Trong lúc đó, có hai vị là Môse và Êlia
hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại
Giêrusalem.
Môsê là một vị thủ lãnh, theo lệnh Chúa, ông lãnh
đạo dân Israel trốn ra khỏi Ai Cập. Ông đã đón nhận Luật Chúa từ trên núi và
đem xuống truyền lại cho dân. Ông cũng là người đại diện cho dân chúng đứng ra
ký kết giao ước với Thiên Chúa, thề nguyền trung thành với giới răn lề luật của
Ngài. Theo truyền thống Do Thái, Môsê chính là người đại diện cho lề luật đã
được ban truyền. Êlia là một vị đại tiên tri, ông thừa hành lệnh truyền của
Thiên Chúa để nói Lời Chúa cho dân. Ông cũng là người tiên báo về sự kiện Thiên
Chúa sẽ cho một người phụ nữ sinh con để làm dấu chứng cho vua Akhát. Ông đã
được rước về trời bằng xe lửa cháy. Ông được coi như vị đại diện cho tất cả các
tiên tri thời cựu ước. Khi kể chi tiết có ông Môsê và Êlia hiện ra, tác giả đã
muốn thu gọn tất cả truyền thống cựu ước nơi hai con người đại diện cho lề luật
và các tiên tri. Vì chính sách luật và sách các tiên tri mà người Do Thái nghe
đọc mỗi ngày Sabát, đã trở thành lương thực nuôi dưỡng đời sống đức tin và niềm
hy vọng cho dân Israel.
Khi Chúa Giêsu biến đổi hình dạng, lúc đó, các
tông đồ đang chìm vào giấc ngủ mê mệt. Khi tỉnh dậy, các ông thấy vinh quang
của Chúa Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người. Phêrô như say sưa ngây ngất, ông
đã thưa với Chúa : Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng
ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia. Ông nói mà không biết mình
nói gì. Một đám mây bao phủ các ông. Các tông đồ như được đi vào trong thế giới
của Thiên Chúa, được gặp chính Thiên Chúa. Trong lúc sung sướng hạnh phúc như
thế, thì một tiếng từ trời đã phán : Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển
chọn, hãy vâng nghe lời Người.
Cả Apbraham và các tông đồ đều ngủ mê mệt trước sự
xuất hiện của Thiên Chúa, nhưng sau đó các ông đã tin. Mặc dù không được trực
tiếp nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt thể xác, nhưng con người vẫn có thể nhìn
thấy dấu vết vinh quang, quyền năng của Thiên Chúa để lại trên mỗi biến cố xảy
ra trong cuộc sống. Dù không được thấy Chúa bằng con mắt thịt, nhưng bất cứ
cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nào với Thiên Chúa, thì luôn đem lại sự biến đổi, như
Chúa đã biến đổi Apbraham trở thành cha của kẻ tin, biến đổi gương mặt và y
phục Chúa Giêsu nên sáng chói như mặt trời. Thiên Chúa cũng làm cho Môsê và
Êlia được biến đổi sáng láng nhờ gặp gỡ với Chúa Giêsu. Qua việc được nghe
tiếng Chúa, được đám mây của Chúa bao phủ, chắc chắn Chúa sẽ biến đổi các tông
đồ, củng cố, gia tăng lòng tin cho các ông, để các ông dễ dàng đón nhận cuộc tử
nạn của Chúa Giêsu.
Ngày nay, nhiều người vẫn không tin Chúa Giêsu là
Thiên Chúa mà lại phải chết nhục nhã trên thánh giá. Người ta chỉ muốn một Chúa
Giêsu dùng quyền năng để hoá giải mọi đau khổ, khó khăn trong cuộc sống. Nhưng
đó lại không phải là cách Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa đã muốn Chúa Giêsu thể
hiện tình yêu tột cùng của Ngài dành cho nhân loại bằng chấp nhận cái chết đau
đớn trên thập giá. Chúa Giêsu, vì hoàn toàn tin tưởng, yêu mến và vâng phục
Chúa Cha đã chấp nhận thực hiện đến cùng thánh ý Chúa Cha và Ngài cũng muốn các
tông đồ của Ngài hiểu và đón nhận cách thức diễn tả tình yêu này. Vì thế, Ngài
đã bằng nhiều cách tỏ cho các ông thấy vinh quang Thiên Chúa nơi Ngài để các
ông tin và nhờ tin, các ông cũng được biến đổi.
Ngày nay, người ta đang tìm nhiều cách để loại trừ
Đức Giêsu và thập giá của Ngài. Cùng với lối sống chạy theo khoa học và hưởng
thụ, người ta đang muốn tìm cách xóa bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong xã
hội, trong cuộc sống và trong tâm hồn của nhiều tín hữu. Nhiều người tin Đức
Giêsu, nhưng lại từ chối thập giá, tức là chỉ muốn tìm kiếm một Thiên Chúa dễ
dãi chứ không muốn một Thiên Chúa chịu đóng đinh. Là Kitô hữu, chúng ta không
chỉ bước theo Chúa khi vui, mà còn phải bước theo Chúa trên hành trình thập giá
của Ngài.
Xin Chúa củng cố nâng đỡ đức tin của chúng ta, như
xưa Chúa đã củng cố đức tin của các tông đồ qua cuộc biến hình, để dù chúng ta
có phải đối diện với thử thách của thập giá cuộc đời, chúng ta vẫn tin tưởng
tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa cho dù trước mặt mình là bóng tối dày
đặc. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc