Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm B

TỤC HÓA TRONG ĐỜI SỐNG ĐẠO

cn3mcb.jpg

Từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch hằng năm là mùa lễ hội ở Việt Nam. Vấn đề là, càng ngày các lễ hội văn hóa dân gian càng trở nên vô văn hóa, các lễ hội tín ngưỡng đã mất đi giá trị tín ngưỡng tâm linh mà chỉ còn là nơi kinh doanh và mê tín. Ví dụ: Ngày hội Chùa Hương là dịp những kẻ buôn bán lợi dụng chỗ đông người để chặt chém du khách, biến đình chùa thành nơi tranh giành buôn bán, chửi bới lẫn nhau; ngày Khai Ấn Đền Trình trở thành dịp buôn bán sự mê tín và kinh doanh chức tước; ngày hội Vía Bà tại Bình Dương là dịp để cầu may, cầu bổng lộc, tiền tài, tình duyên hơn là thể hiện lòng tin đối với thần thánh, khách đến thăm chùa phải mất tiền phí. Hầu hết các lễ hội truyền thống được khôi phục hoặc được tổ chức, không phải vì nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho bằng cơ hội mượn thần thánh để kinh doanh, kiếm lợi.

Ngày xưa, đền thờ là nơi thánh thiêng, nơi Thiên Chúa ở giữa dân Ngài, là nơi thờ phượng tế tự Thiên Chúa, nhưng các thượng tế đã biến nó thành nơi phàm tục. Lễ Vượt Qua hằng năm là lễ hành hương của người Do Thái, tất cả mọi người đến tuổi quy định đều phải tập trung về Giêrusalem để dâng của lễ thờ phượng Thiên Chúa và nối kết tình cộng đồng. Tuy nhiên, lợi dụng ngày mọi người lên hành hương, các thượng tế đã cho những con buôn tổ chức buôn bán chiên bò và đổi tiền ngay trong sân đền thờ, khiến cho đền thờ trở thành nơi buôn bán, cãi vã, gian dối. Chúa Giêsu đã không chấp nhận sự tục hóa, biến nơi thánh thiêng thành nơi phàm tục, biến đền thờ thành nơi buôn bán, biến dịp đại lễ thành cơ hội kiếm lời. Nên khi chứng kiến cảnh buôn bán đổi chác trong sân đền thờ như thế, Chúa Giêsu đã lấy dây làm roi, xua đuổi tất cả chiên bò và những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Chúa xô đổ bàn ghế của những người đổi tiền và tuyên bố: “đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán”.

Khi làm như vậy, Chúa biết chắc sẽ đụng chạm đến quyền lợi của các thượng tế. Những người này đã bắt tay với con buôn để chặt chém khách hành hương và kiếm lời. Nhưng vì lòng nhiệt thành với nhà Chúa, muốn trả lại cho đền thờ sự thánh thiêng, Chúa Giêsu đã chấp nhận bị phản đối và thậm chí bị trả thù và bị thiệt thân. Không chỉ nhắm đến việc trả lại sự thánh thiêng cho đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu còn muốn mỗi người phải trả lại sự thánh thiêng cho đền thờ tâm hồn của mình và phải trở về với đúng chức năng bổn phận của mình: Các tư tế phải trở lại với nhiệm vụ của mình là phục vụ đền thờ và chu toàn việc tế tự; các con buôn phải trở về với nơi buôn bán chứ không thể buôn bán trong đền thờ.

Nhưng điều quan trọng nhất Thiên Chúa mong đợi, là mỗi người phải trở về với đúng giới răn lề luật của Thiên Chúa, tuân giữ và truyền lại cho con cháu lề luật của Thiên Chúa. Bài đọc một sách Xuất Hành kể lại sự kiện Thiên Chúa ban lề luật cho dân Israel trên núi Sinai. Tất cả các điều luật được ban không phải để gây thêm gánh nặng cho dân, nhưng Thiên Chúa chỉ muốn dân sẽ được hạnh phúc hơn và được thừa hưởng đất mà Người hứa ban cho cha ông họ. Thiên Chúa muốn dân Israel giữ lề luật là vì Thiên Chúa yêu thương họ, Ngài đã dùng cánh tay hùng mạnh để giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và nhận Israel làm dân riêng của Ngài. Vì thế, Thiên Chúa muốn Israel chỉ thờ một mình Ngài mà thôi, không thờ bất cứ một thần linh nào khác. Thiên Chúa muốn Israel phải giữ ngày Sabát như dấu chỉ họ thuộc về Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Thiên Chúa đòi Israel phải sống và cư xử với nhau sao cho xứng đáng là những người con của Chúa, qua việc: Thảo kính cha mẹ; Tôn trọng mạng sống của nhau; Thủy chung trong gia đình; Tôn trọng tài sản của nhau và sống ngay thẳng không gian dối dù trong tư tưởng hay trong hành động.

Tuy nhiên, người Do Thái đã dần quên giới răn lề luật của Thiên Chúa. Họ bỏ qua giao ước đã ký kết, để sống theo thói sống của dân ngoại, chạy theo bạc tiền, hưởng thụ, sống dễ dãi và bỏ qua những đòi buộc của giới răn lề luật. Đời sống của người Do Thái đã rơi vào lối sống giả dối, hình thức, các việc tế tự, thờ phượng trở nên vô hồn, chỉ còn là cơ hội kinh doanh. Khi chứng kiến sự suy thoái trong đời sống, sự tục hóa trong việc thực hành đạo, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh người Do Thái, để mời gọi họ trở về với Thiên Chúa là Đấng yêu thương và giải thoát. Xua đuổi những người buôn bán tại đền thờ, là hình ảnh Chúa Giêsu muốn mỗi người để cho Ngài xua đuổi ma quỷ, tội lỗi và sự tục hóa trong tâm hồn. Khi tuyên bố: “Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán”, Chúa Giêsu muốn mỗi người cùng Ngài tuyên chiến với ma quỷ và sự xấu, vật chất và tục hóa, để trả lại sự thánh thiêng cho đền thờ tâm hồn của mỗi người.

Thưa quý OBACE, trào lưu tục hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trong đời sống cá nhân mỗi tín hữu và trong sinh hoạt của Giáo Hội. Trào lưu tục hóa đã biến những điều thánh thiêng thành những việc phàm tục và đưa những việc phàm tục vào trong lãnh vực thánh thiêng khiến cho thật giả trở nên lẫn lộn.

Trào lưu tục hóa có thể ảnh hưởng trên các linh mục và tu sĩ, cám dỗ những người tu sống theo kiểu của người đời, chạy theo việc tìm kiếm danh vọng và vật chất. Phong trào này đang khiến cho nhiều người sống đời tu trì trở thành biến chất, đánh mất giá trị cốt lõi của đời tu, biến đời sống tu trở thành cái vỏ che đậy những toan tính theo kiểu trần gian. Trào lưu tục hóa cũng ảnh hưởng trên các sinh hoạt của nhiều cộng đoàn, giáo xứ, khiến họ chú tâm nhiều đến những hoạt động phàm tục hơn là những bổn phận thánh thiêng, biến những nơi thánh thiêng thành những nơi phàm tục, quan trọng hóa việc đời hơn việc đạo.

Cám dỗ tục hóa đang tác động mạnh mẽ trên đời sống tín hữu, khiến cho nhiều người lao vào tìm kiếm của cải vật chất hơn là tìm kiếm Thiên Chúa và các việc đạo đức theo kiểu lý luận: “Có thực mới vực được đạo”. Vì thế, đối với những người này, việc đạo đức trở thành thứ yếu, Thiên Chúa không còn là quan trọng và hạnh phúc Nước Trời không còn phải là quan tâm hàng đầu của họ. Sự tục hóa còn thể hiện qua việc thực hành đạo cách dễ dãi của nhiều người. Ví dụ: Người có đạo nhưng vẫn tin kiêng và thực hành theo kiểu dân ngoại, xem tuổi, xem bói, chọn ngày khởi công xây nhà, xem giờ khai trương, tin kiêng mồ mả… Từ những việc tin kiêng vớ vẩn, mê tín này dẫn đến việc suy giảm đời sống đức tin, biến niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất quyền năng trở thành ngang hàng với các thứ niềm tin khác theo kiểu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Gia đình là Cung Thánh của Thiên Chúa, là nơi thánh thiêng, vì gia đình là nơi diễn tả tình yêu của Thiên Chúa và là nơi Thiên Chúa trao ban mầm sống cho nhân loại. Tuy nhiên, nhiều người đã biến gia đình trở thành nơi phàm tục, cuộc sống vợ chồng chỉ còn là hưởng thụ chứ không còn là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa và đón nhận sự sống. Nhiều người đã biến gia đình trở thành nơi cãi vã tranh chấp, không còn phải là tổ ấm yêu thương nơi Thiên Chúa cư ngụ. Sự tục hóa còn thể hiện qua việc nhiều gia đình thay thế các giờ kinh sớm tối của gia đình, bằng các cuộc nhậu; các giờ lễ bị thay thế bằng việc xem tivi hoặc là những cuộc đi chơi, du lịch…

Thân xác và tâm hồn mỗi người là đền thờ của Thiên Chúa, nhưng nhiều người đã để cho ma quỷ và tội lỗi tự do buôn bán và cư ngụ trong tâm hồn mình. Họ biến thân xác thành dụng cụ để hưởng thụ, biến tâm hồn trở thành nơi chưa chấp sự gian ác, bất công, giận hờn và thù oán…

Hôm nay Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta học nơi Ngài, mạnh dạn xua đuổi khỏi tâm hồn những tội lỗi và những thói xấu, kiên quyết lật đổ hang ổ của ma quỷ, trả lại cho tâm hồn và thân xác ta sự thánh thiện mà Thiên Chúa muốn. Lời Chúa cũng muốn chúng ta thanh tẩy đời sống khỏi những thói sống của dân ngoại, loại bỏ khỏi mình cách cư xử theo kiểu người đời và những lối sống phàm tục. Chúa cũng muốn ta cư xử với nhau tốt hơn theo tư cách là con của Chúa và làm cho cuộc đời và tâm hồn mỗi chúng ta nên tinh tuyền thánh thiện hơn, xứng đáng là nơi Chúa ngự. Amen.                              

 Linh mục Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Chay_Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Chay_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc.
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay Năm B-LM.ĐAN VINH-HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay Năm B_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay-Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay-Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Chay_Tam Thái