Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay
Năm B
THIÊN CHÚA MỘT MỰC XÓT THƯƠNG VÀ THA THỨ
Kết thúc
phiên tòa xét xử tên giết người tại Bình Dương năm trước, những người đến xem cảm
thấy thỏa mãn vì kẻ giết người máu lạnh bị kết án tử hình. Những người thân còn
lại của gia đình nạn nhân cho rằng, những người chết cũng an lòng khi kẻ thủ ác
phải đền tội. Chỉ riêng có bà mẹ của tử tội là đau đớn và khóc ngất khi đứa con
vừa tròn hai mươi tuổi của bà phải lãnh án tử. Mặc dù không phủ nhận, cũng
không biện minh cho con, nhưng bà luôn nói với những người chung quanh: “con bà
trước đây rất ngoan, rất dễ thương”. Bà tìm mọi cách để kháng án cứu con khỏi tử
hình, vì bà nói: “nó còn quá trẻ”.
Thưa quý
OBACE, người ta thường nói: “Nước mắt chảy xuôi”. Trong mắt của cha mẹ, cho dù
con cái có ngỗ nghịch, thì nó cũng vẫn là đứa con đáng thương, dù con cái sai lầm
thế nào cũng có thể dễ dàng được tha thứ và bỏ qua, chỉ vì cha mẹ nào cũng
thương con và không ai muốn con phải chết. Thiên Chúa của chúng ta cũng là người
cha hết mực thương con và không thể làm ngơ khi thấy con đau khổ và phải chết.
Bài đọc một sách sử Biên niên đã tổng kết lại những biến cố quan trọng của dân
Israel. Các biến cố này không phải là những mốc son của lịch sử, nhưng trái lại
đây là những lần Israel đã phạm tội, phản nghịch chống lại Thiên Chúa. Với những
tội phản bội này, Israel xứng đáng ngàn lần chịu bản án tử hình hoặc bị hủy diệt,
nhưng Thiên Chúa vẫn cho thấy Ngài là một người cha hết mực yêu thương tha thứ
và bênh vực con là Israel.
Sách Biên
Niên kể lại việc các thủ lãnh, tư tế và dân chúng bất nghĩa bất trung với Thiên
Chúa, sống theo lối sống ghê tởm của dân ngoại, làm ô uế đền thờ của Thiên
Chúa. Vậy mà, Thiên Chúa vẫn hết mực yêu thương và kiên nhẫn, Ngài sai các sứ
giả đến để cảnh tỉnh họ, mời gọi họ điều chỉnh lại đời sống của mình. Tuy
nhiên, dân chúng vẫn cứng đầu, coi thường các sứ giả, khinh chê lời mời của
Thiên Chúa, hành hạ các ngôn sứ được Chúa sai đến. Thiên Chúa đã cảnh cáo Israel
bằng cách cho dân ngoại đến quấy phá mùa màng và cuộc sống của họ. Chúng giết
chóc và phá hủy đền thờ Giêrusalem, bắt những người ưu tú trong dân đi làm nô lệ,
nhà cửa bị phá hủy, đất đai bị bỏ hoang. Thế nhưng, Thiên Chúa như người mẹ: “giận thì giận, mà thương thì thương”
Ngài lại cho Israel có cơ hội được sống. Tại Babylon, Thiên Chúa đã dùng vua
Kyrô như một minh vương, ông nhân danh Thiên Chúa ban lệnh hồi hương cho người Do Thái, trả lại
tự do, và còn cung cấp lương thực, vật liệu để Israel trở về khôi phục vương quốc,
tái thiết đền thờ.
Thiên
Chúa không hề thay đổi, cũng không hề hối tiếc về tình thương Ngài dành cho
nhân loại. Thư Êphêsô đã ca ngợi lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa khi nói
rằng: “Thiên Chúa hết mực yêu thương chúng ta, cho dầu chúng ta đã sa ngã phạm
tội và phải chết, Thiên Chúa vẫn cho ta được sống”. Mặc dù chúng ta phản bội,
nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương và còn cho ta được cùng sống lại với
Đức kitô và cùng được hưởng vinh quang nước trời với Đức Kitô. Thánh Phaolô
cũng giải thích thêm: “Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu yêu thương chúng ta như thế,
không phải vì công trạng của chúng ta, cũng không phải vì chúng ta xứng đáng hoặc
chúng ta làm được việc gì nên công trạng, nhưng hoàn toàn do lòng yêu thương và
ân sủng nhưng không của Thiên Chúa”. Vì thế, con người không có quyền gì để tự
hào về chính mình, trái lại hãy tự hào vì tình thương của Thiên Chúa và chúng
ta là những người con được Chúa yêu thương, là thụ tạo trong bàn tay uy quyền của
Thiên Chúa.
Trong cuộc
nói chuyện với ông Nicôdêmô, Chúa Giêsu đã giải thích rõ hơn về tình thương của
Thiên Chúa luôn dành cho con người. Ngày xưa trong hoang địa, dân do Thái đã phản
bội oán trách Thiên Chúa và Môsê: “Tại sao Thiên Chúa lại đưa chúng tôi ra khỏi
Ai Cập, đưa chúng tôi vào hoang địa để chúng tôi chết đói chết khát?” Thiên
Chúa đã cảnh cáo tội vô ơn phản loạn của họ, Ngài cho rắn sa mạc bò ra cắn chết
nhiều người. Khi dân hối hận, Thiên Chúa lại tha thứ. Ngài truyền cho Môsê đúc
một con rắn bằng đồng treo nó lên cột cao, để những ai bị rắn cắn, nếu tin vào
Lời Chúa mà nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được cứu sống. Con rắn đồng không có sức
chữa khỏi rắn cắn, nhưng Thiên Chúa cứu sống những ai nhìn lên con rắn đồng với
lòng tin vào Thiên Chúa. Từ hình ảnh đó, Chúa Giêsu muốn nói đến tình thương của
Thiên Chúa trong thời mới này: “Để cứu con người khỏi nọc rắn độc là ma quỷ,
Thiên Chúa đã không treo con rắn bằng đồng nữa, mà Ngài đã chấp nhận để cho Con
Một là Đức Giêsu bị treo trên cây thập giá, để ai nhìn lên thập giá với lòng
tin vào Con Thiên Chúa, thì sẽ được sống muôn đời”.
Thập giá
đã trở thành biểu tượng của tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người. Đấng
bị treo trên thập giá trở thành nguồn ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Tất
cả mọi người nếu tin và sấp mình thờ lạy Đấng bị đóng đinh sẽ đón nhận được sự
sống. Trong cái nhìn của người xưa, thập giá là một nỗi ô nhục, kẻ nào bị chết
treo trên thập giá, là kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Ngày nay Thiên Chúa đã biến
đổi hoàn toàn ý nghĩa của thập giá, Ngài biến cây Thập giá của Chúa Giêsu thành
tiếng nói yêu thương đến tận cùng, thành công cụ cứu chuộc nhân loại. Theo cái
nhìn thông thường của nhân loại, kẻ có tội sẽ phải chết, kẻ làm điều ác sẽ bị
trừng phạt. Nhưng ở đây, tác giả Tin Mừng đã giải thích thêm: “Thiên Chúa sai
Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ
Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị kết án, còn
kẻ không tin thì đã bị kết án rồi”.
Không chỉ
dân Do Thái ngày xưa, mỗi người chúng ta ngày nay vẫn không ngừng phản nghịch,
xúc phạm và chống lại Thiên Chúa. Chúng ta dễ dàng nghe theo lời cám dỗ ngọt
ngào khéo léo của ma quỷ, rời xa tình yêu thương của Thiên Chúa. Nhiều lần
chúng ta đã để mình sống theo sự lôi cuốn của thế gian và xác thịt, bỏ qua giới
răn lề luật của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn không nổi cơn thịnh nộ giáng phạt
trên chúng ta, trái lại Thiên Chúa vẫn yêu thương và vẫn không ngừng ban ơn trợ
giúp, cho chúng ta có thời gian, có cơ hội điều chỉnh lại cuộc sống của mình.
Mùa chay
chính là thời gian ân huệ Chúa ban để mỗi người tự nhìn lại đời sống mình, mối
tương quan của mình với Thiên Chúa. Có thể mối tương quan này, từ lâu đã bị tổn
thương bởi tội, bởi sự lười biếng, khiến cho nhiều người ngại ngùng quay trở về
với Chúa. Có nhiều người đã không tin vào lòng nhân hậu bao dung của Thiên
Chúa, thất vọng về bản thân khi nghĩ rằng: “Tôi nhiều tội thế này chắc Chúa
không tha thứ cho tôi đâu!” Có người lại nói: “Tôi xưng tội rồi lại tái phạm, vậy
thì có đi xưng tội nữa cũng không hơn gì”. Nghĩ và hành động như thế là thiếu
lòng tin vào sự quảng đại hay tha thứ của Thiên Chúa. Trong thông điệp Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ xác tín: “Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về
chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta”. Do đó, vấn
đề không phải là chúng ta đã phạm tội gì hoặc tình trạng tâm hồn ta ra sao,
nhưng vấn đề là, chúng ta có dám chỗi dậy nói lời xin lỗi Chúa và đưa tay ra để
cho Chúa nâng chúng ta lên hay không mà thôi.
Nhờ cái
chết treo trên thập giá của chúa Giêsu, chúng ta đã được cứu chuộc, được giải
thoát khỏi ma quỷ, tội lỗi và sự chết. Hơn nữa, nhờ cuộc phục sinh của Chúa
Giêsu, chúng ta được trở nên con cái của sự sáng. Thiên Chúa đã đánh đổi Con Một
của Ngài để nhận chúng ta làm con, vì thế, chúng ta được mời gọi sống và hành động
trong ánh sáng của Thiên Chúa và với tư cách là con người được Chúa yêu thương
cứu chuộc.
Tin tưởng
vào tình thương và ơn trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta điều chỉnh lại bản
thân, gia đình, cùng nhau đến lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa nơi tòa giải tội và
lãnh nhận Thánh Thể là Bí tích Tình yêu Thiên Chúa trao ban. Xin Chúa cho chúng
ta nhờ siêng năng lãnh nhận các Bí tích này, được Chúa uốn nắn và biến đổi ta
nên những người con thảo hiếu của Chúa. Amen.
Linh
mục Giuse Đỗ Đức Trí - GPXL