Suy Niệm Lời
Chúa Chúa Nhật tuần XXVI Thường Niên Năm A
Lễ Mẹ Mân Côi
Ở Việt
Nam chúng ta có hai mùa, mùa mưa và mùa nắng. Khởi đầu của hai mùa này được
Giáo Hội chọn làm hai mùa hoa dâng kính Đức Mẹ. Mùa mưa đến, vào tháng năm,
trăm hoa đua nở, được chọn làm mùa hoa dâng Mẹ. Hôm nay bước vào tháng mười,
Giáo Hội cũng chọn làm mùa hoa đặc biệt dâng Mẹ, không phải là hoa cỏ đồng nội,
mà là mùa hoa rosa, hoa hồng hay còn gọi là hoa mân côi. Hoa hồng vốn được coi
là nữ hoàng của các loài hoa. Tràng chuỗi mân côi chính là tràng hoa hồng mỗi
người dâng lên Đức Mẹ để cùng với Mẹ ca tụng tạ ơn Thiên Chúa; cùng với Mẹ suy
gẫm và bước theo cuộc đời cứu chuộc của Chúa Giêsu; đồng thời xin Mẹ cầu bầu
cùng Chúa cho mỗi chúng ta là con của Mẹ, đang phải chiến với những cám dỗ của
ma quỉ, dục vọng, xác thịt, thế gian.
Kinh Mân
côi là lời kinh được Đức Mẹ yêu thích, vì lời kinh này không phải là lời kinh
ca tụng Mẹ, nhưng là ca tụng quyền năng của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Lời
kinh Kính Mừng nói lên tâm tình tạ ơn của Mẹ: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi, vì Chúa đã làm cho tôi
biết bao điều kỳ diệu.
Khởi đầu
Kinh Kính Mừng là lời chào của sứ thần Gabriel: Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên
Chúa ở cùng Bà. Lời chào hết sức đặc biệt và đầy kính trọng này khiến cho Đức
Maria vô cùng ngạc nhiên. Sứ thần đã không gọi Đức Maria bằng tên của Mẹ, nhưng
gọi Mẹ là Đấng đầy ơn phúc. Mẹ có phúc vì Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn để
trở nên người cộng tác trực tiếp vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Khi đến
thời đã định, Thiên Chúa muốn cho Con của Ngài xuống thế làm người nên đã chọn
cho Người một người mẹ, và Đức Maria là người vinh dự được tuyển chọn.
Đức Maria
cảm thấy bối rối không hiểu lời chào của sứ thần có ý nghĩa gì, Mẹ thắc mắc với
sứ thần và đã được trả lời: Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt
tên là Giêsu. Câu trả lời càng khiến cho Mẹ khó hiểu hơn, mặc dù đã đính hôn với
Giuse theo tục lệ Do Thái, nhưng hai người vẫn chưa làm đám cưới, chưa về với
nhau, vậy mà sứ thần nói Mẹ sẽ mang thai Con Đấng Tối Cao. Câu trả lời hoàn
toàn vượt quá sức tưởng tượng và sự hiểu biết của Mẹ. Sứ thần còn giải thích
thêm: Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao phủ Bà, vì
thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa. Mẹ không thể hiểu điều
gì sẽ xảy ra, Mẹ chỉ biết rằng Thiên Chúa đã muốn mời Mẹ góp phần của mình vào
chương trình vĩ đại của Chúa. Mẹ cảm thấy mình vô cùng bất xứng, thấp hèn,
nhưng Mẹ đã hoàn toàn buông mình cho quyền năng Thiên Chúa và đã thưa: Này tôi
là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền.
Lời thưa
của Mẹ là một lời đáp trả hoàn toàn trong vâng phục thánh ý Thiên Chúa, Mẹ để
cho Thiên Chúa sử dụng cuộc đời của Mẹ, cung lòng của Mẹ làm nơi cho Ngôi Lời
Con Thiên Chúa cư ngụ. Với sự vâng phục này, Mẹ đã hoàn toàn gắn bó cuộc đời
mình với chương trình của Thiên Chúa, Mẹ dâng tặng cho Ngôi Lời chính máu huyết
của Mẹ để làm nên máu thịt của Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Cũng kể từ lời
thưa vâng này, cuộc đời của Mẹ đã bước vào một hành trình mới, hành trình đáp lại
lời thưa xin vâng một cách liên tục trong mọi biến cố cuộc đời của Mẹ.
Ngay sau
khi được truyền tin mang thai Con Thiên Chúa, Mẹ đã đến thăm người chị họ là bà
Elizabet. Mẹ đem Chúa đến cho gia đình Giacaria và ở lại phục vụ, chăm sóc cho
bà Elizabet khi sinh nở lúc tuổi già. Trong giây phút đầu tiên hai người mẹ gặp
nhau, cả hai người được đầy tràn Thần Khí. Bà Elizabet đã được soi sáng để ca tụng
Mẹ: Em thật có phúc hơn mọi phụ nữ và con trong lòng em thật diễm phúc. Bởi đâu
tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi! Lời Kinh Kính Mừng đã lấy lại lời ca
tụng của Bà Elizabet dành cho Mẹ: Bà có phúc lạ hơn mọi phụ nữ và con lòng bà gồm
phúc lạ. Nếu như câu đầu tiên của Kinh Kính Mừng là lời chúc mừng của Sứ thần
dành cho Mẹ, thì câu thứ hai là lời ca tụng chúc mừng của đại diện nhân loại
qua bà Elizabet, mừng Mẹ là người diễm phúc hơn tất cả mọi phụ nữ trên trần
gian.
Phần thứ
hai của Kinh Mân Côi là lời cầu xin của Giáo Hội: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời,
cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Hội thánh cũng
dùng lời của bà Elizabet để xưng tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Giáo Hội tuyên xưng
Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội không ngần ngại
tôn vinh Mẹ là Mẹ của Ngôi Lời Con Thiên Chúa làm người, là Mẹ của Con Thiên
Chúa. Đây là một đặc ân vô cùng cao trọng Thiên Chúa ban cho Mẹ. Có thể nói
trong tất cả các đặc ân của Thiên Chúa dành cho Mẹ thì không có đặc ân nào cao
trọng bằng đặc ân này. Cũng có thể nói, Thiên Chúa quyền năng, Ngài cũng không
có thể làm gì khác hơn, cao trọng hơn nữa ngoài việc chọn Mẹ Maria trở nên Mẹ của
con Ngài.
Giáo Hội
cảm thấy vô cùng hạnh phúc, sung sướng và vinh dự vì một thành viên của Giáo Hội
là Đức Maria đã được tuyển chọn đặc biệt và được đặt vào vị trí cao trọng như vậy.
Vì thế, Giáo Hội tin tưởng chạy đến với Đức Maria như là một thành viên của
Giáo Hội và cũng là Mẹ của Thiên Chúa, đồng thời là Mẹ của Giáo Hội, để kêu xin
sự trợ giúp: Xin cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.
Lời cầu
xin này cho thấy sự khiêm tốn của Giáo Hội, nhìn nhận tình trạng lữ hành của
mình, và trách nhiệm cưu mang con cái còn đầy những vết nhơ tội lỗi, để xin Mẹ
nâng đỡ trợ giúp. Giáo Hội tin tưởng vào sự chuyển cầu của Mẹ, bởi vì Mẹ đã được
đẹp lòng Chúa, Mẹ đầy tràn ơn phúc, xin Mẹ cầu bầu bênh vực cho mỗi tín hữu là
con cái Giáo Hội đang còn vướng mắc bởi tội. Giáo Hội xin Mẹ bầu cử để Chúa xót
thương và tha thứ, xin Chúa nguôi giận và nhìn đến con cái của Mẹ lúc hiện tại
và nhất là trong giờ lâm tử.
Lời Kinh
Kính Mừng là lời kinh đúc kết cả niềm tin và sự phó thác của Giáo Hội vào nơi
Thiên Chúa, cậy nhờ sự bầu cử đắc lực của Mẹ Maria. Lời Kinh này được đọc lên mỗi
ngày đan xen với việc suy niệm những biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa
Giêsu: vui, thương, mừng và màu nhiệm sự sáng, dệt lên một tràng hoa mân côi
sang trọng, tỏa hương dâng lên Thiên Chúa qua bầu cử của Mẹ Maria. Qua việc suy
ngắm các màu nhiệm này, chúng ta cùng với Mẹ đi suốt hành trình cứu độ của Chúa
Giêsu kể từ giây phút đầu tiên đầu thai trong cung lòng Đức Mẹ, khi sinh ra lớn
lên trong gia đình Nazareat, khi bước vào hành trình truyền giáo, chịu đau khổ
chịu chết và phục sinh. Tất cả hành trình của Chúa Giêsu đều có bóng dáng và sự
hiện diện của Mẹ. Vì Mẹ đã gắn bó trọn đời với Chúa Giêsu trong vâng phục thánh
ý Thiên Chúa nên Thiên Chúa đã ban thưởng Nước Thiên Đàng cho Mẹ và đặt Mẹ là Nữ
Hoàng bên cạnh Chúa Con, trở nên Người Mẹ bầu cử đắc lực cho nhân loại.
Mùa hoa
Mân Côi là mùa chúng ta được mời gọi dâng lên Mẹ thật nhiều tràng hoa Kính Mừng.
Tràng chuỗi Mân Côi vừa là lời ca tụng tạ ơn Thiên Chúa, vừa là lời cầu nguyện
và cầu xin Thiên Chúa dựa vào uy thế của Mẹ. Kinh Mân Côi là lời kinh Mẹ yêu
thích. Khi hiện ra tại Fatima, Mẹ mời gọi con của Mẹ siêng năng lần hạt Mân
Côi, ý thức thân phận tội lỗi của mình để xin ơn sám hối, xin chúa canh tân biến
đổi bản thân và thế giới. Chúng ta có thể đọc kinh Mân côi mọi nơi mọi lúc, lúc
ở nhà, khi ra đường, khi đến trường và cả khi làm việc, khi lái xe. Khi có nhiều
giờ chúng ta đọc mười kinh hoặc năm mươi kinh, khi ít giờ chúng ta có thể đọc ba
hoặc năm kinh, khi bận hơn nữa ta có thể đọc một, hai kinh để xin Mẹ luôn đồng
hành với chúng ta. Kinh Mân côi có sức mạnh bảo vệ hạnh phúc gia đình, củng cố
tình anh em, nuôi dưỡng tình bác ái, kể cả giảm stress, nhất là Kinh Mân côi là
lời kinh có thể đưa ta đến gần Chúa một cách đơn sơ chân thành.
Xin cho
chúng ta biết đáp lại lời xin tha thiết của Mẹ trong lần hiện ra tại Fatima:
canh tân cải thiện đời sống, tôn sùng trái tim Mẹ và siêng năng lần hạt Mân
côi. Mẹ sẽ ban lại hòa bình cho thế giới, cho gia đình và cho tâm hồn chúng ta.
Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí