Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34

CHỦ NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN B

Đức Ki tô là Vua và cùng với Ngài chúng ta sẽ chiến thắng. Nhưng cuộc vinh thắng ấy không có nghĩa là chúng ta có thể ngồi khoanh tay bất động trước sự dữ. Đó là thù địch duy nhất mà TÌNH YÊU đích thật phải kiên trì chiến đấu chống lại. Nhưng từ nay chúng ta biết rằng trong cuộc chiến ấy, chúng ta chỉ có một khí giới là chính Tình yêu. Và bằng tình yêu, chúng ta sẽ làm cho Nước Chúa hiện diện trong trần gian.

Sách Đa ni ên 7,13-14:

Trong một thị kiến hùng vĩ, tiên tri đã thấy Con Người xuất hiện trên mây trời. Ngài được trao ban mọi quyền hành trên trời dưới đất, và quyền thống trị ấy tồn tại muôn đời. Thế nên Vương quốc của Ngài sẽ vĩnh cửu. Nhân vật huyền bí ấy không ai khác hơn là chính Đức Ki tô.

Thánh vịnh 92:

Vương quyền của Thiên Chúa hiển trị trong khắp tạo vật, nhưng còn biểu hiện vinh quang trong Đền thờ nơi mà các tín hữu đến tôn vinh Người.

Sách Khải Huyền 1,5-8:

Từ KHẢI HUYỀN có nghĩa là mở màng, để lộ ra, tỏ ra cho thấy. Khi cho thấy những lớp Lịch sử nối tiếp nhau, ngang qua một khung cảnh hùng vĩ đầy hình ảnh, tác giả đọan văn nầy nói rằng Lịch sử có bí mật cuối cùng là Đức Ki tô. TÌNH YÊU mà Chúa Giê su đã mặc lấy hoàn toàn trong cuộc sống của Ngài là năng lực đã hoạt động ngay từ khởi thủy của Lịch sử. Nó là tiếng nói cuối cùng của tất cả mọi sự. Tình yêu chắc chắn sẽ chiến thắng.

Tin mừng: Ga 18, 33b-37

NGỮ CẢNH

Các sách Tin Mừng đều thuật lại việc Chúa Giê su bị đưa ra xét xử trước Toà án Philatô, nhưng trong Tin Mừng Gioan biến cố ấy mang một tầm mức quan trọng đặc biệt. Có nhiều lí do biện minh cho điều ấy: tác giả muốn nhấn mạnh trách nhiệm của Phi la tô và của người Do thái trong việc kết án tử hình Chúa Giê su; thứ đến, tác giả muốn cho thấy việc xét xử không nhằm lên án Chúa Giê su nhưng trái lại đề cao vương quyền của Ngài một cách độc đáo và rõ ràng nhất; và cuối cùng, khi bị xét xử, thì Chúa Giê su lại thể hiện quyền năng xét xử của mình trước mọi người.

Do vậy mà trình thuật được cấu trúc chặt chẽ nhằm họa lên một khung cảnh thực bi tráng. Khởi đầu là một nhập đề ngắn (c.28) nối đoạn sau với đoạn đi trước và trao cho độc giả chìa khóa giải thích ý nghĩa những gì đi sau. Kế đó là bẩy phân đoạn, chia thành hai nhóm, mỗi nhóm gồm ba lần quay trở về quang cảnh trung tâm. Tất cả nhằm cho thấy cuộc đối đầu giữa Philatô và Chúa Giê su ở trong dinh xen kẽ với cuộc chạm trán giữa Philatô và người Do thái ở ngoài dinh. Trình thuật do đó được khai triển như sau:

18, 29-32: ở ngoài: Philatô – người Do thái

33-38a: ở trong: Philatô – Chúa Giê su

38b-40: ở ngoài : Philatô – người Do thái

19,1-3 : ở trong : cảnh đội vòng gai cho Chúa Giê su

4-7 : ở ngoài : Philatô – người Do thái

8-11 : ở trong : Philatô – Chúa Giê su

12-16 : ở ngoài : Philatô – người Do thái

Trong bốn cảnh ở công khai bên ngoài, chúng ta thấy viên chánh án Philatô đối diện với các thủ lãnh người Do thái. Trước hết, ông tìm cách làm rõ lời cáo buộc người ta gán cho Chúa Giê su (18,29), và ba lần ông tuyên bố Ngài vô tội (18,38;19,4,6). Sau đó ông trở nên do dự hơn khi nghe các đối thủ của Chúa Giê su quả quyết rằng Ngài tự cho mình là Con Thiên Chúa (19,7-8). Sau cùng ông đành thua cuộc trước lời cáo buộc có tính cách chính trị (19,12).

Trong hai cảnh đối diện với Chúa Giê su (“ở trong”), Philatô không còn xuất hiện như vị chánh án tối cao nữa; ông bối rối hỏi Chúa Giê su như tất cả mọi người khi đứng trước mầu nhiệm của Ngài: Ngài là ai ? Ngài từ đâu đến ?

Đoạn văn của chúng ta nằm trong phân cảnh thứ hai diễn ra ở trong dinh giữa Chúa Giê su và ông Philatô (33-38).

TÌM HIỂU

Vua dân Do Thái: trở vào trong dinh, Philatô đối mặt với Chúa Giê su. Ông ta liền đặt ra cho Chúa Giê su câu hỏi căn bản được cả bốn sách Tin mừng thuật lại (Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,3). Đó là câu hỏi duy nhất mà Philatô có thể quan tâm đến: ngài có phải là thủ lãnh một băng nhóm tìm cách gây ra một phong trào li khai chăng? Tin Mừng Gioan nhấn mạnh cuộc đối thoại giữa Chúa Giê su và Philatô; toàn bộ cảnh toà án mà ông thuật lại (đề nghị phóng thích Chúa Giê su: 18,39; cảnh đội triều thiên gai: 19,2-3; thuật lại nơi gọi là Gáp ba tha: 19,13) nhấn mạnh rằng Chúa Giê su hoàn toàn xứng đáng với tước hiệu là Vua mà Philatô gán cho Ngài.

Ngài tự ý nói điều ấy: Chúa Giê su không trả lời thẳng câu hỏi của Philatô. Một lần nữa, trình thuật cho thấy Ngài điều khiển các biến cố như trong cảnh người ta vây bắt Ngài (18,40), Ngài hỏi Philatô: “Ngài tự ý nói điều đó vì tò mò muốn biết hay vì ngài thật sự tìm hiểu về tôi?”. Chúng ta đã từng chứng kiến cách xử sự ấy của Chúa Giê su (2,4; x. Lc 9.18-20).

Ông Philatô: Ông từ chối để mình bị lôi kéo theo chiều hướng tôn giáo, trước sau vẫn muốn làm trọn vai trò một viên chức xử án của nhà nước. Do đó ông đưa ra một câu hỏi có tính cách thẩm vấn: “Ông đã làm gì?”. Về phần Chúa Giê su, thay vì trả lời, Ngài quay trở lại quan điểm đã đặt ra, vấn đề về vương quyền của Ngài.

Nước tôi không thuộc về: Chúa Giê su nhìn nhận vương quyền của Ngài như một sự kiện. Nó không thuộc phạm vi chính trị: vì nếu như thế, thì có lẽ Ngài dùng một đạo quân để bảo vệ quyền ấy. Nó cũng không phát xuất từ con người: vì Ngài đến trần gian để cứu độ thế gian (3,17;16,28), nhưng lại không thuộc về thế gian nầy (17,160). Rốt cục, vương quyền của Ngài có tính cách phổ quát.

Vậy ông là vua sao?: ở đây Phi la tô lặp lại tước hiệu một cách tuyệt đối, không thêm cụm từ bổ ngữ: “của người Do thái” (x.c.33), bởi vì ông đã hiểu rằng Chúa Giê su đã từ khước tước hiệu “Vua người Do Thái”, chứ không từ chối tước hiệu “Vua”.

Chính Ngài nói rằng tôi là vua: Chúa Giê su mời gọi ông Philatô nhìn nhận Ngài là Vua. Nhưng Philatô không hiểu rõ lời Chúa Giê su nói.

Và đã đến: Chúa Giê su đã đến để hoàn tất sứ mạng của Cha, để thực hiện một sự phán xử nhân danh Người (8,16), nghĩa là làm chứng cho chân lí.

Sự thật: đối với Gioan, chân lí trước hết là sự hoàn thành kế hoạch của Chúa Cha trong Chúa Giê su, sự mạc khải toàn vẹn. Chúa Giê su đến trần gian nầy để làm chứng cho tình yêu của Cha. Vương quyền của Ngài hệ tại ở đó: tất cả những ai mở rộng tâm hồn để tiếp nhận chân lí đều có thể trở thành môn đệ của Ngài (1,12;8,47;10,3).

TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA

Rằng một điều nghịch lí đã xảy ra: chính Chúa Giê su là bị cáo, thẩm vấn Philatô, viên thẩm phán.

Với tư cách là Vua, Chúa Giê su không trả lời câu hỏi của Philatô về lời tố cáo của Thầy Thượng tế lãnh đạo người Do thái. Ngược lại Ngài hỏi Philatô: “Có phải tự ý ông nói điều đó không ?”

TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA

Rằng tình yêu của Chúa Giê su mạnh mẽ hơn sự thù hận của người Do thái.

TIN MỪNG HÔM NAY ĐÒI CHÚNG TA

Cầu nguyện để có can đảm tự khẳng định là người Ki tô hữu.

Hằng ngày, ngay cả khi không nói lấy một lời, chúng ta vẫn có thể hành động như những người Ki tô hữu, môn đệ Đức Ki tô. Hãy nhìn xem, Chúa Giê su cũng đâu có bàn tay nào khác hơn đôi tay của chúng ta để hành động, có con tim nào khác hơn tim của chúng ta để YÊU THƯƠNG. TIN MỪNG không bao giờ cũ, không bao giờ hao mòn.

TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA

Rằng Chúa Giê su khẳng định Vương quyền của Ngài.

GIỜ đã đến. Khi hóa bánh ra nhiều, đám đông muốn tôn Ngài làm Vua. Ngài đã khước từ và trốn trên núi. Nhưng giờ đây, khi tất cả những người có thể ủng hộ Ngài đã bỏ chạy hết, còn lại một mình đứng trước người cầm mạng sống mình trong tay, Chúa Giê su khẳng định Ngài là VUA, nhưng không phải là một vị vua trần gian.

TIN MỪNG HÔM NAY NÓI VỚI CHÚNG TA

Rằng Chúa Giê su cho biết ý nghĩa Vương quyền của Ngài.

“Ta là Vua, đến trong thế gian để làm chứng về CHÂN LÝ !”. Đó chính là ý nghĩa đích thực của Vương quyền Chúa Giê su được Ngài khẳng định trước mặt người nắm quyền sinh sát đối với Ngài. Chúng ta biết điều gì là thật, nhưng chúng ta có can đảm để đi đến cùng và làm cho CHÂN LÝ chiến thắng không ? Chúng ta biết cần phải làm gì, nhưng từ chuyện biết cho đến hoàn thành, có cả một khoảng cách xa xăm. Chúng ta tin rằng Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta, thế rồi chúng ta lôi kéo Người đến những nơi mà người ta không thể gặp Người. Chúng ta biết rõ rằng Đức Ki tô ngự nơi tha nhân, thế nhưng chúng ta khinh dễ họ và để họ sống trong đau khổ thiếu thốn triền mien mà không quan tâm giúp đỡ. Chúng ta rất muốn tiếp nhận Đức Ki tô là Vua chúng ta, nhưng chúng ta lại là những kẻ xa lạ với lề luật sống của Ngài là Tin mừng. Chúng ta không sống đúng với những xác tín của chúng ta, cuộc sống chúng ta bị phân tán, và vẫn chưa có hòa hợp đưa đến BÌNH AN. Và không sống như chúng ta nghĩ, cuối cùng chúng ta sẽ nghĩ như chúng ta đã sống.

TIN MỪNG HÔM NAY ĐÒI CHÚNG TA

Ý thức rằng Nước Trời là CÔNG CHÍNH và CHÂN LÍ.

Phải thuộc về Chân lí để hiểu và sống Tin mừng. Philatô sợ Chân lí và không dám chờ đợi câu trả lời của Chúa Giê su. Chúng ta có phải là những Philatô, dửng dưng với CHÂN LÍ không ?

SỨ ĐIỆP TIN MỪNG HÔM NAY

Chúa Giêsu đã luôn là Vua, khi Ngài trục xuất ma quỷ, khi Ngài cho Lazarô sống lại, khi Ngài truyền cho gió và biển lặng im, khi Ngài bổ khuyết những thiếu sót trong luật Do thái và những áp dụng luật đó. Nhưng vị Vua theo kiểu Thiên Chúa nầy chưa bao giờ dùng sức mạnh để cưỡng bức một ai, bởi vì Vương quốc của Người không thuộc về thế gian nầy.

Vương quyền của Đức Ki tô cũng là vương quyền của chân lí. Chính Ngài đã nói với chúng ta: “Ta đến trần gian để làm chứng cho chân lí..” Chúa Giê su cai trị bằng đức tin và tình yêu mà chúng ta dành cho Ngài. Kính tôn Vua, chính là nghe tiếng Ngài, là hành động với Ngài chống lại mọi hình thức khai trừ để tất cả những ai bị khai trừ trên tòan thế giới nầy tìm lại được nhân phẩm của mình.

Ngày nay, Chúa Giê su cũng muốn đặt ra cho chúng ta câu hỏi mà Ngài đã đặt ra cho Philatô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Con nói rằng ta là vua bởi vì con đã nghe dạy giáo lí, đã đọc trong sách, đã nghe giảng trong thánh lễ? Chúng ta là những người Ki tô hữu, chúng ta khẳng định rằng Đức Ki tô là vua bởi vì chúng ta đã khám phá và đã biết, bởi vì chúng ta tin như thế từ niềm tin sâu thẳm trong tâm hồn. Đức Ki tô không phải là vị Vua trần gian, nhưng là “Vua ngự trị trong Tâm hồn”. Chính Ngài là Đấng mà chúng ta phải đặt ở trung tâm cuộc sống.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên-Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm A -LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm A_ Lễ Chúa Kitô Vua_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên - Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm A LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên Năm A _Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN 33 THƯƠNG NIÊN B
     CHÚA NHẬT TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B
     LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
     CHÚA NHẬT TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B
     CHÚA NHẬT TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B
     THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B
     THỨ HAI TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẤN 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B
     THỨ BẢY TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN NĂM B
     CHÚA NHẬTTUẦN 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B