CHỦ NHẬT 19
TN A
LẠY
THẦY XIN CỨU CON !
Có nhiều lúc cuộc sống trở nên gánh nặng khủng khiếp. Chân trời
dường như bị bít kín. Quá thất vọng, người ta có cảm giác như bị nhấn chìm sâu
trong vực thẳm. Thế rồi đột nhiên, một ân nhân xuất hiện, và bất ngờ người ta
tìm lại được lại niềm hi vọng, khám phá ra một cách để thoát khỏi ngõ cụt. Người
tín hữu gặp khó khăn cũng như thế, mỗi lần quay về với Chúa, và tái khám phá sự
Hiện diện thành tín của Ngài. Bấy giờ, người ta cảm thấy như được sống lại và
tìm lại sự can đảm và niềm tin tưởng đã mất.
Sách 1
Vua 19, 9a.11-13a
Vào thời tiên tri
Êlia, đức tin dường như biến mất khỏi Vương quốc Israên và Tiên tri thất vọng
đến nỗi muốn chết. Nhưng rồi được Chúa nâng đỡ, ông tiếp tục cuộc hành trình
đến núi Sinai, nơi Thiên Chúa tỏ mình cho ông Mô sê. Ông đối diện với Chúa như
Mô sê ngày xưa. Ông tìm lại được can đảm, tiếp tục sứ mạng mặc dù nhà vua vẫn
tìm cách chống lại ông.
Thánh
vịnh 84
Ngày xưa, Thiên Chúa
đã dẫn dân của Người ra khỏi đất lưu đày khi mà họ dường như sắp bị biến mất.
Chỉ cần Người làm cho họ hoàn toàn quay về với Người thì thời đại vàng son mà
ai cũng mong ước sẽ trờ lại trần gian. Sẽ xảy ra chuyện gì nếu tất cả mọi người
trên trần gian hành động theo Thánh ý của Thiên Chúa.
Thư Rôma
9, 1-5
Phao lô là người gốc do thái và chịu đau khổ nhiều khi thấy đồng
bào của mình khước từ Đức Ki tô đấng Cứu độ trong khi người ngọai lại thành tâm
tin nhận. Đức tin rất mạnh mẽ của ngài khiến ngài tin tưởng sâu xa rằng một
ngày nào đó Thiên Chúa sẽ hướng lòng họ quay trở lại với tình yêu của Ngài.
Mt 14: 22-33
NGỮ CẢNH
Đoạn nầy tiếp nối
đoạn Tin mừng tuần trước: sau khi hoá bánh nuôi đám đông, Chúa Giê su giải tán
họ và lánh riêng lên núi cầu nguyện. Các môn đệ xuống thuyền vượt biển qua bờ
bên kia. Và sau đó họ đã được ban cho một cơ hội tốt để kinh nghiệm thế nào là
tin vào Chúa Giê su. Ở đây cũng như trong trình thuật trước, các môn đệ ở một
mình và thiếu thốn đủ mọi thứ, thiếu cả Thầy mình. Họ đã đứng trước đám đông
đang lâm vào bước đường cùng. Bây giờ lênh đênh trên mặt nước, họ lâm vào cảnh
ngặt nghèo, và chỉ vào giây phút cuối cùng bằng một hành động đầy quyền uy,
Chúa Giê su mới ra tay cứu giúp. Trong cả hai trường hợp, Mt cho thấy thế nào
thân phận của người môn đệ: luôn bị giằng co giữa sợ hãi và tin tưởng, luôn
luôn bị đe doạ bởi những nghi ngờ. Nhưng qua lời cầu cứu, họ đã chiến thắng nỗi
sợ hãi và nghi ngờ nhờ vào sự trợ giúp của Chúa Giê su.
Biến cố đi trên mặt
biển trả lời cho câu hỏi về căn tính của Chúa Giê su và minh hoạ về quyền năng
thần linh của Ngài như là Con Thiên Chúa. Đồng thời cũng cho thấy lời tuyên
xưng các môn đệ sẽ đưa tới lời tuyên tín của Phê rô (16,13-20).
Có thể đọc đoạn tin
mừng theo bố cục sau đây:
1.Hoàn cảnh của các
môn đệ trên biển (14,22-24)
2.Chúa Giê su đi
trên mặt biển (14,25-27)
3.Chúa Giê su ra tay
dùng quyền phép cứu ông Phê rô (14,28-31).
TÌM HIỂU
Chúa Giê su liền bắt
các môn đệ: một kiểu nói lạ lùng. Tại sao Chúa Giê su phải ép các môn đệ ra đi?
Vì họ không muốn để Ngài một mình trong đêm vắng? Hay vì Ngài sợ họ cũng bị
phấn khích như đám đông đòi tôn Ngài làm vua sau khi đã chứng kiến phép lạ Ngài
làm ?
Chiếc thuyền đã ra
xa bờ biển đến cả mấy cây số: xa mấy dặm: một dặm dài khoảng 185 mét. Bản khác
ghi: chiếc thuyền ra giữa biển. Hồ nầy rộng khoảng 12 km.
Chiếc thuyền bị sóng
đánh vì ngược gió”: Trong khi Mc chú ý đến những người chèo thuyền vất vả vì
ngược gió (Mc 6,48), thì Mt chú ý đến chiếc thuyền. Mt muốn nói về chiếc thuyền
như là một biểu tượng chỉ Giáo hội. Trong câu 33 cũng thế, Mt nói: “Những kẻ ở
trong thuyền..” thay vì nói: các môn đệ.
Vào khoảng canh tư,
Ngài đi trên mặt biển đến cùng họ: Canh tư là khoảng thời gian từ 3-6 giờ sáng.
CƯ cũng có nhiều đoạn dùng kiểu ẩn dụ để nói Thiên Chúa đi trên mặt biển như G
9,8; 38,16; Tv 77,20; Hb 3,15; Hc 24,5. Do đó có sự song song giữa Chúa Giê su
và Thiên Chúa. Điều nầy chứng tỏ rằng Chúa Giê su có quyền lực thần linh tuyệt
đối và quyền lực ấy là để cứu vớt các môn đệ.
Chính
Thầy đây: Chúa Giê su nói lời
nầy để trấn an các môn đệ vì họ tưởng gặp ma. Ngoài ra ở đây Thiên Chúa tỏ mình
ra qua việc thi thố một quyền năng siêu phàm trên thiên nhiên. Cũng như Thiên
Chúa trong CƯ thường dùng kiểu nói ‘Chính là Ta’ hay ‘Ta Là’ để tự mạc khải (St
17,1; 26,24; 28,13; 35,11; 46,3; Xh 3,6.14). Mt muốn kín đáo nhấn mạnh đến sự
tương hợp giữa Chúa Giê su và Thiên Chúa.
Ông
Phê rô đi trên mặt nước đến cùng Chúa Giê su: Trong Thánh Kinh, biển
cả ẩn chứa quyền lực ma quỉ, thù nghịch với Thiên Chúa, và là nơi ở của kẻ chết.
Do đó đi trên biển có nghĩa chế ngự và chiến thắng ma quỉ.
Người môn đệ được
một quyền lực thần thiêng như Thầy, đó là chi tiết làm nổi bật hơn nữa ý nghĩa
giáo hội học của đoạn văn. Trong Mt, Chúa Giê su chia sẻ quyền tha tội cho các
môn đệ (9,6; 16,19;18,18). Tuy nhiên, Phêrô chỉ đi được trên mặt nước nhờ có
đức tin, vì đối với người có lòng tin, thì “chẳng có gì mà không làm được”
(17,20).
Thưa Ngài, xin cứu
con!: Như tiếng kêu của những người đi đò gặp cơn bảo tố (8,24), tiếng kêu của
ông Phêrô là âm vang của nhiều lời khẩn cầu của các tín hữu cầu xin Thiên Chúa
đến giúp mình khỏi luồn nước đang đe doạ (Tv 69,2.15; 144,7). Vì thế đây là lời
cầu nguyện nói lên niềm tin vào Chúa Giê su dù với chút ít nghi ngờ.
Quả thật Ngài là Con
Thiên Chúa!: Như các chỗ khác trong Tin mừng, lời tuyên tín nầy không phải là
sự nhìn nhận Chúa Giê su là Con Một của Thiên Chúa, mà chỉ có nghĩa “Chúa Giê
su là đấng Thiên sai của Thiên Chúa”. Sau đó, có thể cộng đoàn ki tô thời Mt đã
lặp lại lời tuyên xưng nầy với đầy đủ ý nghĩa nghĩa là tuyên xưng Chúa Giê su
chính là Con một Thiên Chúa.
Những kẻ ở trong
thuyền: nghĩa là những tín hữu trong Giáo hội, theo gương Phêrô và các môn đệ,
tuyên xưng Chúa Giê su là Con một Thiên Chúa. Hoạt cảnh nầy (32-33) giới thiệu
Giáo Hội mới của Chúa Ki tô, đã vượt thắng thử thách, nay vây quanh Đức Ki tô,
Chúa tể của họ.
SỨ ĐIỆP
Bài
Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng tuần trước. Chúa Giê su vừa hoá bánh ra
nhiều cho đám đông đang đói được ăn no nê. Sau phép lạ ấy, Chúa Giê su lui vào
nơi thanh vắng. Ngài không muốn trở thành một ngôi sao hoặc một siêu nhân của
đám đông, vì Ngài thoáng thấy rằng đám người phấn khích ấy sắp tôn Ngài làm lãnh tụ,
đứng lên tập họp mọi người giải phóng đất nước Palestina khỏi ách
thống trị của người La mã. Đó không phải là mục tiêu mà Ngài tìm kiếm bởi vì Nước
của Ngài không thuộc thế gian nầy. Đối với Ngài, điều quan trọng nhất là được
hiệp thông hoàn toàn với Cha. Sau một ngày đầy bận rộn với đám đông nghèo khổ cần
đủ mọi thứ, Ngài rút lui lên núi để cầu nguyện thân mật với Thiên Chúa Cha.
Chúng
ta cũng thế, đôi khi cần sự yên tĩnh, thinh lặng, hồi tâm sau những giờ phút
căng thẳng. Trong thế giới ồn ào náo nhiệt hôm nay, càng lúc càng có nhiều người
thích và đi tìm bầu khí tĩnh lặng. Sự phát triển của các cộng đoàn tu sĩ càng
lúc càng lôi kéo sự chú ý của mọi người. Người ta cảm thấy cần rời xa thế giới
huyên náo để tâm hồn lấy lại sự bình an: “Trong khi cầu
nguyện, người ki tô hữu có một khoảng cách đối với cuộc sống hằng ngày, ngõ hầu
khám phá ra những lời mời gọi của Thiên Chúa, và thấy rõ hơn những dấn thân mà
mình cần phải có” (Đ C Robert Coffy).
Phải, chúng ta hãy
dừng lại để có thời giờ cầu nguyện cho thế giới, cho gia đình chúng ta, và cho
tất cả những người mà chúng ta gặp trên đường đời. Như Chúa Giê su và cùng với
Ngài, chúng ta có thể phó thác cho Thiên Chúa Cha niềm vui, hi vọng và đau khổ của
thế giới. Tuy nhiên phải chú ý đến điều làm nên kinh nguyện thật sự khác hẳn
với kinh nguyện giả tạo. Nhiều khi chúng ta để mình bị cuốn hút theo tính kiêu
căng tự phụ, và quên rằng cầu nguyện không phải là trình diễn để làm hài lòng
mình. Đó không phải là một cố gắng của ý chí chúng ta, nhưng là phút giây đón
nhận Chúa Giê su gõ cửa tâm hồn mình. Như Đức Gioan Phao lô II đã nói, cầu
nguyện là lúc để cho Chúa Giê su cầu nguyện trong chúng ta.
Bài tin mừng hôm nay
cũng nói với chúng ta về ích lợi của lời cầu nguyện khi mọi sự chung quanh
dường như bị thất bại. Dù là những tay đánh cá chuyên nghiệp dạn dày với mưa to
sóng lớn, các môn đệ trên thuyền bị gió bão quất mạnh liên hồi tưởng không còn
cơ hội sống sót. Trong cơn nguy khốn ấy, bất ngờ họ thấy có bóng người đang
lướt trên mặt nước đến với các ông. Dĩ nhiên Chúa Giê su không muốn tìm cách
làm cho các môn đồ hoảng sợ. Điều Ngài muốn là cho các ông biết Ngài là ai.
Trong cách hiểu của người đương thời, biển gợi lên thế giới bão táp và những
con quái vật biển. Khi lướt đi trên mặt biển, Ngài muốn khẳng định rằng Ngài
chính là Thiên Chúa thống trị các mãnh lực sự dữ. Trong sách Khải Huyền, thánh
Gioan loan báo sẽ không còn biển nữa. Điều đó có nghĩa là các mãnh lực sự dữ
cuối cùng sẽ bị quyền năng của Chúa Giê su tiêu diệt.
Thánh Mát thêu kể lại câu truyện nầy là muốn
giúp những người ki tô hữu trong cộng đoàn Ngài đang bị thử thách hiểu rằng
họ chính là những người trong con thuyền đang bị bão táp. Và cũng như các môn
đệ ngày xưa, họ hốt hoảng kêu la vì thấy con thuyền sắp chìm. Nhưng vào
chính lúc quyết định ấy, Chúa
Giê su đã tiến đến. Ngài đến gặp các môn đệ, nhưng họ lại không nhận ra Ngài,
lại tưởng rằng đang gặp ma. Khi tất cả mọi sự trở nên tuyệt vọng, đến nỗi không
còn tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống và giữa những thử thách
của chúng ta nữa. Nhưng tin mừng vẫn còn đó để nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê
su luôn hiện diện để trấn an và ban cho chúng ta can đảm và hi vọng mà chúng ta
đã đánh mất. Tông đồ Phê rô đã được mời gọi nhảy xuống nước và đi như Chúa Giê
su trên các mãnh lực sự dữ. Nhưng chỉ được một khoảnh khắc, ông hoảng sợ. Bấy
giờ sự dữ đã lấy lại quyền lực của nó trên ông và cuối cùng nhận chìm ông xuống
biển. Ở đây cũng vậy, chính sự sợ hãi đã khiến ông cầu cứu: “Lạy Chúa, xin cứu
con!”.
Cũng như Phê rô,
nhiều lúc chúng ta cũng phải biết nhảy xuống nước; cả khi đức tin của chúng ta
như đức tin của Phê rô dường như không còn đứng vững. Có những ngày chúng ta
không còn tha thiết cầu nguyện; ước gì khi ấy, chúng ta hãy khẩn khoản cầu xin
Ngài cứu vớt chúng ta. Chúng ta sẽ nghe tiếng Ngài khuyến khích: “Hãy tin tưởng
lên, chính Ta đây, đừng sợ”. Và sẽ cho phép chúng ta đi trên mặt biển đến với
Ngài, nghĩa là thực hiện điều không thể.
“Đừng sợ”, Đức
Gioan Phao lô II đã nói như thế khi Ngài nắm tay lái con thuyền Hội thánh. Đó
không phải là một lời mời gọi khoanh tay không làm gì cả và chờ đợi mọi sự từ
Thiên Chúa. Trái lại, Ngài muốn nói với chúng ta: “Hãy đến!”. Chúa là đấng
chiến thắng trên sự dữ đòi chúng ta phải đầy tin tưởng tiến lên phía trước.
Ngài ở với chúng ta trong mọi nỗi lo âu. Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi
tình yêu của Ngài.
ĐÀO SÂU
1. HỎI:
Bối cảnh lịch sử của bài đọc một như thế nào?
THƯA: Sau chiến thắng đám tiên tri bụt
thần Ba an trên núi Cát mê lô, tiên tri Êlia bị bà Hoàng hậu I-de-vên vợ Vua A
kháp truy sát (1V 17-19). Ông phải trốn chạy trong 40 ngày đêm để cuối cùng đến
núi Hô rép, nơi mà Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước với dân Ít ra ên. Quá chán
chường, Ê li a mong Thiên Chúa thần hiển uy quyền để bênh đỡ và củng cố ông như
Ngài đã từng hiện ra với ông Mô sê.
2. HỎI:
Bài đọc một có nội dung như thế nào?
THƯA: Bài đọc một trích từ sách các
Vua quyển thứ nhất kể lại việc Tiên tri Ê li a ẩn nấp trong hang chờ được Thiên
Chúa cho nhìn thấy dung nhan của Người. Tưởng là Người hiện ra trong gió to bão
lớn, sấm sét hay động đất, thì thật bất ngờ, Ê lia được nhìn thấy Người xuất
hiện trong ngọn gió hiu hiu. Ông liền lấy tay che mặt vì sợ chết.
3. HỎI:
Biến cố ấy mang lại cho Ê lia điều gì?
THƯA: Biến cố ấy mang lại cho ông sự
thay đổi toàn diện. Trước kia, dù là một người đầy nhiệt thành bênh vực đức tin
đến nỗi suýt mất mạng dưới tay bà hoàng I-de-vên, ông có những hình ảnh sai lầm
về Thiên Chúa. Những mong được diện kiến một Thiên Chúa uy phong xuất hiện trong
gió bão, cuồng phong, thì ông đã thấy một Thiên Chúa đầy dịu hiền.
4. HỎI:
Như vậy đến thời Ê lia, mạc khải về Thiên Chúa đã thay đổi?
THƯA: Đúng thế. Vào thời Mô sê, dân
Chúa chưa sẵn sàng đặt niềm tin vào một vì Thiên Chúa không biểu dương quyền
năng trong những biến cố đáng sợ trong thiên nhiên (Xh 19). Còn vào thời Ê li
a, Thiên Chúa đã cho thấy Người còn là Đấng Thiên Chúa đầy dịu dàng.
5. HỎI:
Tại sao Chúa Giê su bắt các môn đệ xuống thuyền rời khỏi nơi ấy?
THƯA: Có lẽ vì hai lí do sau đây:
trước hết, vì sự cấp bách của việc rao giảng. Ngài đã từng nói với Phê rô:
“Chúng ta còn phải đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh để rao giảng tin
mừng, chính vì thế mà tôi đã ra đi” (Mc 1,39). Nhưng lí do quyết định là vì
Chúa Giê su phải chống lại cám đỗ của thành công sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.
6. HỎI:
Tại sao Chúa Giê su lên núi một mình và đến tối, Ngài vẫn ở đó một mình (Mt
14,23).
THƯA: Thánh Mát thêu cho biết, Chúa
Giê su lánh riêng một mình trên núi để cầu nguyện. Chắc chắn, mọi lúc trong
cuộc sống Ngài vẫn thường xuyên liên lạc với Thiên Chúa Cha, nhưng có những lúc
Ngài cần sự thinh lặng để tìm hướng đi dưới sự linh hứng của Thánh Thần.
7. HỎI:
Theo sự mô tả của Thánh Mát thêu (cc.23.33) thì con thuyền là hình ảnh chỉ điều
gì?
THƯA: Con thuyền bị sóng đánh vì
ngược gió là hình ảnh của Hội thánh. Sự hiện diện cứu độ của Đức Ki tô phục
sinh giữa cơn bão táp mà Hội Thánh đang gặp đem lại niềm tin cho các tín hữu.
Nhờ đó họ tuyên xưng: “Ngài thật là Con Thiên Chúa” (c 32).
8. HỎI:
Biển trong Kinh Thánh có ý nghĩa gì?
THƯA: Trong Thánh Kinh, biển cả ẩn
chứa quyền lực ma quỉ, thù nghịch với Thiên Chúa, và là nơi ở của kẻ chết. Do
đó đi trên biển có nghĩa chế ngự và chiến thắng ma quỉ.
9. HỎI:
Chúa Giê su có ý gì khi nói với các môn đệ: “Chính là Ta”?
THƯA: Có 2 ý. Trước tiên, Chúa Giê
su nói lời nầy để trấn an các môn đệ vì họ tưởng gặp ma. Ngoài ra cũng như
trong CƯ Thiên Chúa thường dùng kiểu nói ‘Chính là Ta’ hay ‘Ta Là’ để tự mạc
khải (St 17,1; 26,24; 28,13; 35,11; 46,3; Xh 3,6.14), ở đây, Chúa Giê su tỏ
mình ra là Thiên Chúa, có quyền năng siêu phàm trên thiên nhiên.
10. HỎI:
Khi cho ông Phê rô đi trên mặt nước, Chúa Giê su có ý gì?
THƯA: Khi ban cho ông đi trên mặt
nước, Chúa Giê su muốn chia sẻ quyền năng của mình cho các tông đồ là những
người sẽ tiếp nối công việc của Ngài như trao cho các ông quyền tha tội (9,6).
11. HỎI.
Có phải việc Chúa Giê su “đi trên mặt nước” hoàn thành lời sấm tiên tri về Đức
Ki tô trong Cựu Ước không?
THƯA. Đúng. Chúa Giê su hoàn thành
điều mà trong CƯ chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm được là chế ngự biển
cả. Thật vậy, trong Kinh Thánh, nước là dấu chỉ những mãnh lực thù nghịch, đã
bị Đức Ki tô khuất phục như trong công trình tạo dựng. Đức Ki tô là sự Khôn
Ngoan của Thiên Chúa nguồn phát sinh Tạo thành và Lề luật, do đó có thể chế ngự
được thiên nhiên. Đức Ki tô là Ađam thứ hai, không phá hủy Tạo thành, nhưng làm
canh tân nó nhờ việc Nhập thể và Quyền năng của Thiên Chúa mà cả ma quỉ cũng
phải thờ lạy.
12. HỎI.
Ngay cả các môn đệ cũng có thể làm được như thế?
THƯA. Đúng, trong mức độ họ đặt trọn
niềm tin vào Chúa Giê su và hành động dưới sự hướng dẫn của Đấng Phục sinh
trong suốt cuộc đời trần thế.
13. HỎI.
Ở đây, có phải vang vọng lại lời động viên của Chúa Giê su: “Can đảm lên, đừng
sợ!”
THƯA. Đúng thế. Chúa Giê su không
đến trần gian để ban cho chúng ta những món quà rẻ tiền. Trái lại, Ngài đã cảnh
giác chúng ta: cuộc đời có những thử thách, đau khổ và người ki tô hữu cũng
không tránh khỏi. Thiên Chúa ở gần chúng ta, nhất là trong những lúc cần thiết
nhất. Vấn đề là chúng ta hãy luyện tập cặp mắt đức tin để biết nhìn thấy và mở
rộng tâm hồn đón nhận sự hiện diện của Ngài trong mọi lúc. Với ông Êlia chạy về
núi Khô rép, Thiên Chúa đã hiện ra ngang qua một làn gió nhẹ chứ không trong
những dấu chỉ vĩ đại mà trong CƯ thường dùng để mô tả các cuộc hiển linh của
Thiên Chúa.
14. HỎI.
Thánh Mát thêu cho chúng ta thấy trải nghiệm của các tông đồ trước việc Chúa
Giê su đi trên mặt nước như thế nào?
THƯA. Trải nghiệm của các môn để
được trình bày tuần tự qua năm hoạt cảnh nối tiếp nhau từ một biến cố duy nhất.
Hoạt cảnh thứ nhất kể lại việc hóa bánh ra nhiều, sau đó Chúa Giê su cầu nguyện
ban đêm. Lời cầu nguyện cho thấy mối tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha:
tương quan tình yêu, ở trong nhau, cùng chung “sự sống” với Đấng là Chủ tể của
sự sống. Hoạt cảnh thứ hai cho thấy chiếc
thuyền của các môn đệ đang vất vả chèo chống trong cơn bão biển. Nhưng trong
phép lạ khiến bảo táp yên lặng, Chúa Giê su đã ở với các ông trên con thuyền:
tuy ngủ, nhưng Ngài vẫn hiện diện ở đó, nhưng ở đây thì Ngài vắng mặt. Hoạt cảnh
thứ ba Chúa Giê su đi trên mặt nước đến cùng các môn đệ. Họ kêu lên vì hoảng sợ
và Chúa Giê su đã trấn an họ. Ở hoạt cảnh thứ tư, chúng ta thấy Thánh Phê rô,
bao lâu còn tin vào quyền năng của Chúa Giê su, được Ngài chấp nhận cho đi trên
mặt nước, nghĩa là được chia sẻ quyền Chủ tể trên mọi sự. Trong hoạt cảnh thứ
năm, Chúa Giê su lên thuyền, sóng gió im lặng và các môn đệ tuyên xưng niềm tin
vào Chúa Giê su: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.
15. HỎI.
Đâu là trải nghiệm của các môn đệ trong câu chuyện nầy?
THƯA. Các môn đệ trải qua một trải
nghiệm tiệm tiến về vị thầy Giê su mà họ tưởng là đã biết. Một thầy Giê su đã
lánh riêng đi lên núi ban đêm, đi trên mặt nước, một thầy Giê su không thể thiếu
vắng để chiếc thuyền (Giáo Hội) đến nơi phải đến. Chúa Giê su sai các môn đệ đi
trước và Ngài đến sau. Dường như Ngài muốn có một chuyến đi âm thầm trong bóng
đêm để giúp các môn đệ khám phá ra căn tính của người lạ “đầy quyền năng
chế ngự thiên nhiên”. Nhưng chính khi Thiên Chúa dường như vắng mặt lại là lúc
hiện diện nhiều hơn cả. Ê lia khám phá ra Ngài trong làn gió nhẹ, các môn đệ
khám phá ra Ngài nơi Chúa Giê su trong cơn bão táp trên biển.
16. HỎI.
Vậy như Êlia và các tông đồ, cả chúng ta cũng có thể nhận ra sự hiện diện của
Chúa Giê su một cách gần như hữu hình chứ?
THƯA. Chắc rồi, chỉ cần ngước nhìn
lên và cầu khẩn, Chúa Giê su sẽ đến với chúng ta. Điều quan trọng là nhận ra
Ngài, quì gối trước mặt Ngài và tuyên xưng lại niềm tin của chúng ta.
17. HỎI.
“Phép lạ” là gì?
THƯA: Phép lạ là một biến cố không
thể giải thích được theo luật tự nhiên, nhưng phải được gán cho một sự can
thiệp siêu nhiên và thần linh. Theo cách hiểu thông thường, người ta thường
nhấn mạnh khía cạnh lạ lùng, ngoại thường của phép lạ, còn trong ngôn ngữ thần
học, người ta thích coi đó là dấu chỉ.
18. HỎI.
Trong ngôn ngữ Híp pri, phép lạ được quan niệm ra sao?
THƯA: Trong ngôn ngữ Híp pri, phép
lạ được coi như là một dấu chỉ quyền năng và lòng nhân ái của Thiên Chúa đối
với Dân ưu tuyển, đặc biệt xảy ra trong biến cố Xuất hành khỏi Ai cập.Trong
Kinh Thánh có nhiều biến cố lạ lùng được coi như phép lạ. Đặc biệt cuộc Xuất
hành khỏi Ai cập và Biển Đỏ khô cạn là hai biến cố biểu tượng cho mọi cuộc giải
phóng Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
19. HỎI.
Còn trong các sách Tin mừng thì sao?
THƯA: Trong các sách Tin mừng thì
phép lạ được coi như là dấu chỉ Sứ mạng của Đức Ki tô, và tiếp sau đó là sứ
mạng của các Tông đồ và môn đệ. Giáo lí của Giáo Hội nhìn nhận có phép lạ trong
khung cảnh bao quát của Lịch sử Cứu độ như cần thiết đối với con người.
20. HỎI.
Tại sao Chúa Giê su thực hiện các phép lạ?
THƯA: Ngài làm phép lạ không phải để
chiêu dụ người ta theo mình, nhưng để thuyết phục dân chúng hiểu rằng Ngài hoàn
thành các lời Thánh Kinh. Thật vậy, Chúa Giê su thường từ chối làm phép lạ khi
Ngài nhận thấy tâm địa xấu xa của các người đối thoại. Đặc biệt trong việc Sa
tan thử thách trong sa mạc như là cao điểm. Hoặc khi phép lạ bị hiểu sai lạc,
như sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài lẫn trốn đám đông đang
muốn tôn Ngài làm vua. Có nhiều lần Chúa Giê su buộc những người được hưởng
phép lạ phải im lặng và không được nói cho ai biết. Trong viễn tượng đa tạp của
tin mừng, chỉ có Thập giá là dấu chỉ khó chấp nhận nhưng đầy uy lực giúp người
ta sám hối và tin vào Chúa Giê su.
21. HỎI.
Các luật sĩ và biệt phái tuy không tin vào Chúa Giê su, nhưng không bao giờ
nghi ngờ về các pháp lạ của Ngài?
THƯA: Không, trừ ra dấu chỉ “Ngôi mộ
trống”. Các phép lạ không bao giờ bị các nhà phê bình thời đó bác bỏ. Trong
suốt suộc sống và sứ vụ của Chúa Giê su, không bao giờ Ngài bị tra hỏi là đã
thực hiện các phép lạ không. Ngài chỉ bị chất vấn là làm thế nào mà Ngài có thể
làm phép lạ. Họ muốn biết quyền năng và uy tín của Ngài bởi đâu ra (Mt 21,23).
Hằng trăm người được chữa lành và các đối thủ của Ngài đã không thể bác bỏ.
Ngày lễ Hiện xuống, gần hai tháng sau khi Chúa Giê su chịu đóng đinh, Simon Phê
rô nói với đám đông đang tụ họp rằng: “Thưa đồng bào Ít ra ên, xin nghe những
lời sau đây. Đức Giê su Na gia rét là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh
em. Và để chứng thực sứ mạng của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép
mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính em em biết điều đó”(Cv 2,22).Ở
đây, ông Phê rô, đứng trước đám đông thù nghịch, khẳng định rằng chính nhiều
người đã nhận biết các phép lạ Chúa Giê su. Rõ ràng việc Chúa Giê su thực hiện
các phép lạ là điều không thể phủ nhận.