Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 25

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên B

BÀI HỌC VÀ GƯƠNG PHỤC VỤ

rchan.jpg

Người đời có câu: Chính trường cũng là chiến trường. Câu nói đó quả là không sai. Theo dõi các cuộc chay đua quyền lực của những người làm chính trị, chúng ta có thể thấy đó là một cuộc chạy đua khốc liệt. Người chiến thắng trở thành người nắm giữ quyền lực, kẻ thất bại trở nên tan gia bại sản và có khi mất mạng. Chúng ta đang chứng kiến những sự kiện này trên thế giới. Tại Triều Tiên, vì muốn triệt hạ những người có nguy cơ tạo phản, ông Kim- Jung- Un trong mấy năm cầm quyền vừa qua, đã xử tử hàng trăm người, trong đó có cả những người họ hàng thân thuộc và là người cưu mang ông. Tại Trung Quốc, người ta đang nói đến chính sách “đả hổ diệt ruồi” nhằm thanh trừng lẫn nhau. Điều đó cho thấy, quyền lực vẫn là một cám dỗ hết sức mạnh mẽ và thường xuyên trong con người và quyền lực có thể biến con người trở thành ác thú đối với nhau.

Ngày xưa, khi theo Chúa Giêsu, các môn đệ cũng không tránh khỏi cám dỗ tìm quyền lực và danh vọng. Mặc dù đã được tận mắt thấy Chúa Giêsu sống một cuộc sống hết sức thanh bần khó nghèo, được nghe những bài giảng về tinh thần phục vụ, nhưng dường như, những điều đó vẫn chưa thay đổi được suy nghĩ trong các tông đồ.

Tin Mừng tuần trước, các tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúa đã tỏ cho các ông biết Ngài là Đấng Cứu thế khiêm hạ như lời tiên tri Isai mô tả, chứ không như các ông tưởng tượng ra. Hôm nay, Chúa nói rõ hơn về cách thức cứu thế của Ngài : Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại. Tuy nhiên, các tông đồ dường như bỏ ngoài tai những lời tiên báo của Chúa Giêsu, vì các ông vẫn nuôi hy vọng về chức tước, quyền lực mà các ông nghĩ mình sẽ được. Vì thế, các tông đồ đã ngấm ngầm bàn cãi với nhau để phân chia quyền lực xem ai là người lớn hơn.

Trước suy nghĩ sai lạc của các tông đồ, Chúa Giêsu đã ngồi xuống, gọi các ông lại để “cảnh cáo” các ông. Đây là lần đầu tiên Kinh Thánh kể lại việc Chúa ngồi xuống, gọi các ông lại để dạy bảo. Điều đó chứng tỏ rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng. Vì nếu trong tâm trí các ông còn tìm kiếm địa vị hơn thua, thì các ông sẽ không thể đi theo con đường của Chúa được. Chúa đã chỉnh lại để các ông rõ quan điểm của Chúa : Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm kẻ phục vụ mọi người.

Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mang thân phận con người trong vâng phục Ý Chúa Cha và để phục vụ con người bằng đời sống và bằng đôi tay của mình. Vì thế, các môn đệ của Chúa cũng phải đi theo đường lối phục vụ như thế. Chúa muốn các môn đệ của Chúa cũng phải phục vụ không tính toán thiệt hơn, không chọn nơi phục vụ, cũng không chọn lựa đối tượng để phục vụ. Vì thế, Ngài đưa một em bé để làm ví dụ : Ai tiếp đón một em nhỏ vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Đón tiếp và phục vụ một em nhỏ thì không được lợi gì cả. Phục vụ trẻ nhỏ là công việc không tên, lại bận rộn suốt ngày, mà trẻ nhỏ thì không có gì đền trả. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại kể những việc phục vụ nhỏ bé, không tên, tầm thường ấy như là phục vụ cho chính Ngài và hơn thế nữa là phục vụ chính Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu đến cứu độ trần gian, Ngài phục vụ và đem hạnh phúc cho tất cả mọi người, Ngài không tranh giành quyền lực với trần gian. Tuy nhiên, các vua chúa và chính quyền trần gian vẫn cứ sợ Ngài gây ảnh hưởng hoặc sợ Ngài chiếm chỗ của mình, nên họ tìm mọi cách để loại trừ Ngài. Sách Khôn Ngoan đã nhìn thấy sự đối nghịch giữa hai lối sống của thế gian và của người công chính : Phường vô đạo lên tiếng nói : Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, nó trách ta vi phạm lề luật.

Các thủ lãnh thế gian thù ghét người công chính chỉ vì người công chính đã sống khác họ, không a dua, đồng lõa với thế gian trong những điều xấu xa và không làm ngơ trước những sai trái của thế gian. Người công chính mà sách Khôn Ngoan nói đến chính là Đức Giêsu. Ngài đã đến ở giữa thế gian, nhưng Ngài đã rao truyền một lối sống khác với thế gian, nên thế gian thù ghét Ngài. Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo lối sống gian tham, buông thả và kêu gọi sống từ bỏ, hy sinh tiết chế. Ngài kêu gọi giũ bỏ mọi sự gian dối, giả trá để sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Vì thế, thế gian, cụ thể là các nhà lãnh đạo Do Thái, đã tìm cách giết Ngài.

Cho đến ngày nay, các thế lực trần gian vẫn thù ghét Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài, bởi vì họ vẫn cho rằng, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đang tìm cách gây ảnh hưởng hoặc lật đổ họ. Vì vậy, họ tìm cách loại trừ Chúa Giêsu và môn đệ của Ngài. Thế nhưng, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài không hề nhắm gây ảnh hưởng, cũng không tìm kiếm quyền lực chính trị trần gian, trái lại, chỉ muốn phục vụ mọi người, mọi thành phần như một người tôi tớ. Chúa Giêsu đã biết trước điều đó nên từ bài học và lời dạy đầu tiên cho đến bài học cuối cùng của Ngài vẫn là bài học phục vụ trong khiêm hạ, không đòi hỏi, không tính toán. Bài học cuối cùng để lại cho các tông đồ, là Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các ông và căn dặn : Anh em hãy rửa chân cho nhau, hãy làm như Thầy vừa làm cho anh em.

Thánh Giacôbê trong bài đọc hai đã giải thích thêm về tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu đã dạy : Người môn đệ của Chúa, trong mọi công việc, cần loại bỏ sự ghen tương và tranh chấp. Vì ghen tương, tranh chấp sẽ dẫn đến thù oán và nhiều việc xấu xa khác. Người phục vụ cần học nơi Chúa để biết sống thanh khiết, hiền hoà, khoan dung, là những đức tính làm trổ sinh hoa trái tốt lành. Thánh Giacôbê cũng cho thấy, các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới từ xưa đến nay bắt nguồn từ tham vọng cá nhân của con người. Hoàng đế Neron ngông cuồng đã đem đến chết chóc cho bao nhiêu người, một Napoleon muốn sơn cả thế giới cùng một màu, một Hitle muốn biến thế giới trở thành một dân tộc duy nhất, một cường quốc muốn dùng vũ khí để giữ vai trò làm chủ thế giới… Tất cả là do tham vọng trong con người, từ đó đã nổ ra những cuộc chiến tranh giết chóc.

Tham vọng, quyền lực là cám dỗ chung của mọi người. Vì thế, âm thầm phục vụ luôn là một mời gọi và là thách đố, khiến người môn đệ của Chúa luôn bị giằng co. Tham vọng quyền lực đang diễn ra ngay trong tôn giáo và xã hội, nơi gia đình và nơi mỗi người. Ngoài xã hội, có nhiều người bị say men quyền lực và họ tìm mọi cách, kể cả mọi thủ đoạn, để đạt được quyền lực và giữ được quyền lực. Trong tôn giáo, có các linh mục, tu sĩ không dễ dàng từ bỏ nhiệm vụ, nhiệm sở của mình khi được thuyên chuyển. Trong gia đình, nhiều bậc cha mẹ đã đánh mất tinh thần phục vụ, sự tận tuỵ của người cha người mẹ, thay vào đó là thói gia trưởng gia mẫu trong cách cư xử với vợ chồng con cái, khiến cho gia đình luôn căng thẳng, con cái sợ hãi mỗi khi gặp bố mẹ. Nhiều gia đình, vợ chồng đùn đẩy trách nhiệm giáo dục con cái cho nhau, kể công tính toán với nhau. Cuối cùng, con cái trở thành những kẻ bị đẩy ra ngoài đường chỉ vì cha mẹ tranh chấp nhau.

Không chỉ tham danh, tham địa vị, nhiều người còn bị cám dỗ bởi tham tiền bạc của cải, tham công việc đến độ bỏ qua lề luật giới răn Thiên Chúa. Có những người vì một chút địa vị, họ sẵn sàng từ bỏ ơn gọi Kitô hữu của mình để đạt được một cái danh, một chỗ đứng ngoài xã hội. Họ lao vào công việc nghề nghiệp để ganh đua với mọi người hơn là để phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống.

Nhiều bạn sinh viên ngày nay lao vào con đường học, chỉ với một mục đích duy nhất, là tìm được một chỗ đứng trong xã hội và kiếm được nhiều tiền cho mình, mà không mấy người nghĩ đến việc học tập của họ, sẽ giúp họ phát triển bản thân, phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả hơn. Vì háo danh, nên nhiều bạn trẻ đã biến mình trở thành nổi tiếng bằng những hành động thiếu văn hoá, thiếu đạo đức.

Bài học khiêm nhường phục vụ và tấm gương cúi mình phục vụ của Chúa Giêsu vẫn mãi là lời mời gọi cho tất cả chúng ta. Xin Chúa tẩy rửa khỏi chúng ta mọi thứ tham vọng quyền lực, để cho Lời Chúa uốn nắn, chúng ta trở nên những học trò theo sát bước Chúa Giêsu và học nơi Chúa tinh thần phục vụ của Ngài. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A- Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên - Lm . Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Matthêu, Tông Đồ - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên Năm A - Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên- Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên- NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên-Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên B: PHỤC VỤ TRONG TINH THẦN KHIÊM TỐN NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊSU_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 18-24/09/2014 - Câu chuyện Đức Mẹ Lộ Đức
     Suy Niệm Lời Chúa thứ bảy sau Chúa Nhật 25 TN năm A. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên. Lm. Jos. Bình Hòa
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên - Gia Đình Mới - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên - HẢI ĐĂNG THƯƠNG NHỚ - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng (Đaminh Thánh Tâm)
     5' Suy Niệm Lời Chúa - Tuần XXV TN A