22/09/14 THỨ
HAI TUẦN 25 TN
Lc 8,16-18
LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH NÀO?
“Hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (Lc 8,18)
Suy niệm: Rất nhiều lần
tai chúng ta nghe lời hiệu triệu: Hãy truyền giáo, hãy loan báo Tin Mừng! Tuy
nhiên, mười năm gần đây, số người Công giáo Việt nam không tăng bao nhiêu, vẫn
chiếm khoảng 7% dân số; đối với một số giáo phận như Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế...
tỉ lệ ấy còn thấp hơn nữa. Đành rằng hiệu quả của việc loan báo Tin mừng không
chỉ được đánh giá dựa trên những con số, nhưng ta vẫn phải suy nghĩ, đặt vấn
đề: làm sao đây? Lời Chúa trong bài Tin Mừng soi sáng cho chúng ta cách thức
truyền giáo tinh tế hơn: “Hãy để ý tới
cách thức anh em nghe”. Thật vậy, khi kể về bốn mẫu người lắng nghe Lời
Chúa, Chúa Giê-su nhấn mạnh chỉ những người là mảnh đất tốt, tức là chăm chú
lắng nghe, yêu mến Lời Chúa, thì mới sinh hoa kết quả. Nếu thực tâm lắng nghe,
suy niệm và nỗ lực sống Lời Chúa, thì đời sống ta tựa như ngọn đèn cháy sáng,
sẽ có sức chiếu tỏa cho người khác, đập vào mắt họ, khiến họ phải đặt câu hỏi.
Mời Bạn: Hãy tin rằng
nỗ lực sống Lời Chúa trong cuộc sống đời thường có vẻ như âm thầm, lặng lẽ;
nhưng thật kỳ diệu, đời sống tốt đẹp của bạn lúc đó tỏa sáng như ngọn đèn để
trên đế đèn, đang tác động đến người lân cận.
Sống Lời Chúa: Tôi đọc đoạn
Lời Chúa hôm nay thật chậm rãi để luyện tập cách lắng nghe Lời Chúa, và xác tín
Lời ấy có sức mạnh đổi mới đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con cách thức lắng nghe Lời
Chúa, vì khi con đọc và suy niệm Lời Chúa, con không chỉ được nghe Chúa dạy,
nhưng con còn gặp được chính Chúa. Gặp Chúa và rao truyền danh Chúa là sứ mạng
cả cuộc đời con. Amen.
* * *
23/09/14 THỨ
BA TUẦN 25 TN
Th. Pi-ô Pi-ết-ren-xi-na, linh mục
Lc 8,19-21
NGHE VÀ SỐNG LỜI CHÚA
Đức Giêsu đáp lại: “Mẹ tôi
và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)
Suy niệm: Con người có
khuynh hướng kết liên với nhau theo sở thích, tuổi tác hoặc huyết thống… Trẻ đi
thành nhóm, trưởng thành đi từng cặp, người già đi với con cháu! Với Đức Giê-su
cho biết để trở thành người thân, người bạn, người nhà của Thiên Chúa, cần có
một tiêu chuẩn cao hơn, đó là “nghe Lời
Chúa và đem ra thực hành”. Nếu thế thì việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy
(Rửa tội), tham dự thánh lễ, đọc kinh… vẫn chưa đủ để tôi thật sự trở thành
người nhà của gia đình Chúa. Muốn nghe Lời Chúa, tôi phải siêng năng đọc Lời
Ngài, để Lời ấy thấm vào tâm hồn, giúp ta suy nghĩ, phản ứng, cư xử như Chúa
Kitô, giúp ta chấp nhận sống theo những giá trị của Tin Mừng: khó nghèo, trong
sạch, bác ái, phục vụ, vác thập giá mình mỗi ngày cách vui tươi...
Mời Bạn: Hãy thật sự là
người con của Chúa khi chấp nhận vui vẻ nghe Lời Ngài và đem ra thực hành, dù
Lời ấy nhiều khi đi ngược sở thích, trái hẳn thói đời, đòi hỏi nhiều hy sinh cố
gắng.
Chia sẻ: Tôi là người
thân của Chúa thật sự hay chỉ trên danh nghĩa? Tôi sẽ làm gì để từ nay sẽ “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chú tâm
đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống bằng cách tập phản ứng trước một sự
kiện trái ý như Chúa Ki-tô.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con trở thành
người thân, người nhà của Chúa, qua việc lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành
trong đời sống mỗi ngày. Xin giúp chúng con đều đặn đọc Lời Chúa, chăm chú lắng
nghe và kiên trì sống Lời ấy từng giây từng phút. Amen.
* * *
24/09/14 THỨ
TƯ TUẦN 25 TN
Lc 9,1-6
NGƯỜI TÔNG ĐỒ SIÊU THOÁT
Người
sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa […]. Người nói: “Anh em đừng mang gì
đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo…” (Lc 9,2-3)
Suy niệm: Những lời này
của Chúa không thể áp dụng theo nghĩa đen cho các tông đồ ngày nay, ít là nói
chung. Nhưng mọi sự giảm thiểu điều cốt yếu của thông điệp (nhằm biện minh cho
sự cậy dựa quá đáng vào các phương tiện vật chất, tiền bạc…) đều là sự bóp
nghẹt Tin Mừng. Sức sống của Giáo Hội không được đo bằng số tài sản mà Giáo Hội
sở hữu; nhiều khi thậm chí ngược lại: càng giàu của cải, càng tha hóa và lạc xa
Tin Mừng. Chúa nhấn mạnh lối sống siêu thoát của người tông đồ, siêu thoát hết
sức có thể đối với mọi sự cậy dựa vật chất. Sự siêu thoát này là việc diễn tả
hùng hồn của đức cậy Ki-tô giáo, nhất là trong giòng xoáy của tiện nghi, tiêu
thụ, hưởng thụ như thế giới của chúng ta ngày nay.
Mời Bạn ý thức tính thách đố của
tinh thần siêu thoát theo Tin Mừng – và ý thức khả năng thuyết phục của chứng
tá siêu thoát, như lời ĐHY Nguyễn Văn Thuận: “Thế gian không thấy con vâng phục, không biết con trinh khiết, nhưng
chắc chắn thế gian sẽ nhận thấy rõ rằng con khó nghèo.” Thật vậy, chứng tá
khó nghèo, siêu thoát chắc chắn đập thẳng vào mắt người ta, húc vào đầu người
ta, và làm bật ra những dấu hỏi.
Sống Lời Chúa: Tôi tháo gỡ
những điểm tựa vật chất không thật sự cần thiết, nhất là cảnh giác để không sa
vào những phô trương theo thói đời.
Cầu
nguyện: Chỉ mong Ngài lấy đi, mong chẳng còn gì thuộc về con,
… Để con được trắng tay, con chỉ còn Ngài để giữ lấy, con được chọn Chúa mãi là
của con. (Lm. Quang Uy, ý thơ R. Tagore).