Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên Năm C
Bài đọc I: mở đầu sách ngôn sứ Khác-gai 1, 1-8
"Các ngươi hãy xây cất đền thờ và như thế sẽ đẹp lòng Ta".
Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều đại vua Đariô, có lời Chúa sai tiên tri Khác-gai đến nói với Giorôbabel, con trai ông Giosêđec, thầy cả thượng phẩm những lời sau đây: "Đây Chúa các đạo binh phán: Dân này nói: 'Chưa đến lúc xây cất đền thờ Chúa'. Và có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai phán rằng: 'Chớ thì đến lúc các ngươi cư ngụ trong nhà ấm cúng, và để đền thờ này hoang vu sao?' Giờ đây Chúa các đạo binh phán như thế này: "Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi. Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm, kẻ nhận tiền công lại bỏ vào túi lủng". Chúa các đạo binh phán như thế này: "Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi: Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, như thế sẽ đẹp lòng Ta và Ta sẽ được tôn vinh". Chúa phán như vậy.
Đó là lời Chúa.
Bài Tin Mừng: theo thánh Luca 9, 7-9
Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người.
Đó là lời Chúa.
Suy niệm Lời Chúa
Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi
1. Thức tỉnh lương tâm
Qua lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy. Hêrôđê bị mặc cảm tội lỗi vì đã cho phép xử tử Gioan Tẩy giả, nên giờ đây Ông bị ám ảnh bởi việc mình đã làm. Câu truyện là: Ông nghe những người khác nói về Chúa Giêsu: Là tiểu vương của vùng Galilê, nơi mà Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và dùng đa số thời gian của Ngài trong 3 năm để rao giảng; chắc chắn ông đã nghe những lời đồn thổi rất nhiều về Chúa Giêsu. Có người nói: "Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy," vì tính tình của Chúa Giêsu cũng nhiệt thành và thẳng thắn như Gioan. Kẻ khác nói: "Ông Êlia xuất hiện," vì Chúa Giêsu có uy quyền làm phép lạ như tiên tri Elia. Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại," vì những lời rao giảng xác tín của Chúa Giêsu. Nói tóm, tất cả mọi người đều nghĩ Chúa Giêsu là một con người đặc biệt, nhưng không ai nghĩ Ngài là Messia. Qua đoạn văn trên, thánh sử Luca muốn cho độc giả thấy, sự xuất hiện của Chúa Giêsu luôn đồng nghĩa với việc thức tỉnh lương tâm của thính giả. Bởi chính Ngài luôn chất vấn và là ánh sáng soi vào tận cõi thâm tâm, để thính giả nhận ra những việc làm quá khứ của mình, và như Hêrôđê, ông luôn bị dằn vặt về quá khứ, bởi sự xuất hiện của Chúa Giêsu.
2. Thức tỉnh niềm tin
“Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi”, được nhắc lại hai lần trong bài đọc một của ngôn sứ Khác-gai. Vốn là một ngôn sứ nhỏ, hoạt động trong một thời gian văn chỉ vỏn vẹn 4 tháng, (từ tháng 5 đến tháng 12, năm 520, trước công nguyên). Ông nói với dân Giuđa hồi hương về tội thờ ơ trong việc xây cất đền thờ, vì thế họ phải lãnh lấy hậu quả là: “Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm, kẻ nhận tiền công lại bỏ vào túi lủng” (Kg 1,6). Ông đã thức tỉnh dân chúng thấy rằng, việc thờ phượng Thiên Chúa là công việc ưu tiên trong cuộc sống. Một khi dân bỏ việc ưu tiên này để làm những điều tùy thuộc, thì chỉ thu tích được những kết quả vô bổ, mất công vô ích.
Để kết: Phụng vụ Lời Chúa hôm nay luôn là tiếng chuông, để người kitô hữu chúng ta thức tỉnh nhận ra tiếng lương tâm của mình, và đồng thời thức tỉnh niềm tin của mỗi người, hầu chúng ta điều chỉnh cách sống đạo cho phù hợp cho đời sống người kitô hữu.