Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 26

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN A

SỐNG NHƯ CON THIÊN CHÚA:

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI

du ngon.jpgiO agN 10x350.pngI. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 21,28-32

(28) Các ông nghĩ sao ? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. (29) Nó đáp: “Con không muốn đâu !” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. (30) Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đi !” nhưng rồi lại không đi. (31) Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. (32) Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.

2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN VỀ HAI NGƯỜI CON

Qua dụ ngôn “Hai người con”, Đức Giê-su muốn gián tiếp cảnh cáo thái độ cứng lòng của các đầu mục dân Do Thái, và kêu gọi họ phải ăn năn sám hối nếu muốn được hưởng ơn cứu độ. Dụ ngôn trình bày về hai thái độ của hai đứa con trong một gia đình:

Người thứ nhất tượng trưng các người thu thuế tội lỗi, tuy lúc đầu đã phạm tội không làm theo thánh ý Thiên Chúa khi không tuân giữ Luật Mô-sê, nhưng đã tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và hồi tâm sám hối tội lỗi, nên đủ điều kiện vào Nước Thiên Chúa của Người.

Người con thứ hai tượng trưng cho các thượng tế và đầu mục dân Do thái. Tuy bề ngoài họ rất có lòng đạo, thể hiện qua việc tuân giữ Luật Mô-sê trong từng chi tiết, nhưng lại cứng lòng không tin vào Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su do Thiên Chúa sai đến. Trái lại còn ra tay giết hại Đức Giê-su trên cây thập giá. Nên cuối cùng họ sẽ bị loại ra ngòai Nước Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 28-29: + Các ông nghĩ sao ?: Lời Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục dân Do Thái tại Giê-ru-sa-lem (x. Mt 21,23-27). Để trả lời cho đòi hỏi Người phải chứng minh đã được Thiên Chúa sai đến, Đức Giê-su lại yêu cầu họ phải xác định nguồn gốc sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả qua câu hỏi: “Phép rửa của Gio-an do đâu mà có ? Do trời hay do người ta ?”. Nếu họ nói là do trời, thì tại sao họ lại không tin lời Gio-an đã làm chứng Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai ? + Một người kia có hai con trai: Người kia là cách nói trống ngôi, ám chỉ Thiên Chúa. Hai con trai tượng trưng cho hai thành phần của dân Do Thái là các người tội lỗi và các đầu mục Do thái tự cho mình là công chính. + Người con thứ nhất: ám chỉ các người thu thuế và gái điếm. Những người này lúc đầu đã không giữ Luật của Thiên Chúa. Nhưng nhờ nghe và tin lời Đức Giê-su nên họ đã ăn năn sám hối và được ơn biến đổi trở thành con ngoan hiếu thảo của Thiên Chúa. + Con hãy đi làm vườn nho: Đi làm vườn nho là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. + Con không muốn đâu: Câu trả lời cho thấy thái độ cự tuyệt, không chịu làm theo ý muốn của người cha. Điều này cho thấy những kẻ tội lỗi đang sống trái với thánh ý của Thiên Chúa. + Nhưng sau đó nó hối hận, nên lại đi: Sau khi nghĩ lại, đứa con đã nhận ra tội lỗi của mình và hoán cải để làm theo ý cha.

-C 30-31: + Ông đến gặp người thứ hai: Người thứ hai tượng trưng cho những kẻ tự hào mình là người công chính. Đây là các thượng tế và kỳ mục lãnh đạo dân Do thái. + Thưa ngài, con đây !: Câu thưa lễ phép của một đứa con hiếu thảo, sẵn sàng vâng theo lời cha răn dạy. + Nhưng rồi lại không đi: Đứa con này mới chỉ vâng lời cha bằng mặt chứ không bằng lòng, nên sau đó đã không đi làm vườn nho theo ý của cha. Đây là thái độ “ngôn hành bất nhất”, “Nói mà không làm”. Đây cũng là thái độ đạo đức giả của các thượng tế và kỳ lão. Họ giữ Luật Mô-sê từng chi tiết nhưng lại không tin vào Đấng được Thiên Chúa sai đến là Đức Giê-su. + Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người Cha ?: Đặt ra câu hỏi này, Đức Giê-su muốn các đầu mục Do thái đặt mình trước mặt Thiên Chúa. + Những người thu thuế và những cô gái điếm: là hai hạng người bị xã hội Do Thái khinh dể, vì đã không giữ Luật Mô-sê và có nếp sống tội lỗi, gây gương mù gương xấu cho kẻ khác. + Vào nước Thiên Chúa trước các ông: Những người thu thuế và gái điếm vì biết hối cải mà tin vào Đức Giê-su nên họ sẽ có chỗ trong Nước Thiên Chúa mà Người sẽ thiết lập, thay cho các đầu mục là các thượng tế và kỳ mục của dân Do Thái.

- C 32: + Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông: Gio-an Tẩy Giả nhờ có lối sống khổ hạnh và sự rao giảng phép rửa thống hối, đã dạy dân Do thái biết phải làm gì để chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai hầu nên công chính trước Thiên Chúa. + Mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin: Các thượng tế và kỳ mục Do Thái đã không tin lời giảng của Gio-an Tẩy Giả. Ngược lại, các người thu thuế và các cô gái điếm đã đến nghe lời ông Gio-an rao giảng và đã tin Đức Giê-su do lời Gio-an giới thiệu. + Còn các ông…: Các đầu mục Do Thái dù đã nhìn thấy lối sống khổ hạnh và được nghe lời Gio-an Tẩy Giả kêu gọi mọi người “ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, nhưng họ vẫn cứng lòng không tin vào sứ mạng của Gio-an, do đó cũng không tin Đức Giê-su, nên họ sẽ không được gia nhập vào Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập.

4. CÂU HỎI:

1) Hai con trai trong dụ ngôn ám chỉ hai hạng người nào trong dân Do thái ?

2) Thái độ đối với Thiên Chúa của hai hạng người này khác nhau thế nào ?

3) Tại sao người thu thuế và gái điếm bị dân Do thái khinh thường ? Tại sao họ sẽ được vào Nước Trời của Đức Giê-su trước các thượng tế và đầu mục Do thái ?

4) Tại sao các đầu mục Do thái bị loại ra ngoài Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (21,23).

2. CÂU CHUYỆN: NGUỒN GỐC SỨC MẠNH CỦA MỘT CÔ GÁI ĐIẾM

Một hôm nghe tin về một cô gái điếm tuy tội lỗi, nhưng lại có được một quyền năng siêu phàm, vua A-đúc (Ashoka) đã triệu vời cô ta tới và yêu cầu cô hãy thi thố tài năng để kiểm tra thực hư ra sao. Trước mặt nhà vua, các quần thần, các đạo sĩ và đám đông dân chúng tụ tập ở hai bên bờ sông Hằng, cô gái điếm kia đã thi thố tài năng: cô ra lệnh cho dòng sông đang chảy cuồn cuộn phải chảy ngược dòng, gây ra những tiếng động ầm ầm long trời lở đất. Đang khi đó, các vị đạo sĩ tuy đã dày công tu luyện nhiều năm và rất am tường Phật pháp lại đành chịu bất lực trước nạn lụt hàng năm, nước sông dâng lên tràn bờ đê, gây ra cảnh lụt lội lớn lao, làm cho nhân dân dọc theo hai bên dòng sông phải chịu lầm than đói khổ ! Nhà vua không thể tin được một cô gái điếm thuộc hạng tiện dân và tội lỗi, lại có sức mạnh phi thường, nên đã hỏi cô gái rằng: “Do đâu mà một kẻ tội lỗi ti tiện như nhà ngươi lại làm được một việc lớn lao phi thường như thế ?” Cô gái đáp: “Tâu đức vua, đó là nhờ đức hạnh của tiện nữ !”. Đức vua và những người nghe đều cười ồ lên. Nhà vua tiếp tục vặn hỏi: “Thế đức hạnh của ngươi ra sao ?”. Cô gái đáp: “Tâu đức vua, đức hạnh của tiện nữ chính là do cách cư xử công chính đối với mọi người. Khi nói chuyện với bất cứ ai, dù họ là bậc quân vương, quý tộc hay đám đông dân thường, tiện nữ đây cũng hết lòng tôn trọng và luôn đối xử với họ trọn tình vẹn nghĩa. Tuyệt đối không dám khinh thường bất cứ ai !”.

Theo lời cô gái trong câu chuyện trên: Muốn có sức mạnh làm được những việc phi thường, thì người ta phải ăn ở công chính, nghĩa là đối xử công minh chính trực với mọi người. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã nêu tên ông Gio-an Tẩy Giả và đòi những ai muốn được ơn cứu độ phải tin ông Gio-an do Thiên Chúa sai đến và phải đi theo con đường công chính như sau: “Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (32).

3. SUY NIỆM:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã tuyên bố một câu khiến các đầu mục dân Do Thái đương thời phải sững sờ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.

1) TẠI SAO CÁC ĐẦU MỤC LẠI BỊ MẤT CHỖ TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA ?

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong Bài Đọc Một đã nêu ra lý do thứ nhất khiến các đâu mục Do thái bị mất chỗ trong Nước Thiên Chúa: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính, thì chính điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết” (Ed 18,26). Thực vậy, người ta thường nghĩ mình vẫn đang là người tốt đang khi mình có thể đã hóa ra xấu. Để rồi đến giờ chết, khi định vào Nước Thiên Chúa, thì mới hay mình không có chỗ trong đó ! Bài Tin Mừng cho biết lý do thứ hai: Người cha đến nói với con thứ: “Con hãy đi làm vườn nho cho cha”. Nó đáp: “Thưa vâng, con đi”. Nhưng rồi nó lại không đi (Mt 21,30). Thực vậy, người ta thường hay tự lừa dối khi nghĩ rằng chỉ cần nói: “Thưa vâng” với Chúa là đủ. Các đầu mục Do Thái đã “thưa vâng” nhiều lần khi họ tuân giữ Luật Mô-sê trong từng chi tiết. Chính chúng ta ngày nay cũng đã “thưa vâng” như thế khi ta đi dự lễ, đọc kinh nhiều… Nhưng “thưa vâng” như thế vẫn chưa đủ điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa sau này.

2) TẠI SAO NGƯỜI THU THUẾ VÀ GÁI ĐIẾM CÓ CHỖ TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA?

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong Bài Đọc Một đã cho biết lý do thứ nhất: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18,27). Lý do thứ hai là thái độ hối hận của đứa con thứ nhất: lúc đầu nó từ chối, nhưng “sau đó nó hối hận nên lại đi” (Mt 21,29). Thực ra, cả hai đều chung một lý do là: Phải biết hối hận về tội lỗi trong quá khứ của mình và hồi tâm hoán cải. Thực vậy, rất nhiều câu chuyện được diễn tả trong phim ảnh cũng như giữa đời thường về những người có một quá khứ tội lỗi như trộm cướp, trùm Ma-phi-a… nhưng họ không những đã biến đổi nên người tốt, mà còn người có lòng vị tha bác ái đặc biệt. Có những tú bà hay những cô gái điếm sau khi hoàn lương, đã bỏ được nếp sống nhơ nhớp trước kia, để sống đời sống mới đầy tình thương đối với tha nhân. Họ thật xứng đáng được vào Nước Thiên Chúa để thế chỗ những kẻ đã từng sống tốt, nhưng dần dần bị biến chất trở thành những kẻ đạo đức giả như bọn đầu mục Do Thái thời Đức Giê-su.

3) VỀ HAI LOẠI TÍN HỮU:

Một là những tín hữu “làm công cho Thiên Chúa”: Làm được việc gì tốt lành họ cũng đều làm với ý hướng được Chúa ghi vào sổ để mai sau sẽ trả công bội hậu cho họ trên thiên đàng. Họ làm những điều tốt do động cơ tìm kiếm hạnh phúc đời này hay đời sau, hoặc vì phần thưởng mà Chúa đã hứa trong Tin Mừng, chứ không làm vì thấy những việc ấy là điều tốt nên làm. Giả như làm những điều tốt này mà không mang lại lợi ích gì hay không được Chúa trả công bội hậu ở đời sau thì họ sẽ không làm.

Hai là những tín hữu “làm con của Thiên Chúa”: Họ có lòng yêu mến Thiên Chúa và luôn nhiệt thành “làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi anh em đồng loại”. Họ nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương họ, nên sẵn sàng đáp lại tình Cha bằng việc làm mọi việc để phụng sự Cha và phục vụ tha nhân là anh chị em con một Cha chung trên trời. Như một người con thảo hiếu coi mọi việc trong nhà chính là bổn phận phải làm. Vì thế họ dấn thân hết mình để lo cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Họ làm mọi việc này mà không mong được Thiên Chúa trả công. Giống như một đứa con hiếu thảo trong gia đình, khi thấy mình làm gì mà cha mẹ hài lòng và anh em trong nhà được sống hạnh phúc hơn thì coi đó chính là phần thưởng cho mình rồi. Chính tình yêu thương cha mẹ và anh chị em trong gia đình là động lực thúc đẩy họ tự nguyện làm mọi việc để mang lại hạnh phúc cho những người thân.

Vì họ đã làm sáng danh Thiên Chúa với tinh thần của “một người con hiếu thảo”, nên chắc chắn Thiên Chúa sẽ đáp lại bằng việc ban phần thưởng bội hậu cho họ, tương tự như người cha sắp ra đi sẽ làm di chúc trao lại toàn bộ tài sản cho đứa con hiếu thảo. Nếu chúng ta làm mọi việc cho Chúa “với tâm tình của một người con hiếu thảo” thì Ngài sẽ ban tất cả những gì Ngài có cho chúng ta, nhất là ban hạnh phúc Nước Trời đời đời của Ngài cho chúng ta. Điều mà những tín hữu cư xử với Chúa như “một người làm công” không bao giờ dám mơ tưởng.

4) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?

- Ki-tô giáo là một tôn giáo của lòng tin. Nhưng đức tin trong lòng thực sự phải được biểu lộ ra ngoài bằng hành động như lời thánh Gia-cô-bê: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Lòng tin không phải chỉ là tuyên xưng ngoài môi miệng, nhưng phải được thể hiện bằng chính cuộc sống như lời Chúa Giê-su: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! Là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

- Dòng đời luôn thay đổi, và con người cũng dễ đổi thay: Hôm nay chúng ta đang là người tốt, nhưng ngày mai có thể bị biến chất ra xấu và ngược lại. Do đó, chúng ta đừng vội hãnh diện về quá khứ đạo đức của mình, đến nỗi không nhận ra mình đang từng bước biến thành kẻ xấu lúc nào không hay.

- Cần năng tự kiểm vào lúc cuối ngày: để biết mình có giữ được điều đã dốc quyết hay không. Vì dù ta có nói giỏi nói hay bao nhiêu chăng nữa, nhưng nếu không giữ được điều đã dốc quyết, hoặc “ngôn hành bất nhất”, là ta đã tự đánh mất uy tín, và điều ta nói sẽ không còn được mấy ai tin. Mỗi ngày chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp mình từ bỏ các sai lỗi thiếu sót để sống tốt hơn và nhờ đó sẽ xứng đáng được Chúa đón nhận vào Nước Thiên Chúa sau này.

4. THẢO LUẬN: Đức Giê-su nói: ”Có đầy trong lòng mới trào ra ngoài cửa miệng - Lòng đầy thì miệng mới nói ra !” Vậy hiện nay lời nói của bạn đang xây dựng hòa bình, gia tăng hiệp nhất hay đang gây bất hòa dẫn đến chia rẽ ly tán ?

5. CẦU NGUYỆN:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con tránh thái độ của người con thứ hai trong Tin Mừng hôm nay: “Thưa vâng” rồi không làm theo những điều đã hứa. Nhiều lần chúng con đã thưa vâng với Chúa khi đi xưng tội, đã sốt sắng quyết tâm đổi mới trong các buổi tĩnh tâm sám hối chung, rồi sau đó chứng nào tật đó, chúng con vẫn sống và phản ứng theo lề thói cố hữu của mình ! Xin cho chúng con biết năng tự kiểm “trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót” vào mổi buổi tối hằng ngày. Xin cho chúng con tránh những ảo tưởng về mình để khỏi trở thành những Pha-ri-sêu đạo đức giả của thời đại hôm nay. Hy vọng sau khi được ơn tha thứ giống như ông Gia-kêu xưa, chúng con sẽ có thể yêu mến Chúa nhiều hơn, sẽ quảng đại hiến dâng cho Chúa tất cả những gì chúng con có, để Chúa sẽ ban tất cả những gì Chúa có cho chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH -  HHTM

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên - Nt . Maria Nguyễn Thị Anh Thư.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm. JB
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên-Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên Năm C: NHỎ BÉ NHƯNG MẠNH MẼ TRONG QUYỀN NĂNG CHÚA. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên. Giuse Minh Tứ
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên Năm C. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên Năm C. Nt. Minh Thùy
     Ngày 01/10 Lễ THERESA Hài Đồng - Nghịch lý Theresa - Nữ tu Maria Minh Thùy
     Thứ Ba Tuần XXVI Thường niên Năm C - Nữ tu Maria Chinh Anh
     Thứ 2 tuần XXVI Thường Niên Năm C - Chúa biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng... - Minh Thùy
     CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN C - Nhiều tác giả
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: HỒNG ÂN MẶC KHẢI. Thiên Thảo SJP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN B