Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 26

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN C

Am 6,1a.4-7 ; 1 Tm 6,11-16 ; Lc 16,19-31

QUAN TÂM PHỤC VỤ NGƯỜI BẤT HẠNH

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 16,19-31

(19) Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21) thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn. (23) Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. (24) Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham. Xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát. Vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. (25) Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi. Còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được. Mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”. (27) Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con. (28) Vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh báo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này. (29) Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. (30) Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu. Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. (31) Ông Áp-ra-ham đáp: “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”.

2. Ý CHÍNH:

Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về một ông nhà giàu và người hành khất La-da-rô nghèo khó. Ông nhà giàu thì ăn mặc sung sướng đang khi La-da-rô có cuộc sống rất tồi tệ. Nhưng sau khi cả hai đều chết đã được Thiên Chúa xét xử công bình: La-da-rô thì được an ủi ngồi trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, đang khi ông nhà giàu phải chịu đau khổ trong hỏa ngục.

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-21: Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình: Dụ ngôn này lấy từ hình ảnh quen thuộc trong xã hội Do thái có những người giàu sống tách biệt với người nghèo. + Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô: Đối nghịch với hình ảnh người nhà giàu kia là hình ảnh La-da-rô nghèo khó khốn khổ. Anh này làm nghề hành khất, người đầy bệnh hoạn và tứ cố vô thân. La-da-rô hay Ê-lê-a-da-rô nghĩa là “Thiên Chúa giúp”, ý nói anh ta chỉ còn biết trông chờ một mình Thiên Chúa giúp đỡ mà thôi. + Mụn nhọt đầy mình... Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta: trong Kinh thánh, chó bị coi là con vật ghê tởm và dữ tợn (x. Tv 22,17.21; Mt 7,6). Kiểu diễn tả “ước được những mụn bánh” và “chó đến liếm ghẻ chốc” nhằm làm nổi bật cảnh khốn cùng của La-da-rô và sự thờ ơ ích kỷ của ông nhà giàu.

- C 21-24: Dưới âm phủ: Theo quan niệm của một số giáo phái Do thái: Người chết bị vào trong âm phủ và tạm thời được xếp thành 2 loại: Loại một gồm những người công chính được Chúa an ủi và được ngồi dự tiệc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 23,43). Loại hai gồm những kẻ vô tâm bất tín bị lửa hồng thiêu đốt rất đau đớn. Nhưng cả hai đều phải chờ đến ngày tận thế để được phán xét chung. Sau đó kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời vĩnh viễn và kẻ dữ sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời. + Thấy La-da-rô trong lòng tổ phụ:  “Ngồi trong lòng tổ phụ” là một chỗ vinh dự trong bữa tiệc do tổ phụ Áp-ra-ham chủ tọa. Sau này trong bữa tiệc ly, Gio-an cũng được vinh dự “tựa đầu vào lòng Đức Giê-su” (Ga 13,23). + “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con”...: Cuộc đối thoại giữa người giàu có với tổ phụ Áp-ra-ham cho thấy số phận của con người ở thế giới bên kia tùy thuộc vào cuộc sống của họ khi còn ở trần gian.

- C 25-26: + “Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”: Người giàu có bị trừng phạt vì khi còn sống đã không sử dụng của cải theo thánh ý Chúa. Còn người nghèo khó được thưởng vì đã chấp nhận sống tinh thần nghèo khó. Cái chết sẽ làm đảo ngược vị trí của người giàu và kẻ nghèo. Chỉ nhờ ơn Chúa thì những người giàu có mới có thể được cứu độ (X. Lc 18,24-27). Nhưng không phải bất cứ người nghèo nào cũng đương nhiên được hưởng lòng Chúa thương xót. Nếu nghèo mà không có tinh thần siêu thoát đối với tiền bạc của cải, thì số phận của họ cũng sẽ bị diệt vong (x. Lc 12,15 ; Mt 19,29). + “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn”...: Vực thẳm lớn không thể vượt qua, biểu tượng cho tính dứt khoát của số phận của những người được hưởng hạnh phúc hay sẽ phải chịu đau khổ trong thế giới kẻ chết.

- C 27-31: “Vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con”: Ông nhà giàu muốn dùng kinh nghiệm bản thân của mình để cảnh báo những anh chị em đang sống chung dưới cùng một mái nhà của cha ông. + “Chúng đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ”...: Sự cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Mô-sê và Lời Chúa do các ngôn sứ tuyên sấm, đủ thuyết phục họ sửa đổi thói ích kỷ và biết quảng đại nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo đói khác. Vì thế nếu những người giàu có đã không hồi tâm sám hối, không phải vì họ đã không có đủ các phương thế giúp ăn năn hối cải, nhưng chỉ vì họ đã cố tình từ chối thi hành các phương thế ấy mà thôi. + “Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”: Ở đây ông nhà giàu muốn dùng việc kẻ chết hiện hồn về để đánh động lòng sám hối của các người anh em còn sống. + “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”: Câu này là cốt tủy của dụ ngôn. Dù lời dạy của Mô-sê và lời các ngôn sứ không phải là những phép lạ và chỉ nhằm để thúc đẩy người ta tin, nhưng đó cũng chính là Lời Chúa phán trong Thánh kinh (x. Lc 24,27.44). Ở nơi khác, Đức Giê-su cũng nói đến sự vô hiệu của các phép lạ (x. Lc 10,13). Người cũng khẳng định các dấu chỉ thiêng liêng có giá trị hơn các phép lạ bên ngòai, khi nói: “Anh em hãy tin vào Thầy” (Ga 14,11.12) và: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29b).

4. CÂU HỎI:

1) Câu nào diễn tả cảnh khốn cùng của người nghèo khó La-da-rô ?

2) Bài Tin mừng hôm nay dựa theo quan niệm của Do thái giáo: chia người chết thành hai lọai người nào ?

3) Phải chăng người giàu có ở đời này sẽ đương nhiên chịu hình phạt ở đời sau và người nghèo khó ở đời này đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ở đời sau ?

4) Câu nào cho thấy tổ phụ Ap-ra-ham không cho phép La-da-rô hiện hồn về để nhắc bảo các anh em của ông nhà giàu ? Tại sao ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16,19-20).

2. CÂU CHUYỆN: PHIM "NHỮNG ĐỨA TRẺ KHỐN KHỔ" :

Một cô gái quê lên tỉnh đi tìm việc làm và đã bị kẻ gian lừa đến chỗ đã mang thai ngoài ý muốn. Sau đó do không thể vừa đi làm vừa nuôi con thơ, cô đành gởi con cho một chủ quán nhà trọ nuôi giúp. Người chủ quán này là kẻ vô lương tâm, đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của bà mẹ trẻ để ra sức bòn rút bóc lột: nay hắn đòi phải đưa thêm tiền sữa tăng giá, mai lại đòi tiền thuốc chữa bệnh cho đứa con. Bà mẹ trẻ chỉ còn biết nhịn ăn nhịn tiêu để chi trả những số tiền vượt kế hoạch. Khi không còn gì để trả, chị ta đành phải cắt mái tóc óng mượt đẹp đẽ của mình mang đi bán. Rồi sau đó lại phải nhổ từng cái răng để bán tiếp… và chỉ một thời gian ngắn sau đó chị biến thành một phụ nữ  ốm đói quần áo lôi thôi rách rưới, mặt mũi xấu xí và bị mọi người khinh dể xa lánh như một người điên. Sau đó chị bị viên quản đốc thẳng tay đuổi ra khỏi chỗ làm giữa một buổi sáng mùa đông giá lạnh, phải co ro trong chiếc áo rách, vừa đi vừa ôm ngục ho sù sụ… Lần khác chị bị một đám đông hè nhau xô té xuống lề đường và thay nhau hò hét đấm đá... Khi xem phim, có lẽ nhờ đã hiểu biết về hoàn cảnh cùng cực của bà mẹ trẻ khiến nhiều ngừoi chúng ta cảm thương, đang khi do thiếu hiểu biết mà nhiều kẻ đã đang tâm hành hạ chị không chút thương tiếc.

Còn chúng ta thì sao ? Có khi nào chúng ta đã làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân, thậm chí còn vào hùa với kẻ ác tâm để chế diễu hay hành hạ những kẻ điên loạn nghèo đói gặp phải giữa đời thường hay không ?

3. SUY NIỆM:

1) Thực trạng giàu nghèo trên thế giới hiện nay:

Hiện nay tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển. BIU GHẾT (Bill Gates) giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất. Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông thì Liên Hiệp Quốc sẽ có đủ tiền chi cho công cuộc cải cách giáo dục căn bản, phục vụ sức khỏe, nước sạch và vệ sinh cho cả thế giới trong một thời gian dài. Hiện nay hố sâu ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo ở các đô thị và giữa đô thị với vùng nông thôn càng lúc càng lớn. Có 800 triệu “La-da-rô” đang lâm cảnh đói nghèo cùng cực. Hơn một tỉ “La-da-rô” đang bệnh tật mà không được thuốc thang chữa trị. Hàng ngày vẫn có bao người bị chết đói, vì không được hưởng những thực phẩm dư thừa từ cac bàn tiệc của những người giàu. Dửng dưng trước sự đau khổ của người khác cũng chính là một tội ác lớn lao.

2) Thế nào là sự giàu có và nghèo khó thực sự ?:

Sự giàu có đích thật được đo không phải bởi những thứ người ta thu tích, mà bởi những thứ người ta cho đi. Người giàu đích thật là người biết cho đi, còn người nghèo thật sự là người chỉ biết đón nhận. Người giàu đích thật là người có ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đầy đủ, đang khi người nghèo thật sự lại có quá nhiều nhu cầu nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn. Sự giàu đáng giá nhất là giàu có trong tâm hồn. Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu sống (McCarthy). Khi chỉ biết tìm kiếm sao cho có thật nhiều tiền, cặp mắt người ta sẽ bị che mờ đến nỗi không còn nhìn thấy Thiên Chúa và tha nhân nữa.

3) Phải tránh thái độ làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân: Chính tội làm ngơ của ông nhà giàu đã thành tội nặng khi gây thiệt hại nghiêm trọng khiến La-da-rô bị chết thảm vì đói và bệnh, nên ông nhà giàu đã bị phạt trong hỏa ngục. Như vậy ngoài các tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm, còn có thêm tội thiếu sót, không chu toàn bổn phận yêu người, làm ngơ trước những kẻ bất hạnh đang cần đến mình.

4) Phải tập quảng đại cho đi hơn là nhận lãnh: Ông nhà giàu phải "chịu cực hình" không phải vì giàu có, nhưng vì đã không quảng đại, không biết chia sẻ cho những người đói khát cơm áo tiền bạc dư thừa của mình. Bác sĩ AN-BỚT SUÝT-DƠ (Albert Schweitzer), người đã bán hết gia tài to lớn để xây dựng một bệnh viện để cứu giúp những người cùng khổ ở Châu Phi, đã đặt vấn đề như sau: "Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc khi còn biết bao người khác đang bị đau khổ ?".

5) Phải bắt đầu từ đâu? :

- phải bắt đầu từ gia đình mình trước: Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta nói : "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố. Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm ồn ào”.

-Tình thương phải bắt đầu từ một cá nhân: Muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, gần gũi với người đó. Mẹ Têrêsa kể tiếp: "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực: làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia... Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này đã phải chết vì đói !".

-Tích tiểu thành đại: Theo Mẹ Tê-rê-sa: "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến từng cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu nhiều giọt nước khác".

6) Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong bài giảng lễ Chúa nhật tại vận động trường Yăng-ki (Yankee) Nữu Ước trong chuyến thăm nước Mỹ 1979 đã phát biểu về việc chia sẻ bác ái như sau: “Người nghèo khổ nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới đều là anh em của các bạn trong Chúa Ki-tô. Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lo cho mình cái chính yếu của cuộc sống, và đừng tìm sống sung túc, để nhờ đó, các bạn có thể giúp đỡ cụ thể cho những người nghèo khổ. Ngoài ra các bạn còn phải đối xử với họ như những vị khách quí trong gia đình các bạn nữa”.

4. THẢO LUẬN: 1) Một văn sĩ nổi tiếng đã nói: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hoàn thành, mỗi hỏa tiễn được bắn ra... Xét cho cùng, chính là một lần ăn trộm của những kẻ đói khát vì không được nuôi dưỡng, của những kẻ bị lạnh lẽo vì thiếu quần áo che thân !”. Bạn có đồng ý với lời đó hay không ? Tại sao ? 2) Bạn sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để giúp đỡ cách cụ thể cho một cụ già neo đơn, một trẻ em mồ côi hay một bệnh nhân không tiền thuốc thang chữa trị mà bạn quen biết... ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xin cho con nhìn thấy những La-da-rô nghèo khó đang ở chung quanh con và đang cần đến sự giúp đỡ của con. Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó đến với con, để con không xua đuổi, nhưng tiếp đón họ cách thân tình. Cảm tạ Chúa vì đã dựng nên loài người chúng con ai cũng nghèo về một phương diện nào đó, và ai cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác... Như vậy chúng con được mời gọi sống cho nhau, làm cho hết mọi người đều được nên sung túc giàu có.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH – HHTM

 

CHÚA NHẬT XXVI TN C

TỘI VÔ TÌNH – VÔ TÂM – VÔ CẢM

Cách đây không lâu, một video ghi lại một cảnh đau lòng của một em bé ở trung Quốc bị chiếc xe tải cán ở giữa đường khi em đang đi theo mẹ. Điều khiến cho nhiều người giận dữ khi xem đoạn video này, là ngay lúc xảy ra tai nạn, có đến 7 – 8 người đi ngang qua trước tiếng kêu cứu của người mẹ, nhưng không người nào quan tâm dừng lại, họ làm như không phải việc của mình. Gần đây, trên trang mạng cũng lên án một quan chức chính phủ Trung Quốc, khi đên hiện trường một vụ tai nạn tàu lửa khiến cả chục người chết, trước ông kính của phóng viên, ông vẫn hút thuốc và cười thản nhiên khi nói về tai nạn này khiến nhiều người phê phán ông là con người vô cảm. Ở Việt Nam cũng tương tự, một video quay lại cảnh hai nữ học sinh đánh nhau túm tóc lột áo nhau ngay giữa đường phố, người qua lại không ai lên tiếng can ngăn, họ vẫn thản nhiên bước qua, và có người cón lấy điện thoại ra quay phim một cách thích thú…Chúng ta có thể kể ra rất nhiều những trường hợp dửng dưng vô cảm như vậy. Có lẽ xã hội càng tiến bộ, cuộc sống càng giàu có, thì con người càng đánh mất sự quan tâm đến người khác, biến mình trở thành kẻ vô tình với anh em, và từ lối sống vô tình, nó sẽ dẫn đến sự vô cảm, vô tâm trước những đau khổ của anh em, và nó còn trở thành kẻ nhẫn tâm trước đau khổ của người khác. Lời Chúa hôm nay cảnh báo cho chúng ta thái độ sống vô tâm đó.

Bài đọc một cho thấy lúc đó đất Israel đang phồn thịnh, giàu có, từ đó dẫn đến lối sống hưởng thụ,  từ những nhà lãnh đạo đến một số người giàu rơi vào tình trạng ăn chơi sa đọa họ không quan tâm đến những người nghèo, không quan tâm đến đời sống đạo và lề luật của Thiên Chúa, và cũng không quan tâm đến vận mệnh quốc gia, họ vơ vét cho đầy túi tham, họ ăn chơi xa xỉ. Trước lối sống đó, Amos, một ngôn sứ từ miên Giudea được sai đến với vương quốc Israel để cảnh cáo và vạch trần lối sống của họ: Khốn cho các người là những kẻ sống yên ổn tai Sion…, các ngươi ngả ngớn trên giường, đùa nô trên trường kỷ, ăn những con chiên non nhất bầy, những con bê béo nhất chuồng, uống rượu ngon, xức dầu thơm hảo hạng… mà không quan tâm trước cảnh nhà Giuse xụp đổ, dân bị lưu đầy, đất nước bị xâm chiếm. Rồi đây sẽ đến ngày chính các ngươi cũng sẽ bị làm nô lệ, bị bắt đi lưu đầy, thế là tan tác lũ phè phỡn. Một quốc gia phồn thịnh là một điều đáng ước mơ, một dân tộc giàu có thì đáng hãnh diện, thế mhưng từ sự giàu có phồn thịnh ấy mà người ta đánh mất tình anh em đồng loại, sống dửng dưng vô trách nhiệm với nhau, thậm chí còn sử dụng tiền bạc của cải, phung phí đến độ làm xỉ nhục người nghèo, đó là điều không thể chấp nhận, và không đáng để hãnh diện.

Không hẳn cái nghèo là mối mối phúc, không phải tất cả sự giàu sang đều là đáng trách, cũng không phải tất cả những người giàu đều bị kết án, điều khiến họ đáng bị kết án đó là sư giàu sang đã làm che mờ con mắt của họ, khiến họ chỉ con nhìn thấy chính mình mà không nhìn thấy anh em chung quanh, điều đáng lên án là vì họ ngủ quên trong sự hưởng thụ đến độ trở thành kẻ vô tình vô tâm với anh chị em chung quanh. Câu chuyên người giàu có và Lagiarô nghèo khó trong Tin Mừng hôm nay muốn nói đến điều đó.

Người phú hộ này mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình, hành động đó chưa phải là điều sai, vấn đề ở chỗ, ngay tại của nhà anh có một người nghèo, mình đầy ghè chốc, ngày ngày ăn xin, mơ ước được một chút cơm dư canh thừa của nhà giàu này rơi xuống mà cũng không ai cho. Như thế cái tội của người phú hộ này là cái tội anh đã dửng dưng, đã làm ngơ và cố tình không nhìn thấy một người đau khổ đang cần sự giúp đỡ nằm ngay cổng nhà anh. Người phú hô kia đã chỉ biết nghĩ đến mình, lo hửơng thụ ăn uống vui chơi trên những đau khổ đói khát của người khác. Anh có tiền, anh có quyền tiêu xài, nhưng anh tiêu xài một cách phung phí trong khi người bên cạnh đầu tắt mặt tối, đang bệng tật hiểm nghèo đang cần đến sự giúp đỡ của anh, mà anh đã làm ngơ, thì sư tiêu xài phung phí đó lại trở thành cái tội. Anh giàu có tiền bạc, ăn mặc gấm vóc lụa là nhưng tâm hồn anh thật nghèo nàn rách rưới, trái tim anh đã không còn một chút rung động cảm thông.

Cái chết đã đảo ngược lại tất cả, người nghèo Lazarô đựơc đưa vào lòng Apraham, còn Lazarô thì phải vào lò lửa ở đó anh phải chịu cực hình khốn khổ. Đến lúc này, người phú hộ xưa kia ăn uống dư thừa bây giờ chỉ xin một điều thật nhỏ nhoi mà cũng không ai có thể đáp ứng cho anh được nữa, anh nài xin Apbraham sai Lazarô lấy ngón tay nhúng vào nước và làm mát lưỡi tôi, nhưng cũng không thể được, vì như câu trả lời của Apbraham cho thấy: giửa chúng ta đây đã có sẵn một vực thắm khiến từ bên đó không thể qua bên đây, và từ bên đây củng không thể qua bên đó được. Vực thẳm này không phải là vực thẳm địa lý, mà là vực thẳm của sư ngăn cách, vực thẳm của tâm hồn mà chính nhà phú hộ này đã tạo ra khi anh còn sống, anh đã để cho sư giàu sang hưởng thụ ngăn cản khiến anh không thể bước tới với người khác, thì giờ đây, người khác củng không thể bước tới, không thể chạm đến anh được.

Xin ân huệ thứ nhất không được, anh xin ân huệ thứ hai cho những người thân còn lại cũng bị từ chối: họ đã có Mose và các tiên tri, vì với những vị này mà họ không tin thì dù cho kẻ chết có hiện về họ cũng sẽ không tin đâu. Điều này cho thấy được rằng, việc điều chỉnh lại lối sống, việc làm điều thiện điều tốt cần phải thực hiện ngay khi còn sống và khi có cơ hội, không thể nấn ná hay từ chối, và hơn nữa lề luật và các lời ngôn sứ chính là những lời Chúa nhắc nhở thường xuyên mỗi người tu chỉnh lại lối sống của mình, đừng đợi chờ, cũng đừng mong một điềm báo nào nơi người đã chết.

Có người bi quan cho rằng: con người là lang sói của nhau, điều đó có thể đúng nếu chúng ta không làm cho mình nên người, không sống đúng với phẩm giá, tư cách của con người, thì có nghĩa là mình đã bị thoái hóa thành cầm thú với nhau. Hiện nay, mở một trang báo đầu ngày, người ta có cảm tưởng như ở xã hội Việt nam con người ngày càng độc ác với nhau hơn, ngày càng dưng dưng vô cảm với nhau hơn, nhiều người đã đang để mình bị biến thánh dã thú đối với nhau, nào là chuyện ghen tuông đâm chém giết chết bạn tình, nào là cướp bóc hãm hiếp chỉ vì vài trăm ngàn, và gần đây cuối tháng 8 vừa qua, lại một vụ trộm chó ở Bắc Giang, hai kẻ trộm bị cả làng đánh hội đồng cho đến chết để thỏa mãn cơn giận. Trong vụ việc này mạng sống của con người không bằng một con chó, cả làng xúm nhau vào để trút cơn giân lên kẻ trộm. Tại sao người ta lại đi đến việc trộm chó? Tại sao người Việt của mình lại tàn ác dã man với đồng loại như vây ư? Điều đáng sợ là nhiều người coi những chuyện đó không phải chuyện của mình, không liên quan gì đến mình…

Điều đáng tội không chỉ ở việc ác người ta gây ra cho kẻ khác, không trộm cắp không làm hại ai chưa hẳn là người thánh thiện, nhưng khi nhắm mắt làm ngơ trước sư dữ sư xấu thì đã là có tội, để cho sư xấu xảy ra mà không lên tiếng thì đã là đồng lõa; không phải chỉ khi tỏ ra khinh bỉ hay có lời nói xúc phạm đến anh em mới là điều đáng trách, mà ngay cả khi vui cười trên đau khổ của người khác, phung phí thỏa mãn trên sự nghèo đói của người khác, thì đã là làm tổn thương họ rồi.

Thưa quý OBACE, câu chuyện Lazarô và người phú hộ vẫn mang tính thời sự, đang xảy ra ngay trong các gia đình trong xóm ngõ của chúng ta. Có thể có những Lazarô đang ở bên cạnh nhà, họ đang nghèo đói, không đủ cơm đủ gạo, họ đang cần một sư quan tâm, đang cần sư giúp đỡ, mà chúng ta đã cố tình làm ngơ. Lagiarô có thể là những người cha người mẹ già đau ốm lâu ngày lâu tháng, là những đứa con ngỗ nghịch, là người thân trong gia đình mà từ lâu chúng ta đã loại họ ra khỏi sư quan tâm chăm sóc của chúng ta. Tất cả họ đang chờ không phải là cơm bánh hay tiền bạc, mà họ đang ước ao được một lời thăm hỏi, một hành động quan tâm của người thân trong gia đình, giúp họ vượt qua sự buồn tủi đơn điệu của tuổi già, sự đau đớn chán nản của bệnh tật, sự mệt mỏi của thất bại hay của công việc, hãy dành cho họ thêm sư quan tâm, sư cảm thông, đừng vô tâm vô tình, vô cảm với họ.

Xin Chúa cho chúng ta có một đôi mắt thật sáng để có thể nhìn thấy những nhu cầu của anh chị em xung quanh, có một tâm hồn nhậy bén trước những hoàn cảnh khổ đau tinh thần và thể xác của họ, và có một trái tim biết rung nhịp và cảm thông để có thể chia sẻ và ủi an anh chị em chung quanh. Amen

Lm. Đan Vinh

 

 

CHỦ NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Thế gian thường quảng cáo và lôi kéo chúng ta bằng lý tưởng của nó, và buồn thay, nhiều khi nó thành công. Còn tin mừng thì trình bày một trật tự giá trị hoàn toàn đảo ngươc. Như Đức Maria ca trong bài Magnificat, Chúa đuổi những kẻ giàu sang trở về tay trằng. Đó là tiếng kêu lạc điệu trong xã hội tiêu thụ chúng ta. Chúng ta có phản ứng như thế nào trước khi quá trễ?

Tiên tri Amos 6,1a.4-7

Khi người ta no nê,thì số phận phần còn lại của thế gian không đáng quan tâm nữa. nhưng Amos cảnh giác chúng ta phải coi chừng, sẽ có những đảo lộn như chúng thấy trong bài tin mừng ngày hôm nay.

Thánh vịnh 112

Khác với các thế lực trên trái đất, Thiên Chúa là đấng công chính. Người lắng nghe lời của người nghèo và tái lập trật từ trong một thế giới bị xâu xé bởi ích kỉ và bất công.

Thư 1 Tm 6,11-16

Timôthê là một người đạo gốc vì mẹ và bà ngọai của ông là người ki tô hữu. Lúc bấy giờ Phao lô đang bị giam tù và ngài viết thư cho Timôthê đang là Giám Mục. Ngài để lại cho môn đệ yêu quí của Ngài lời khuyên cuối cùng: Hãy đứng vững trong Đức tin và Tình yêu cho đến cùng, dù cho thế giới chung quanh bày ra những giá trị khác với Ki tô giáo.

Tin mừng Lc 16, 19-31

NGỮ CẢNH

Nằm trong chương 16 gồm các giáo huấn dạy về việc sử dụng của cải trần gian (16,1-8; 9-15), dụ ngôn nầy rất độc đáo và chỉ có trong tin mừng Lc. Có thể đọc theo cấu trúc hai phần sau đây. Sau phần vào đề trình bày sự đối chọi giữa một người giàu và một người nghèo trên trần gian (16,19-21), dụ ngôn cho ta thấy số phận của họ đã đảo chiều như thế nào ở thế giới bên kia và tập trung vào hai cuộc đối thoại giữa người phú hộ và ông Abraham: phần đầu về số phận của người phú hộ (16,22-16); phần sau về số phận của các anh em ông  (16,27-31).

TÌM HIỂU

Ông nhà giàu: dụ ngôn tiếp liền sau các “lời nói” trong các câu 14-18. Dụ ngôn không có lời mở đầu hay câu chuyển đọan. Ông phú hộ nầy cũng không có tên gọi như ở câu thứ 1. Sự đối chọi giữa cuộc đời xa xỉ của ông và sự kế cận của người nghèo cho ta hiểu rằng ông ta vì quá giàu có nên đã hoàn toàn trở nên vô cảm. Thêm vào đó là sự giàu có thiêng liêng giả tạo của những người tự cho mình là công chính, “điều đáng ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (16,15). Tất cả những điều đó đã tạo thành một sự phân cách giữa người giàu và người nghèo trên thế gian (16,210. X. Amos 2,6-7; G 24,2-12.

La da rô: đây là trường hợp độc nhất, vì trong các dụ ngôn, các nhân vật không bao giờ được gọi bằng tên riêng cả. Nhưng đây là một người nghèo, và trước mặt Thiên Chúa, sự nghèo khó là một tước hiệu để được Người quan tâm riêng. La da rô có nghĩa là Thiên Chúa gúp đỡ: tên gọi mang theo niềm hi vọng. Thiên Chúa không bỏ rơi những người nghèo (Cn 22,22-23; Tv 71,12-14).

Thèm được những thứ: cùng một kiểu nói như trong trường hợp đứa con trai phung phá, dịch là: muốn ăn cho đầy bụng (15,16).

Chó: khung cảnh nầy làm ta nhớ đến ông Gióp. Trong Thánh Kinh, chó được coi như là thú dữ và đáng ghê tởm. Ở đây, sự hiện diện của chúng nhấn mạnh đến sự trái ngược giữa người giàu có và người nghèo.

Ông Áp bra ham: những người công chính trong Cựu Ước thường được cho là sẽ gặp ông Abra(ha)m và sẽ đoàn tụ với các tổ phụ của họ. Nhưng ở đây, người nghèo mừng lễ cùng với các tổ phụ (x. 13,28-29 dùng hình ảnh bữa tiệc); đây chính là vĩnh phúc. Các họa sĩ thường vẽ những người được chọn như là những người con quay quần chung quanh ông Abra(ha)m, tổ phụ của họ.

Kiểu nói: “trong lòng ông Abra(ha)m” được dùng ở đây còn xuất hiện ở Ga 13,23 nói về người môn đệ mà Chúa Giê su yêu mến “nằm trong lòng Chúa Giê su”, nghĩa là ở bên tay trái, gối đầu trên ngực Chúa (13,25): đó là vị trí danh dự trong bữa tiệc. Vị trí của người môn đệ là vị trí của Con Một nơi “cung lòng Cha” (Ga 1,18).

Thật vậy tình phụ tử của ông Abra(ha)m, là hình ảnh duy nhất của tình phụ nơi Thiên Chúa nối kết các môn đệ vào sự thông hiệp mà Người chia sẻ với Con của Người. Bàn tiệc Thánh Thể, tức là bàn tiệc thiên quốc sẽ đến, đã thực hiện bằng việc đi vào trong cung lòng của Chúa Cha cùng với Chúa Con.

Chôn: sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu một lần nữa được nhấn mạnh:                       người trước được đưa lên trời, còn người kia thì bị chôn vùi dưới đất. Sự đảo lộn tư thế bắt đầu xuất hiện.

Âm phủ: hoặc nơi ở của người chết. Trong khoảng thời gian dài đến thế kỉ thứ 2 trước CN, người ta tin rằng những người chết, gồm những người lành và kẻ dữ được qui tụ trong một nơi hoang tàn (được gọi là sheol trong tiếng Híp pri, và Hadès trong tiếng Hi lạp). Nhưng vào thời Chúa Giê su, ý tưởng đã có tiến bộ: nói chung, người ta nghĩ rằng những người công chính yên nghỉ chờ đợi ngày sống lại (họ ở trên “thiêng đàng” hoặc trong vườn Ê đên, 23,43);  còn người dữ thì đã bị phạt trong lửa muôn đời . X. đạo lí nầy manh nha trong đoạn Đn 12,2-3.

Nhưng ở đây Lc đưa ra một giáo huấn về sự sống sau khi chết. Mục tiêu duy nhất của ông là khuyến khích người ta sám hối ngay từ giờ. Ông trình bày khoảng cách giữa tình trạng của những người nghèo và tình trạng của những người giàu trước nhan Thiên Chúa (16,22). Số phận con người trong đời sống bên kia đã được bắt đầu ở đây trên mặt đất nầy; do đó, người ta cần phải thay đổi cách sống trên trần gian.

Phần phước – bất hạnh: x. G2,10. bản văn nầy không nói về phần thưởng cho người công chính và hình phạt cho người tội lỗi. Nó chỉ trình bày một trong những đảo ngược tình thế mà Lu ca thích nói tới, mà chúng ta đã thấy trong Bát Phúc (6,20-26) và trong kinh Magnificat (1,46-55).

Vực thẳm lớn: hình ảnh của hai thế giới không liên lạc với nhau như Thiên Chúa và tiền của (16,13). Vực thẳm đã hiện hữu trên mặt đất nơi mà ông nhà giàu sống trong một thế giới đóng kín trước thế giới của người nghèo. Nó vẫn còn và vĩnh viễn hiện diện trong cuộc sống bên kia. Người ta sẽ thu lấy những gì mà người ta đã gieo vãi.

Ông nhà giàu nói: ở đây bắt đầu phần thứ hai của dụ ngôn: lời khẩn xin tiếp theo của ông nhà giàu cho phép Abra(ha)m xác định kết luận phần thứ nhất; tiền của – và sự bảo đảm mà nó sinh ra – làm mờ mắt và giam hãm, đóng kín tâm hồn con người trước Lời Thiên Chúa. X. trong 15,29-30 phản ứng của người con cả cho phép tái xác nhận và mở rộng thái độ đúng đắn của người cha.

Mô sê: ông Abram qui chiếu đến Kinh Thánh diễn tả thánh ý của Thiên Chúa về việc sử dụng của cải trần gian nầy, cũng như về sự cần thiết của việc sám hối: chỉ cần lắng nghe lời Người (x. 6,47;8,11-15).

Họ sẽ ăn năn sám hối: không chỉ nói về việc sám hối liên quan đến tiền của (19,1-10), mà trong mọi khía cạnh của cuộc sống (x.13,3.5). Do đó cũng liên quan đến những người Pha ri sêu (16,15).

Sống lại: nhiều lần người Do thái đã xin Chúa Giê su làm một dấu lạ cả thể để họ có thể tin vào Ngài, nhưng Chúa Giê su chỉ nhắc lại dấu chỉ Giô na (11,29-30). Ngài đã ban cho họ trong sự sống lại  của người thanh niên ở thành Nayin (7,11-17), và đặc biệt trong cuộc Phục sinh của Ngài, cũng như trong bài giảng thực hiện dưới danh Ngài sau Hiện xuống.

Thế nhưng cả dấu chỉ nầy cũng không thuyết phục được người Do thái. Tuy nhiên nó chính là sự hoàn tất Lề luật và các Tiên tri (24,27.44-46; Cv 28,23). Sự trùng khớp giữa Kinh thánh và cuộc sống của Chúa Giê su là một trong những lý chứng quyết định nhất của đức tin. Do vậy, Chúa Giê su nói dụ ngôn nầy để tìm cách thuyết phục các thính giả của Ngài cần phải sám hối nếu thật sự họ muốn trở thành con cái đích thật của Abra(ha)m và chia sẻ vinh quang của ông. Chúa Giê su dùng nhân vật danh tiếng Abraham để mời gọi họ tin vào Ngài và nhờ vậy mà được cứu độ.

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật hôm nay lớn tiêng tố cáo điều mà chúng ta gọi là “phân hóa trong xã hội”. Chúng ta có thể kiểm chứng khoảng cách giữa người giàu và nghèo đã càng ngày càng gia tăng như thế nào trong những thập niên gần đây. Sự giàu có xa hoa không cùng của một số người đã không ngừng được bày ra. Điều đó trở thành một sỉ nhục đối với những người nghèo càng lúc càng lún sâu vào trong nỗi bất hạnh của mình. Chỉ cần nêu ra ở đây về sự cách biệt khủng khiếp giữa tiền lương như một thí dụ điển hình: có những ngôi sao bóng đá nổi tiếng hằng ngày nhận thù lao bằng số tiền mà nhiều người kiếm được trong một hay nhiều năm làm việc, thậm chí trong cả một cuộc đời. Nhưng sự nghèo khó không chỉ trong bình diện vật chất, mà còn trầm trọng hơn về phương diện tâm linh. Chúng ta đừng quên những người không được giáo dục, không có văn hoá, không được kính trọng trong xã hội và nhất là thiếu vắng tình thương.

Vì thế mà tin mừng hôm nay loan báo cho chúng ta một sự đảo ngược tình thế. Điều mà chúng ta đang sống hôm nay để lại một âm hưởng muôn đời. Tất cả những điều đó, Chúa Giê su cắt nghĩa cho chúng ta bằng một dụ ngôn bắt chúng ta phải suy nghĩ. Dụ ngôn ấy nói về hai người: một bên là một người giàu có, hưởng thụ giàu sang cho riêng mình. Ngay bên cạnh ông ta là một người nghèo khổ, đang chết dần chết mòn trong một tình trạng khốn cùng cực độ

Bài tin mừng không nói rằng người giàu có tàn ác hay hành hạ người nghèo. Ông ta cũng không bị khiển trách vì đã giàu. Sự sai lầm duy nhất của ông ta là đã không nhìn thấy ông La da rô ở ngoài cửa. Trong dụ ngôn nầy, người giàu có không hề biết đến và không mảy may để ý Ông La da rô nghèo khổ. Ông ta cứ tiếp tục không sống  như không có người nghèo hiện hữu trước mắt ông

Điều mà Chúa Giê su tố cáo trước tiên đó là sự dửng dưng của ông nhà giàu đối với người bất hạnh. Đó là một thái độ rất trầm trọng vì nó làm cho con người trở nên vô cảm đến độ không còn có thể cảm thông với kẻ khác. Nó làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa, đấng đến gần tất cả những ai đang đau khổ và tự đồng hoá với mỗi người trong họ. Và rốt cục, thái độ ấy phá huỷ tâm hồn.

Nhưng đến cuối đời, tình trạng của ông La da rô và của người giàu đảo ngược: trong khi Ladarô được hưởng hạnh phúc, thì ông nhà giàu phải chịu cực hình khủng khiếp. Bấy giờ, thật là quá trễ để ông nhà giàu nhận ra những hậu quả sự đui mù của mình. Cả đời ông ta đã sống chỉ nghĩ đến mình: của cải, quần áo, đồ ăn, thức uống chiếm hết tâm trí của ông. Trong tâm hồn ông không có chỗ cho người khác. Dụ ngôn dường như gợi ý rằng ông cũng không có cả những người đồng bàn với mình. Ông cô đơn và sẽ như vậy mãi ở cõi đời sau. Ở đó, không ai có thể đến cứu giúp ông vì ông đã đào một cái hố sâu chung quanh mình. Sự cô đơn khủng khiếp ấy do chính ông gây nên. Ông hoàn toàn bị giam hãm.

Tính ích kỉ và dửng dưng không chỉ là những khiếm khuyết hoặc tội lỗi. Đó còn là một tai hoạ lớn. Người ích kỉ chỉ tìm hạnh phúc cho riêng mình trong việc tích góp của cải để tiêu xài. Thực sự ông ta suốt đời không thoả mãn. Không gì có thể lấp đầy hoàn toàn tâm hồn. Bao lâu còn tiếp tục sống trong tình trạng ấy, thì con người không bao giờ thực sự được hạnh phúc. Chúng ta là những ngưòi ki tô hữu, chúng ta biết rằng bí quyết của hạnh phúc đích thật nằm trong Tin mừng. Điều làm nên giá trị cuộc đời là chính cách mà chúng ta nhìn người khác và nhất là cách mà chúng ta yêu thương họ ngang qua những cử chỉ mở rộng, tiếp đón và sẵn sàng.

Tin mừng nói với chúng ta về một vực thẳm mà người giàu đã tạo ra giữa ông và ông La da rô. Và tin mừng cảnh giác chúng ta về vực thẳm ấy, coi chừng chúng ta có thể lọt vào. Lời Chúa hôm nay còn cho chúng ta biết rằng trên con đường sám hối trở về, chúng ta không cô đơn. Đức Ki tô hiện diện để mở mắt và mở tai chúng ta. Ngài tiếp tục chỉ cho chúng ta thấy những người đói ăn, đói tình yêu và đói ơn nghĩa. Nếu Ngài vẫn đến trong thế giới nầy và tiếp tục đến trong cuộc đời chúng ta là để san bằng vực thẳm ngăn cách giữa Thiên Chúa và chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta kết hợp với Người và liên kết với nhau. Sứ vụ của chúng ta là làm việc với Đức Ki tô để xây dựng một thế giới mới, công bằng hơn, huynh đệ hơn và liên đới hơn

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc 1 (Am 6,1.4-7) là một trích đoạn của Sách Tiên tri A mos cảnh cáo Vua quan Ít-ra-en chỉ biết sống trong cảnh giầu sang nhung lụa mà chẳng quan tâm gì đến tình hình và vận mệnh của dân tộc. Hậu quả là đất nước họ sẽ bị ngoại bang xâm chiếm và bản thân họ sẽ phải bị lưu đầy khốn khổ.   

2. HỎI: Tiên tri cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai?

THƯA: Qua đoạn Sách trên (6,1.4-7) tiên tri cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng rất công minh: những người cầm quyền đã được giao trọng trách cai trị dân, được hưởng những đặc quyền, đặc lợi về vật chất, thì họ có trách nhiệm phải chăm lo cho dân, cho đất nước. Sống thờ ơ với đời sống thường ngày của dân, với vận mệnh của đất nước, chỉ biết hưởng thụ mà không chu toàn trách nhiệm, thì họ đáng bị trừng phạt.

3. HỎI: Tiên tri Amos trách những kẻ cầm quyền và người giàu có như thế nào?

THƯA: Tiên tri trách những kẻ cầm quyền và người giàu có sống an nhiên tự tại trên xác tín sai lầm mà không thấy cuồng phong đang kéo đến làm cho toàn bộ xã hội tan nát.

4. HỎI: Sai lầm của họ là gì?

THƯA: Sai lầm của họ là xây dựng sự bảo đảm cho mình trên những cái mau qua chóng tàn như chiến thắng quân sự, kinh tế phồn vinh và vỏ bọc đạo đức. Họ quên rằng sự an ninh duy nhất của Ít ra ên phải đặt trên nền tảng lòng trung thành với Giao Ước. Đó là điều mà tất cả các tiên tri Cựu Ước đều lưu ý.

5. HỎI: Tiên tri Amos dạy gì về điều ấy?

THƯA: Amos cũng như các tiên tri khác dạy rằng: hạnh phúc con người và các dân tộc đến từ sự trung thành với Giao Ước của Thiên Chúa. Và sự trung thành ấy bao gồm công bằng xã hội và niềm tín thác vào Người. Nếu họ lạc xa đường lối ấy, thì sớm muộn gì họ cũng phải chết.

6. HỎI: Tiên tri Amos có thái độ nào đối với tình trạng xã hội ở vương quốc phía Bắc?

THƯA: Dưới triều Vua Giê rô bô am, vương quốc phía Bắc phát triển không ngừng. Tuy nhiên, sự phồn thịnh kinh tế đòi hỏi phải đi đôi với sự phát triển xã hội. Tiếc thay, người ta đã dần dần xa lí tưởng ban đầu mà Lề luật đã vạch ra là bảo vệ sự công bằng giữa các công dân và phân phối đất đai đồng đều cho họ.

7. HỎI: Tên gọi La da rô có nghĩa gì và nói lên điều gì?

THƯA: La da rô có nghĩa là Thiên Chúa cứu giúp: Người thương cứu giúp ông không phải vì ông nhân đức, mà bởi vì người nghèo như ông biết mở tâm hồn đón nhận Lời Người.

8. HỎI: Điều ấy có làm cho những người nghe ngạc nhiên không?

THƯA: Họ rất ngạc nhiên, vì câu chuyện Chúa Giê su kể hoàn toàn khác với câu chuyện mà họ được nghe: có một người giàu có đầy tội lỗi và một người nghèo đầy nhân đức. Cả hai khi chết được đưa lên cân: người tốt, dù giàu hay nghèo, đều được tưởng thưởng, còn người xấu, dù giàu hay nghèo, đều bị phạt

9. HỎI: Chúa Giê su có theo lí luận ấy không?

THƯA:  Không. Ngài không hề nói ông La da rô là người nhân đức. Ngài chỉ cho biết rằng, người giàu có hoàn toàn dửng dưng, không hề đoái hoài tới người anh em nghèo đói đang nằm ngay trước cửa nhà ông.

10. HỎI: Ông Abraham được nhắc tới bao nhiêu lần trong câu chuyện nầy, và có mục đích gì?

THƯA: Chúa Giê su nhắc tới ông Abraham đến 7 lần trong câu chuyện nầy. Ngài hỏi các thính giả: “Ai thực sự là con cái Abraham?”. Và đưa ra câu trả lời: “Nếu ngươi không nghe lề luật và các tiên tri dạy, nếu người dửng dưng với sự đau khổ của anh em mình, ngươi không phải là con cái Abraham”

11. HỎI: Điều cốt yếu mà Chúa Giê su muốn nhắc cho người Do thái là gì?

THƯA: “Là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Ðức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Ðức Chúa bao bọc phía sau ngươi”  (Is 58,7-8).

12. HỎI: Việc ông La da rô được các thiên thần đem vào lòng Áp-ra-ham có nghĩa gì?

THƯA:   Điều ấy có nghĩa là người nghèo có một vị trí danh dự trong Vương quốc của Thiên Chúa (x. Lc 13,28-29, Ga 13,22).

13. HỎI: Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta những điều gì khác trong dụ ngôn này?

THƯA: Người ta không thể trở thành con cái Abraham, tức là những người thừa kế của Vương quốc Israel chỉ bằng những lời nói suông. Vì thế qua giáo huấn này, Chúa Giê su mời gọi mỗi người chúng ta đừng gọi mình là Kitô hữu bằng lời nói suông rồi sau đó trong thực tế sống như người hoàn toàn không biết đến Thiên Chúa.

14. HỎI: Người Kitô hữu thực sự là ai?

THƯA: Đó là người đặt Tin Mừng của Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống mình. Là người biến đổi cuộc sống của mình mỗi ngày, dựa trên Lời Chúa dạy. Là người tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội tức là cộng tác vào sự phát triển Vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian.

15. HỎI: Người phú hộ bị kết án bởi sự giàu có của mình không?

THƯA: Không. Khi nói với ông Abraham, ông ta cho rằng vì thiếu hiểu biết mà cuộc sống của anh đã trở nên xấu xa. Vì thế, chỉ cần một dấu lạ từ trời và anh sẽ tin. Nhưng Abraham phản bác: dù có một dấu lạ từ trời, ông ta cũng không hoán cải.  Lý do là vì không phải sự giàu có, mà chính việc sử dụng của cải một cách ích kỷ kết án ông. Cũng không phải do ông thiếu hiểu biết, vì ai không lắng nghe lời Thiên Chúa phán ngang qua lương tâm và Kinh Thánh thì dù có một phép lạ cuộc sống cũng sẽ không đổi thay. Ông bị kết án vì đã không thể đón nhận cuộc đời như một quà tặng của Thiên Chúa và không hề có một ý thức nào về tình tương thân tương trợ.

16. HỎI: Người phú hộ bị lên án được coi như một sự trừng phạt của Thiên Chúa?

THƯA: Không phải thế. Khi còn sống, ông đã đóng kín tâm hồn, chỉ quan tâm đến những lợi ích trần gian và gắn bó với tiền bạc của cải đến nỗi ông cảm thấy vô ích và trống rỗng khi gặp ánh sáng của Thiên Chúa là một món quà của tình yêu ban tặng cho ông. Sự kết án nằm sẵn trong số phận của người giàu có vì đã chọn một cách sống đi ngược với kế hoạch của Thiên Chúa về con người. Do đó, không phải Thiên Chúa lên án, nhưng bản thân ông lên án chính mình bởi hành động của mình.

17. HỎI: Có phải ông La da rô nghèo khổ được cứu độ bởi vì ông đã không gặp may trong thế giới này?

THƯA: Không phải thế. Ông được vào Thiên đàng vì ông đã mở ra cho Thiên Chúa để cho Người hướng dẫn bằng sức mạnh của tình yêu và ân sủng của Người.

18. HỎI: Bài tin mừng dạy ta những bài học nào?

THƯA: Bài tin mừng dạy ta những bài học nầy: một là số phận đời đời sau khi chúng ta chết liên hệ mật thiết với việc chúng ta sử dụng của cải trần gian nầy như thế nào; hai là nếu của cải có thể gây ra nhiều nguy hiểm thì Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta nhiều phương thế cần thiết để đương đầu và chiến thắng; ba là người ta không chịu ăn năn hối cải là vì cứng lòng không dùng các phương thế Chúa ban, chứ không phải vì thiếu phương thế; bốn là số phận sau khi chết là vĩnh viễn, không thể thay đổi.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên B - Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên - Lm . Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên - Nt . Maria Nguyễn Thị Anh Thư.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên - Lm. JB
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B- LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên-Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: HỒNG ÂN MẶC KHẢI. Thiên Thảo SJP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN B
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN B: THAY ĐỔI NÃO TRẠNG. Lm. Paul Nguyễn Nguyên.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN B: LỐI ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH. Lm Đan Vinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B:. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: MẮT GHEN TỴ. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: TẤM GƯƠNG. Antôn Lương Văn Liêm
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B: HÃY YÊU NHƯ GIÊSU. Lm.Jos Tạ duy Tuyền