Thứ Ba Tuần XXVI Thường niên Năm C
Lời Chúa: Mt 18, 1 – 5
(1) Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" (2) Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông (3) và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
(4)"Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. (5) "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.
SUY NIỆM:
Trong cuộc sống, tôi có nhiều cơ hội được làm việc, tiếp xúc và chăm sóc các em nhỏ, nên học hỏi được rất nhiều những bài học quí báu từ các em, như: không để lòng oán hận, đơn sơ trong sáng không gian manh, xảo trá, lươn lẹo, lọc lừa, bày mưu, tính kế… đặc biệt là bài học về sự tin tưởng phó thác tuyệt đối, vô điều kiện, không lý luận. Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su xác nhận tinh thần thơ trẻ ấy rất có giá trị để được làm công dân cao cả của nước trời.
Một vài kinh nghiệm:
Một lần về thăm gia đình, vào một buổi sáng khoảng chín mười giờ, tôi thấy ở nhà kế bên có một cháu gái bốn tuổi đang thơ thẩn chơi một mình bên hông nhà. Tôi liền đi sang. Nhà vắng hoe không bóng người. Tôi cười hỏi cháu bé: “Sao con ở nhà có một mình vậy? Ba mẹ đâu hết rồi?” Cháu trả lời: “Dạ ba con đi bỏ chả, mẹ con đi ve chai, anh hai con đi học ở trường, còn anh ba con đi học thêm, con ở nhà coi nhà.” Tôi thấy thật thú vị hỏi tiếp: “Thế trộm vào nhà thì con làm thế nào?” Cháu bé tròn xoe mắt, có vẻ lúng túng không biết trả lời. Nghe tôi hối thúc, bé có vẻ suy nghĩ một chút rồi nói chắc nịch: “Nhưng mà nhà có Chúa làm sao có trộm được.” Tôi phì cười vì cách suy nghĩ của cháu bé, nhưng lại cảm thấy thú vị về niềm tin đơn sơ, rất chắc chắn của cháu và thầm nghĩ : Nếu tôi cũng có được một đức tin tưởng tuyệt đối không lý luận và nghi ngờ vào Thiên Chúa, Đấng luôn bảo vệ và giữ gìn tôi thì có lẽ cuộc đời tôi sẽ bớt đi rất nhiều những lo âu, sợ hãi và rắc rối.
Một kinh nghiệm khác cho tôi thấy, đối với các em, cha mẹ (nhất là người cha) là thần tượng, là sức mạnh số một: Có đôi lần tôi đe nẹt hoặc phạt cháu phạm lỗi. Những cháu được ba mẹ quá cưng chiều thường phản ứng sẽ về “méc ba cho ba đánh cô”. Suy nghĩ của cháu thật buồn cười nhưng nói lên được lòng tin tuyệt đối vào cha mẹ của các em. Đồng thời trong công tác giáo dục trẻ, tôi thấy trẻ em không bao giờ để lòng oán hận báo thù, hay lươn lẹo xảo quyệt…. Có đánh phạt, thì ngay sau đó các em lại vẫn có thể sà vào lòng hay vui vẻ chơi đùa lại như thường. Và rất nhiều kinh nghiệm khác nữa về sự tin tưởng phó thác của trẻ thơ trong tay cha mẹ và những người yêu thương chúng mà các bạn, những ai đã tiếp xúc với trẻ thơ đều có thể biết được sẽ cho chúng ta những bài học về cách chúng ta phải sống mối tương quan với Cha trên trời.
Trở nên trẻ thơ, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phó thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Chúa, tin tưởng hoàn toàn vào Lời Người dạy bảo và sống theo Lời Người mà không so đo tính toán thiệt hơn. Trở nên trẻ thơ là chúng ta biết sống mối tương quan trong sáng lành mạnh với tha nhân không nuôi lòng hận thù, mưu mô xảo trá, hay bày mưu tính kế hại người; là sống đơn sơ khiêm tốn không tự mãn, cậy mình, khinh người; là sống tôn trọng, yêu thương…. Tinh thần trẻ thơ rất quí giá cho mọi người, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn, trí thức hay thất học…. Vì nó là yếu tố, là tác nhân của một cuộc sống hạnh phúc, đem lại hạnh phúc cho con người. Không có tinh thần trẻ thơ thì sẽ chẳng được vào nước trời. (x. c. 3) Và càng có tinh thần trẻ thơ thì càng trở thành ‘người lớn’ trong nước trời (x. c. 4).
Mặt khác, Đức Giê-su còn đồng hóa mình với chính con trẻ: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.” (c.5) Phải có cái nhìn đức tin để nhận ra Đức Giê-su nơi những con người bé nhỏ hầu có một thái độ sống, ứng xử tôn trọng họ, đồng thời quan tâm hơn đến những con người ‘thấp bé’ về mọi phương diện. Ngày xưa, xã hội Do thái xếp con trẻ vào hàng bên lề xã hội cùng với phụ nữ hay những kẻ ngoại đạo…. Ngày nay xã hội chúng ta sống đa số trẻ em được chăm sóc tốt vì cha mẹ ít con cái, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều trẻ em vì sinh ra trong hoàn cảnh cuộc sống đói nghèo nên còn chưa được chăm sóc tốt. Ngày nay người ta kêu gọi đề cao quyền nữ giới, nhưng cũng vẫn còn rất nhiều những phụ nữ không có điều kiện để sống đúng nhân phẩm; đồng thời nạn bạo hành trong gia đình mà trẻ em và phụ nữ là những nạn nhân vẫn còn tồn tại rất nhiều trong xã hội Châu Á chúng ta. Những hoàn cảnh đó là lời mời gọi tấm lòng rộng mở và sự quan tâm của xã hội, của mỗi người chúng ta để chấn chỉnh, để nâng đỡ, cảm thông, yêu thương và chia sẻ.
Không phải một cách tình cờ mà Giáo hội lại tôn phong Tiến sĩ cho Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, nhưng vì Thánh nhân đã sống triệt để tinh thần thơ trẻ; và “con đường thơ ấu thiêng liêng” mà Ngài vạch ra là chính con đường Đức Giê-su đã nêu cao trong Tin mừng. Tất cả mọi việc Thánh nhân làm là đều vì tình yêu đối với Thiên Chúa là Cha trên trời. Thánh nhân khẳng định “Trong tình yêu mọi việc làm đều có giá trị.” và “Hãy làm những việc tầm thường với một tấm lòng phi thường.” Sống tâm tình ‘con thơ thác’ với Thiên Chúa rất dễ vì ai cũng có thể làm được, nhưng cũng rất khó vì nó đòi hỏi một đức tin không lay chuyển, một ý chí vâng phục ‘phi thường’ vào thánh ý và đường lối Chúa. Hay nói một cách khác: “Trong tình yêu bạn có thể làm được mọi sự”. Vì vậy cần nuôi dưỡng tình yêu đối với Thiên Chúa. Xin Chúa cho bạn biết Chúa là ai, biết mình là ai để sống mối tương quan ‘con thơ phó thác’ đối với Người. Đồng thời xin Chúa giúp bạn sống tinh thần con cái Chúa để bạn có thể yêu thương anh em như Chúa yêu.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin ban cho con một trái tim tràn đầy tình yêu trong sáng, một tâm hồn khiêm hạ đơn sơ để con sống tâm tình con thơ phó thác trong tình yêu quan phòng của Chúa; để con biết nhạy cảm trước những nhu cầu của anh em; để con biết lưu tâm đến những con người ‘bé nhỏ’ còn chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc đời này; để bằng tình yêu con góp phần giúp cho cuộc sống thêm lành mạnh và hạnh phúc. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh