Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên B
Khi
còn lang thang tiến về đất hứa, dân Thiên Chúa có thể nhận ra các tiên tri ngoài
doanh trại của họ. Ngôn sứ đích thật chính là người NGHÈO, HIỀN LÀNH và KHIÊM
NHƯỜNG trong lòng, chống lại bạo lực, không tìm gì khác hơn là vinh quang Thiên
Chúa. Còn những ai chỉ tìm cách khai thác kẻ khác thì chắc chắn không thuộc vào
số các tiên tri.
Sách Dân số 11, 25-29:
Thường
người ta hiểu sai về cụm từ ‘Nói tiên tri’. Đó không phải là thầy bói loan báo
trước những gì xảy ra cho chúng ta trong thời điểm tương lai, mà là người nói về
Thiên Chúa và loan báo Thánh ý của Người. Vị Tiên tri đích thực, đó là người cảm
nghiệm về Thiên Chúa và loan báo cho anh em mình biết Thiên Chúa là ai và điều
Người muốn nơi mỗi người chúng ta.
Thánh vịnh 18:
Đây
là Thánh vịnh ca tụng Lề Luật. Tuy nhiên, lề luật của Giao Ước thứ nhất chỉ là
nét phát họa những điều tốt lành tương lai, theo thư Do thái. Thánh vịnh nầy cần
phải học hỏi và cầu nguyện theo ÁNH SÁNG của Tin mừng. Thực hiện lề luật, chính
là sống thánh thiện theo lời Thiên Chúa.
Thư Thánh Gia cô bê 5,
1-6:
Vấn
đề giàu có ? Chúa Giê su đã nhấn mạnh nhiều trong mối Phúc cho những người
nghèo mà các Tông đố thấy cần phải tiếp tục rao giảng. Không chỉ có sự giàu
sang tiền bạc, cũng còn nhiều thứ giàu sang khác như tự mãn, tự kiêu. Có nên
nghe những gì mà người ta thích QUÊN không ?
Tin
mừng: Mc 9,38-43.45.47-48
NGỮ CẢNH
Sau
khi đã loan báo cuộc Khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu (9, 30-32) và huấn dụ về cách
phục vụ của người làm đầu (9, 35-37), Chúa Giê su tiếp tục giáo huấn về nhiều
điểm quan trọng khác trong cuộc sống cộng đoàn: quyền sử dụng danh Ngài dành
cho những ai không phải là môn đệ của Ngài (9. 38-40); phần thưởng cho một quà
tặng với danh nghĩa của Ngài (9,41); hình phạt dành cho những ai làm gương xấu
cho những kẻ nhỏ (9,42); và phải khước từ tất cả những gì đưa đến tội lỗi
(43-48).
TÌM HIỂU
Ông
Gioan: lời can thiệp được gán cho ông Gio an, tác giả tin mừng của tình yêu
nhưng đồng thời cũng có biệt danh là ‘con của sấm sét’ (3,17). X. thêm Lc 9,54.
Trừ
quỉ: có lẽ ở đây chúng ta thấy dấu vết của các vấn đề mà các ki tô hữu đầu tiên
phải đối đầu trong hoàn cảnh tương tự. Làm sao để có thể phân biệt được ai là
người đích thực được sai đi. Tìm cách tiếm đoạt một quyền phép (thí dụ như ông
Si mông muốn làm trong Cv 8,9-24) khác hẳn với việc hành động nhân danh Chúa
Giê su trong tư cách là kẻ được Ngài sai đi.
Chống
lại: nênđặt câu nói nầy song song với một câu nói khác bổ túc cho nó. Trong Lc
11,23 Chúa Giê su nói (ở số ít): ‘Ai không đi với tôi là chống lại tôi’. Ngài đặt
trong một viễn tượng bào chữa cho bản thân trước lời cáo giác Ngài hoạt động với
quyền năng của Sa tan.
Mục
đích của Mác cô lại khác. Ở đây ông quan tâm đến đời sống của Giáo Hội và nhấn
mạnh rằng Nhóm Mười Hai có trách nhiệm về sự đoàn kết của mình. Các công thức
như ‘cho chúng tôi’, ‘chống lại chúng tôi’ nhìn nhận nơi nhóm Mười Hai là những
người đảm bảo cho tính cách duy nhất của Giáo Hội như Đức Ki tô và nhân danh
Ngài.
Một
chén nước: thái cử tiếp nhận và cho trú ngụ (x. 9,37).
Đấng
Ki tô: đây là nơi duy nhất trong tin mừng Mác cô cho thấy Chúa Giê su nói về bản
thân như Đấng Ki tô (nhưng x. 12,35). Không phải là ngôn ngữ của Chúa Giê su,
mà là của Giáo Hội sơ khai.
Phần
thưởng: Chúa Giê su không xác định phần thưởng là cái gì, nhưng Ngài hứa ban. Về
chủ đề nầy, x. 10,28-30.
Làm
cớ phải sa ngã: sau các lời hứa gồm các đòi hỏi, giờ đây một lời cảnh giác long
trọng. Lặp lại chủ đề các kẻ bé nhỏ, đã nói tới ở đoạn (9,35-37), đây là các lời
cảnh giác, gần như là hăm doạ. Vần đề ‘gương xấu’ (trong tiếng hi lạp có nghĩa
là ‘một điều gì gây vấp ngã’) chiếm một vị trí quan trọng trong các tin mừng. Những
kẻ bé nhỏ mà giờ đây Chúa Giê su nói đến là tất cả mọi người có đức tin vẫn còn
non yếu, vì chỉ mới là những bước khởi đầu. Người ta không thể giết chết đức
tin ấy bằng cách đặt một chướng ngại mà không thể vượt qua được. Thánh Phao lô
cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đối với ‘những kẻ bé nhỏ’ tin vào Đức Ki tô khi
ngài viết: ‘Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ
là phạm đến Đức Ki tô’(1Cr 8,12).
Ném
xuống biển: khi tình yêu của Thiên Chúa đối với những kẻ bé nhỏ
bị nguy hiểm, Chúa Giê su không tìm được lời nào mạnh mẽ hơn để mô tả sự trầm
trọng của bất cứ thái độ nào xúc phạm đến những kẻ bé mọn nầy. Đây không phải
là một sự kết án vĩnh viễn những người có lỗi, nhưng chỉ là lời một cảnh giác
đáng sợ.
Tay
anh: và đây là ba hình ảnh minh hoạ lời cảnh giác của Chúa Giê su. Lần nầy liên
quan đến sự sa ngã cá nhân nhưng cũng bao hàm một sự ngoan cố như thế.
Khi
Chúa Giê su nói đến thân thể (tay, chân, mắt), có lẽ nên coi đây là một hình ảnh nói đến thân thể xã hội,
hoặc cộng đoàn, một hình ảnh mà Phao lô xử dụng rộng rãi trong thần học của
ngài về Giáo Hội, thân thể của Đức Ki tô: x. 1Cr 12,12-30. Chắc chắn Chúa Giê
su không mời gọi người ta phải huỷ hoại thân thể mình, nhưng ngôn ngữ mạnh mẽ của
Ngài diễn tả một nguy hiểm không thể nào khiến ta dửng dưng được. Như một nhà
giải phẩu bắt buộc phải cắt bỏ một phần thân thể bị ung thư để cứu người bệnh,
thì cũng cần phải cương quyết loại bỏ nguyên do gây ra gương xấu.
Cõi
sống: cần phải xác định thêm đời đời, để tránh bất cứ ngộ nhận nào đối với não
trạng ngày nay.
Hoả
ngục: ngày xưa là thung lũng sâu thăm thẳm nằm dưới chân đồi đền thờ. Dùng làm
nơi chứa rác công cộng cho kinh thành, trong đó rác thực vật và xác động vật thối
rữa và luôn luôn có một đám cháy thiêu tất cả những gì có thể thiêu huỷ được
(vòi bọ và lửa: xem 9,38). Gê hen (= hoả ngục) đã trở thành hình ảnh chỉ hoả ngục
nơi ‘lửa không hề tắt’.
Giòi
bọ: bản văn gợi hứng từ Isaia: ‘Và khi ra về, mọi người sẽ thấy xác những kẻ phản
loạn chống lại Ta, vì giòi bọ rúc rỉa chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không tàn lụi. Chúng sẽ là đồ ghê tởm
cho mọi người phàm’ (Is 66, 24: câu cuối cùng).
SỨ ĐIỆP
Các
bài đọc kinhthánh chủ nhật hôm nay gửi đến chúng ta một sứ điệp rất quan trọng.
Chúng ta được mời gọi nhìn nhận sự Thiện hiện diện bên ngòai cộng đòan tín hữu
chúng ta. Bài đọc thứ nhất cho thấy hai ông Ên-đát và Mê-đát khởi sự nói tiên
tri dù họ chưa được ủy thác để làm chuyện đó. Người ta đến báo cho ông Mô sê rằng
hai người đó không có quyền nói tiên tri. Nhưng ông Mô sê đã không nhìn sự việc
như họ. Ông chia sẻ cho họ giấc mơ thấy toàn dân đều trở thành một dân tộc tiên
tri.
Nhiều
thế kỉ sau đó, tin mừng Mác cô cũng đề cập đến vấn đề độc quyền đó: một người
trong nhóm Mười hai đến nói cho Chúa Giê su biết có những người không thuộc
nhóm các môn đệ cũng hành nghề trừ quỉ. Chúa Giê su trả lời rất rõ ràng và dứt
khoát: ‘Đừng ngăn cản ông ta. Vì ai làm phép lạ nhân danh Thầy thì không thể liền
sau đó lại nói xấu Thầy’. Như vậy tin mừng của sứ điệp ấy là: Chúa Giê su nhìn
nhận có sự Thiện đến từ bên ngòai. Thái độ của Ngài là tiếp nhận và mở ra đón nhận mọi người.
Không có nhóm nào là độc quyền điều tốt, sự thiện và sự thật cả. Vấn đề không
phải là thái dộ khoan dung, mà là nhìn nhận và khiêm tốn.
Điều
đó có nghĩa là Thánh Thần không chỉ hoạt động trong Hội Thánh mà thôi. Ngài còn
hoạt động trong toàn thể nhân lọai nữa. Những người thành tâm thiện chí đều hiện
diện trong mọi tôn giáo. Chúng ta không giữ độc quyền về lòng bác ái, về chân
lí cũng như về sự thánh thiện. Chúng ta không có quuyền giữ Thiên Chúa trong những
phạm trù của chúng ta hay trong ý tưởng mà chúng ta có về Người. Tình yêu của
Người thì phổ quát. Ước mong mãnh liệt của Người là qui tụ tất cả mọi người và
trao ban cho họ đầy tràn sự sống của Người. Nếu chúng ta muốn hòa hợp với
Thiên-Chúa-tình-yêu ấy, thì chúng ta phải thay đổi cái nhìn của chúng ta về những
người mà chúng ta gặp gỡ trên đường. Sự đánh giá cao ấy phải dành cho anh em
chúng ta trong đức tin cũng như đối với tất cả những ai đang tìm kiếm.
Các
bài đọc thánh kinh mời kêu mời chúng ta hãy chống lại tất cả những gì ngược lại
với Thiên Chúa. Tất cả chúng ta ít nhiều bị cám dỗ xếp loại người khác. Ngay cả
khi họ làm một điều gì tốt, chúng ta cứ tiếp tục in trí họ. Họ bị nhốt trong
tai tiếng của họ, quá khứ của họ. thái độ từ khước đó trái ngược với tin mừng.
Chúa Giê su không bao giờ lên án hay in
trí bất cứ ai. Ngài đã đón tiếp, tha thứ, nâng dậy. Và ngày hôm nay, Ngài đề
cao giá trị điều tốt đẹp nơi mỗi người.
Phần
tiếp theo của tin mừng mang lại cho chúng ta những xác định vô cùng chủ yếu. Các
thái độ từ khước có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại: chúng có thể kéo theo sự
sụp đổ những người mềm yếu đức tin nhất. Đó là điều trầm trọng vì Chúa Giê su
yêu quí những người nhỏ bé như của cải quí báu nhất của Ngài. Ngài luôn luôn ở
bên cạnh những kẻ bị lọai trừ và hóa thân nơi mỗi người trong họ. Để tránh những
điều tai hại đó, Ngài mời gọi chúng ta phải chặt và nhổ. Chắc chắn, đây không
phải là việc giải phẫu. Nếu Chúa Giê su nói mạnh như thế, đó là bởi vì Ngài muốn
thức tỉnh chúng ta. Ngài muốn chúng ta đo lường tính cách trầm trọng của tội ấy
mà chúng ta rất dễ dàng mắc phải.
Mắt
làm dịp tội, đó là cặp mắt có một cái nhìn hung dữ, không biết nhận ra điều tốt
đẹp nơi người khác, cả khi họ khác biệt với chúng ta. Lúc đó, chúng ta ngăn cấm
họ dấn thân và có trách nhiệm. Đó là phản chứng có thể kéo theo nhiều hậu quả
trầm trọng. Thật vậy, có nhiều người quay lưng lại với Giáo Hội vì thái độ như
thế của một vài người trong chúng ta.
Bàn
tay làm dịp tội, đó là đôi bàn tay không bao giờ chìa ra cho người khác, bàn
tay bạo lực, từ chối tiếp nhận người khác. Đó cũng là bàn tay viết những điều
vu cáo hay xúc phạm trên báo chí. Tất cả những điều đó xảy ra hằng ngày.
Lưỡi
làm dịp tội khi tạo nên một bầu khí không trong sạch trong gia đình, làng xóm
và nơi làm việc. Đó là tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn ô nhiễm đến từ xe cộ
trên đường.
Chân
làm dịp tội là đôi chân đi đến người khác để lôi kéo họ làm điều xấu. Đó cũng
là đôi chân từ chối đi đến cùng Thiên Chúa. Đời sống trần gian của chúng ta là
một cuộc đi tìm Chúa Giê su. Cũng chính Ngài cho chúng ta hiểu điều đó khi dạy:
‘Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua
Thầy’. Đi đến với Chúa, chúng ta phải cùng đi chung.
Để
khỏi bị sa ngã và chống lại tất cả những gì lôi kéo chúng ta làm sự tội, Chúa
Giê su nói với chúng ta phải chặt và nhổ, có nghĩa là phải dứt khoát đoạn tuyệt.
Cũng giống như Tông đồ Gioan, Chúa Giê su cũng muốn hướng dẫn chúng ta thay đổi
cái nhìn. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận lời Ngài. Và nhất là, chúng ta đừng quên
lời nói của Saint Exupéry: ‘Điều cốt yếu thì mắt không thấy được. Nhìn bằng tâm
hồn thì người ta mới thấy rõ’.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sách Dân số là
sách gì?
THƯA: Sách Dân số là quyển thứ
tư trong bộ Ngũ Thư, kể lại lịch sử dân Ít-ra-ên từ năm thứ hai sau khi ra khỏi
Ai cập cho đến lúc ông Mô sê qua đời; một khoảng thời gian dài (= k. 39 năm)
lang thang trong hoang mạc.
2. HỎI: Tại sao gọi là
‘Sách Dân số’?
THƯA: Tựa sách tiếng Híp pri là
‘Trong hoang địa’. Bản dịch Hi lạp và bản dịch La tinh gọi sách nầy là ‘Sách
Dân số’. Tựa nầy không thích hợp với nội dung lắm vì việc kiểm kê dân số chỉ
chiếm một phần nhỏ, còn phần lớn kể lại những biến cố chính yếu xảy ra cuộc hành
trình trong sa mạc tiến về đất hứa. Sách khởi đầu bằng lệnh Thiên Chúa truyền
cho ông Mô sê kiểm kê dân chúng. Kết quả cho thấy là Thiên Chúa đã thực hiện lời
Ngài đã hứa với ông Abraham, là sẽ cho dòng dõi ông đông như sao trên trời, như
cát dưới biển (Stk 22,17). Khi vào đất Ai cập gia đình ông Gia cóp chỉ có 70
người, giờ đây sau 450 năm, dân số đã lên đến 600.000 người.
3. HỎI: Bài đọc 1 nói về
điều gì?
THƯA: Bài đọc 1 trích từ chương
11 kể lại câu truyện một số người ghen tỵ khi thấy hai ông En-đát và Mê-đát dù
không đến Lều Hội Ngộ để nhận lãnh Thần Khí mà cũng được Thần Khí Thiên Chúa
cho nói tiên tri. Họ bực bội nhờ ông Mô-sê loại trừ hai ông. Nhưng ông Mô-sê chẳng
những không loại trừ hay khiến trách 2 ông En-đát và Mê-đát mà lại tỏ lòng bao
dung và mong muốn: ‘Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ
đều là ngôn sứ!’.
4. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một
như thế nào?
THƯA: Bài đọc một trích từ
chương 11 sách Dân số. Chương nầykể lại hai chuyện: trước hết là cuộc khủng hoảng
trầm trọng khiến cho toàn dân chao đảo, hai là sự nản lòng suýt nhận chìm ông
Mô sê.
5. HỎI: Sự khủng hoảng đến
từ đâu?
THƯA: Dân tình bị khủng hoảng
trầm trọng vì những khó khăn gây ra bởi cuộc sống trong sa mạc. Dân không chết
đói nhờ có man na rơi xuống hằng ngày, nhưng người mau quên rằng đó là quà tặng
từ Thiên Chúa, nên dần dần họ cảm thấy chán thức ăn đạm bạc ấy: ‘Nhớ thuở nào
ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ,
nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy
man-na thôi’ (Ds 11,5-6).
6. HỎI: Còn nỗi chán chường
của ông Mô sê?
THƯA: Dân tình khủng hoảng là
nguyên nhân đưa đến nổi chán chường của ông Mô sê. Khi nghe dân ta thán như thế,
ông bị cám dỗ buông xuôi mọi sự. Làm sao có thể lãnh đạo một đám dân cứng đầu
như thế trên hành trình đầy cạm bẫy về đất Hứa? Và ông đã tỏ nổi khổ tâm ấy cho
Thiên Chúa biết: ‘Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Một mình con không thể gánh
cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì
thà giết con đi còn hơn -ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải
khổ nữa!’ (Ds 11,10-15).
7. HỎI: Thiên Chúa đã trả
lời ông như thế nào?
THƯA: Thiên Chúa giải quyết cho
ông hai điều. Một là nếu công việc quá nặng thì không nên làm một mình Ngài sẽ
hứa ban cho ông những người trợ tá. Hai là Ngài hứa sẽ ban thịt cho dân ăn.
8. HỎI: Thiên Chúa đã thực
hiện như thế nào?
THƯA: Bài đọc một cho thấy
Thiên Chúa ban các phụ tá cho ông Mô sê. Trước hết, ông Mô sê chọn 70 người trong
số các trưởng lão, các trưởng gia đình, những người lớn tuổi nhất. Rồi truyền
cho họ qui tụ lại trong lều Hội ngộ để Thiên Chúa sẽ ban thần khí của Ngài để
sai họ vào sứ vụ.
9. HỎI: Tất cả đã làm theo
lời Mô sê?
THƯA: Không. Chỉ có 68 người đi
đến lều Hội Ngô. Còn hai người thì ở lại trong lều của mình. Đó là ông Ên-đát
và ông Mê-đát.Bản văn không cho biết lí do vì sao. Tất cả đều được lãnh nhận Thần
Khí Thiên Chúa ban xuống.
10. HỎI: Họ đã phản ứng như
thế nào?
THƯA: Họ tỏ ra bất mãn trước
thái độ xé lẻ của hai vị nầy và báo cho ông Mô sê biết: ‘Ông En-đát và ông
Mê-đát đang phát ngôn trong trại!’.
11. HỎI: Ông Giô-su-ê đã
phản ứng như thế nào?
THƯA: Vìmuốnbảo vệnhững đặc quyền
củachủ mình, nên ông Giô-su-êkhông chấp nhận việc cónhững ngườikhông vâng lờivàđãtỏ
rađộc lậpkhi hành xửnhư thểhọ đã nhận đượcThần khí.Ông đã xin Mô sê ngăn họ lại
sợ rằng ông mất quyền lãnh đạo.
12. HỎI: Còn Mô sê thì
sao?
THƯA: Thật lạ lùng, ông Mô sê chẳng
những không ganh tỵ mà còn vui mừng vì Thần khí Thiên Chúa đã ngự xuống trên
các phụ tá vì ông vẫn trung thành với sự chọn lựa phân quyền cho 70 người phụ
tá. Câu trả lời của ông khiến mọi người ngạc nhiên: ‘Anh ghen dùm tôi à? Phải
chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!’(11,29).
13. HỎI: Bài đọc một có
liên kết với bài Tin mừng không?
THƯA: Thái độ rộng lượng của Mô
sê chuẩn bị cho tấm lòng quảng đại của Chúa Giê su trong bài Tin mừng.
14. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin
mừng (Mc 9,38-43.45.47-48) như thế nào?
THƯA: Sau khi đã loan báo cuộc
Khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu (9, 30-32) và huấn dụ về cách phục vụ của người
làm đầu (9, 35-37), Chúa Giê su tiếp tục giáo huấn về nhiều điều quan trọng
khác trong cuộc sống cộng đoàn. Có 2 ý chính: 1. Cho những người ngoài nhóm quyền
sử dụng danh Ngài (9. 38-41); 2. Các cớ gây sa ngã (42-48).
15. HỎI: Tại sao trước khi
Chúa Giê su phục sinh, đã có những người trừ quỉ nhân danh Chúa Giê su?
THƯA: Bởi vì trước khi một vài
môn đệ Chúa Giê su được gọi là ‘Ki tô hữu’ ở Antiokia, thì những người đi theo Chúa
Giê su hoặc có cảm tình với Ngài cũng đã hoạt động ‘nhân danh Đức Kitô’. Quyền
năng trừ quỉ lẩy lừng của Chúa Giê su là lí do khiến nhiều người Do thái đã nhờ
danh Ngài mà trừ quỉ. Rồi trong một cơ hội khác, chính Chúa cũng đã trao quyền
cho các môn đệ thực hiện các dấu chỉ cho thấy lời sấm các tiên tri được hoàn tất
nhờ danh của Ngài.
16. HỎI: Chúa Giê su nói: ‘Đừng
ngăn cấm anh ta’ cho thấy sự rộng lượng của ngài đối với việc thi hành một sứ vụ
mà chính Ngài đã giao phó cho các cộng tác viên thân tính nhất. Tại sao thế ?
THƯA: Tác giả tin mừng kể lại
câu truyện về lòng rộng lượng của Chúa Giê su đối với những người nhân danh
Ngài để trừ quỉ. Nguyên việc họ dùng danh Ngài cũng cho thấy họ có một đức tin
nào đó vào Chúa Giê su. Chính lời dạy của Chúa Giê su cũng cho thấy điều đó: ‘Không
ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy’
(c. 29). Mác cô nhắc lại tấm gương ấy để chống lại khuynh hướng loại trừ thái
quá và tinh thần cục bộ trong Giáo Hội sơ khai.
17. HỎI: Lý do mà Gioan
đưa ra: ‘vì người ấy không theo chúng ta’, cho thấy điều gì?
THƯA: Chi tiết ấy cho thấy một
trong những vấn đề mà Hội Thánh sơ khai phải đương đầu là phải làm gì với những
người Do thái không thuộc nhóm các môn đệ nhân danh Chúa Giê su mà trừ quỉ(Cv
19,13).
18. HỎI: Trong câu 41, tác
giả lại nhấn mạnh đến: ‘Nhân danh Chúa Giê su’, ý ông muốn truyền lại cho chúng
ta điều gì?
THƯA: Câu 41 tiếp theo câu 38 cóbối
cảnh ngược lại. Thật vậy, ở đây một người nào đó dành cho các môn đệ tấm lòng
quí mến, và họ làm điều đó (= cho một chén nước) nhân danh Giê su. Trong Thánh
Kinh, tên gọi không chỉ cho biết một ai đó, mà còn cho biết bản tính, nét đặc
trưng, vai trò, cũng như sứ mạng người đó trong xã hội đang sống. ‘Giê su’ có
nghĩa: ‘Thiên Chúa cứu thoát’, vì thế, hành động nhân danh Giê su tức là hành động
nhân danh Thiên Chúa, làm một điều gì đó liên quan đến Thiên Chúa, và trở nên
người cộng tác trong chương trình cứu độ của Ngài.
19. HỎI: Chúa Giê su có ý
gì khi dùng từ ‘làm gương xấu’ và ‘những kẻ bé nhỏ’ ám chỉ đến ai?
THƯA: Động từ ‘làm gương xấu’ ở
đây có nghĩa là lôi kéo người khác phạm tội, đặt một hòn đá vấp trước một ai
đó. ‘Những kẻ bé nhỏ’ mà Ngài nói tới có thể chỉ những thành viên hãy còn yếu đức
tin, cần được nâng đỡ trong cộng đoàn các môn đệ hoặc ám chỉ đến những người mà
Ngài nói tới trong câu 37. Đó là những người nghèo khổ, thấp cổ bé miệng, không
có quyền lợi, không có tiếng nói, bị khinh bỉ, và bị loại trừ khỏi xã hội.
20. HỎI: Khi Chúa Giê su
nói: ‘Nếu tay người làm cớ vấp phạm, thì hãy chặt nó đi..’ , Ngài nói theo
nghĩa bóng?
THƯA: Chắc chắn rồi, Ngài nói đến
bổn phận của mỗi người phải tránh xa các thói xấu có thể dẫn đến tội, và mời gọi
chúng ta phải tiết chế, hướng cuộc sống chúng ta về Thiên Chúa chứ không chiều
theo khuynh hướng xấu của thế gian (theo nghĩa xấu). Ngài cũng nghĩ đến cộng
đoàn, và mời gọi phải can thiệp để loại những phần tử gây nên những gương xấu nặng
nềtrong Hội thánh.
21. HỎI: Gê-hên-na là nơi
nào?
THƯA: Từ câu 23, 10 sách 2 Vua,
chúng ta biết rằng từ đó chỉ các thung lũng vùng Hinnon, được sử dụng như là một
nơi dành sát tế trẻ em (thời vua A-khát và Ma-na-sê), do đó là một nơi bị nguyền
rủa. Mặc dù ban đầu, thuật ngữ chỉ thung lũng ở phía nam và phía tây của
Giê-ru-sa-lem, nhưng cuối cùng được dùng để chỉ nơi thực thi hình phạt đời đời.
22. HỎI: Bài Tin mừng dạy
chúng ta điều gì?
THƯA: Điều thứ nhất cho thấy
thái độ bao dung, rộng lượng của Chúa Giê-su: ‘Ai không chống lại chúng ta là ủng
hộ chúng ta’. Điều thứ hai là thái độ nghiêm khắc và quyết liệt của Chúa Giê-su
đối với những người làm gương mù gương xấu cho người khác cũng như những phần
thân thể gây hại cho chính mình.
23. HỎI: Bài đọc 2 có nội
dung như thế nào?
THƯA: Thánh Gia-cô-bê có những
lời phê phán gay gắt dành cho những người làm giàu bằng cáchbóc lột người
nghèovà bạo lực. Đó không phải là sự giàu có thực sự, mà là bất công và tham
lam. Bởi đó họ xứng đáng bị lãnh án phạt nặng nề của Thiên Chúa.
24. HỎI: Thánh Gia-cô-bêmuốn
nói điều gì?
THƯA: Ngài muốn nói ba điều: một
là điều quan trọng nhất, Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa Công bình, Ngài bênh
vực những kẻ yếu thế và những người nghèo khó, Ngài nghe tiếng kêu than của những
kẻ bất hạnh và giải cứu họ; hai là có những
cách làm giàu bất chính, như không trả lương cân xứng cho người làm công; ba là
sự giàu có là để phục vụ mọi người: tiền bạc có thể góp phần đem lại hạnh phúc
cho mọi người.Đó là điều mà Thiên Chúa đang chờ đợi nơi những người giàu có.
25. HỎI: Sống sứ điệp như
thế nào?
THƯA: Thực thi sứ Điệp của Lời
Chúa hôm nay là: 1. Loại bò lòng ghen tỵ ra khỏi tâm hồn mình: vui với người
vui, mừng với sự thành công của người khác. 2. Tránh không làm gương mù gương xấu
cho những người xung quanh. 3. Quyết liệt không để cho mình phạm tội bằng thân
thể hay một phần thân thể của mình.