Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXV
Thường Niên B
NHỮNG AI THỰC SỰ THUỘC
GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU
Lời
Chúa: Lc 8, 19-21
19 Mẹ
và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng
quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết:
“Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là
những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Suy
niệm
Trình thuật Tin mừng Luca
hôm nay kể lại rằng: Đang khi Chúa Giêsu giảng dạy cho dân chúng thì có Đức
Maria và bà con của Ngài tìm đến, họ muốn gặp Ngài nhưng không được, vì đó đông
dân chúng vây quanh không còn lối đi nào. Do vậy, có mấy người ở gần Đức Giêsu
nói cho Ngài hay là có Mẹ và anh em của Ngài đang đợi và muốn gặp Ngài. Thay vì,
Đức Giêsu đứng dậy, lách đám đông đi ra gặp những người thân của mình, thì Ngài
vẫn ngồi đó, chỉ vào những người xung quanh mình mà nói: “Mẹ tôi và anh em tôi,
chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Như thế nghĩa là
gì? Phải chăng những người thân đang tìm kiếm Đức Giêsu ngoài kia không thân
thích sao? Những ai mới thật sự là gia đình của Đức Giêsu?
Trong văn hóa Việt Nam, ông
bà thường nói “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Như vậy, bà con ruột rà luôn được
xem là ưu tiên hàng đầu trong mối tương giao nhân sinh hằng ngày. Dù người
ngoài có thân thiết mấy, thì họ vẫn là “người dưng nước lã”, người hoàn toàn xa
lạ, không có quan hệ thân thuộc gì (hàm ý rằng không cần quan tâm, để ý đến). Ấy
thế mà Đức Giêsu lại tỏ ra như người xa lạ, không liên quan hay thân thuộc gì với
mẹ mình và người thân. Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, lời của Đức Giêsu còn
có vẻ gay gắt và mạnh mẽ hơn “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người giơ tay
chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi!” (Mt 12, 48-49).
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ
dựa vào nền văn hóa của mình, vào câu từ của Đức Giêsu tách khỏi bối cảnh không
gian và thời gian lúc Ngài đang nói thì chúng ta sẽ hiểu cách sai lạc về ý
nghĩa của Lời.
Tin Mừng không nói gì thêm về
thái độ của Đức Mẹ và các anh em Đức Giêsu sau đó. Nhưng xuyên suốt Tin Mừng ta
luôn bắt gặp hình ảnh một Đức Maria luôn điểm tĩnh và suy gẫm trong mọi lời Đức
Giêsu đã nói. Như thế cũng có thể hiểu rằng, Đức Mẹ đã hiểu được thâm ý của Đức
Giêsu, con mình. Ngài đang rao giảng cho muôn dân biết Thiên Chúa là Cha, tất cả
mọi người là anh chị em với nhau. Và sự hiện diện của Đức Mẹ và những người
thân của Ngài như một cơ hội tốt để minh chứng cho muôn dân biết về một “gia
đình mới”, một gia đình rộng lớn hơn chứ không như trong cách suy nghĩ bình thường
nơi mỗi con người. Gia đình ấy chính là Giáo Hội, là cộng đoàn của niềm tin vào
Lời Chân Lý của Đức Kitô, và họ sống chân giá trị của Lời ấy. Những ai nghe Lời
của Đức Kitô, sống theo giáo huấn của Ngài thì được tháp nhập vào thân thể của
chính Ngài, như cành nho gắn bó mật thiết với thân nho, và ơn cứu độ tồn tại
nơi người ấy. Người ấy trở nên là người nhà, là gia đình của Đức Giêsu, Con
Thiên Chúa.
Dù vậy, bản tính chung nơi
con người, nghe lời hay lẽ phải, nghe những minh triết thì dễ lắm, nhưng sống
những lời răn dạy tốt lành ấy thì quả không dễ chút nào. Chính lẽ đó mà Đức
Giêsu nhấn mạnh: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành.” Tức là, chúng ta được mời gọi không phải chỉ để nghe,
nhưng phải đem ra thực hành những gì nghe được. Chính khi ta dám sống “mến Chúa
– yêu người” cách cụ thể sống động, lúc ấy ta mới có thể tự tin rằng, mình là
người nhà, thuộc về gia đình Đức Giêsu.
Lạy Chúa, Chúng con được tái
sinh và liên kết với Chúa trong gia đình Giáo Hội, một gia đình lớn của niềm hy
vọng, của tình yêu thương. Xin cho chúng con biết luôn can đảm sống Lời của
Chúa và minh chứng Lời mang ơn cứu độ ấy qua cách sống chứng tá thường ngày của
mình cho những người xung quanh. Amen.
(Xuân Hạ, OMI)