Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 2

THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG


NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG


Thứ Bảy Tuần 2 MV C.jpg


LỜI CHÚA: Mt 17,10-13

10 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: “Sao các kinh sư nói rằng ông Êlia phải đến trước?” 11 Người đáp: “Đúng thế, ông Êlia đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”. 13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.


SUY NIỆM

Gio-an Tẩy Giả dọn đường

Đón chờ Cứu Chúa giáng sinh làm người

Hố sâu phải lấp cho đầy

Đồi cao bạt xuống, lối quanh uốn bằng.

Nguyện cầu sám hối ăn năn

Hồng ân Cứu Thế chan hòa nhân gian.

Trong cuộc sống, mỗi người thường ấp ủ cho mình một ước mơ. Có người mơ ước một cuộc sống hạnh phúc tận hưởng đầy đủ tiện nghi vật chất. Người khác lại mưu cầu đạt đến sự hiểu biết về lẽ khôn ngoan. Với người Do Thái, khát vọng lớn nhất của họ là được xem thấy Đấng Cứu Thế, Người sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma.

Vốn là những người am hiểu Kinh Thánh, các kinh sư luật sĩ Do Thái luôn tra vấn về những câu hỏi: khi nào Đấng Cứu Thế đến, và Đấng ấy sẽ đến theo cách thế nào. Ngay cả các môn đệ của Đức Giêsu cũng có chung một thắc mắc ấy, nên các ông đã đặt câu hỏi với Thầy “Sao các kinh sư nói rằng ông Êlia phải đến trước?” (c.10). Hiểu được những thắc mắc của các môn đệ, Đức Giêsu đã khẳng định cho các ông hiểu rõ về sự xuất hiện của các ngôn sứ phải đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Đoạn Tin Mừng hôm nay đề cập đến ba nhân vật: Ngôn sứ Êlia, Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Cả ba danh xưng đều được nhắc đến như nhân vật quan trọng, đó là các đấng phải đến. Cả ba đều đã đến với chung một số phận, cả ba đều bị dân chúng từ chối, thậm chí còn bị họ sát hại.

Thời Cựu ước, ngôn sứ Êlia đã được sai đến để chỉnh đốn mọi sự, nói cho dân biết ý định cứu độ của Thiên Chúa. Êlia là ngôn sứ lớn nhất trong các ngôn sứ, ông xuất hiện vào khoảng thế kỷ IX trước Chúa Giêsu. Sau triều đại của vua Salômôn, vương quốc Ítraen bị chia làm hai miền. Ở miền Bắc với thủ đô là Samari còn ở miền Nam là Giuđêa.

Vào năm 874, vua Akháp đã đánh thắng ba đội quân Átsua, Đamát, Môáp và đã lên ngôi trị vì vương quốc Ítraen. Có quyền lực trong tay, Akháp đã vướng vào nhiều những sai lầm. Ông kết hôn với con gái của vương quốc Tia là một người ngoại giáo. Từ đó Akháp nghe theo lời người vợ xúi giục, ông bắt dân chúng thực hiện nghi lễ cúng tế thờ thần Baan. Vì vậy Thiên Chúa đã gửi ngôn sứ Êlia đến để chỉnh đốn lối sống sai lầm của vua Akháp (x. 1V,17-17).

Ngôn sứ Êlia đến nói cho dân biết sẽ có nạn đói kém và hạn hán kéo dài vì “trời sẽ không đổ mưa xuống đất nước Ítraen”. Lời cảnh báo của Êlia đã không được mọi người đón nhận và ông cũng bị sát hại. Êlia đã phải trốn chạy vào sa mạc. Nơi y, Thiên Chúa sai thiên sứ mang bánh và nước tới cho Êlia ăn uống nên ông mới có đủ sức tiếp tục đi 40 đêm ngày tới núi Khôrép gặp gỡ Thiên Chúa và thi hành theo ý Người muốn.

Tiếp theo là ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, ông cũng đến để chuẩn bị lòng dân, dọn sẵn một con đường thuận tiện cho Đấng Cứu Thế. Gioan cũng đã bị bỏ tù và bị sát hại vì ông lên tiếng tố cáo tội loạn luân của vua Hêrôđê. Cuối cùng Đức Giêsu đến để hoàn tất lời hứa cứu độ, Người cũng sẽ phải chịu đau khổ như các vị ngôn sứ trước. Người cũng đã đến nhà mình và gõ cửa nhưng người nhà chẳng ai nhận ra.

Những gì Đức Giêsu nói với các môn đệ là sự thật, một sự thật rất thường tình mà cũng đầy phũ phàng. Thế nhưng không vì sự thật đó mà Con Thiên Chúa từ chối đến với nhân loại. Người đã biết trước điều đó và Người đã đến để thánh hóa, để yêu thương và cứu độ tất cả. Những gì là chống đối, là thù nghịch, là chối bỏ, là sát hại đều được Đức Giêsu đón nhận với tất cả tình thương sâu thẳm của một Vị Thiên Chúa.

Lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng thương xót, của tha thứ và kiếm tìm. Dù loài người có phản bội bất trung đến đâu, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương tha thứ. Dù lòng người có ích kỷ hạn hẹp, dù nhân loại có dối lừa đi hoang thì Thiên Chúa vẫn yêu thương vẹn tròn, vẫn chờ đợi ngóng trông, bởi vì con người là đối tượng để Thiên Chúa yêu thương cứu độ.

Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, Người không ngừng thể hiện bản chất ấy bằng những hành động cụ thể như yêu thương và bênh vực người nghèo khổ, chữa lành mọi chứng bệnh trong dân. Dù người yêu của ta có quay bước phản bội, dù cha mẹ ta có bỏ rơi con cái, thì Thiên Chúa vẫn không quên con người. Điều này cho thấy, chúng ta được cứu độ không phải vì công kia việc nọ nhưng vì lòng thương xót của Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm để đến và ở lại với loài người chúng ta. Qua bí tíchThánh Thể, hàng ngày chúng ta được thưởng nếm sự sống Thần Linh để được sống dồi dào sung mãn. Thiên Chúa vẫn hiện diện với chúng ta qua từng công việc bổn phận, giữa những chuyện vui buồn lớn nhỏ của bản thân, của gia đình và của thời cuộc. Ước gì chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa để biết cải hóa con người mình theo lời Chúa khuyên dạy.

Như Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng có sứ vụ trở thành người dọn đường cho Chúa ngự đến. Chúa không đến trong dáng vẻ của một vị vua hay tướng lãnh, Người sẽ đến trong âm thầm khiêm tốn. Người đến giải thoát ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết, cho ta tận hưởng sự tự do của con cái Chúa, được sống trong vương quốc sự thật và tình thương. Chỉ những ai có tâm hồn trong sạch mới nhận ra sự hiện diện của Chúa. Gioan Tẩy Giả đã dùng lối sống nhiệm nhặt để giới thiệu về Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ông không chỉ dọn đường bằng lời nói nhưng còn bằng cả mạng sống mình. Gioan đã kiên trung trong mọi thử thách và đã hoàn trọn sứ mạng dọn đường cho Chúa.

Sứ mạng dọn đường cho Chúa vẫn cần thiết trong bối cảnh sống đầy những nỗi bất an lo sợ về thiên tai dịch bệnh, về nghèo đói và bất công xã hội. Chúa đang cần những con người can đảm, dám từ bỏ chính mình với những thói hư tật xấu để làm chứng về sự hiện diện của một Thiên Chúa thánh thiện và đầy yêu thương. Con đường cho Chúa đến vẫn còn ngổn ngang những rào cản của hưởng thụ vật chất, ham mê quyền lực, ta có sẵn lòng từ bỏ tất cả để đón Đức Vua khiêm hạ nghèo khó đến trong cuộc đời ta.   

Sống tâm tình Mùa Vọng, ước gì chúng ta biết dành thời gian để chiêm nghiệm chân lý sự sống, dám thay đổi những gì chưa phù hợp với những giá trị của Tin Mừng và để lãnh nhận niềm vui an bình trong mùa hồng phúc này.

Nt. M. Anh Thư, OP

 


Các bài viết mới hơn


Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần II Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng - Nt Anna Kiều Thị Kim Luyến