Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 2

Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng


NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA


THỨ 3 T2 MV.jpg

 

LỜI CHÚA  Mt 18,12-14

12“Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? 13Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

SUY NIỆM

Bước vào trích đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu đặt ra cho chúng ta hai câu hỏi: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Thoạt tiên, chúng ta có thể nghĩ Đức Giêsu là một người khôi hài khi Ngài đưa ra hình ảnh một người mục tử sẵn sàng để chín mươi chín con chín trên núi để chỉ đi tìm một con chiên lạc. Hoặc chúng ta sẽ nghĩ: “Nếu là tôi, tôi sẽ không làm chuyện đó, vì tôi biết……. so sánh mà! Rất có thể, chúng ta sẽ có cách nghĩ như thế nếu chúng ta không hiểu điều Đức Giêsu muốn nói với chúng ta qua dụ ngôn này.

Là một người mục tử, đàn chiên chắc chắn là thứ quý giá nhất đối với họ. Thêm nữa, những gì con người càng cho là quý giá thì người ta lại càng cân nhắc về chuyện còn và mất. Thế nhưng, người mục tử này đã làm gì? Bỏ chín mươi chín con trên núi để tìm con chiên bị mất. Thật lạ lùng? Thế nhưng, Đức Giêsu quả quyết: Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Nghe đến đây, chúng ta lại càng cảm thấy khó hiểu vì thái độ và cách hành xử của người mục tử đối với đàn chiên của mình. Có vẻ khái niệm so sánh của ông có vấn đề, bởi chín mươi chín lại bé hơn một.

Thế nhưng, khi đặt mình dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta biết rằng: Người mục tử “kém Toán” ấy chính là Đức Giêsu. Chỉ dưới kế hoạch yêu thương của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, chúng ta mới có thể hiểu được đôi chút về những điều Thiên Chúa biểu tỏ cho con người. Đức Giêsu đã khẳng định: “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11.14) và Người hy sinh mạng sống cho đoàn chiên của mình (Ga 10,15).

“Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con.” (TV 26,10). Lời của vịnh gia cũng chính là lời Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta. Suốt dọc dài lịch sự cứu độ, Thiên Chúa không ngừng mặc khải dung mạo của Người cho nhân loại. Dung mạo của người chính là lòng thương xót, một Thiên Chúa luôn đi bước trước và tìm kiếm con người. Trở về Cựu Ước, sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.”. Như vậy, chỉ khi con người nhận ra tình trạng tội lỗi và xáo trộn trong tâm hồn, họ mới không dám đối diện với Thiên Chúa. Nhưng trong chính cái cùng khốn ấy, Thiên Chúa đã tìm đến với con người, ban cho con người lời hứa cứu độ và thực hiện lời hứa đó nơi Đức Giêsu Kitô. Thánh Gioan tông đồ đã quả quyết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Bản tính của Nguời là yêu thương và chỉ có tình yêu mới có thể hóa giải và biến đổi những mảnh đất khô cằn thành những vườn hoa rực rỡ. Vì thế, con người dù tội lỗi đến đâu đi nữa cũng không được phép ngã lòng trông cậy và mất niềm tin vào Chúa. Vì suy cho cùng, mục đích của tội lỗi chính là kéo ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa và ngừng tin tưởng vào Người. Còn Thiên Chúa thì không ngừng thúc đẩy chúng ta: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” “tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển .(Mk 7,19)

Chúng ta hãy chú ý đến thái độ của người mục tử trong dụ ngôn: người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc”. Như vậy, niềm vui của người mục tử là việc tìm lại được con chiên đã bị lạc mất chứ không phải những gì ông đang sở hữu. Đó cũng chính là niềm vui của Đức Giêsu khi người kêu gọi Matthêu, hoặc khi dừng chân dùng bữa tại nhà Dakêu, cũng như khi ngồi chờ người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop. Hình ảnh mục tử Giêsu luôn gắn liền với những con chiên lầm lũi bước đi trong tăm tối đức tin và những định kiến của xã hội lúc bấy giờ vì chỉ có Người mới mở rộng đôi tay và con tim để đón rước họ.

Lời Chúa ngày hôm nay dạy chúng ta bài học hãy luôn đón nhận những yếu đuối, va vấp của người khác như chính Chúa đã tìm kiếm và đón nhận họ. Có lẽ khi đối diện với những lầm lỗi của đồng loại, chúng ta thường có khuynh hướng xét đoán, kết án hơn là đồng cảm, vị tha. Đó là hậu quả của tội lỗi mà chúng ta ai cũng có kinh nghiệm. Tội lỗi làm cho chúng ta mặc cảm, tự ti, xấu hổ và nó kéo chúng ta ra khỏi mối tương quan thân tình với Chúa và với anh chị em. Kết quả là chúng ta phóng chiếu những cảm xúc tiêu cực đó lên anh chị em mình mỗi khi họ phạm lỗi, và ta lấy làm tự hào vì mình không như họ. Nhưng ẩn sau trong tâm hồn chúng ta là những vết thương chưa lành để rồi chúng ta mượn chút ít sự tự hào giả dối ấy để dỗ dành cái tôi tổn thương của mình. Đức Giêsu không như chúng ta, Người không hề phạm tội, nhưng người đã mặc lấy thân phận con người để chung chia phận người với chúng ta. Ngài đi vào tâm hồn và con tim của chúng ta bằng sự đón nhận, tha thứ và tin tưởng chúng ta. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng hãy có cùng một tâm tình như Đức Giêsu khi trong gia đình, trong cộng đoàn, trong môi trường làm việc của chúng ta có một người anh em, chị em đang lạc xa đường lối của Thiên Chúa. Không ai nên thánh một mình, vì thế, điều cần thiết là chúng ta hãy giúp cho những anh chị em ấy cảm nhận được bản thân họ thực sự quý giá và đáng được tôn trọng, được tha thứ và yêu thương. Có như thế, đoàn chiên của Đức Giêsu mới luôn được đông số và no thỏa. Vì khi được nuôi dưỡng và phát triển trong một cộng đoàn đầy ắp bầu khí yêu thương và tha thứ thì không một con chiên nào lại nghĩ đến việc ra đi.

Thánh Anphongso nói: “Khi người tội lỗi biết ăn năn sám hối thì Thiên Chúa ôm người ấy vào lòng và thương yêu hết mình”. Khiêm tốn trước mặt Chúa, chúng ta nhìn nhận mình đều là những người tội lỗi. Nhưng điều quan trọng và làm cho Chúa vui thích đó chính là tinh thần sám hối của chúng ta. Đừng nản chí hay thất vọng vì đó là sự kiêu ngạo giả trá hơn là thống hối ăn năn. Thái độ đó không xứng đáng với phẩm giá của chúng ta là những người con cái của Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta hãy luôn tin tưởng, phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã chết và phục sinh vì chúng ta. Bởi Người là tình yêu, Người sẽ không chối bỏ chính mình.

Lạy Chúa, tha thứ là phương dược chữa lành những thương tổn. Nó đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người tha thứ và người được thứ tha. Ước mong lời Chúa hôm nay khơi dậy nơi mỗi người chúng con lòng khiêm tốn đón nhận ơn tha thứ và quảng đại tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Khi làm được như thế, chúng con biết rằng mình đang làm cho Thiên Chúa vui cười và đó cũng chính là niềm vui con khát vọng. Amen

Maranatha

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần II Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng - Nt Anna Kiều Thị Kim Luyến
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng - Lm ĐAN VINH - HHTM
     Lễ Tất Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng_Thầy Đaminh Nguyễn Duy Tân, SJ.