Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 2

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG C


MÙA HỒNG ÂN CỨU ĐỘ ĐẾN CHO MỌI NGƯỜI


CN I MV B.jpg


Lời Chúa  Lc 3,1-6

(1) Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-kho-nít; Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên; (2) Khan-na và Cai-pha làm thượng tế. Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. (3) Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, (4) như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (5) Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. (6) Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.


Suy niệm

Nhiều lúc người ta có cảm tưởng thế giới và con người càng ngày càng bị chìm ngập trong bất an, nghèo đói, gian dối, bất công, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, chết chóc và các thế lực của ma quỷ và sự dữ. Điều này khiến cho nhiều người dường như mất ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa; quay qua tôn thờ sự dữ và ma quỷ. Người ta thấy ngày càng có nhiều điều quái gở nhân danh ma quỷ và Satan xảy ra trong thế giới hiện đại. Tại một số nơi bên Âu Châu, là những quốc gia gốc Kitô giáo, xuất hiện phong trào thờ cúng, tôn vinh Satan, dẫn dụ lôi kéo nhiều người. Những người thuộc nhóm Satan này hình thành nên một lối sống mê tín, những hình thức cúng bái có chủ đích công khai chống lại Kitô giáo.

Phải chăng Thiên Chúa đã chịu thua để cho thế lực sự dữ hoành hành, để cho Satan trỗi dậy?

Thưa, chắc chắn không phải như thế, Thiên Chúa là Đấng quyền năng vượt trên mọi vật mọi loài, thống trị trên trời, dưới đất và cả âm phủ, Ngài không bao giờ chịu thua Satan. Sở dĩ Satan trỗi dậy là vì con người vẫn muốn níu kéo sự xấu, cấu kết với ma quỷ, không quyết tâm từ bỏ tội lỗi và tạo điều kiện cho Satan hoành hành. Con người dường như không thực lòng đón nhận ơn cứu độ của Chúa, không để cho Thiên Chúa giải thoát, không cộng tác để làm cho quyền năng của Chúa thống trị.

Tiên tri Baruc nói đến vinh quang của Thiên Chúa sẽ bao trùm thế giới khi Đấng Cứu Thế xuất hiện. Thời của tối tăm đau khổ tang chế, thời của ma quỷ và thế lực bóng tối sẽ bị Đấng Cứu Thế đẩy lùi vào âm phủ. Con người được Thiên Chúa cứu độ và ban tặng vinh quang của Ngài, được chia sẻ vào hạnh phúc với Chúa; và Thiên Chúa sẽ mãi là vua thống trị trên toàn cõi địa cầu. Lời của vị tiên tri ngập tràn niềm vui và hy vọng: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang chế khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi… Thiên Chúa sẽ đội lên đầu ngươi triều thiên vinh quang.” Vị tiên không chỉ loan báo về ngày Thiên Chúa giải thoát Israel khỏi cảnh nô lệ khổ cực tại Babylon, tiên tri Baruc còn kêu gọi mọi người phải thay đổi nếp sống cũ để tập một thái độ sống tích cực, phù hợp với thời đại của Thiên Chúa. Đó là phải bạt thấp núi cao gò đồi có từ lâu đời, lấp đầy thung lũng hố sâu để tạo nên một con đường ngay thẳng, phẳng phiu trong tâm hồn cho Chúa bước vào.

Thiên Chúa đã bước vào thế giới qua việc cho Con của Ngài xuống thế làm người trong một quốc gia, một thời điểm cụ thể: Thời hoàng đế Tibêriô cai trị đế quốc Rôma, Philatô làm tổng trấn miền Giuđêa, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilêa… Hana và Caipha làm thượng tế. Thánh Luca nhắc đến những nhân vật này để minh chứng cho chúng ta thấy rằng việc đấng cứu thế xuất hiện có những cột mốc và được ghi dấu trong lịch sử nhân loại, và lịch sử tôn giáo của Israel, chứ không phải một truyền thuyết.

Trước khi Đấng Cứu Thế đến, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với Israel để chuẩn bị tâm hồn họ đón nhận và sống trong thời đại của Người. Vị ngôn sứ nổi bật, được chọn làm người tiền hô cho Đấng Cứu Thế chính là Gioan. Đời sống của Gioan minh chứng cho lời rao giảng của ông. Trong lúc dân Israel chạy theo lối sống của dân ngoại, sống xa hoa, buông thả, dễ dãi, du nhập những thói xấu, thì Gioan Tiền Hô sống một cuộc đời nhiệm nhặt trong hoang địa; trong lúc mọi người ăn uống chè chén say sưa, Gioan sống một cuộc sống đơn giản, mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu, uống mật ong rừng. Ông lên tiếng kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha thứ. Sám hối không chỉ là làm một vài việc bên ngoài, nhưng là một thái độ dứt khoát thay đổi nếp sống, quay trở về với Thiên Chúa và giới răn lề luật của Người. Việc sám hối này đòi phải bắt đầu từ trong tâm hồn, thay đổi suy nghĩ đến hành động, sao cho xứng đáng là con của Chúa.

Gioan Tiền Hô lấy lại những hình ảnh mà các ngôn sứ trước đây đã dùng để nói về cuộc trở về quê hương sau những năm tháng lưu đầy khổ nhục: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Gioan còn rao giảng cách quyết liệt hơn: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho bằng. Rồi hết thảy mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

Thánh Phaolô trong thư Philipphê cho thấy, con đường ngay thẳng sẽ được khai mở không phải là con đường bằng đất đá, mà là trong tâm hồn mỗi người. Thánh Phaolô mời gọi mọi người lấy tình yêu mến để lấp đầy thung lũng hố sâu, lấy cuộc sống trong sạch, công bình, ngay thẳng để uốn lại những gì quanh co; xin ơn soi sáng để biết phân biệt đâu là điều tốt đâu là điều xấu. Cùng với việc uốn nắn lại đời sống, lấp đầy quanh co trong tâm hồn, thánh Phaolô còn mời gọi chúng ta: Mọi người cố gắng để làm nhiều điều thiện điều tốt, còn các điều dữ điều xấu thì tránh cho xa. Trong khi chờ đợi Chúa đến đừng để mình rơi vào tình trạng thụ động, lười biếng, hay mê ngủ, nhưng sống tinh tuyền thánh thiện, không làm điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Thưa quý OBACE, chúng ta đã cùng với Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn và đời sống như thế nào để đón Chúa đến?

Trong cuộc sống thường ngày, vẫn có những tình trạng lấn chiếm lòng lề đường xảy ra, hôm nay lấn ra một tí, ngày mai lấn thêm một tí; hôm nay thấy người kia lấn, ngày mai mình cũng lấn theo. Trong đời sống đạo cá nhân cũng thế. Mỗi ngày người ta chấp nhận thỏa thuận với các thói quen xấu, như rượu chè, cờ bạc, nhất là lười biếng. Sự thỏa thuận dễ dãi này là cơ hội cho các thói xấu như cỏ dại lan nhanh trong vườn tâm hồn và lâu ngày biến thành lùm cây, bụi gai lấn chiếm tâm hồn, khiến Chúa không thể đến với ta và ta không thể đến với Chúa. Nguy hiểm hơn là, thứ cỏ dại là sự lười biếng và thói xấu này không chỉ lấn chiếm tâm hồn một người, nhưng nó còn lan đến tâm hồn những người chung quanh nữa.

Cha mẹ để trong tâm hồn mình những bụi gai lười biếng và thói rượu chè, cờ bạc, những hố sâu ích kỷ nhỏ nhen và những đồi cao của sự kiêu căng ngạo mạn, thì chắc chắn những thứ gai góc đó sẽ lan nhanh đến tâm hồn con cái trong gia đình. Vì thế, việc lấp đầy hố sâu, san phẳng núi đồi trong gia đình cần phải bắt đầu từ cha mẹ. Các bậc cha mẹ cần xét lại đời sống cá nhân của mình xem: điều gì khiến ta không đến với Chúa và không đến được với chúng ta? Có thể đó là những hàng rào hoặc ranh giới do chính ta lập nên, hoặc là những bụi gai, hố sâu chính ta tạo ra. Sau thời gian dịch bệnh, lấy lý do phục hồi kinh tế gia đình, ta dành cho công việc và chuyện kiếm tiền cuối năm là điều quan trọng hơn việc đến với Chúa. Những lo toan đó chiếm hết thời gian ngày sống của ta khiến ta không còn giờ và không còn chỗ cho Chúa nữa.

Con đường tâm hồn của nhiều bạn trẻ cũng có lắm thứ gập ghềnh quanh co. Sự gian dối quanh co có thể bắt đầu từ trong việc học hành cho đến khi ra trường, đi làm. Nhiều bạn trẻ đã quen với việc nói dối, làm dối lâu ngày, khiến cho lương tâm không còn áy náy khi làm điều gian dối. Nhiều bạn trẻ khác để trong mình những hố sâu của đam mê xấu như nghiện phim ảnh sách báo xấu, dẫn đến những hành động xấu. Có nhiều bạn trẻ khác lại để trong tâm hồn những núi cao của kiêu căng, tự mãn về việc học, về thành công của mình, khiến họ đặt mình lên cao hơn Thiên Chúa và không muốn cho Thiên Chúa bước vào tâm hồn.

Nhiều bạn thiếu nhi cũng để tâm hồn mình bị gai góc hố sâu gập ghềnh. Những hố sâu của lười biếng, khiến các bạn tránh né việc đến với Chúa dâng lễ, rước lễ, học giáo lý; có nhiều bạn để trong mình bụi gai không vâng lời, không yêu mến, giúp đỡ cha mẹ; và có nhiều bạn để trong mình hố sâu giận dỗi, thù ghét những bạn chung qnanh.

Lời mời gọi của Chúa hôm nay muốn chúng ta quyết tâm dọn lại con đường trong tâm hồn cho ngay thẳng, sạch đẹp để đón Chúa đến. Nếu như ngày cuối năm, chúng ta dọn dẹp nhà cửa, quét sạch bụi bặm, trồng hoa chưng kiểng, để đón tết và đón khách, thì mùa Vọng và Giáng sinh này là dịp ta làm mới lại tâm hồn như vậy để Chúa thực sự được đến thăm, được đón tiếp và ở lại trong tâm hồn chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần II Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng - Nt Anna Kiều Thị Kim Luyến
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng - Lm ĐAN VINH - HHTM
     Lễ Tất Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng_Thầy Đaminh Nguyễn Duy Tân, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng_Lm. Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí