Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 30

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên

BIẾT MÌNH

(Lc 14, 1.7-11)

Buoc-Chan-Chung_Tin180_com_001.jpg

Một trong những phương pháp giảng dạy của Chúa Giê-su là Ngài dùng chính những hình ảnh quen thuộc xảy ra trong đời sống hàng ngày, trong cách đối nhân xử thế và cả trong cái lề thói giữ luật của những người luôn cho mình hơn người… để nói về một triết lý sống về thái độ mà con người phải có đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Vì trong xã hội, ai cũng muốn mình được người khác xem trọng, kính nể, nên nhiều kẻ đã cố tạo ra một cái mặt nạ khi “tô son trát phấn” cho mình với những hình thức bên ngoài, để gây chú ý, có được một chút tiếng tăm hoặc tạo sự tin tưởng nơi người khác. Lúc đó, sự hoang tưởng biến họ thành nhân vật quan trọng, cho mình là “cái rốn” vũ trụ, sinh lòng tự cao tự đại và xem thường moị người. Hôm nay, trong bài Tin Mừng thánh Luca nói đến một bữa tiệc tại nhà ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu và một bài học mà Chúa Giê-su trao cho những vị khách được mời tới dùng bữa, đó là : Biết Mình.

“ Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người” (1). Chỉ trong một câu, tác giả đã giới thiệu thời điểm xảy ra câu chuyện, đó là trong ngày sa-bát chứ không phải là ngày thường. Địa điểm là tại nhà một ông cấp cao trong giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời bấy giờ. Đây là nơi thuận lợi và hợp lý để nhóm Pha-ri-siêu tụ họp bày mưu tính kế, rình rập, bắt lỗi theo dự định của họ. Mục đích của những người Pha-ri-siêu hăm hở và nhiệt tình đến dùng bữa hôm ấy là để: “cố” dò xét hành vi của Chúa Giê-su có vi phạm luật Mô-sê trong ngày sa-bát không.

Còn Chúa Giê-su chẳng màng tới mục đích của họ, mà Ngài lại ngồi quan sát hành vi của các vị khách được mời đến dự tiệc (Chúng ta cũng có thể đoán ra rằng: phần lớn khách là những người Pha-ri-siêu) là “ khách cứ chọn cỗ nhất” (7). Tác giả dùng từ “cứ”, nghĩa là mắt và lòng họ chỉ săm soi, tìm kiếm và tập trung vào chỗ danh dự. Không chỉ có thế, họ còn quyết tâm thực hiện ý đồ “chọn và ngồi” vào đó. Thấy vậy. Chúa Giê-su liền nói với họ về hành vi này qua dụ ngôn “ Khi anh được mời đi ăn cưới, đừng ngồi vào cỗ nhất”. Ngài nói rõ lý do “Kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời” (8). Ở đây chúng ta đừng lầm tưởng Ngài dạy bài học khiêm tốn, nhưng nói đúng hơn là bài học phải nhận ra thân phận của mình và đáng giá mình cho đúng mức. Đừng ảo tưởng cho rằng : mình là người lớn nhất, được trọng vọng nhất ở đây mà vội ngồi vào chỗ nhất, nhưng vẫn có người sáng giá hơn, cao trọng hơn, bề thế hơn được mời, mà họ chưa đến thì sao?

Không những anh ta đã chọn chỗ nhất khi chẳng suy tính kỹ càng, mà lại cứ ngồi ỳ ra đó, đến nỗi chủ nhà phải đến nói với anh ta rằng “Xin nhường chỗ cho vị này” và Chúa nói thẳng hậu quả sau đó là “Anh sẽ phải xấu hổ mà ngồi vào chỗ cuối” (9). Đầu thế kỷ II, có một kinh sư đã đưa ra qui luật hành xử về vấn đề này như vầy : Bạn hãy ngồi thấp hơn chỗ xứng hợp với bạn hai hoặc ba ghế và đợi người ta nói với bạn “ Xin mời lên trên”, chứ đừng ngồi chỗ trên ngay, vì khi ấy có thể người ta nói với bạn “Xin mời xuống”. Vậy tốt hơn hãy để người ta nói với bạn “Mời lên trên” hơn là “Mời xuống!”. Có lẽ vị kinh sư này đã thấm nhuần bài học của Chúa Giê-su hôm nay “Khi được mời thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời anh đến nói với anh rằng: xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh được vinh dự trước mặt mọi ngừơi đồng bàn (10). Nhận xét của Chúa Giê-su được rút ra từ một thực tế dễ hiểu : những cử chỉ tôn kính có giá trị là những cử chỉ người khác làm cho ta, chứ không do ta tự làm cho mình. Tốt hơn là nên đề phòng những việc bất ngờ xảy ra, nếu không ta sẽ phải chuốc lấy hậu quả là sự nhục nhã ê chề do bởi tính tự phụ.

“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(11). Với hai động từ thụ động: “bị hạ xuống”, “được tôn lên”, ý nói rằng chính Thiên Chúa mới là tác giả của việc hạ xuống và nâng lên này. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới  ban vinh quang đích thực, danh dự chân chính cho những ai thành tâm, khiêm tốn tìm kiếm và mong được vào vương quốc của Ngài.

Trong cuộc đời người ki-tô hữu, kể cả những người sống trong đời thánh hiến, tất cả đều mang tâm trạng tốt lành ban đầu là: phục vụ Thiên Chúa và con người trong  khiêm tốn. Nhưng theo giòng thời gian, tư tưởng ấy bị mai một. Chúng ta tìm mọi cách để tôn cái tôi của mình, muốn người khác biết đến công trạng của mình đã hy sinh cho việc chung hoặc qui về lợi nhuận cho bản thân, cho gia đình, cho tổ chức của mình, như : gắn bảng tên tại chỗ quả chuông hay tượng đài Đức Mẹ vì đã bỏ tiền dâng cúng; tự hào và kể công khi phục vụ trong chức vụ Ban Hành Giáo hai, ba nhiệm kỳ và đòi hỏi phải được giáo xứ, cha xứ ưu ái hay đền ơn đáp nghĩa. Hội đoàn của tôi phải cờ quạt, rước sách, tổ chức lễ thật to, mời cha này, sơ kia… để nở mặt nở mày. Với các linh mục tu sĩ: tôi đã rửa tội cho hàng trăm người, xây được vài nhà thờ, đền đài, thậm chí là nghĩa trang… Hơn nữa là việc tổ chức các cuộc lễ hội thật hoành tráng, tiêu phí thật nhiều, thậm chí nhà thờ này phải to hơn, cao hơn nhà thờ nọ, mà quên mất tinh thần loan báo Tin Mừng đã chẳng đi vào lòng người được bao nhiêu? …Hay những dịp lễ truyền chức, tạ ơn, khấn dòng phải đưa lên Internet hay You tube để rao giảng Tin Mừng hay để “cái tôi” của nhóm tôi, của dòng tu tôi, của giáo xứ, giáo phận tôi được biết tới? Vì thế, chúng ta luôn tự hào và tìm kiếm sự kính trọng, lòng biết ơn và sự tán thưởng của người đời mà quên rằng: mình đã được thưởng công rồi và Thiên Chúa sẽ chẳng còn chỗ để thưởng công cho tâm hồn và cho cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con có thái độ biết mình thực sự, để nhận ra vị trí của Chúa trong cuộc đời con, để biết mình chỉ là dụng cụ của Chúa mà mau mắn thi hành nhiệm vụ Chúa trao và nhất là biết ký thác, trông cậy nơi Chúa, vì “Không có Thày, anh em không thể làm gì được” và “xin Người hãy lớn lên, còn con thì nhỏ lại”.

Tất cả cho vinh quang Thiên Chúa. Amen

Nữ Tỳ Thánh Thể

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm thứ Tư Tuần XXX Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên Năm A - Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên - Lm GB Nguyễn Trường Sơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên LỄ CÁC THÁNH- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên B: "Linh Hồn của Lề Luật"_
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên B: "Ngôn Sứ Giêsu"_Lm. Giuse Trần Quốc Huy
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên B: "Bình Thản Trước Cái Chết"_Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên B_LỄ THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ: "CHỌN VÀ SAI ĐI"_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên B: Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên B: Người phụ nữ còng lưng. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXX Thường Niên B: THẤY VÀ KHÔNG THẤY ĐƯỢC_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXX Thường Niên B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXX Thường Niên B: XIN CHO CON SÁNG MẮT ĐỂ ĐƯỢC SÁNG LÒNG MÀ ĐI THEO CHÚA. Lm. Đan Vinh
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 23-29/10/2014 - Dụ ngôn hai người con