Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh
YÊU ĐẾN CÙNG
Lời Chúa: Ga
13, 1-15
(1) Trước lễ Vượt
Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa
Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu
thương họ đến cùng.
(2) Trong bữa
ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức
Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong
tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4)
nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt
lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các
môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
(6) Vậy, Người
đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại
rửa chân cho con sao?" (7) Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy
làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông
Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu
đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng
được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa:
"Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con
nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không
cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch,
nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ
nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch".
(12) Khi rửa
chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có
hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là
'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14)
Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng
phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em
cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Suy Niệm
Con số các linh mục chết
vì Coronavirus trên thế giới đã lên đến gần 80 người. Nhiều người không hiểu, sẽ
buông những lời mỉa mai: Tại vì không biết phòng dịch, không đeo khẩu trang! Tại
vì liều lĩnh! Có một ông sư còn giải thích: Tại vì mấy ông linh mục đó mê tín;
họ đi xức dầu vì nghĩ rằng, xức dầu sẽ khỏi bệnh dịch. Trong khi đó, các linh mục
tại Trung Quốc và nhiều nơi đang nhìn vào các linh mục đó như tấm gương của sự
hy sinh quên mình vì anh em. Các ngài biết rằng khi lao mình vào vùng dịch rất
nguy hiểm, có thể mất mạng sống. Tuy nhiên, với trái tim mục tử thúc đẩy, vì muốn
ở bên những người bệnh, mà lúc đó họ đang côn đơn nhất, một mình chống chọi với
cái chết, không người thân bên cạnh, các ngài đã liều mình vì những người ấy,
bất chấp hiểm nguy.
Hôm nay, bước vào Tam Nhật
Thánh, chúng ta được chiêm ngắm và đón nhận một tình yêu vô cùng lớn lao của
Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Không có từ ngữ nào của nhân loại có thể diễn tả
hết chiều rộng, chiều sâu và chiều cao của tình yêu này, mà chỉ có thể diễn tả
bằng ba chữ: Yêu đến cùng. Đây chính
là từ ngữ mà Thánh Gioan đã cảm nhận và đã viết ra: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa
Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu
thương họ đến cùng.”
Yêu đến cùng là dám trao tặng
cả con người và sự sống của mình cho người mình yêu, là ở lại trong người mình
yêu. Chúa Giêsu dường như không muốn phải chia tay với các môn đệ của mình, như
người cha không muốn bỏ lại những đứa con ngây dại, Ngài đã có một sáng kiến vượt
quá sức tưởng tượng của nhân loại. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại
mãi với con người và được đi vào trong tâm hồn và thân xác con người. Thánh
Phaolô đã quả quyết: “Đây là điều tôi lãnh
nhận từ nơi Chúa: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ
ra trao cho các môn đệ mà nói: Đây là
Mình Thầy, hiến dâng vì anh em. Chén này là Giao Ước mới, anh em hãy cầm lấy mà
uống.” Với việc làm này, Chúa Giêsu đã làm cho bánh và rượu trở nên máu thịt
của Ngài và chấp nhận trở nên của ăn của uống cho nhân loại. Hành động hy sinh
trao tặng của Chúa Giêsu được tả qua từng động tác: cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra
và trao ban. Với hành động này Chúa trao chính con người của mình như quà tặng
để các môn đệ có thể cầm giữ, có thể bẻ ra và tiếp tục trao ban cho anh em.
Yêu đến cùng là chấp nhận
trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào người mình yêu: Dù biết các môn đệ là những người
kém cỏi nhát sợ với nhiều giới hạn, nhưng Chúa Giêsu đã tin tưởng các ông và đã
thiết lập Bí Tích truyền chức Linh Mục cho các ông khi nói: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”
Trao cho các ông chức linh mục có nghĩa là Chúa Giêsu chấp nhận hoàn toàn lệ
thuộc vào tay các môn đệ của mình. Từ đây mỗi khi các ông “làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”, tức là các ông cử hành Thánh lễ,
thì Đức Giêsu lại hiện diện trên tay của các ông, lại tiếp tục được bẻ ra và được
trao ban, tức là lại tiếp tục hy sinh, là đổ máu và tử nạn. Chức linh mục không
làm cho các tông đồ trở nên thông thái, cũng không thay đổi bản chất yếu đuối nơi
các ngài, nhưng là trao ban cho các ông một sứ mạng cao cả đó là tiếp tục “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng
Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến.”
Yêu đến cùng là chấp nhận nâng
người mình yêu lên và hạ bản thân mình xuống, là đánh đổi cả danh dự, địa vị của
mình cho người mình yêu. Thánh Gioan đã kể lại những giờ phút linh thiêng cảm
động cuối cùng khi thầy trò còn ở bên nhau. Có thể nói lúc này cuộc khổ nạn thập
giá đã gần kề, tâm trạng của Chúa Giêsu thật bồi hồi xao xuyến và đau khổ.
Nhưng cái đau khổ hơn nữa đó là đau khổ vì mất đi những người thân, không được
những người thân cảm thông, mà còn bị phản bội. Thánh Gioan nhận định: “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa ý định nộp Đức
Giêsu.” Đức Giêsu đã nhiều lần nhắc anh và thể hiện tình yêu đặc biệt dành
cho anh, nhưng anh đã không đón nhận được tình yêu của Thầy nữa, vì anh đã quyết
định đi một con đường khác, quay lưng lại với Thầy. Anh đã từ chối ánh sáng để
chọn bước vào bóng tối và thuộc về ma quỷ. Nếu như Giuđa gây ra nỗi đau cho
Chúa Giêsu vì sự phản bội, thì Simon Phêrô, người Chúa hết lòng tin tưởng dường
như cũng không hiểu Chúa; các môn đệ khác thì dửng dưng không đồng cảm được với
Thầy. Chúa Giêsu vẫn hoàn toàn tin tưởng vào những con người khờ dại đáng
thương này vì biết rằng: “Chúa Cha đã
giao phó những con người này và mọi sự trong tay Người” và Người sẽ phải hết
lòng yêu mến, hết sức phục vụ và hy sinh trọn vẹn vì những con người này.
Chúa Giêsu đã để lại bài học
yêu thương trong một bữa ăn: “Người đứng
dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng, lấy nước vào chậu và
quỳ gối rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” Thánh Gioan
đã chứng kiến giây phút cảm động này và đã ghi nhớ từng động tác của Chúa Giêsu.
Qua mỗi hành động ấy, Gioan đã nhận ra những ý nghĩa sâu xa mà Chúa Giêsu muốn
nói với các môn đệ. Trong vai trò là một người Thầy, Ngài cũng là chủ của bữa
tiệc hôm đó, vậy mà Chúa đã đứng dậy, rời khỏi bàn ăn. Hành động đứng dây, rời
khỏi bàn ăn là hành động tự hủy, tự hạ của Chúa Giêsu: Ngài đã vâng lời Chúa
Cha để đứng dậy, sẵn sàng thi hành sứ mạng Chúa cha đã muốn. Chúa rời khỏi bàn
ăn là Ngài rời bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa trong vai trò là Chúa là chủ
để “cởi bỏ áo ngoài, lấy khăn thắt lưng”,
tức là chấp nhận trở nên một người đầy tớ, kẻ nô lệ để phục vụ nhân loại.
Chúa Giêsu đã quỳ gối rửa
chân cho các môn đệ. Việc làm này vượt quá sức tưởng tượng của các môn đệ. Thông
thường, chỉ có nô lệ mới phải rửa chân cho chủ, vậy mà giờ đây, trước mặt các
môn đệ, thầy của các ông đang quỳ gối để rửa chân cho các ông. Simon Phêrô đã
không chấp nhận và phản ứng quyết liệt: “Thưa
Thầy không thể như thế được. Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Chúa Giêsu
đã đưa ra cho các tông đồ bài học thực hành trước khi học lý thuyết. Chúa trả lời
cho Simon: “Việc Thầy làm bây giờ anh
chưa hiểu được, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Sau khi mặc áo vào và trở về chỗ,
Chúa Giêsu mới rút ra bài học cho các môn đệ: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là
Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa và là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì
anh em cũng phải rửa chân cho nhau…Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Bài học đến đây đã rõ,
Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải sống và làm theo cách của Ngài đó là
dám cúi xuống để phục vụ và rửa chân cho nhau. Có lẽ cho đến lúc bước vào phòng
tiệc ly, các tông đồ dường như vẫn lạc tông, lạc điệu với Thầy; các ông chưa có
được cùng một tâm tình, một tâm trạng như Thầy; các ông vẫn còn quan tâm xem
ai là cấp trên ai là cấp dưới, ai trung thành, ai phản bội. Chính vì thấy các học
trò còn mang những suy nghĩ trần tục như thế, Chúa Giêsu đã phải dùng một bài học
hết sức cụ thể để dạy cho các ông, Ngài đã quỳ gối rửa chân cho các ông, trong
đó có cả Giuđa kẻ phản bội. Chúa muốn nói với các tông đồ rằng: Ngài đã có thể
quỳ gối rửa chân cho các ông, phục vụ các ông, thì không vì bất cứ lý do gì khiến
họ ngại ngùng, không dám phục vụ anh em.
Thưa quý Ông bà cha mẹ, chỉ
có ở nơi Đức Giêsu chúng ta mới có được một tình yêu vĩ đại như thế và có được
một bài học cụ thể, sống động về tình yêu thương trao hiến và phục vụ như vậy. “Hãy yêu như Thầy đã yêu và hãy làm như Thầy
đã làm”, đó chính là mong ước của Chúa Giêsu muốn mỗi chúng ta học và thực
hành trong đời sống. Nơi gia đình, các bậc cha mẹ được mời gọi dám sống đến
cùng hy sinh cuộc đời của mình cho các thành viên trong gia đình. Khi thánh hóa
và biến sự hy sinh thầm lặng mỗi ngày cho nhau và cho con cái theo gương Chúa
Giêsu, thì những hy sinh đó sẽ đem lại niềm vui và sức sống cho gia đình.
Chúng ta còn phải thực hiện
bài học yêu thương này với mọi người khi chúng ta dám sống khiêm nhường, hạ
mình, quan tâm đến nhau, nhìn thấy những nhu cầu của nhau và phục vụ nhau một
cách không tính toán, không so đo phân bì. Để có thể quỳ gối rửa chân cho nhau,
có thể yêu thương và phục vụ một cách vô vị lợi, không tính toán là điều không
dễ. Nếu chúng ta không loại bỏ sự tự ái, cùng cái tôi của mình, chúng ta sẽ
không thể thực hành được bài học này.
Chúa Giêsu đã nêu gương hy
sinh tự hiến trong việc trao ban máu thịt làm của ăn của uống; đã để lại bài học
phục vụ qua việc rửa chân cho các môn đệ và sự tin tưởng của Chúa Giêsu nơi các
môn đệ qua Bí Tích Truyền Chức Thánh. Xin cho chúng ta cũng dám sống và thực hành
bài học yêu thương và phục vụ như Chúa dạy hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Đỗ
Đức Trí