Đức Giê-su bị từ chối
« Tôi không biết
người ấy »
Lời Chúa: Mt 26, 31-35.69-75
31 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông:
"Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh
người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác.32 Nhưng sau khi trỗi dậy,
Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em."33 Ông Phê-rô liền thưa:
"Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp
ngã."34 Đức Giê-su bảo ông: "Thầy bảo thật anh: nội đêm
nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."35 Ông
Phê-rô lại nói: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy."
Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.
*
* *
69 Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một
người đầy tớ gái đến bên ông và nói: "Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông
Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì? "70 Ông liền chối trước mặt mọi
người mà nói: "Tôi không biết cô nói gì! "71 Ông đi ra đến
cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó:
"Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy."72
Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: "Tôi không biết người ấy."73
Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: "Đúng là
bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay."74
Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: "Tôi thề là không biết
người ấy."
Ngay
lúc đó, có tiếng gà gáy.75 Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói:
"Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần." Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Suy Niệm
I. Chuẩn bị
- Khung cảnh : sân dinh Thượng tế
- Ơn xin : xin Chúa ban ơn cho chúng ta như đã ban cho thánh
Phê-rô, đó là, với tâm tình thống hối, nhận ra sự thất hứa của mình, nhận ra
tình yêu mong manh của mình dành cho Chúa, nhưng đồng thời tín thác và thả mình
vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa, để cho Chúa tha thứ, chữa
lành, tái sinh và làm cho chúng ta yêu mến Chúa.
II. Lắng nghe
1. Lời Hứa : « Dầu có phải
chết với Thầy, con cũng không chối Thầy » (Mt 26, 31-35)
Khi Chúa báo trước rằng mọi người sẽ vấp ngã vì Chúa, ông Phê-rô đã làm
cho mình được nổi bật, với những lời cam kết trung tín: “Ngay cả khi mọi người
vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã”; và khi Chúa nói một
cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước
khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”.
Và ông Phê-rô đã thực sự thực hiện lời hứa của mình : một mình
ông dám đi theo Chúa đang bị giải đi, và vào tận dinh Thượng Tế, dám trà trộn với
bọn người làm để theo dõi sự việc (c. 58 và 69a). Chúng ta hãy thán phục sự can
đảm của ông. Hơn nữa, ông đã từ bỏ rất nhiều, nhất là quan niệm riêng của ông về
Đấng Ki-tô (c. Mt 16, 22)
Dù ở bên ngoài, ông Phê-rô đã có mặt trong cuộc xét xử Đức Giê-su bởi
Thượng Hội Đồng từ đầu đến cuối; nếu ông không thấy, có thể nghe nói hoặc hỏi
thăm người ta. Ông đã cảm nghĩ như thế nào, nhất là về cách người ta tố cáo,
xét xử, lên án và hành hạ Thầy của mình ? Chắc ông đã biết hết ; điều
này giải thích tại sao ông chối Chúa, vì đã nghe biết cách người ta xử án và kết
quả cuộc xử án, và cũng giải thích tại sao ông đau đớn đến như thế.
2. « Tôi không biết người ấy » (c. 69-74b)
Ba lần từ chối tương quan với Đức Giê-su, và càng ngày càng từ chối rõ
ràng và mạnh mẽ hơn :
Ø Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với
ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà
nói: “Tôi không biết cô nói gì!”
Đây là câu trả lời tránh né câu hỏi. Hoặc đó là câu trả lời có hai
nghĩa : phủ nhận nhưng không hẳn là phủ nhận ; vì thế, người ta có thể
yên tâm, không áy náy. Nhưng đó chỉ là hình thức thôi, vì ý muốn phủ nhận là có
thật, nhưng được diễn tả bẳng cách nói nước đôi. Cũng giống như chúng ta từ chối
khéo, thay vì nói thẳng ra. Nhưng hai lần sau, thì rõ ràng và lần thứ ba quyết
liệt hơn lần thứ hai :
Ø Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với
những người ở đó: « Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy. »
Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: « Tôi không biết người ấy. »
Ø Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói:
« Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết
ngay. » Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: « Tôi
thề là không biết người ấy. »
Năng động của tội là như thế, sinh sôi nảy nở và càng ngày càng nghiêm
trọng, và trở nên rõ nhất trong cuộc Thương Khó. Năng động của tình yêu cũng thế,
nhưng theo chiều ngược lại. Có thể vì tình huống nguy kịch, nên ông Phê-rô chối
bỏ tương quan với Chúa cho xong chuyện thôi, chứ trong lòng, ông đâu có đoạn
tuyệt với Chúa. Trong cuộc sống, trong nhiều trường hợp, chúng ta không cần phải
nói sự thật với bất cứ ai. Nhưng vấn đề ở đây là Chúa đang bị nguy hiểm, còn
ông Phê-rô thì tìm cách tránh né nguy hiểm ; hơn nữa, làm như thế là không
đúng với điều ông đã hứa : “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”.
Nếu ông không hứa, thì đâu có sao !
Còn chúng ta, chúng ta có chối Chúa hay không ? Có lẽ chúng ta
không chối như thế, nghĩa là có người hỏi về tương quan thuộc về Đức Ki-tô của
chúng ta, và chúng ta công khai phủ nhận, để được an thân. Nhưng nếu chúng ta
xem xét việc chối Thầy của ông Phê-rô không dưới khía cạnh nội dung cụ thể,
nhưng dưới khía cạnh hình thức : là đưa ra lời hứa, nhưng không giữ lời hứa
của mình, không trung thành với lựa chọn của mình, thì chúng ta đã « chối
Chúa » rất nhiều, thậm chí hàng ngày. Chúng ta hãy nhận ra con người thật
của chúng ta nơi hành vi thất hứa và nơi lời nói chối bỏ « tương quan thuộc
về » Đức Ki-tô của ông Phê-rô.
Chúng ta cũng có thể sống, ý thức hay không ý thức, như người không biết
Chúa, không thuộc về Chúa, qua một ánh mắt, một cử chỉ, một hành động, một lối
sống trong một giai đoạn nào đó, qua tương quan lệch lạc của chúng ta với người
khác hay với « những sự khác ».
3. « Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy » - Thức tỉnh (c. 74b-75)
Chúng ta có thể tự hỏi : điều gì đã làm cho ông Phê-rô thức tỉnh ?
Có hai yếu tố. Trước hết là Tiếng gà gáy. Tại sao hành động chối bỏ tương quan thuộc về Đức Giê-su lại gắn
liền với tiếng gà gáy ? Cách các thánh sử Mát-thêu, Lu-ca và Gioan kể lại
đều giống nhau ở chi tiết này : có tiếng gà gáy, sau 3 lần chối. Nhưng
thánh Lu-ca thêm một chi tiết thú vị : ông đang chối lần ba, thì gà gáy.
Thánh sử Mác-cô kể lại hơi khác một chút : sau lần chối thứ nhất, gà
gáy ; sau lần chối thứ 2 và thứ 3, gà gáy lần nữa.
Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô : « nội đêm nay, gà chưa kịp
gáy, thì anh đã chối thầy 3 lần », ngay trong đêm Đức Giê-su bị bắt, trước
khi trời sáng. Như thế, bối cảnh « chối Thầy » là những hình ảnh
thiên nhiên mang đầy ý nghĩa : hành động từ chối tương quan thuộc về xẩy
ra rất mau ; và đó là hành động thuộc về ban đêm, thuộc về đêm tối, trước
khi trời sáng ; thế mà ánh sáng là biểu tượng của sự sống và tương quan
thuộc về ánh sáng Đức Ki-tô.
Tiếng gà gáy báo cho người ta thức dậy, sau giấc ngủ. Hành động từ chối
thuộc về Thẩy của mình, đến ba lần, đủ nhiều để chúng ta hiểu đó là một giấc ngủ,
và là một giấc ngủ mê. Tiếng gà gáy đánh thức ông Phê-rô. Trong Tin Mừng theo
thánh Mác-cô, ông Phê-rô cần tới hai lần gà gáy. Còn chúng ta, chúng ta cần mấy
lần ? Và tiếng « gà gáy », mà chúng ta cần để thức tỉnh là
gì ?
Tuy nhiên, tiếng gà gáy, xét như hiện tượng tự nhiên vẫn chưa đủ. Bởi
vì, sau tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Đức Giê-su. Đi đôi với hiện tượng thiên
nhiên, cần phải có Lời Chúa nữa. Đó là yếu tố thứ hai. Ông Phêrô nhớ lại
lời Chúa đã nói với mình. Đó là chìa khoá của hoán cải: trở về với Lời đã ngỏ
cho tôi cách đích thân. Chúa là Tình yêu, và trong tình yêu không có chỗ cho việc
chối từ sự trở về, mà chỉ có đón nhận mà thôi.
Bản văn của Tin Mừng theo thánh Luca, còn nói đến một chi tiết rất
đánh động : Chúa quay lại nhìn ông (Lc 22, 61). Như vậy Phê-rô chối Thầy của
mình trong tầm nhìn của Ngài. Như chính chúng ta, mỗi khi chúng ta cách nào đó
chối Chúa, chúng ta cũng thực hiện trong tầm nhìn của Chúa, bởi vì Ngài
« bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước ». Hãy hình dung ra cái nhìn của
Chúa đối với ông Phê-rô và đối với chúng ta : Đó là ánh mắt nào ? Giận
dữ, trách móc, hay bao dung và tha thứ ? Chúng ta hãy đi vào tâm tình của
Chúa mỗi khi chúng ta, cách nào đó chối Chúa.
Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của ông Phê-rô và đi vào tâm tư của
ông. Chúng ta có bao giờ khóc như thế chưa ? Hay một tâm tình tương tự mỗi
khi chúng ta không giữ lời hứa với Chúa ?
* * *
Cần phải cương quyết như ông Phê-rô, nhưng trong trường hợp này, ông
Phê-rô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Để
theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa
vào sức mình được, nhưng còn phải dựa vào lòng trung tín và lòng thương xót của
Chúa. Giáo Hội được xây dựng « Đá Tảng Phê-rô », nhưng « Tảng Đá
Phê-rô » lại dựa vào lòng thương xót.
Phê-rô vẫn đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta cũng thế, dưới mắt
Chúa, chúng ta vẫn đáng thương hơn đáng trách. Nhìn ngắm sự yếu đuối của ông
Phê-rô, chúng ta sẽ được an ủi nhiều : một đàng Chúa biết hết, biết tình
yêu mỏng dòn của chúng ta dành cho Chúa, nhưng Chúa vẫn bao dung, tin tưởng và
không lên án.
III. Tâm sự kết thúc với Kinh
Lạy Cha
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc