Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên B
LỬA SỰ THẬT
Lời Chúa: Lc 12, 49-53
49 “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy
những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy
còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc
này hoàn tất! 51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến
để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu,
nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm
người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai,
con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng
chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
Suy niệm:
Chúng ta hằng xác tín “Thiên Chúa là Tình Yêu”,
“Thiên Chúa đầy lòng Thương xót”, “Thiên Chúa luôn ban bình an, niềm hạnh phúc
cho con người”. Ấy thế mà bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu lại nói “Thầy đến ném
lửa vào mặt đất” (c. 49), “Thầy đến không phải mang cho trái đất sự hòa bình,
nhưng là sự chia rẻ” (c. 52). Như vậy, chúng ta cần hiểu ý nghĩa đích thực của
bài Tin mừng này như thế nào, vì xem ra có gì đó thật trái nghịch với Chân lý
Tình yêu mà Ngài đã rao giảng.
Thật ra không có sự trái ngược hay bất nhất trong
sứ vụ của Đức Giêsu, Người vẫn là Đấng mang hòa bình, mang tin vui, nhưng sứ vụ
trần thế của Ngài còn có những khía cạnh khác.
Trước hết, Ngài dùng hình ảnh “ném lửa vào trái đất”,
tức là Ngài muốn nói công khai sứ vụ xét xử của Ngài. Quả thế, “LỬA” trong Cựu
ước được biết đến như một cách thức để thanh tẩy, để phân định tốt-xấu, thiện-ác
và xét xử. Lửa có thể thiêu rụi mọi rỉ sét của thanh kim loại, nhưng đồng thời
nó cũng làm cho thanh kim loại nên óng ánh, tinh ròng. Cũng vậy, Đức Giêsu là
ngọn lửa chân lý, để thanh luyện tâm hồn mỗi người tín hữu, ngọn lửa ấy có thể
thiêu rụi hết những gì là tội lỗi, nhơ nhớp nhưng đồng thời nó cũng có sức
thanh luyện người ấy trong “phép rửa bằng lửa” để ban cho sự sống vĩnh cửu.
Phép rửa có sức thanh luyện ấy chính là phép rửa
mà Đức Giêsu muốn nói đến ở câu 50. Đó là hy tế thập giá mà Ngài phải chịu để qua
đó thanh tẩy nhân loại; đó cũng có thể nói là phép rửa mà Gioan Tẩy Giả đã giới
thiệu về Đức Giêsu: “Chính Đức Giêsu sẽ làm phép rửa không phải bằng nước,
nhưng bằng Thánh Thần và Lửa” (Lc 3, 16).
Như vậy, chúng ta có thể hiểu “Phép rửa” mà Đức
Giêsu phải chịu ấy, chính là “phép rửa trong Thánh Thần”, “phép rửa bằng lửa”,
đó chính là chân lý tình yêu và sự thật mà Đức Giêsu đã ném vào thế gian. Chân
lý tình yêu và sự thật ấy tác động nơi tâm hồn mỗi người khi lãnh nhận, và nó sẽ
bùng lên, lan tỏa rộng ra đến muôn dân.
Khi con người đón nhận chân lý sự thật ấy, thì
mang trong mình một sức thanh luyện chính mình và thanh luyện người khác. Do
đó, sự dữ thế gian, thế lực bóng tối sẽ tìm cách loại trừ “lửa sự thật” ấy và
gây nên sự chia rẽ tận căn, giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tinh tuyền và
cái thô bỉ, giữa người theo chân lý sự thật là ánh sáng và những kẻ theo sự giả
trả của bóng tối. Chính lẽ đó, ta dễ dàng hiểu hơn điều Đức Giêsu đã nói: “Anh
em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết:
không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Quả thế, sự chia rẽ ấy không loại
trừ bất kỳ một không gian nào, một môi trường nào cả, nó xảy ra ngay chính trong
gia đình của mình, môi trường mà con người thường cho là có mối tương quan bền
chặt nhất. Sự chọn lựa khác nhau của các thành viên thuộc về ánh sáng hay bóng
tối, Thiên Chúa hay thế gian sẽ là một sự sáo trộn, chia rẻ thực sự. “Họ sẽ
chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con
gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ
chồng.” là thế.
Hòa bình chắc chắn là mục đích của sứ vụ Đức Giêsu
như thánh sử Lu-ca đã loan báo trong Tin mừng của người. Sứ vụ ấy sẽ hoàn tất
vào thời sau hết, khi mà sẽ có những cuộc thanh tẩy, xét xử trước khi hòa bình
viên mãn ngự trị. Và lúc ấy, chính Đức Giêsu là “lửa thanh luyện” để phân rẻ những
ai chọn theo Ngài và những kẻ chối từ Ngài.
Nguyện xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta Thánh
Thần chân lý của Ngài, để nhờ ơn trợ lực, trong đời sống hằng ngày ta biết chọn
ánh sáng, điều thiện hảo và dám can đảm khướt từ những gì là ô nhơ, tội lỗi của
bóng tối. Để nhờ đó, cuộc sống mỗi người trở nên nhân chứng sự thật trong môi
trường mình sinh sống và làm việc. Amen.
(Xuân Hạ, OMI)