Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Thường Niên C
SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA
LỜI CHÚA: Mc 4, 26-34
26 Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước
Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt xuống đất. 27
Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng
cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh hoa kết quả:
trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng
trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa”.
30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy
dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải,
lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. 32
Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá sum
suê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy
theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ nói với họ mà không
dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
SUY NIỆM
Sự sống là một huyền nhiệm đến từ
Thiên Chúa. Xung quanh chúng ta tràn đầy sự sống. Chỉ cần một kẽ nứt của tảng đá
cũng có thể mọc lên một mầm xanh. Chỉ cần chút hơi nước đọng lại trên mái ngói,
ta có thể chiêm ngưỡng mảng rêu xanh mịn như nhung. Trình thuật Tin mừng hôm
nay Chúa Giêsu cho thấy huyền nhiệm của sự sống qua hình ảnh hạt giống được
gieo xuống đất.
Em bưng thóc giống gieo đồng nội
Trông trời trông đất ước xa xôi
Trăm gié trăm bông cành nặng trĩu
Khó nhọc lao công lẫn tài bồi
Hạt Mừng hạt Vui hạt Thương nhớ
Thao thức từng đêm tỉnh hay mơ
Âm thầm chồi nảy trong nước mát
Bình minh réo gọi tự bao giờ.
Sau một ngày gieo giống vất vả, người
nông dân trở về ngủ một giấc bình an mà chẳng quan tâm gì đến “Thiên thời địa lợi”.
Trong mỗi hạt giống chứa đựng mầm sống, nên dù người nông dân không quan tâm
chăm sóc, những hạt giống ấy vẫn âm thầm nảy mầm, lớn lên và sinh hoa kết quả. Qua
công việc gieo cấy, Chúa Giêsu đặc biệt lưu ý đến sức mạnh của Lời Chúa như một
hạt giống nhỏ bé nhưng chứa đựng sức sống mãnh liệt. Người nông dân có bổn phận
ra đi, quảng đại gieo vãi mà không phải băn khoăn lo lắng vì “đất tự động sinh
hoa kết quả”. Hạt giống chính là sức mạnh của Lời Chúa được gieo vãi vào trần
gian đem đến cho con người sự sống và hạnh phúc.
Có một nhà thông thái biết mình sắp
ra đi theo tổ tiên, ông liền gọi các con lại bên giường, chỉ vào kho sách mênh
mông của mình và nói: - Bây giờ cha tiết lộ cho các con một điều bí mật, kho
sách vĩ đại của ta chính là món quà của một vị thánh ban tặng, vì ngài thấy ta
nhà nghèo mà học hành chăm chỉ. Cùng với món quà vô giá đó, ngài còn bảo:
"Trong kho sách vô tận đó có một quyển sách quý nhất, trong quyển sách quý
nhất ấy có một trang quý nhất, trong trang sách quý nhất ấy có ghi một câu thần
chú. Ai đọc được câu thần chú ấy sẽ trở thành một nhà thông thái trong những
nhà thông thái.
Người con trai cả nhanh nhảu hỏi: - Thưa
cha, cuốn sách nào vậy cha? Người cha trả lời: - Chính ta cũng muốn hỏi vị
thánh câu đó, nhưng chưa kịp thì ngài đã biến mất. Ngừng lại giây lát rồi người
cha trút hết sinh lực vào lời trăng trối cuối cùng: - Cả đời ta đã cặm cụi đọc,
nhưng vẫn chưa đọc được cuốn sách quý báu ấy. Đời các con còn dài, các con hãy
chăm chú vào việc đọc. Ta hy vọng rằng các con sẽ may mắn hơn ta là tìm được
câu thần chú linh thiêng ấy!
Nghe lời căn dặn, những người con của
nhà thông thái cần mẫn đọc hết ngày này qua ngày khác. Họ đọc mãi, nhưng vì kho
sách dường như là vô tận nên vẫn chưa đọc đến cuốn sách quý báu ấy. Song nhờ những
kiến thức thâu lượm được qua ngày tháng, họ đã trở thành những bậc trí giả khả
kính.
Lời trăng trối và câu thần chú của
nhà thông thái trên làm chúng ta nhớ đến những lời dạy của Thiên Chúa. Mỗi người
chúng ta chỉ có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thực khi chăm chú đọc
và sống những lời dạy thiêng liêng và cao quý ấy. Đó là những lời yêu thương, lời
hằng sống, lời giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và án chết. Lời Chúa không chỉ
mạc khải trong sách vở mà còn trong cuộc sống phục vụ khiêm tốn của Đức Giêsu.
Lời sáng tạo, lời hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, lời chữa lành những bệnh
hoạn tật nguyền của con người. Lời ủi an người đau khổ. Lời tha thứ cho người tội
lỗi. Lời khơi lên niềm tin yêu hy vọng. Lời liên kết trời và đất. Lời xóa tan
những mặc cảm buồn phiền. Lời chất chứa bao ưu tư khát vọng thâm sâu của con
người. Lời có sức công phá mãnh liệt, đập tan những bức tường của sự hận thù
ghen ghét. Lời mở lối vào chốn trường sinh. Quả thế, Lời Chúa là kho tàng mà
muôn thế hệ học hỏi, chiêm niệm và khám phá để tìm ra chân lý sự thật. Lời Chúa
là ánh sáng là ngọn đèn chiếu sáng để chúng ta vững bước trên đường nên hoàn
thiện (Tv 119).
Thánh Phêrô tông đồ đã viết: “Lời Chúa đời đời vững bền. Đó chính là Lời
Tin Mừng đã được loan báo cho anh em”(1Pr 1, 25). Lời hiện diện không như một
vị khách lạ nhưng như một người bạn, như một người cha nhân từ, một người mẹ dạt
dào tình thương. Lời chính là Đấng Cứu Độ, Đấng muôn dân trông đợi, Đấng mà mọi
tạo vật đều mong ngóng rên xiết được giải thoát khỏi ách tội lỗi. Lời đã thành
xác phàm, đã hạ mình xuống sống như một người nghèo.
Mỗi người kitô hữu chúng ta luôn được
mời gọi sống mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người. Qua Đức
Giêsu, chúng ta được thánh hóa, được quyền làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên
Chúa bằng hai tiếng thân thương “Áp - ba”, cha ơi. Tận sâu trong trái tim của mỗi
con người đều có Chúa Giêsu hiện diện, nghĩa là có Lời vang vọng. Sứ mạng của
Giáo Hội và của mỗi chúng ta là phải khám phá và loan báo Lời ấy cho muôn dân.
Phải nhìn nhận rằng, có đôi lúc chúng ta chưa sống Lời Chúa dạy, chưa làm chứng
cho thế giới biết mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta chưa cảm
nhận và thấm đẫm sức giải thoát của Tin Mừng nên còn bối rối, băn khoăn nhìn thế
giới bằng con mắt u buồn chán nản như hai môn đệ trên đường về làng Emmau (Lc
24,13-35).
Trong tông huấn Lời Chúa (Verbum
Domini), Đức Giáo hoàng Beneditô XVI đưa ra những điều căn bản để tái khám phá
Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, đồng thời Ngài cũng nhắc chúng ta giá trị của
Lời Chúa là nguồn mạch bất tận luôn đổi mới. Lời Chúa là cuộc gặp gỡ, giao
duyên giữa trời với đất, là nơi hò hẹn giữa thần linh và phàm nhân. Lời đã đụng
chạm, khai mở một khung trời của niềm vui tự do bát ngát. Lời không bị ràng buộc
bởi thời gian, không gian, không bị giới hạn bởi chữ viết, bởi từ ngữ. Trong vũ
điệu nhịp nhàng của đời sống, Lời Chúa là tình yêu thương như đôi cánh nâng
chúng ta lên khỏi những tị hiềm ghen ghét, giúp chúng ta mở lòng ra đón nhận
nhau như anh em một nhà. Sứ mạng của chúng ta là phải loan báo Lời Chúa cho mọi
người.
Ngoài ra Lời Chúa còn thúc đẩy chúng
ta xây dựng thế giới công bình và đáng sống hơn (VB số 100). Lời Chúa phải được
rao giảng không chỉ trong nhà thờ mà trong gia đình, trong mọi góc phố, mọi
hang cùng ngõ hẻm. Chân lý sự sống cần được diễn tả bằng nhiều hình thức, bằng
nghệ thuật: âm nhạc, hội họa, thi ca, điện ảnh…Một thế giới còn rất nhiều giao
tranh, bạo động, khủng bố thì càng phải bén rễ sâu hơn nữa vào Lời Chúa. Chỉ với
Lời Chúa thế giới này mới tìm thấy công lý và hòa bình. Nếu không sống Lời Chúa
chúng ta không thể làm được việc gì dù việc ấy nhỏ bé tầm thường.
Lạy Chúa Giêsu, như một người đi gieo giống, Chúa đã quảng đại
chắt chiu gieo vào tâm hồn chúng con hạt giống Lời Chúa. Chúng con có đón nhận
và sinh hoa kết quả hay không đó là tự do của chúng con. Xin cho chúng con đừng
vì bả vinh hoa phú quý, đừng vì quá lo lắng sự đời và những đam mê thế gian mà
để cho Lời Chúa bị bóp nghẹt, bị mục nát và hư thối đi. Xin cho chúng con biết
lắng nghe và chiêm niệm Lời Chúa để mỗi ngày tiến xa trên con đường thánh thiện
hầu tìm thấy chân lý sự sống và hạnh phúc đời đời. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP