Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY – C

thu 4 tuan III MV.jpg

LỜI CHÚA: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta". Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

SUY NIỆM

Có lẽ cũng không khác những người Do-thái trong trình thuật Tin mừng hôm nay bao nhiêu, ngày nay, cũng có rất nhiều người cho rằng họ biết Đức Giê-su mặc dù họ không phải là Ki-tô hữu. Họ biết rõ ‘gốc gác’ của Ngài, biết những việc Ngài làm, những lời Ngài giảng dạy, và có lẽ họ còn biết rành hơn cả những Ki-tô hữu. Tuy nhiên, cái biết của họ chỉ thuần túy là cái biết của nghiên cứu, của học đường, dựa trên sách vở, chứ không phải cái biết của niềm tin, của tương quan, của tình yêu. Một người nói rằng: “Tôi biết rõ cô Y, vì cô là hàng xóm kế cận nhà tôi”, thì có lẽ sẽ khác với chồng của cô ta nói anh biết rõ về cô ấy. Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại tương quan của mình với Đức Giê-su Ki-tô – Tôi đã biết Người như thế nào?

Có lẽ có nhiều cách để biết về một ai đó: dò hỏi, tìm hiểu trên sách báo, mạng Internet, trò truyện qua điện thoại hay tiếp xúc trực tiếp…. Tuy nhiên cách biết tốt nhất vẫn là được cùng sống, sinh hoạt, làm việc và tạo được mối tương quan thân thiết với người ấy; nhưng đó cũng chỉ là những cách để biết thông thường, thuần túy nhân loại. Còn đối với Đức Giê-su Ki-tô, để biết Người thì ngoài việc học hiểu, con Người cần có yếu tố niềm tin (mà đức tin chính là hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta), con người cần được lôi kéo bởi Cha (x. Ga 6, 44) để có thể tiếp xúc, tạo được mối tương quan thân thiết với Người để nhận ra Người là Thiên Chúa yêu thương, là Cứu cánh của cuộc đời – Đấng Cứu Độ, Đấng giải thoát. Như Phê-rô khi tuyên xưng: “Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa Hằng Sống” thì Đức Giê-su đã nói: “không phải là phàm nhân mặc khải cho anh biết điều ấy, nhưng là Cha của Thầy Đấng ngự trên trời.” (x. Mt 16, 16 – 17). Vì vậy, chúng ta cần có lòng khao khát được biết Chúa và xin ơn ban cho được biết Người.

Chuyện kể rằng:

Một người mới gia nhập đạo công giáo gặp một người bạn cũ không có đạo. Người bạn này hỏi:

Thế nào? Anh đã vào đạo và tin Chúa Giêsu rồi à?

 Phải, tôi đã tin vào Chúa Giêsu

Vậy là anh biết Ngài rõ lắm phải không? Anh cho tôi biết Ngài sinh ra ở nước nào?

 Rất tiếc tôi không biết điều đó.

Vậy Ngài chết hồi mấy tuổi?

 Rất tiếc tôi không biết điều đó.

 Anh không biết về thân thế Ngài, vậy cho tôi hỏi xem Ngài giảng được mấy bài giảng?

Cái đó, xin lỗi, tôi lại càng không biết nữa.

 Như thế anh biết rất ít về Chúa Giêsu, mà anh bảo anh tin vào Ngài và theo Ngài.

 Anh nói đúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi tôi biết rất ít về Ngài. Nhưng có điều này tôi nhận thấy rõ ràng nhất là ba năm trước tôi rượu chè say sưa, tôi mắc nợ đủ chỗ, gia đình tôi tan nát, vợ con tôi buồn và không muốn thấy mặt tôi khi tôi về nhà. Nhưng bây giờ tôi đã bỏ rượu, trả xong nợ, gia đình tôi hạnh phúc. Tất cả những cái đó Chúa Giêsu đã làm cho tôi. Tôi biết chắc điều đó. (nguồn internet)

Cái biết Đức Giê-su của người tân tòng trên đây chắc chắn không phải là cái biết theo tính cách lịch sử, nhưng là cái biết của niềm tin. Tuy chưa biết rõ lý lịch con người lịch sử của Chúa Giê-su nhưng anh ta đã cảm nhận được sự hiện diện, tình yêu và ơn cứu độ của Người trong cuộc sống.

Trình thuật Tin mừng mời gọi chúng ta kiểm điểm lại đời sống của chúng ta trong tương quan với Đức Giê-su Ki-tô – tôi đã có thực sự biết Người?

Thánh Giê-rô-ni-mô nói ‘Không biết Kinh thánh (đặc biệt là các sách Tin mừng) là không biết Đức Ki-tô’. Một lợi thế của phương pháp dạy giáo lý ngày nay là triển khai, cho học viên được tiếp xúc nhiều với Thánh Kinh – Lời của Chúa. Tuy nhiên, với rất nhiều lý do nên có rất ít Giáo lý viên là người được học hiểu về Kinh Thánh tới nơi tới chốn hoặc có tinh thần cầu nguyện, yêu mến suy niệm và sống Tin mừng; mà thường chỉ là những anh chị có lòng nhiệt thành tông đồ một chút là tốt rồi…. Vì thế mà các anh chị chưa dẫn dắt, chưa chuyền lửa được cho các học viên lòng yêu mến học hiểu và sống Lời Chúa; và các bậc phụ huynh cũng thế, vì quá bận rộn, kiến thức và đời sống với Thiên Chúa cũng không có nên cũng chẳng giúp được con em trong việc truyền thông đức tin, hay có lòng khao khát để biết Chúa, thực sự tiếp xúc với người (qua cầu nguyện, qua tin mừng) để biết Người trong tương quan tình yêu. Mỗi ngày tôi đã để dành ra bao nhiêu phút để truyện trò tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa trong cầu nguyện và tìm kiếm thánh ý của Người qua việc khao khát lắng nghe lời Chúa và suy niệm Tin mừng?

Trong một thế giới thiên về vật chất, Thiên Chúa đối với tôi dường như quá xa vời. Người dường như không có trong cuộc sống của tôi. Người ở trên trời, ở nhà thờ, hay ở một nơi nào đó không liên quan đến cuộc sống thực tế của tôi. Tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô là những câu chuyện xa lắc lơ, những tư tưởng lỗi thời, trở thành những công thức tuyên bố trong nhà thờ mà tôi chẳng để lọt tai và cũng chẳng quan tâm – tôi cho rằng nó chẳng động chạm đến cuộc sống của mình, đến cứu cánh đời mình. Và như thế chúng ta cứ tiếp tục mù tịt, mờ mịt về Thiên Chúa. Chúng ta không hề biết Người mà chúng ta cứ yên tâm là mình đã biết rõ về Người!!! 

Thiên Chúa không hề ở xa – Người là Đấng luôn hiện diện và đồng hành với tôi trong cuộc sống. Khi sinh ra, Đức Giê-su đã được mệnh danh là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người đã ở giữa nhân loại để chia sẻ kiếp sống con Người, dạy cho họ biết Cha trên trời, biết con đường để về nhà Cha để được sống hạnh phúc đời đời và Người hứa sẽ ở lại cùng con người mọi ngày cho đến tận thế; với những dụ ngôn hoa huệ, chim trời (x.Mt 6, 26 – 34) Đức Giê-su dạy con người bài học tín thác vào Cha trên trời, vì Người hằng chăm sóc và lo lắng cho chúng ta; hơn nữa, Đức Giê-su đã đồng hóa bản thân Người với những người nghèo hèn cùng khổ để mời gọi chúng ta sống tình thương tương thân tương ái với tất cả mọi người, nhất là những anh em bất hạnh bởi vì tất cả chúng ta là con Cha Trên Trời. Vì vậy, chúng ta cần sống sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình, lấy Lời của Người làm khuôn vàng thước ngọc của cuộc sống; đồng thời xin Người dạy chúng ta hiểu biết, yêu mến Chúa nhiều hơn và sẵn sàng làm tôi phục vụ Người.   

Một bài học cụ thể khác chúng ta rút ra từ trình thuật Tin mừng đó là: chúng ta thường cho rằng mình biết rõ về một ai đó, để rồi đóng khung họ lại trong những suy nghĩ định kiến của mình. Và thật là tai hại nếu đó là những suy nghĩ hay định kiến tiêu cực, những hình ảnh không đẹp về người khác để rồi từ chối không đón nhận, không nhìn ra được những ưu điểm, những vẻ đẹp từ nơi họ, không mở lòng ra để hiểu họ và thậm chí tẩy chay cả những điều tốt lành của họ - và đây chính là đầu mối của biết bao nhiêu khổ đau trong cuộc sống. Chính thái độ này đã khiến người Do thái khước từ  và tìm cách tiêu diệt Đấng Thiên Sai mà họ biết bao năm mong đợi mà họ vẫn tưởng rằng họ đã hành động đúng. Vì thế, trong mùa sám hối ăn năn này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta có một tâm hồn và trái tim rộng mở, biết kiếm tìm chân lý và luôn có cái nhìn bao dung đối với tha nhân là quà tặng mà Thiên Chúa ân ban cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ con, con mến yêu và tôn thờ Người!

Xin ban thêm ơn đức tin cho chúng con.

Xin ban cho chúng con lòng khát khao hiểu biết và yêu mến Chúa.

Xin biến chúng con nên dụng cụ thuận phục trong tay Chúa để làm nhân chứng tình yêu và lòng thương xót của Ngài cho mọi Người. Amen

Nt. Maria Chinh Anh, OP

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa chay: "LÀM CHỨNG"_Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     THÔNG BÁO VỀ HÀNH HƯƠNG ÂU CHÂU
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư tuần IV Mùa Chay: "DUNG MẠO CỦA CHÚA CHA"_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng.OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay C: Đức Tin_ Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Chay C: TIN VÀO LÒNG XÓT THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Chay C: ĐÁP LẠI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay C_ Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay: "HAI TƯƠNG QUAN"_Nt. Maria Phương Trâm. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Chay_Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Chay: "Luật Yêu Thương"_Lm Mi-ca-e Vũ An Lộc