Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Chay C

TIN VÀO LÒNG XÓT THƯƠNG

CỦA THIÊN CHÚA

tc ty.jpg

Vào tháng 8/2014, Đức Thánh Cha Fancis viếng thăm Hàn Quốc. Cuộc viếng thăm này diễn ra không lâu sau vụ đắm phà làm thiệt mạng nhiều người, trong đó đa số là học sinh. Gia đình của các nạn nhân đang biểu tình đòi chính quyền phải điều tra rõ ràng nguyên nhân và người chịu trách nhiệm vụ tai nạn này. Trên đường đi, Đức Thánh Cha đã dừng lại để thăm và an ủi các gia đình của nạn nhân. Những người này đã cài lên ngực áo Đức Thánh Cha một miếng tang đen. Khi đến dinh Tổng thống, Đức Ông tháp tùng Đức Thánh Cha thưa với Ngài : Xin Đức Thánh Cha gỡ băng tang xuống, vì không tế nhị về mặt ngoại giao khi gặp Tổng thống. Đức Thánh Cha trả lời : Ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, tôi làm theo tiếng nói của trái tim.

Thưa quý OBACE, người ta hay nói phụ nữ hành động bằng trái tim, còn đàn ông hành động theo lý trí. Thiên Chúa của chúng ta thì dường như hành động theo trái tim nhiều hơn. Người cha nhìn bên ngoài có thể nghiêm khắc, khô khan như cây xương rồng, nhưng cây xương rồng lại là cây rất nhiều nhựa, chỉ cần chạm đến thôi thì dòng nhựa đã trào ra. Thiên Chúa của chúng ta mặc dù là một Thiên Chúa công thẳng, nhưng trước hết, Ngài vẫn là một người cha hay thương xót, dễ chạnh lòng đối với con cái.

Tin Mừng Luca hôm nay đã mô tả Thiên Chúa qua câu chuyện Người Cha thương xót. Ngài hành động hoàn toàn theo trái tim nhắc bảo. Khi thấy Chúa Giêsu lui tới với những người thu thuế và tội lỗi, những người biệt phái tỏ ra khó chịu, xầm xì : Ông này giao du ăn uống với phường tội lỗi. Chúa Giêsu đã kể cho họ câu chuyện về người cha nhân từ xót thương.

Một người kia có hai con trai. Ông yêu thương chăm sóc cho cả hai đứa con vì con cái là giọt máu, là tài sản lớn nhất của ông. Nhưng, dường như hai đứa con đều không cảm nhận được tình thương của Cha, chúng không biết rằng chúng được yêu thương. Vì thế, chúng tỏ ra hững hờ với tình yêu thương của cha, khiến cho người cha vô cùng đau khổ, như bị con cái bỏ rơi ngay trong nhà.

Đứa con thứ nói với ông : Thưa cha, xin cha chia gia tài cho con. Người cha không hỏi thêm gì, ông đã chia gia tài cho nó. Sau đó, nó ôm mớ gia tài ra đi. Hành động này đã gây đau khổ vô cùng cho người cha, nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng vì tôn trọng tự do của nó. Khi nó đòi chia gia tài, có nghĩa là nó coi ông đã chết. Khi ôm tiền của ra đi, nó quyết định dứt nghĩa đoạn tình với ông. Người cha đau khổ trong lòng, nhưng ông vẫn không ngăn cản nó, vì ông biết rằng, ông có thể giữ được thân xác nó, nhưng không thể giữ được lòng nó một khi lòng nó đã muốn ra đi. Khi quyết định ra đi là nó quyết định từ bỏ tình nghĩa, sự êm ấm của gia đình, từ bỏ mối liên hệ cha con với ông.

Chỉ con cái có thể bỏ được cha mẹ, còn cha mẹ không thể bỏ được con cái. Mặc dù đứa con thứ từ chối tình thương của ông, bỏ nhà ra đi, nhưng ông vẫn không thể bỏ con. Ông vẫn hy vọng một ngày nào đó con ông sẽ quay về. Ngày ngày, ông tựa cửa chờ con. Ông đã chuẩn bị sẵn một con bê béo, để bất cứ lúc nào nó về thì ông sẽ ăn mừng. Nó mang hết của cải, đồ đạc của nó ra đi, ông đã chuẩn bị sẵn cho nó áo mới, giày mới và nhẫn mới để khi nó về, nó có cái mà mặc.

Câu chuyện cho thấy, khi xa rời Thiên Chúa là cha, tự tách ra khỏi tình thương của Thiên Chúa, con người sẽ suy thoái trầm trọng. Người con thứ đã tiêu tán hết tiền của, sa sút và bị đói. Anh không còn một chút nhân phẩm danh dự nào nữa, đã phải chấp nhận đi chăn heo, tranh giành đồ ăn của heo cho đỡ đói nhưng cũng không ai cho. Chỉ khi không còn chỗ nào bám víu nương tựa, anh mới nhớ lại thời huy hoàng hạnh phúc khi còn được ở với cha, trong nhà cha. Anh tự nhủ : Biết bao người làm công ở nhà cha ta được ăn uống dư thừa, còn ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha và thưa với người : Thưa cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công của cha.

Anh nghĩ rằng mình không xứng đáng để được yêu thương và cũng không dám đón nhận lòng xót thương của cha. Nhưng đối với người cha thì khác, ông vẫn tựa cửa chờ ngày con ông trở về. Khi bóng nó còn ở đàng xa, ông đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm lấy nó và hôn lấy hôn để. Ông dường như đã quên hết những điều phiền muộn, đau khổ nó đã gây ra cho ông. Ông đã quên hết quá khứ của nó, trước mắt ông là đứa con bé nhỏ đi xa trở về. Ông ôm nó vì nó là con ông.

Người cha đã không nổi giận, không chê nó dơ bẩn, ông dường như không cần nó nói lời xin lỗi. Người con thứ thưa với cha : Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Chỉ nghe đến đó thôi, ông đã ngắt lời và sai đầy tớ : Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân cậu, mau đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

Việc làm của người cha thể hiện lòng thương xót vô hạn của ông. Người Việt hay nói : nước mắt chảy xuôi. Người cha này không những tha thứ cho con, nhưng ông còn giang rộng tay đón con trở về và trả lại cho người con hoang đàng địa vị, danh dự là một cậu chủ trong gia đình. Cho dù đứa con thứ trở về không phải vì nó thương nhớ ông, động lực để nó trở về là do nó quá đói, không còn nơi nương tựa. Nó trở về chỉ xin làm đầy tớ trong nhà để kiếm miếng ăn. Nhưng đối với người cha, việc nó trở về đã khiến ông vui mừng. Ông không cần quan tâm nó về vì lý do gì, ông chỉ biết nó là con ông.

Lòng thương xót quảng đại của người cha trong câu chuyện không chỉ dành cho đứa con út, nhưng còn dành cho đứa con cả. Anh tuy không ra đi nhưng anh sống trong nhà với vẻ tự hào tự mãn. Anh cho rằng mình vẫn chu toàn mọi việc trong nhà không chút chểnh mảng. Nghe tin người em trở về, người anh không vui. Nghe nói cha mở tiệc ăn mừng, anh giận dỗi không vào nhà. Người cha trước đây đã chạy ra đón đứa con thứ trở về, thì lúc này, ông lại chạy ra để năn nỉ người anh cả, mời anh vào nhà, dù người con cả vùng vằng giận dỗi : Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho một con dê để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi đã nuốt hết của cải của cha, thì cha lại giết bê béo ăn mừng.

Lời anh nói đã bộc lộ thái độ, tâm tình và tương quan của anh đối với cha và đối với người em. Anh tỏ ra ghen tị hẹp hòi với em và coi cha mình như ông chủ chứ không phải là cha của anh. Câu chuyện cho thấy người cha, lại một lần nữa cúi xuống, mở lòng ra với người con cả, mời gọi anh trở lại với địa vị làm Cậu Cả trong gia đình. Ông ôn tồn nói với anh : Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây đã chết nay sống lại đã mất nay lại tìm thấy.

Trái tim của người cha luôn mở rộng và hết sức độ lượng. Ông xác định lại cho người con cả thấy, anh luôn ở trong trái tim của ông. Anh được ông tin tưởng, trao phó công việc điều hành và địa vị của anh là cậu cả trong đình. Anh còn được thừa hưởng tất cả tài sản của ông. Người cha cũng muốn người con cả thay đổi cái nhìn hẹp hòi, ghen tỵ về người em của mình. Ông nhắc cho người con cả thấy rằng, tình gia đình, tình huynh đệ là cao quý cần phải trân trọng và vun đắp : Nhưng chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

Hình ảnh người cha trong câu chuyện là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài là cha nhân hậu, là Đấng giàu lòng xót thương. Ngài luôn giang rộng đôi tay để đón chúng ta trở về, để ôm chúng ta vào lòng, chỉ vì chúng ta là con của Ngài. Cho dù chúng ta có tệ bạc bỏ nhà ra đi như người con thứ, đã phá hết tài sản Chúa ban, đã ăn chơi hoang đàng, Thiên Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta, miễn là chúng ta quay trở về và thành tâm thưa với Ngài rằng: Thưa Cha, con đã lỗi phạm đến Cha, con không đáng được gọi là con Cha nữa. Thiên Chúa sẽ quên hết quá khứ của ta, Ngài sẽ để cho trái tim của Ngài mở ra, để cho lòng thương xót của Ngài tuôn trào bao trùm trên chúng ta.

Có thể chúng ta không bỏ nhà ra đi, nhưng chúng ta sống một cuộc sống hờ hững, dửng dưng với Chúa như người con cả. Chúng ta biến mình trở thành kẻ xa lạ trong gia đình của Thiên Chúa, sống nhỏ nhen, hẹp hòi với anh em. Thiên Chúa cũng chạy ra với chúng ta, đang cúi xuống để năn nỉ, để mời chúng ta vào dự tiệc vui hạnh phúc trong nhà của Ngài cùng với các anh em khác.

Xin cho chúng ta cảm nhận được lòng thương xót, tin vào sự bao dung của Chúa để quyết tâm thay đổi cuộc sống, trở về với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Chay C: ĐÁP LẠI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay C_ Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay: "HAI TƯƠNG QUAN"_Nt. Maria Phương Trâm. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Chay_Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Chay: "Luật Yêu Thương"_Lm Mi-ca-e Vũ An Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Chay: "LÒNG XÓT THƯƠNG"_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Chay C: ĐỨC GIÊSU TẠI QUÊ HƯƠNG_ Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Chay C: MÙA CHAY THỜI KỲ ĂN CHAY SÁM HỐI VÀ LÀM VIỆC THIỆN_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Chay C_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay C_ Hiền Lâm.