Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Chay C

ĐỨC GIÊSU TẠI QUÊ HƯƠNG

thac mac 2 t.jpg

LỜI CHÚA: Lc 4, 24-30

24 Khi đến Nadarét, Đức Giêsu nói với dân chúng trong hội đường rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong Israen; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xarépta miền Xiđôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi trong nước Israen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi”.

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

SUY NIỆM

Người ta thường nói “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Một người hàng xóm tốt bụng thì đáng quý như anh em ruột thịt. Thế nhưng trong Tin mừng hôm nay những người láng giềng đồng hương của Chúa Giêsu lại trở thành kẻ đối nghịch.

Thánh Luca thuật lại sau một thời gian giảng dạy ở Caphácnaum, được dân chúng thán phục vì giáo lý mới mẻ kèm theo những phép lạ, Đức Giêsu trở về thăm Nagiarét nơi Người đã sinh trưởng. Người vào hội đường tiếp tục giảng dạy dân chúng qua đoạn sách của ngôn sứ Isaia. Đoạn sách nói về sứ mạng của Đấng Thiên Sai đến để giải thoát người nghèo khổ bần cùng bị áp bức và công bố cho họ biết năm hồng ân của Chúa. Dân chúng chăm chú lắng nghe và thán phục, nhưng liền sau đó họ phản ứng thách thức và loại trừ Đức Giêsu. 

Với thái độ cứng tin, những người đồng hương coi Đức Giêsu chỉ là một công dân bình thường xuất thân trong một gia đình lao động tại miền quê nghèo Nagiarét. Đức Giêsu nhắc cho họ biết chuyện xưa ông Êlia không giúp các bà góa ở Israel nhưng đến giúp bà góa sống ở vùng đất của dân ngoại. Cũng vậy ngôn sứ Êlisa chỉ chữa bệnh phong cho ông Naaman xứ Xyria còn các bệnh nhân ở Israel thì không.

Đức Giêsu nhắc lại số phận của hai vị ngôn sứ quan trọng thời Cựu Ước bị đối xử một cách bất công. Êlia là ngôn sứ lớn nhất trong các ngôn sứ. Chính ông đã xuất hiện cùng Môsê bên cạnh Chúa Giêsu trong lúc Ngài biến hình trên núi Tabo (Lc 9, 28-36). Êlia là người được Thiên Chúa gửi tới phê phán thói hư tật xấu của vua Akháp và vợ là Ideven. Lúc đó vua Akháp đang cai trị vương quốc Israel nhưng vì chiều theo lời vợ, vua đã để bà lộng hành áp đặt dân theo nghi lễ thờ cúng thần Baan (1V 17, 19). Kết cục là Êlia phải chạy trốn vì cơn giận và âm mưu sát hại của bà Ideven. Êlia phải lánh vào sa mạc, Thiên Chúa sai thiên sứ mang bánh và nước tới cho ông. Trải qua rất nhiều thử thách, vâng lời Thiên Chúa, Êlia đã chọn Êlisa làm người kế vị và truyền hết tâm khí cho.

Đến lượt Êlisa cũng chịu một số phận như thầy Êlia. Êlisa xuất hiện như là một ngôn sứ hay làm phép lạ: ông lấy áo đập xuống sông Giođan làm cho nước khô cạn để dân Israel tiến vào Đất Hứa cùng với Hòm Bia Giao Ước. Chính Êlisa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 20 chiếc bánh lúa mạch và cốm (2V 42-44). Một trong những phép lạ ngoạn mục nhất đó là phép lạ chữa lành bệnh cho ông Naaman, một viên tướng người Xyria (2V 5).

Khi nhắc đến các nhân vật thời Cựu Ước, Đức Giêsu cho thấy ở thời nào cũng có những con người từ chối tình thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu gặp chống đối ngay tại quê hương, nơi những người thân, họ đuổi Chúa ra khỏi hội đường, họ kéo Người lên núi cao để tìm cách xô xuống vực. Trước thói ích kỷ cứng tin của người đồng hương, Chúa Giêsu vẫn một mực trung thành với kế hoạch yêu thương cứu độ nhân loại.

Đâu đó trong xã hội hôm nay,con người vẫn từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ không chấp nhận một vị Thiên Chúa chấp nhận sống nghèo giữa những người nghèo thiếu cơm thiếu áo, nhất là thiếu niềm tin và tình yêu thương. Chúa Giêsu vẫn đang bị từ chối khi con người chạy theo và tôn thờ quyền lực, tiền bạc vật chất và những đam mê bất chính. Con người không đón nhận giáo huấn của Chúa vì đó là những điều đi ngược với ý muốn của họ. Họ không chấp nhận một Thiên Chúa đồng bàn với người tội lỗi, cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ và còn chịu mọi nhục hình, chịu đóng đinh và chết trên thập giá.

Một căn bệnh trầm kha của xã hội hôm nay là căn bệnh chối bỏ Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn đang bị từ chối ngay trong mái ấm gia đình khi vợ chồng sống bất hòa, con cái bất hiếu, anh em tranh giành quyền lợi lẫn nhau. Giá trị luân lý đạo đức đang bị xem nhẹ trước những chọn lựa của con người. Thói gian dối, ích kỷ bất công xã hội lên ngôi làm điên đảo bao tâm hồn thiện chí. Trước những thực trạng ấy, người kitô hữu được mời gọi trở thành ngôn sứ nói về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.

Chúa Giêsu đến đem niềm vui an bình, công bố năm thánh hồng ân của Thiên Chúa nhưng loài người đã khước từ. Mùa Chay như một cơ hội đặc biệt để mỗi người chúng ta xét lại lương tâm và thái độ sống của mình để phản tỉnh và trở về với Chúa. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định “Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi con tim của con người và làm cho họ cảm nghiệm một tình thương trung tín, cho họ có khả năng thi hành lòng từ bi thương xót. Thật là một phép lạ luôn mới mẻ, sự kiện lòng thương xót của Chúa có thể chiếu tỏa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân và hướng dẫn những công việc mà truyền thống của Giáo Hội gọi là ‘Thương linh hồn bẩy mối, thương xác bẩy mối!’ Đối với tất cả mọi người, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời điểm thuận tiện để có thể ra khỏi tình trạng sống tha hóa của mình nhờ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái... Những công việc từ bi thể lý và tinh thần không bao giờ tách biệt nhau. Thực vậy, chính khi động chạm đến thân mình của Giêsu chịu đóng đanh nơi người lầm than mà tội nhân có thể nhận được hồng ân ý thức chính mình là một người hành khất nghèo hèn”.

Đức Giêsu đã đến không phải để lên án loại trừ nhưng để phục vụ, kết nối yêu thương và lấp đầy những hố sâu ngăn cách. Ở một góc phố nào đó, con người vẫn bị bỏ rơi trong nghèo đói cô đơn thì Tin Mừng của Chúa vẫn là lời thúc giục khẩn thiết hãy ra đi trở thành lời yêu thương an ủi và chữa lành cho họ.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ vì những lần chúng con đã khước từ lời dạy bảo yêu thương của Chúa. Xin thanh tẩy và làm cho con tim chúng con nên trong sạch, cho chúng con biết hoán cải trở về hầu lãnh nhận tình thương của Chúa trong mùa hồng phúc này. Amen.

Nt. Maria Anh Thư, OP

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Chay C: MÙA CHAY THỜI KỲ ĂN CHAY SÁM HỐI VÀ LÀM VIỆC THIỆN_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Chay C_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay C_ Hiền Lâm.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ năm Tuần II Mùa Chay: "Ông nhà giàu và người nghèo La-da-rô"_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Chay_Lm. Jos Tạ Duy Tuyền.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY _Nt. Maria Chinh Anh, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Mùa chay: lễ Tông Tòa thánh Phê-rô_Lm. Micae Vũ Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Chay C: TIN VÀ KẾT QUẢ CỦA LÒNG TIN_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Chay C: MÙA CHAY BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay C_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông