SUY NIỆM TIN
MỪNG THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY - C
LỜI CHÚA: Mt 23, 1-12
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người
rằng : 2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi
trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ
nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ
nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai
người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ
làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn,
mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám
tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người
ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8 "Phần
anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy
; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng
đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha
trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người
lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong
anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai
tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
SUY NIỆM
“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ
xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” Nhân đức khiêm nhường cơ bản
làm nên giá trị của con người vì nó là ‘mẹ của mọi nhân đức’. Cho dù là bậc danh
nhân, vọng tộc, tiến sĩ, học giả, hay là người bình thường thất học; cho dù là
kẻ phú quí, giàu sang hay là người bần hàn cơ khổ… thì căn bản làm nên cốt cách
con người đó chính là nhân đức khiêm tốn. Nếu càng ở địa vị cao, càng là người
danh giá tài giỏi mà biết khiêm tốn thì giá trị và uy tín con người ấy lại càng
tăng thêm; còn sự kiêu căng, đời sống giả hình thì trước sau gì cũng làm cho
người ta chán ghét. Tuy biết là sự khiêm tốn thì đáng quí và ai cũng quí mến
người biết khiêm tốn, nhưng lại ít ai muốn sống khiêm nhường.
Trình
thuật Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy tôi hai tư cách, hai thái độ sống: Tư
cách sống của một bậc bề trên, một bậc thầy, một phụ huynh với nhiệm vụ hướng dẫn
tinh thần kẻ khác; và tư cách của một người thụ giáo, người học trò dưới sự hướng
dẫn của người trên.
Trong
vai trò của người trên, người có nhiệm vụ dạy dỗ, hướng dẫn người khác thì trước
hết tôi phải là người khôn ngoan sáng suốt hiểu biết lẽ phải, thấm nhuần đạo lý
của Thiên Chúa, nếu không thì “mù dắt mù
sẽ lăn cù xuống hố”; đồng thời Chúa dạy tôi phải biết sống những điều tốt
lành mình dạy chứ đừng như những Kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình chỉ biết
nói mà không làm “Họ bó những gánh nặng
mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ
làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn,
mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám
tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người
ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".”
Bởi vì “lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn” – Chính cuộc sống gương sáng mới
lôi kéo lòng người hơn bất cứ những bài giảng hùng hồn nào. Và người Ki-tô hữu
trong vai trò chứng nhân của mình phải là người trước tiên sống những điều mà Đức
Ki-tô dạy.
Chuyện
kể có hai thầy trò vị đạo sĩ nọ trong một cuộc hành trình phải đi qua một khúc
sông có nhiều cá sấu. Thầy bảo trò lội qua trước để thăm dò. Người học trò run
rẩy sợ hãi nhưng vẫn vâng lời thầy; anh ta trước khi lội qua sông lấy hết can đảm
và hô to: Nhân danh nhân đức của thầy tôi xin các bạn hãy tránh ra cho tôi qua
sông, đàn cá dữ liền dạt ra và anh học trò bơi qua an toàn. Vị đạo sĩ thấy người
học trò nhân danh mình mà đàn cá dữ lại sợ hãi tránh đường như thế thì lấy làm
đắc ý lắm liền hô to: Nhân danh nhân đức của chính ta các ngươi hãy tránh ra
cho ta qua sông. Và ông nhảy ùm xuống sông, nhưng liền bị đàn cá dữ xúm vào xé
xác… (Lẽ sống). Câu chuyện là hư cấu, nhưng nó muốn chuyển tải một bài học: Đã
là người, dù ở địa vị nào cũng phải biết sống khiêm nhường, nếu không, sự kiêu
căng sẽ biến bản thân mình thành mồi ngon cho quỉ dữ.
Còn
với tư cách của người thụ huấn, tôi cần phải biết lắng nghe và khiêm tốn đón nhận
chân lý, đặc biệt những Lời Chúa dạy trong Kinh thánh qua những lời giảng dạy
và huấn giáo của Giáo hội, những người có trách nhiệm giảng dạy Lời Chúa. Còn
giả như nếu những vị ấy ngôn hành bất nhất thì Đức Giê-su vẫn muốn chúng ta có lòng đơn thành tìm kiếm và thực
thi thánh ý Chúa chứ không vì những thành kiến cá nhân, không vì những khuyết
điểm này, nết xấu kia của những người có trách nhiệm giảng dạy mà xa rời Thiên
Chúa hoặc chối bỏ không đón nhận chân lý Tin mừng của Chúa, đồng thời cũng đừng
bắt chước những việc làm sai trái của họ: "Các
kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy,
tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những
việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”.
Trải
dài lịch sử cứu độ, Kinh thánh cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn đặc biệt yêu
thích những kẻ khiêm nhường và triệt hạ phường kiêu căng tự mãn. Thật vậy khởi
đầu từ sách Sáng thế đã cho chúng ta thấy con người do tội kiêu ngạo muốn tự
mình làm quan xét, phân biệt tốt xấu mà không cần đến Thiên Chúa nên đã đi vào
hố diệt vong (St.); Nhưng nhờ sự khiêm tốn vâng phục của Đức Giê-su “Lương thực ta dùng là thi hành ý muốn của
cha ta” () và lòng khiêm nhường thẳm sâu của Đức Maria, “Này tôi là nữ tì của Thiên Chúa, tôi xin
vâng như lời Chúa truyền” () con người đã lãnh nhận được ơn cứu sống.
Bởi
vì Chỉ có Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí và chỉ nơi Người mới có sự
thật toàn vẹn nên chúng ta hãy khiêm tốn tìm cầu thánh ý Chúa hơn là chăm chăm
tìm ý riêng và áp đặt ý của mình trên người khác như Đức Ki-tô dạy: 8 "Phần anh em,
thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy ; còn
tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi
ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh
em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo,
là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải
làm người phục vụ anh em.
Giáo
hội đặc biệt dùng Mùa chay thánh để giúp các tín hữu sống tinh thần sám hối –
hoán cải và canh tân. Để sống tinh thần sám hối thực sự, chúng ta hãy xin Chúa
ban cho chúng ta tâm hồn khiêm tốn để nhận ra chính mình với những yếu đuối,
khuyết điểm để sám hối, và muôn vàn hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc
sống để cảm tạ tri ân, đồng thời biết canh tân cuộc sống theo Tin mừng để mỗi
ngày sống khiêm tốn và yêu thương nhiều hơn như lòng Chúa mong muốn.
Lạy
Chúa Giê-su là Đấng rất mực hiền hậu và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng
con nên giống Chúa!
Lạy
Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, xin cho con luôn đặt niềm tin tưởng vào
Chúa! Xin đồng hành với con trong cuộc sống mỗi ngày, giúp con luôn kiếm tìm và
thi hành thánh ý Chúa. Chớ gì con luôn tôn nhận Chúa là thầy khôn ngoan, là
lãnh đạo tài trí và là cha hằng yêu thương con để con luôn sống tín thác vào
Ngài. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh, OP