Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên
KHÔN KHÉO
Lời Chúa : Lc 16, 1-8
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người
phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ.
Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: "Tôi nghe nói anh sao đó. Anh
hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa".
Người quản lý thầm nghĩ rằng: "Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức
quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu
thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ".
"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất
rằng: "Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm
thùng dầu". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống
mau mà viết lại năm mươi". Rồi anh hỏi người khác rằng: "Còn anh, anh
mắc nợ bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm giạ lúa miến". Anh bảo
người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi".
"Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách
khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con
cái sự sáng".
Suy Niệm :
Trong bài Tin Mừng, Chúa
Giêsu thuật lại dụ ngôn người quản lý khôn ngoan. Người quản lý này bị tố cáo
đã phung phí tài sản của ông chủ nhà, nên anh bị ông chủ sa thải. Khi biết mình
sắp bị sa thải, anh liền nghĩ ngay đến cuộc sống tương lai của mình : “'Tôi phải
làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi?”
Cách mà người quản lý này
chọn để làm là dùng chính tài sản của ông chủ để mua lấy cảm tình của những con
nợ của chủ, bằng cách “dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu”.
Người quản lý này thật khéo
léo và khôn ngoan, nhưng anh khôn theo kiểu thế gian, bằng những hành động
bất lương, gian dối để tìm hạnh phúc ở đời.
Chúa Giêsu không khen ngợi
tính gian xảo, thiếu trung thực của người quản lý. Ngài chỉ khen người quản lý
này khôn khéo, biết lo liệu cho tương lai của anh.
Qua dụ ngôn người
quản lý khôn khéo bất lương, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta biết dùng sự khôn
ngoan của Chúa ban để tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu. Ngài nhắc nhở chúng ta
phải khôn ngoan lựa chọn đâu là hạnh phúc đích thực, đâu là con đường dẫn đưa
chúng ta đạt tới Nước Trời.
Sự khôn ngoan đích thực và
cần thiết cho chúng ta ở đây là gì? Thưa là những lời Chúa dạy trong Tin Mừng,
chẳng hạn:
-Khôn ngoan như 5 cô trinh
nữ khôn ngoan, biết chuẩn bị dầu đèn đi đón chàng rể (x.Mt 25,1-13).
-Khôn ngoan trong sự lựa
chọn ưu tiên là Nước Trời : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm
cho.” (Mt 6,33).
-Khôn
ngoan của Tin Mừng mở
cho chúng ta một hướng đi tuyệt vời : nếu chịu mất sự sống vì Đức Kitô chúng
ta sẽ được lại : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có
ích gì” (Mt 16,26).
Vậy, qua bài Tin Mừng hôm
nay, với dụ ngôn người quản lý khôn khéo, Chúa Giêsu hướng chúng ta đến một sự
khôn ngoan đích thực, đó là biết dùng tiền bạc ở đời này để tạo lập cho mình một
“gia sản thiêng liêng” : “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để
khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.” (Lc
16,9).
Chúng ta có biết dùng tiền
của ở đời này để mua lấy hạnh phúc vĩnh cửu mai sau hay không? Chúng ta có biết
biến tiền của hay hư nát ở đời này thành gia sản vĩnh viễn ở trên trời hay
không?
Để làm được việc này,
chúng ta phải vượt qua sự khôn ngoan, nhạy bén đầy tính toán của người đời để đạt
tới sự khôn ngoan nhạy bén đầy quảng đại theo tinh thần Phúc Âm.
Kinh nghiệm của người đời,
muốn tạo lập một gia sản giàu có, kếch xù phải tích lũy, chắt bóp, lợi dụng thời
cơ thuận tiện để phát triển lợi nhuận. Chẳng hạn : người ta dùng tiền gởi ngân
hàng, đầu tư vào công việc thương mại, kinh doanh để kiếm được nhiều tiền hơn nữa.
Cũng có người biết đầu tư một cách lâu dài, bằng con đường học hành, giáo dục.
Tạo lập gia sản trên trời
khác với tạo lập gia sản nơi trần gian. Chúng ta không tìm kiếm của cải
trần thế này, nhưng là tìm kiếm Nước Trời. Chúng ta cần phải xử sự cách khôn
khéo để làm sao tiền bạc không trở nên một thế lực thống trị và biến chúng ta
thành nô lệ; trái lại, cần phải biến nó thành phương tiện phục vụ con người bằng
cách làm phúc bố thí chứ không phải bo bo giữ cho riêng mình, phải rộng
rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình.
Người Kitô hữu nhớ rằng,
tiền bạc không phải là cùng đích mà chỉ là phương tiện. Chúng ta xử sự thế nào
để tiền của không cản trở bước đường đi đến đời sống vĩnh cửu khi
chúng ta nhắm mắt xuôi tay. Chúng ta hãy sử dụng đồng tiền trần gian hay
hư nát để biến thành gia sản vĩnh cửu trên trời.
Lạy Chúa, xin cho con biết
sử dụng những thứ Chúa giao cho con quản lý để tạo nên kho tàng vĩnh viễn cho
con ở trên trời. Amen.
Lm. Duy Khang