THỨ TƯ LỄ TRO
BỐ
THÍ, CẦU NGUYỆN, ĂN CHAY
Lời Chúa Mt
6,1-6.16-18
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng :
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên
hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời,
ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh
trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá,
cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng
rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết
việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của
anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn
đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các
ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần
thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng
cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của
anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như
bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn
chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn
anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để
không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Suy niệm
Bố
thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc đạo đức mà người Ki-tô hữu vẫn thường
làm. Cách đặc biệt trong Mùa Chay Giáo Hội kêu gọi con cái mình ý thức hơn để
đi vào chiều sâu bên trong của những hành vi đạo đức mà chúng ta vẫn thực hành.
Liệu rằng những việc lành phúc đức mà chúng ta đã và đang thực hành có đẹp lòng
Chúa? Trong Tin mừng Mát-thêu hôm nay Chúa Giê-su cảnh giác với thói phô trương
hình thức bên ngoài và kêu mời chúng ta bố thí, cầu nguyện, ăn chay theo cách
mà Người muốn.
Danh, lợi, thú vẫn luôn là những cám dỗ hấp dẫn và lôi cuốn
con người. Nhất là được danh thơm tiếng tốt ở đời. Ai cũng muốn mình được nổi
tiếng, được nhiều người biết đến. Ngay cả trong sự thánh thiện cám dỗ ấy không
chừa một ai. Muốn được người ta khen và công nhận mình là người đạo đức, thánh
thiện, có lòng quảng đại. Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại lời cảnh cáo thói phô
trương, chạy theo hình thức bên ngoài. Khi bố thí đừng khua chiêng đánh trống. Khi
cầu nguyện đừng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã
ba ngã tư cho người ta nhìn thấy. Khi ăn chay đừng làm bộ rầu rĩ. Chúa gọi
chung những kẻ làm như thế là “bọn đạo đức giả”. Tưởng chừng như những việc
lành thánh thiện sẽ làm vui, làm đẹp lòng Chúa thế nhưng chỉ dừng lại ở hình thức
bên ngoài cho người ta thấy, cho người ta nghe, cho người ta biết thì chẳng có
giá trị nào trước mặt Chúa. Chúa nói “chúng đã được phần thưởng rồi”. Họ đã nhận
được phần thưởng chóng qua ở đời của những tràng vỗ tay, của những lời khen ngợi,
có khi cả những tiếng xu nịnh giả dối. Giá trị thực sự của việc lành nằm sâu
bên trong mà chỉ có Chúa thẩm định được. Vì Chúa là Đấng không chỉ thấy rõ những
gì bên ngoài nhưng còn là Đấng thấu suốt những bí ẩn bên trong nữa.
Vì thế cách bố thí, cầu nguyện, ăn chay mà Chúa ưa thích là
gì? Cả ba hành động đều gắn liền với một tính từ duy nhất “kín đáo”, được lặp
đi lặp lại. Bố thí cách kín đáo. Cầu nguyện nơi kín đáo. Ăn chay cách kín đáo. Kín
đáo không phải là lén lút, che giấu vì sợ người khác biết việc ta làm. Cũng
không hẳn là sự ít thể hiện, ít giao tiếp. Hơn hết, kín đáo là nét đẹp của tâm
hồn. Biết thể hiện đúng mức và giữ lại cho mình những giá trị cao quý. Sự kín
đáo nói lên sự khiêm nhường đích thực của tâm hồn là điều mà Chúa ưa thích. Vì
chính Chúa cũng đã mời gọi “hãy học với
tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Chúng ta làm
việc thiện không vì để người đời ca tụng, nhớ ơn. Cũng không vì bản thân mình
được lưu danh nhưng vì Chúa, tin rằng Chúa thấu suốt tất cả nên dù không ai
hay, không ai biết thì tôi vẫn cứ thực hiện. Chúng ta tìm kiếm phần thưởng nơi
Chúa và từ Chúa thì những gì người đời phong tặng cho ta chẳng đáng là chi, chẳng
là gì. Cho đi một giá trị hữu hạn để đổi lấy giá trị vô hạn. Thay vì chờ đợi một
phần thưởng tạm thời của thế gian thì hãy chờ đợi phần thưởng vĩnh viễn của
Thiên Chúa.
Vậy nên, bố thí không hệ tại cho đi tiền bạc, của cải hay vật
chất thật nhiều, nhưng dù ít với khả năng trong tầm tay tôi vẫn có thể làm được.
Ngay cả khi tôi không có gì thì tôi còn có nụ cười để chia san vui buồn với người
bên cạnh; có một cánh tay, một bàn chân nâng đỡ cho người già yếu, bệnh tật; một
đôi tai để lắng nghe tâm tư kẻ ưu sầu, một lời nói để cảm thông, an ủi cho người
khổ đau…Cầu nguyện không hệ tại ở việc ngồi lâu giờ hay ở những cử chỉ nghiêm túc
nhưng là tôi có dành cho Chúa giây phút nào không, tôi là ai trong tương quan với
Chúa. Ăn chay không hệ tại giữ cho đúng giờ, đúng cách mà còn hãm bớt những
thói hư tật xấu. Mọi việc lành khởi đi từ tâm hồn, xuất phát từ con tim luôn mở
ra cho chúng ta một chân trời yêu thương không bờ bến. Có lẽ chúng ta đã từng
nghe câu hát đầy ý nghĩa “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” của cố nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn. Trao cho nhau một tấm lòng là trao cho nhau cái đáng quý nhất,
đáng giá hơn mọi vật chất trên đời. Chúa
nói “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế”
(Mt 9,13;12,7) là thế đó.
Dẫu rằng những hành vi đạo đức luôn kèm theo những hình thức bên
ngoài. Hay nói cách khác những gì chúng ta thể hiện ra bên ngoài nói lên tấm
lòng bên trong. Song chúng ta không tìm kiếm hay mong đợi sự tung hô, ca ngợi,
nhìn nhận đến từ thế gian. Sống đạo không phải là làm một số nghi thức nhưng
trên hết mọi sự là có một tinh thần mới vượt trên những thói tục thế gian. Nhờ
đó việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay mà chúng ta thực hiện là việc của con
tim, của tình yêu với Chúa và với tha nhân chứ không vì chính mình.
Lạy Chúa, bước vào Mùa Chay, Mùa sám hối và canh tân. Xin cho
chúng con biết dùng thời gian này như là cơ hội quý báu để chúng con nhìn lại bản
thân hầu canh tân đời sống chúng con hơn nữa. Gắn bó với Chúa hơn qua việc
chuyên chăm cầu nguyện. Yêu thương tha nhân hơn nhờ thực thi bác ái. Thăng tiến
bản thân hơn trong sự hãm mình chay tịnh. Amen
Nhật nguyệt