THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN
“Không có hy sinh nào là
vô nghĩa!”
Lời Chúa
Mc 10,28-31
Khi ấy, Phêrô thưa cùng
Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?" Chúa
Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em,
chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại
không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng
nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ
trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".
Suy niệm
Tin mừng là mạc khải của Chúa cũng chứa đựng trong đó cả
những kinh nghiệm của con người. Đọc và nghiễn ngẫm lời Chúa sẽ giúp chúng ta
hiểu về cuộc đời, về thế giới, về con người và về chính mình. Một cách cụ thể,
câu hỏi mà thánh Phêrô đề cập với Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay cũng là câu
hỏi của mỗi chúng ta. Qua đó, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của những hy sinh
trong đời Kitô hữu khi bước theo Chúa Giêsu.
Dù đi theo Chúa Giêsu nhưng các tông đồ lúc bấy giờ vẫn
mang nặng suy nghĩ về một Đấng Cứu Thế “đánh đông dẹp Bắc” để mang lại sự giải
phóng cho dân tộc Do Thái. Theo đó, các ông sẽ được coi như những “khai quốc
công thần” với đầy uy quyền trần thế. Tư tưởng đó là điều không thể tránh khỏi
vì lúc ấy, họ chưa thật sự hiểu rõ về con người và sứ mạng của Thầy mình. Dầu vậy,
câu hỏi của thánh Phêrô lại cho thấy suy nghĩ thường tình của con người về cái
gọi là “được – mất”, “thiệt – hơn”: “Ðây
chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” (Mc 10,28). Ở Tin mừng theo thánh Matthêu,
câu hỏi của thánh Phêrô còn rõ ràng hơn nữa: “Chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27). Đối diện với câu hỏi ấy, Chúa
Giêsu không trách Phêrô cũng như các tông đồ. Lý do là vì Người hiểu rõ tâm lý
của họ. Chỉ có điều là thay vì giúp họ đạt được vinh quang trần thế, Chúa Giêsu
hướng họ về vinh quang Nước Trời vĩnh cửu mai sau: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ,
con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp
trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng
với sự bắt bớ và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu” (Mc 10,29-30). Câu trả lời
của Chúa rất rõ ràng: đi theo Chúa sẽ được lợi cả đời này và đời sau. Tuy
nhiên, mấu chốt vấn đề mà chúng ta không được quên là: “cùng với sự bắt bớ” (câu 30). “Sự bắt bớ” ở đây có khi được hiểu
theo nghĩa đen trong thời gian Hội Thánh bị bách hại. Còn trong hoàn cảnh bình
thường, “sự bắt bớ” còn muốn nói đến khía cạnh hy sinh: chấp nhận chịu thiệt
thòi vì lòng mến Chúa và vì tha nhân. Dù thế, Chúa nói rõ rằng tất cả những hy
sinh của chúng ta sẽ không bao giờ là vô ích, bởi vì mọi hy sinh vì Chúa và vì
tha nhân, cho dẫu là những điều bé nhỏ tầm thường, đều có giá trị trước mặt
Chúa. Chính Chúa Giêsu đã để lại mẫu gương cho chúng ta: 30 năm hy sinh âm thầm
tại làng quê Nazareth cho đến 3 năm hy sinh rao giảng Tin mừng và chịu chết
trên thập giá. Tất cả cuộc đời của Chúa là cả một hy sinh vô tận: hy sinh từ những
việc nhỏ bé nhất cho đến những điều lớn lao cao cả. Cả một chuỗi dài hy sinh
liên lỉ ấy của Chúa Giêsu vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến nhân loại đã mang lại
biết bao ơn phúc cho con người và nhất là sinh ơn cứu độ muôn đời. Đó là minh
chứng sống động để mỗi người chúng ta cũng biết can đảm đón nhận hy sinh vì
Chúa và vì tha nhân để thánh hoá chính mình, sinh ơn ích phần rỗi đời đời cho
chính chúng ta và cho nhiều người khác theo gương Chúa Giêsu.
Chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu cũng giúp ta hiểu rằng
sự hy sinh là điều cao cả nhưng nó cũng phải phát xuất từ một động lực chính
đáng. Thật vậy, đâu có thiếu những người vẫn âm thầm chấp nhận hy sinh, chịu
bao thua thiệt nhưng động cơ từ bên trong lại chỉ để trả thù người làm hại
mình; hoặc có người sẵn sàng chịu bao khó khăn để rồi chỉ mong đến ngày hạ bệ
người khác,…Những con người ấy cũng là những con người chịu hy sinh nhưng sự hy
sinh đó lại không sinh ích lợi đời đời mà chỉ đơn thuần nhắm đến những cái lợi
trước mắt, để thoả mãn ý riêng hoặc để tìm kiếm những lợi ích trần thế mau qua mà
thôi. Họ hy sinh nhưng chỉ vì yêu bản thân, yêu cái tôi và đó không phải là sự
hy sinh theo khuôn mẫu của Chúa chúng ta và lý tưởng của người Kitô hữu! Thật vậy,
động lực của sự hy sinh như Chúa nói phải là “vì Thầy và vì Phúc Âm” (câu 29). Như thế, Chúa vừa xác định rõ động
lực của việc hy sinh và cũng vừa để nhắc các tông đồ thanh luyện động lực dấn
thân theo Chúa mà vốn dĩ lúc ấy vẫn còn rất vương mùi thế tục nơi các ông. Quả
thế, một đàng họ bị cuốn hút bởi Chúa nhưng đàng khác kiểu suy nghĩ của thế
gian vẫn đang rất mạnh nơi họ: theo Thầy Giêsu để được vinh quang trần thế.
Chúa biết rõ lòng họ và Chúa từ từ dạy dỗ để giúp họ có được động lực dấn thân
hy sinh vì Chúa. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, về sau, các tông đồ đã hoàn
toàn theo Chúa vì lòng mến Chúa và đã chấp nhận hiến mình làm lễ vật hy sinh
như những chứng nhân tuyệt vời về tình yêu Chúa dành cho họ.
Vì thế, để có thể hiểu được giá trị của sự hy sinh,
chúng ta cần tỉnh táo để phân định và tự nhắc nhở bản thân xem chúng ta có thực
sự hy sinh vì Chúa hay chỉ là vì cái tôi ích kỷ của bản thân. Đó cũng là kinh
nghiệm được thánh Phêrô truyền lại cho chúng ta: “Các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào
hoặc hoàn cảnh nào Thần Trí của Đức Kitô chỉ cho các ngài biết: phải tiên báo
những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Đức Kitô” (1Pr 1,11). Như thế, trong việc dấn thân theo Chúa, các
ngài luôn xem xét để biết đâu là ý Chúa và đâu là ý riêng kẻo thay vì làm theo
ý Chúa để mọi sự nên tốt, người ta lại làm theo ý mình khiến mọi sự nên xấu. Nhận
biết được ý của Chúa, thánh nhân cũng chỉ cho chúng ta thấy cần có một động lực
chính đáng: “Các ngài được mạc khải cho
biết rằng các ngài không phải phục vụ chính mình mà là cho anh em trong những
gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay” (1Pr 1,12). Như vậy, họ đón nhận
ý Chúa và sẵn sàng phục vụ theo ý Chúa để mưu cầu ích lợi cho tha nhân chứ
không chỉ vì bản thân họ.
Để có thể trung thành với một đời hy sinh
phụng sự Chúa và tha nhân, thánh Phêrô còn dạy thêm: “Anh em hãy sống như những người con biết vâng phục, đừng chạy theo những
đam mê lúc trước là thời kỳ anh em còn mê muội nhưng hãy noi gương Đấng Thánh
đã kêu gọi anh em. Chính anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống” (1Pr
1,14-16). Như thế, để có thể sống đời hy sinh cách trọn hảo, chúng ta cần phải
tập bỏ cái tôi tự cao để chấp nhận đặt ý Chúa trên ý mình, đón nhận ý Chúa hơn
làm theo ý riêng. Sự vâng phục ấy là điều không thể thiếu, cả trong những trường
hợp chúng ta chưa hiểu được ý Chúa hay ý Chúa khác xa ý riêng ta. Kinh nghiệm của
các thánh và đôi khi cũng của chính chúng ta cho thấy nếu chúng ta cứ cố gắng
vâng phục ý Chúa cả trong những hoàn cảnh trái ý mình và trung thành như thế
thì sau đó, khi nhìn lại, chúng ta mới thấy ý Chúa nhiệm mầu và tốt đẹp hơn những
gì chúng ta suy nghĩ trước đó. Đó chính là một sự hy sinh âm thầm nhưng rất cao
cả và quyết định cho hạnh phúc của cuộc đời chúng ta, bởi như lời Đấng Kính
Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận dạy: “Bỏ
tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ
góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3).
Những cảm nghiệm trên giúp chúng ta hiểu rằng
trong tất cả mọi việc mà chúng ta làm vì Chúa đều có giá trị của những hy sinh.
Thật vậy, để có thể cười vui được với người đang làm chúng ta không vui đòi hỏi
chúng ta phải hy sinh bỏ đi sự nóng giận hay bực tức nơi chính mình; để có thể
sống vui trong những hoàn cảnh đang làm cho mình không vui, chúng ta cũng phải
nỗ lực “chiến đấu” với bản thân, chấp nhận để cho lời Chúa soi dẫn mình thì mới
có thể tìm ra động lực để vui sống; hoặc để có thể vui vẻ trả lời câu hỏi của
con cái hay của vợ / chồng khi bản thân đang có điều lo nghĩ bực bội thì rõ
ràng chúng ta cũng phải hy sinh gác mọi chuyện qua một bên để trao cho nhau cái
nhìn hiền hậu và câu trả lời từ tốn;….Như thế, ta sẽ hiểu giá trị thật sự của
hy sinh vì Chúa: nó không hệ tại ở những việc lớn lao hay nhỏ bé, vĩ đại hay
bình thường nhưng ở chỗ chúng ta đã bỏ ý riêng mình như thế nào mà thôi. Điều
này khiến cho mọi hy sinh, dù lớn dù nhỏ, đều mang giá trị cao cả khi người ta
biết thật lòng bỏ ý riêng vì Chúa mà làm theo ý Chúa và mưu cầu ích lợi cho người
thân cận.
Bài học từ lời Chúa hôm nay thêm sức cho chúng ta để
nhờ hiểu biết ý nghĩa của những hy sinh vì Chúa trong đời, chúng ta được tiếp
thêm động lực và sức mạnh để can đảm vượt qua những lúc phải mệt nhọc hay vất vả
hầu có thể chu toàn bổn phận với Chúa, với người thân cận và với chính mình. Những
lúc vui vẻ hay thuận lợi thì hy sinh một chút còn dễ dàng nhưng những lúc “trái
gió trở trời”, những lúc nghịch cảnh hay không thuận lợi, muốn hy sinh vì Chúa
phải có một động lực mạnh để thúc chúng ta ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Ý
thức rằng mọi hy sinh đều có giá trị, mọi sự từ bỏ ý thích cá nhân riêng mình
vì ích chung đều là một cuộc chiến mang lại vinh quang đời đời, chúng ta sẽ có
được sức mạnh tích cực để hân hoan vui sống. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có thể chu
toàn thật tốt cuộc đời Kitô hữu, trở nên những người chồng, người vợ tốt, những
người con ngoan để bản thân được hạnh phúc và gia đình được bình an.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nói đến hy sinh, chúng con thường dễ
mang tâm trạng ngại ngùng và né tránh vì nó khiến chúng con phải vất vả hơn, phải
nỗ lực hơn và phải cố gắng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhờ lời Chúa hôm nay mà chúng
con hiểu giá trị của mọi hy sinh vì Chúa trong đời. Vì Chúa mà chúng con hy
sinh chính là một cuộc chiến để thắng thói hư nết xấu của chính chúng con để
chúng con nên người mạnh mẽ và thánh thiện hơn theo gương Chúa là Đấng thánh. Đồng
thời, khi vì Chúa mà đón nhận hy sinh, chúng con cũng đang góp phần làm thăng
tiến gia đình và cộng đồng để mang yêu thương và hạnh phúc đến cho người thân cận.
Xin giúp chúng con hiểu sâu và khắc ghi bài học Chúa dạy và cố công thực hiện
trong đời sống hằng ngày. Amen.
Thực hành: Tập hy sinh bỏ những ý riêng nho nhỏ khi phải
vì Chúa mà làm.
Lm.
Phêrô Trần Lê Thành Nhân