Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 8

Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C

SỐNG ĐẸP

Lời Chúa  Lc 6, 39-45

CN 8 TN C.jpgKhi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Suy niệm

Trong thể thao, người ta thường nói đến Fair play để chỉ những cách chơi, cách cư xử đẹp trong khi thi đấu. Trong cuộc sống, người ta không chỉ thích những người đẹp: đẹp trai, đẹp gái, đẹp lão, mà còn thích những người nói đẹp, sống đẹp. Ai cũng thích cái đẹp và muốn làm cho mình nên đẹp, nên dễ thương. Tuy nhiên, nhiều người mới chỉ chú ý đến cái đẹp hình thức bên ngoài như trang điểm son phấn, quần áo mà quên rằng cái đẹp thật sự phải phát xuất từ trong tâm hồn. Vì thế, có nhiều người nhìn bên ngoài rất đẹp, ăn mặc đồ hiệu đắt tiền, nhưng lời nói và cách cư xử lại không đẹp. Ngược lại, có những người sống rất giản dị, nhưng vẫn thu hút, bởi vẻ đẹp toát lên từ trong tâm hồn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải biết sống đẹp không chỉ bên ngoài mà phải đẹp cả trong tâm hồn của mình. Đây chính là cái nền làm nên vẻ đẹp ở bên ngoài. Bài đọc Sách Huấn Ca là những lời dạy rất sâu sắc của tiền nhân được đúc kết lại từ kinh nghiệm sống hàng ngàn năm của dân Do Thái. Tác giả dùng những hình ảnh rất gần gũi để giúp người ta phân biệt xấu và tốt: “Thóc đưa lên sàng sẽ phân biệt được lúa tốt và vỏ trấu; bình gốm tốt hay xấu cứ thử qua lửa thì sẽ biết; nghe nói chuyện thì biết lòng thật hay lòng gian; xem quả thì biết cây. Muốn biết một người tốt hay xấu thì đừng đánh giá theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng nghe những lời họ nói và nhìn cách cư xử của họ.” Đây là những kinh nghiệm dân gian rút ra từ cuộc sống và đúc kết lại thành những lời nhắc bảo cho các thế hệ sau này và còn thích hợp với hết mọi người, mọi dân.

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu. Ngài nhắm đến cái đẹp của tâm hồn và đưa ra những bài học cụ thể. Trước tiên, Chúa muốn mỗi người hãy biết khiêm tốn nhìn lại bản thân, tự xét mình và điều chỉnh những gì chưa đẹp nơi tâm hồn. Trong cuộc sống, con người thường bị cám dỗ thích thể hiện bản thân, đặt mình ở vị trí cao hơn những người khác, coi mình như là trung tâm vũ trụ, là thầy của thiên hạ. Trong khi đó, “Nhân vô thập toàn” con người không ai là hoàn hảo, không ai là tuyệt đối, vì thế, cần biết khiêm tốn để lắng nghe và học hỏi: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Thế nên, đừng tự cho mình là hơn người khác và nhất là đừng bao giờ coi thường người khác, vì có thể họ còn hơn ta rất nhiều.

Bài học thứ hai Chúa dạy chúng ta là đừng vội xét đoán anh em. “Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái xà trong mắt mình lại không để ý tới?” Người ta dễ dàng xét đoán người khác vì ngầm nghĩ rằng tôi tốt hơn người đó, tôi không như người đó. Mặt khác, người ta lớn tiếng xét đoán, chỉ trích anh em là nhằm để che giấu cái sai và cái khiếm khuyết của mình. Lên án, chỉ trích người khác thì dễ, nhưng để lắng nghe những góp ý phê bình về bản thân mình thì không dễ chút nào. Vì thế, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: Trước khi góp ý phê bình người khác, cần phải điều chỉnh bản thân mình trước: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã rồi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em.”

Bài học thứ ba Chúa dạy chúng ta hôm nay là nhìn và đánh giá hành vi của người khác dựa trên đời sống, việc làm và tâm hồn của họ. Một người có tâm hồn cao thượng sẽ có những hành vi cao thượng; người có tâm hồn trong sáng, cao đẹp thì sẽ có những lời nói hành vi trong sáng và việc làm tốt đẹp. Trái lại, người có tâm hồn u tối, mờ ám thì hành vi, lời nói, cử chỉ sẽ thể hiện sự mờ ám: “Cây tốt thì sinh trái tốt, xem quả thì biết cây.” Người tốt thì nói những lời tốt đẹp phát xuất từ trong lòng. Trái lại, kẻ xấu thì cũng sẽ lấy những cái xấu từ trong lòng để cư xử với người khác, vì: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.”

Từ những hình ảnh rất cụ thể đó, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta cần phải làm đẹp từ trong tâm hồn. Cần tập luyện để mình có được tâm hồn trong sáng, có những suy nghĩ quảng đại, khoan dung và trong lòng nuôi dưỡng những hình ảnh và ước muốn cao thượng. Con người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi để sống hướng thượng, vươn lên cao. Tuy nhiên, tội lỗi, ích kỷ và dục vọng lại luôn lôi kéo chúng ta vào những đam mê xấu. Thay vì phải cố gắng mỗi ngày sống hướng thượng, chúng ta lại dễ dàng bị lôi kéo xuống phần hạ của con người.

Để có thể vượt lên trên phần hạ, để sống và hành động theo phần thượng của con người chúng ta cần cậy dựa vào Đức Giêsu, Đấng đã chiến thắng, ma quỷ, tội lỗi và những lôi kéo cám dỗ của nó để sống trung thành với Thiên Chúa và thực thi ý định của Ngài. Thánh Phaolô đã giải thích cho dân Côrintô hiểu rằng, mặc dù chúng ta vẫn mang trong mình thân xác phải chết và nhiều yếu đuối, giới hạn, nhưng chúng ta đã được Đức Giêsu cứu chuộc và ban cho sức mạnh của Người. Người đã làm cho cái thân xác phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, làm cho sự yếu đuối của con người trở nên mạnh mẽ nhờ cuộc chiến thắng của Người. Vì thế, để có thể đón nhận được sức mạnh vượt thắng yếu đuối đam mê, vượt thắng phần hạ để sống cao thượng cần phải: “Kiên tâm bền chí và tích cực tham gia vào công việc của Chúa. Vì trong Chúa, sự khó nhọc rèn luyện của anh em không trở nên vô ích.”

Thưa quý OBACE, như đã chia sẻ ở trên, chúng ta thường dễ dàng chỉ trích, phê bình người khác, rất khắt khe đòi hỏi người khác, nhưng lại không dám phê bình bản thân và sống dễ dãi với con người xác thịt của mình. Hơn nữa, xã hội ngày nay dường như đang cổ võ cho những cách sống nhỏ nhen, ích kỷ, thiếu quảng đại, khiến chúng ta như bị chìm ngập trong lối sống hẹp hòi và tự do với vô số điều xấu.

Nhiều cha mẹ đang để cho gia đình mình bị lây nhiễm những điều xấu như làm ăn gian dối, cư xử với nhau thiếu khoan dung độ lượng; trong gia đình ngập tràn những lời nói thô tục và những hành vi bạo lực. Nhiều người kể cả người lớn và thanh thiếu niên bị nghiện những trang mạng xấu, những phim ảnh dâm ô. Những hình ảnh xấu đó sẽ phá huỷ sự trong sạch của tâm hồn và dẫn đến những suy nghĩ, lời nói thô tục cùng những hành vi xấu xa, dâm ô.

“Xem quả thì biết cây”; nhìn con cái sẽ biết cha mẹ. Gia đình đạo đức, nhiệt thành tông đồ thì sẽ có những đứa con chăm ngoan; gia đình lười biếng sẽ có những đứa con lười biếng. Bố mẹ chửi bới, tục tĩu thì con cái cũng chửi bới, tục tĩu; bố mẹ côn đồ, bạo lực thì sẽ có những đứa con bạo lực, côn đồ. Để có thể trổ sinh hoa trái tốt nơi con cái, chắc chắn cha mẹ phải làm cho cây gia đình của mình trở thành một cây tốt, được chăm sóc, tưới gội hằng ngày. Chúng ta phải chăm sóc cho cây gia đình bằng tình yêu thương, lòng khoan dung, quảng đại, cư xử với nhau bằng cảm thông, tha thứ thay vì bạo lực, chửi bới, nóng nảy. Nhất là cần phải tưới gội cho gia đình bằng nếp sống đạo đức qua việc tham dự Thánh lễ, các giờ kinh sớm tối và các việc tông đồ phục vụ. Tập cho mọi thành viên trong gia đình biết sống quảng đại, sẻ chia, có một tấm lòng và đôi tay rộng mở đối với mọi người. Như thế, chắc chắn gia đình sẽ gặt hái được những hoa yêu thương, quả hạnh phúc cho mái ấm của mình.

Cá nhân mỗi người cũng là một “Cây Kitô hữu” được trồng trong xã hội này. Chúng ta sẽ phải trổ sinh những hoa trái có hương vị Công Giáo, có chất đạo đức chứ không thể ra trái vô đạo. Chúng ta sẽ phải là hoa thơm trái ngọt cho đời, để mọi người khi hưởng nếm trái ngọt nơi đời sống người tín hữu, họ có thể nhìn thấy Chúa hiện diện trong tâm hồn, qua lời nói và việc làm của chúng ta. Muốn ra hoa trái mang hương vị của Tin Mừng, chúng ta sẽ phải được chăm sóc bằng Thánh Thể Chúa Giêsu, diệt trừ sâu bệnh bằng Bí Tích Giải Tội, được Tin Mừng cắt tỉa và được tưới gội bằng việc cầu nguyện mỗi ngày, chắc chắn chúng ta sẽ trổ sinh hoa thơm, trái ngọt, chất lượng cho đời.

Xin Chúa cho chúng ta có cái nhìn khoan dung độ lượng với anh em. Xin Chúa gìn giữ và thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những hình ảnh, ước muốn và hành động xấu xa; cho chúng ta biết luôn nhớ và suy tưởng về Chúa trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động, để mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói sẽ lan toả hương thơm của Tin Mừng. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HHTM

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_LM ĐAN VINH- HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên Năm C- LM ĐAN VINH – HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường Niên Năm C -Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VIII Thường niên- Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VIII Thường niên- Lm. Quôc Khánh SBD
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VIII Thường niên- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VIII Thường niên- Nguyễn Văn Nghị