SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN III
MÙA CHAY NĂM B
Chúa Giêsu kiện toàn lề luật, đưa những đòi hỏi của lề luật vào chiều kích nội tâm, nâng cao giá trị của lề luật: “ Ai giữ và dạy người khác như thế, là người lớn trong nước trời”.
LỜI CHÚA : Mt 5, 17 - 19
(17) "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (18) Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. (19) Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
SUY NIỆM
Luật Môsê và lời các ngôn sứ là những điều cốt yếu trong Thánh Kinh, nhằm biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa, đó là những điều rất cao cả và quan trọng, là thước đo lòng yêu mến của con người đối với Thiên Chúa, là tiêu chuẩn của sự thánh thiện, là con đường đi tới ơn cứu độ. Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu làm sáng tỏ những chiều kích ấy, và Ngài làm cho nó nên trọn hảo, có ý nghĩa chân thực đúng thánh ý Thiên Chúa hơn. Nhờ đó, chúng ta tuân giữ giới luật của Thiên Chúa có giá trị mới mẻ đúng Tin Mừng hơn.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bải bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bải bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Lời nói ấy Chúa Giêsu có ý biểu lộ mối tương quan và lập trường của Ngài đối với toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Ngài không phải là con người bảo thủ, cứng nhắc, Ngài cũng không chủ trương cách mạng, thay đổi tất cả nhưng là kiện toàn. Chúa Giêsu đem lề luật đến chỗ thập toàn, đạt được ý nghĩa tròn đầy, đích thực và cánh chung, đúng ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói: “Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo…” như vậy, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là người lập luật cao hơn Môsê, và Ngài đưa luật về sự tinh tuyền nguyên thủy với những yêu sách trước tiên nơi lòng dạ chính trực của con người. Chúa Giêsu đưa ra vài sự kiện điển hình: Ngài không chỉ kết án tội sát nhân, mà còn những tình cảm trong lòng dẫn đến tội sát nhân, có mức độ tăng dần như nóng giận rồi mắng nhiếc, chửa rủa và án phạt tương ứng tăng dần từ địa phương đến Thượng Hội Đồng, và đến lửa hỏa ngục. Với tội ngoại tình, Ngài nói: Ai nhìn người nữ mà có lòng thèm muốn thì đã phạm tội rồi. Ngài còn đi đến mức dứt khoát: “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi phạm tội thì hãy múc nó đi, nếu là tay, là chân thì hãy chặt nó đi”. Chúa cũng phân định luật yêu thương là luật cao hơn mọi luật khác. Do đó chúng ta thấy có một sự nối tiếp và nên trọn từ Cựu Ước sang Tân Ước. Nhờ đó luật đem lại lợi ích tối đa cho chúng ta là những người tuân giữ luật cách trọn vẹn như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong luật cũng sẽ không qua đi cho đến khi mọi sự được hoàn thành”, tức là đến lúc Chúa Giêsu thiết lập một trật tự mới. Chúa Giêsu còn đặt để cho luật có một giá trị siêu nhiên: “Ai giữ và dạy người khác như thế, là người lớn trong nước trời”. Giữ và dạy bằng chính cuộc sống của mình, giữ trọn là giữ cả trong cuộc sống và việc làm, giữ các điều lớn, và điều nhỏ cũng không được bỏ qua, giữ luật và tập các nhân đức nữa. Giữ với tinh thần mới mẻ là đặc quyền ưu tiên cho thái độ nội tâm, giữ luật Tân Ước vượt qua Cựu Ước sâu xa khi người Kitô hữu đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa, chứ không phải là cái nhìn của con người.
Làm một người Kitô hữu, chúng ta phải sống trọn vẹn tinh thần của luật Tin Mừng, để làm chứng cho nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, và diễn đạt thánh ý Thiên Chúa qua chính đời sống của mình như là con người của Nước Trời. Khi chúng ta giữ luật Tin Mừng cách trọn hảo đầy đủ, chúng ta làm chứng cách hùng hồn hiệu quả và giá trị của Tin Mừng, chúng ta được trở nên hoàn thiện, nói lên lý tưởng và cùng đích cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải tuân giữ luật Chúa với lòng yêu mến Chúa và tôn trọng luật, vì đó là thánh ý của Chúa. Chúng ta giữ luật không chỉ với mục đích thánh hóa bản thân, mà còn mang ý hướng tông đồ là nêu gương và dạy cho người khác bằng chính đời sống của mình. Trong tâm tình và ý hướng của mùa chay, chúng ta duyệt xét và chỉnh đốn cách giữ luật và tâm tình giữ luật của chúng ta, để chúng ta chỉnh đốn lại hầu đạt được con người mới, con người của Tin Mừng, con người của ơn cứu độ.
Lạy Chúa xin cho chúng con biết tôn trọng yêu mến luật Chúa và ra sức tuân giữ cho trọn vẹn, không bỏ qua một chấm một phết của lề luật với lòng yêu mến Chúa, đề thi hành trọn ý Chúa trong cuộc đời chúng con. Ước gì luật Chúa mang lại cho chúng con đầy tràn phúc lành của Nước Trời.
Nt. M. Martin Hồ Thị Thu Thảo O.P