Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên
SỰ
SỐNG LẠI – TIN ĐƯỢC KHÔNG?
Lời Chúa: Mc 12, 18-27
18Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức
Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: 19“Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng
: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người
ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.” 20
Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không
để lại một đứa con nối dòng. 21 Người thứ
hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba
cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không để lại một
đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23
Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ?
Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.” 24 Đức
Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà
các ông lầm sao? 25 Quả vậy, khi người ta từ
cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên
thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi
dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa
phán với ông ấy thế nào? Người phán Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa
của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. 27 Người
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”
Suy niệm:
“Sự sống lại à, tin được không?” đó là câu hỏi ta
thường nghe thấy trên môi miệng những người chưa có niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng
ta sẽ chẳng ngạc nhiên về câu hỏi đó, nhưng điều quan trọng là làm sao ta có thể
minh chứng cho người khác hiểu về niềm xác tín của mình, về niềm tin Phục sinh,
tức là tin vào sự sống lại, tin vào cuộc sống sau cái chết thể lý.
Trong Tin mừng hôm nay, ta bắt gặp một nhóm người rất
khó đón nhận niềm tin phục sinh, đó là nhóm Xa-đốc. Có lẽ, không phải họ không
tin nhưng chưa dám tin vào niềm xác tín ấy của Đức Giêsu. Bởi lẽ, những người
nhóm này đa phần thuộc giới tư tế, nên họ rất rành rẻ về phụng tự và giáo lý của
Thiên Chúa. Cũng như những người Do thái khác, họ tin rằng các tổ phụ như Áp-ra-ham,
I-sa-ác, Gia-cóp không chết nhưng đang sống bên cạnh Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ
nhận thấy lòng tin vào sự sống lại tạo nên những hoàn cảnh phức tạp khó gỡ ở
bên kia thế giới, và do đó, đối với họ sự sống lại trở nên là một điều phi lý,
khó chấp nhận.
Chính óc suy tư triết lý ấy nên họ thắc mắc, họ muốn
tất cả những gì con người tin đều phải được giải thích cách thấu đáo và thuyết
phục. Quả thế, cả bảy anh em đã lấy một người phụ nữ làm vợ của mình, như vậy
khi sống lại cô ta sẽ là vợ ai? Chả lẽ người phụ nữ ấy phải có 7 chồng cùng
chung sống sao? Theo cách hiểu thông thường, đặt trong thời gian và không gian
mà con người đang tồn tại, thắc mắc của họ quả là hữu lý.
Đức Giêsu biết rõ những gì còn vướng mắc trong tâm
trí họ, nên Ngài vừa có thái độ trách mắng, nhưng vừa biểu lộ sự cảm thông và
yêu thương, khi giải thích cho họ.
Đức Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền
năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi
chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần
trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết chỗi dậy, các ông đã không đọc
trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người
phán Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của
Gia-cóp. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của
kẻ sống. Các ông lầm to!”
“Chẳng phải
vì không biết… mà lầm?”, qua nhận định
này của Đức Giêsu, rõ ràng Ngài khẳng định họ biết rất rõ về Kinh Thánh và Giáo
lý, nhưng họ chưa dám tin vào điều đó mà thôi. Chính họ chưa dám tin, nên Ngài
đã dùng thêm một ví dụ khác trong Cựu ước, có liên quan mật thiết đến niềm tin
của họ. Đó là, hình ảnh về Mô-sê khi diện đối diện với Thiên Chúa, qua bụi gai
đang cháy. Ngài đã nói cho Mô-sê biết Ngài là Thiên Chúa, là Thiên Chúa hằng hữu,
Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông họ.
Theo niềm tin của người Do thái, các tổ phụ của họ không hề chết, các ngài đang
sống bên Thiên Chúa. Chính lẽ đó, họ luôn tin Thiên Chúa luôn đồng hành với họ,
Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải thiên chúa của kẻ chết là vậy. Đến đây,
thì họ đã rõ, sự sống lại là hoàn toàn có thể tin được, vì sự sống với Thiên
Chúa của cha ông họ, của chính bản thân họ, họ cảm nhận cách rất rõ ràng và sống
động.
Tuy nhiên, niềm tin vào sự sống lại ấy nơi những
người Ki-tô hữu ngày nay thì sao, làm sao để minh chứng cho anh chị khác biết
khi họ không sống truyền thống văn hóa của người Do Thái?
Văn hóa Việt Nam, vẫn luôn tin Trời bằng chứng là
đa số các gia đình lương dân có “bàn thờ Thiên” đặt trước nhà; họ tin có ông Trời,
tin có Thiên Chúa ấy chứ. Cũng vậy, hầu hết mọi gia đình Việt đều có bàn thờ
gia tiên, nơi tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình. Họ vẫn cúng
quải, đốt nhang để nói chuyện thì thầm với tổ tiên họ, nhờ tổ tiên hộ phù cho
gia tộc, cho gia đình. Như vậy, rõ ràng đối với họ, chết đâu phải là hết, còn một
thế giới bên kia của sự chết nữa, nhưng họ chưa biết gọi đó là thế giới gì.
Quả thế, niềm tin của người Công Giáo xác tín cách
mạnh mẽ vào thế giới của Thiên Chúa, nơi mà khi con người chết đi được trở về với
Đấng mà nhờ đó họ được tạo thành. Sau cái chết thể lý, không phải là dấu chấm hết,
nhưng là một gạch nối để bước đến, chạm vào, thông phần vào sự vĩnh hằng của
Thiên Chúa, nơi mà con người không còn bạn tâm về cơm – áo – gạo – tiền, không
còn bận tâm về sự thù hận và đau khổ.
Lạy Chúa, mầu nhiệm sự chết và phục sinh là một điều
quá trí hiểu thông thường của con người, mà nếu không có niềm tin chúng con
không thể hiểu hay đụng chạm được. Xin ban Thần Khí của sự thật, Thần Chân Lý
khai mở con tim và tâm trí chúng con, để nhờ Ngài chúng con tin và được sống lại
muôn đời. Amen.
Xuân Hạ, OMI