Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 9

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên

THIÊN CHÚA LÀM CHỦ SỰ SỐNG

thu  4 tuần IX TNA.jpg

LỜI CHÚA: Mc 12, 18-27

18 Khi ấy, những người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: 19 “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ góa mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình’. 20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không có con nối dòng. 21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết đi mà không có con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không có con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì cả bảy đều đã lấy bà làm vợ”.

24 Đức Giêsu nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?” 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn ai lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: ‘Ta là Thiên Chúa của Apraham, Thiên Chúa của Isaác, và Thiên Chúa của Giacóp’. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống. Các ông lầm to!”

SUY NIỆM

Con người được Thiên Chúa trao cho hai món quà vô giá, đó là sự sống và tình yêu. Khát vọng lớn nhất của con người là làm sao để sống cho tròn đầy trong một tình yêu viên mãn.

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay nói về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với những người thuộc nhóm Xađốc. Nhóm này hợp thành một phe mang tính chính trị hơn là tôn giáo. Phần đông trong số họ thuộc giới tư tế nên phần nào biết về một số luật Cựu ước. Họ chủ trương không có sự sống lại nên đã gặp để phản bác lại Chúa Giêsu về việc xác phàm sống lại. Họ dựa vào quan niệm xưa về người vợ phải sinh con nối dòng cho hàng tộc nhà chồng. Nếu người chồng chết sớm mà người vợ chưa có con trai, thì người anh hoặc em của chồng phải lấy nàng làm vợ để sinh con nối dòng. Người con trai chị sinh ra được kể như là con của người đã chết. Trả lời cho thắc mắc ấy, Chúa Giêsu cũng dùng Kinh Thánh Cựu ước để khẳng định với họ: “Ta là Thiên Chúa của Apraham, Thiên Chúa của Isaác, và Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (x. Xh 3,6). Chúa Giêsu đưa ra ba nhân vật quan trọng của thời Cựu ước, đó là Apraham, Isaác và Giacóp là những người đã sống và sống mãi qua dòng lịch sử của Israel. Chính Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê là Thiên Chúa hằng sống, thánh thiện và siêu việt qua ngọn lửa cháy từ giữa bụi cây (x. Xh 3,2).

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy, quan niệm về cuộc sống hậu phục sinh của những người thuộc nhóm Xađốc còn quá ngây ngô và không biết đến quyền năng của Thiên Chúa. Họ cũng không hiểu ý nghĩa phục sinh hàm chứa trong câu Thiên Chúa tự xưng là Thiên Chúa của các tổ phụ. Sự sống của Thiên Chúa không có giới hạn qua các tổ phụ của Israel.

Con người là hữu thể gồm có linh hồn và thể xác. Qua bí tích hôn phối, người nam và người nữ kết hợp với nhau để nên một thân thể. Nếu một trong hai người phối ngẫu chết, mối dây hôn phối ấy cũng hết. Vì thế, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn ai lấy vợ lấy chồng, nhưng mọi người sẽ nên giống như các thiên thần trên trời. Sự sống con người thì biến đổi từ hữu hình đến linh thiêng, còn sự sống nơi Thiên Chúa thì vĩnh cửu. Người làm chủ thời gian và không gian, là Đấng hằng hữu và vô biên.

Chính Chúa Giêsu phục sinh đã mở ra cho chúng ta mở ra niềm hy vọng mới. Từ đây loài người được sinh ra không phải để qua đi như cỏ cây nhưng sẽ tận được sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Thân xác con người phải được biến đổi, thanh tẩy, vượt qua sự hữu hạn để bước vào vinh quang vĩnh cửu. Như suy nghĩ của phái Xađốc, nếu chỉ “chấp” vào sự sống sự chết, vào việc là lấy vợ lấy chồng, chúng ta sẽ không đón nhận được lời mặc khải của Chúa. Sự sống của Thiên Chúa đáng quý và vượt trên tất cả. Chỉ những ai dám tin vào Chúa Giêsu, dám vượt qua những suy nghĩ hạn hẹp ích kỷ, dám đi vào tương quan thiết thân với Chúa, chúng ta mới cảm nhận được sự sống huyền nhiệm nơi Thiên Chúa.

Đức Giêsu “con đầu lòng trong những kẻ chết” (Cl 1,18) là người đầu tiên đi vào thế giới này để cứu chuộc vũ trụ trần gian. Từ cạnh sườn bị đâu thâu, Chúa Giêsu đã đổ ra đến giọt máu cuối cùng để tác thành nhân loại mới. Hay nói cách khác, vũ trụ nhân sinh thực sự bước vào quỹ đạo mới đầy linh thánh và tràn ngập tình yêu. Để được trở nên bất tử trong Thiên Chúa, con người cần phải tin tưởng, phải qua cuộc thanh tẩy cần thiết.

Khi hành động trái với ý Thiên Chúa, nguyên tổ loài người đã đánh mất sự sống vĩnh cửu, mối tương giao thâm tình với Thiên Chúa đã gãy đổ, loài người lầm lũi bước đi trong bóng tối và “những mùa thu chết”. Chúa Giêsu phục sinh “của đầu mùa của những kẻ đã yên giấc” (1Cr 15,20) đã làm bừng nở đóa hoa sự sống nơi địa đàng. Từ đây, niềm tin tưởng của dân Do Thái vào việc kẻ chết sống lại được Đức Giêsu bản đảm với một viễn ảnh trở lại nguyên tuyền như trước và được biến đổi tận căn.

Đức Giêsu là Đấng Thánh đã kéo chúng ta ra khỏi sự hư nát và tối tăm của âm phủ. Người là Ađam mới mà Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới bệ chân Người (x. Tv 16, 8-11). Người là đá bị thợ xây loại bỏ và đã trở nên đá góc tường. Đức Giêsu xuất hiện như chìa khóa toàn bộ Kinh Thánh, làm hiển lộ lời mặc khải của Thiên Chúa. Người đến để kết nối trời với đất, linh thánh với phàm tục, đến để phục vụ và yêu thương, để xây dựng hơn phá đổ. Đức Giêsu đã thực hiện cuộc hôn phối huyền nhiệm với nhân loại để ở lại mãi và nên một với con người.  

Là những Kitô hữu, chúng ta được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa với điều kiện chúng ta phải tin và sống niềm tin ấy. Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn mỗi người chúng ta khát vọng sống và sống vĩnh cửu. Điều quan trọng là chúng ta có vượt qua những rào cản của tội lỗi và những suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ, để tin tưởng vươn đến Thiên Chúa là chủ sự sống. Mỗi ngày chúng ta hãy tự hỏi lòng mình, tôi đã làm gì, đã có mối thâm giao với Thiên Chúa ra sao để lãnh nhận sức sống từ nơi Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu.

Nt. M. Anh Thư, OP


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IX Thường Niên - Nt Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IX Thường Niên_NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IX Thường Niên-Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IX Thường Niên Năm B Lễ Mình Máu Thánh Chúa-LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IX Thường Niên Năm B Lễ Mình Máu Thánh Chúa - Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Thứ Ba Tuần XI Quanh Năm A_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần X Thường Niên Năm A_Lm. Mi-ca-e Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên_Lm. Paul Nguyen Nguyen
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thương Niên A: BÀ GÓA VÀ NHỮNG KINH SƯ-Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Quốc Huy.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên_Lm. J.P