Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần X Thường Niên Năm A
Công
chính như Chúa
Lời Chúa: Mt 5, 20-26
(20) "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn
ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước
Trời.
(21) "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết
người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. (22) Còn Thầy, Thầy
bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh
em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh
em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. (23)
Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang
có chuyện bất bình với anh, (24) thì hãy để của lễ lại đó trước bàn
thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (25)
Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy
tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho
thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. (26) Thầy bảo thật cho anh biết:
anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
Suy Niệm:
Ki-tô giáo là đạo của yêu thương. Đức Ki-tô là mẫu gương
và chuẩn mực của sự yêu thương ấy. Vì yêu thương nhân loại lỗi lầm, Ngài đã từ
bỏ trời cao, xuống trần, làm người, sống kiếp phàm nhân, chỉ trừ tội lỗi, để
yêu thương, để đón nhận và nâng con người sa ngã đứng lên, cho con người gọi
Ngài là Cha và nhân loại này gọi nhau là anh chị em, cũng như được hưởng trọn
niềm tin yêu và nâng đỡ từ Cha. Quả vậy, trong suốt chiều dài lịch sử của nhân
loại, Chúa Giê-su vẫn là một nhân vật được nhiều người biết đến nhất, Chúa
Giê-su vẫn là một con người có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới, Chúa Giê-su vẫn
là một tác nhân có sức hút mãnh liệt nhất. Đơn giản là vì Ngài đã dám chết thay
cho người khác. Đơn giản là vì Giáo lý và Sứ điệp của Ngài là yêu thương và tha
thứ.
Phụng vụ Lời Chúa trong ngày hôm nay, một lần nữa, lại chứng
minh cho chúng ta thấy rõ điều đó. Điều Đức Giê-su chia sẻ với các môn đệ của
Ngài cũng là lời mời gọi với mỗi người chúng ta. Để trở thành công dân Nước Trời,
để trở thành người trong nhà Cha Thầy, mỗi chúng ta phải biết sống công chính
hơn. Có nghĩa là chúng ta phải thực sự sống yêu thương và tha thứ nơi trần gian
này. Đức Giê-su không phủ nhận sự công chính nơi các luật sĩ, các Pha-ri-sêu
hay những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái lúc bấy giờ. Họ đều là những hình mẫu,
gương soi về đời sống đạo hạnh và đức tin. Tuy vậy, tiếc thay cho họ, sự công
chính, việc “giữ mình giữ mẩy” trong đời sống thường ngày của họ thường dừng lại
ở các giá trị hình thức bề ngoài mà thiếu đi chiều sâu nội tâm, thiếu bản chất
của nền tảng yêu thương và tha thứ. Đã có lần Đức Giê-su ví họ như những nấm mồ,
bên ngoài tô vôi đẹp, nhưng bên trong lại đầy rẫy những ô uế, bẩn thỉu. Bởi lẽ
đời sống đạo của họ vụ hình thức và thiếu chiều kích yêu thương.
Đưa ra những “việc làm đẹp” của những nhân vật “tai to mặt
lớn” này không phải để so sánh mà Đức Giê-su muốn những người đi theo Ngài, muốn
những người gia nhập nước Ngài phải là những con người thực sự sống công chính
đích thực. Đó là yêu thương và tha thứ vô điều kiện. Yêu thương người khác là một
điều kiện để vào Nước Trời, chẳng thế mà Chúa Giê-su đã chẳng mời gọi, điều
chúng ta muốn người khác làm cho mình, thì chúng ta cũng hãy làm cho họ như vậy.
Nghĩa là chúng ta muốn người khác yêu thương chúng ta thì chúng ta cũng hay yêu
thương họ như vậy và còn hơn thế nữa. Đây chính là khuôn vàng thước ngọc của
Ki-tô giáo. Thế nhưng sự yêu thương ấy còn đẩy chúng ta tiến xa hơn nữa trên
hành trình tiến về nhà Cha trên trời. Chúng ta dám tha thứ, dám đi bước trước để
làm hòa, để đón nhận những người có lỗi với mình. Yêu thương là một mệnh lệnh
có thể thực hiện dễ dàng bởi bản chất của con người là hướng thiện. Tuy nhiên,
tha thứ lại là một lời khó đáp trả, thực thi bởi vì sự tự ái, lòng kiêu hãnh dễ
làm cho con người trở nên ương bướng, bảo thủ. Do đó, yêu thương và tha thứ phải
như hai mặt của một đồng tiền. Yêu thương mà không tha thứ thì chỉ như một chiếc
hộp đẹp, bên ngoài nhiều màu sắc, óng ánh, bên trong thì trống rỗng, xám xịt.
Cũng thế, tha thứ mà không yêu thương, “không thèm chấp” cũng chỉ như ánh đèn lấp
lánh chóng qua mà thiếu đi ánh sáng đích thực, thiếu những tia sáng chói lọi.
Sỡ dĩ Chúa Giê-su là hình mẫu của sự công chính, chỉ nơi
Ngài sự công chính mới tròn đầy và rạng rỡ là vì Ngài dám yêu thương, tha thứ
và dám chết thay cho nhân loại. Cũng thế, trong hành trình tiến về quê hương
Thiên Quốc, người Ki-tô hữu chúng ta cũng được gọi mời trở nên công chính giống
như Ngài. Phận làm cha làm mẹ, yêu thương và đón nhận con cái khi chúng lỗi lầm,
sai lối. Bậc làm thầy, làm cô yêu mến và thứ tha cho những hỗn hào của học trò.
Chức vụ ông trùm, bà quản là giáo dục và hướng dẫn thiếu nhi trở thành những
con người của tình yêu, biết hy sinh, đón nhận vô điều kiện kẻ khác. Ấy chẳng
phải là những ơn gọi, những sứ mệnh mà Chúa gửi trao đến cho chúng ta trên con
đường gia nhập Nước Trời. Bởi vì họ dám sống như Chúa, đó là công chính từ
trong lời nói, tư tưởng cũng như trong hành động. Amen.
Lm.
Mi-ca-e Vũ An Lộc