Suy Niệm Lời Thứ Ba Tuần XI Quanh Năm A
Tha
thứ và thương xót
LỜI CHÚA: Mt 5, 43-48
Khi ấy, Chúa phán
cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: "Ngươi hãy yêu thân nhân,
và hãy thù ghét địch thù". Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch
và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền
rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Ðấng ngự trên trời:
Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người
liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các
con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các
con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người
ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con
trên trời là Ðấng hoàn hảo".
SUY NIỆM: Một người cứ luôn luôn bị tỉnh dậy vào buổi đêm, vì một
giấc mơ cứ lặp đi lặp lại. Anh ta thấy mình bơi trong một cái hồ, bơi giỏi như
một vận động viên. Tuy nhiên, cái hồ rất rộng mà chân tay anh ta thì mỏi, anh
ta khó lòng bơi tới được bờ. Bỗng nhiên, cha anh ta bơi thuyền đến gần, đưa tay
ra, bảo anh ta bám lấy. Anh ta nhớ lại hồi nhỏ thường bị bố mắng mỏ, thậm chí
đánh đòn, nên mỉm cười khô khan và nói: Cảm ơn bố, cứ kệ con.
Anh ta bơi tiếp, cố hết sức
hướng về phía bờ. Rồi anh ta nhìn thấy một người khác bơi thuyền lại gần. Ðó là
cô em gái. Cô em gái quăng một chiếc phao về phía anh ta và bảo: Anh dùng phao
đi? Nhưng nhớ lại rất nhiều lần cô em gái hỗn hào ương bướng cãi lời mình, anh
ta lắc đầu và xua tay.
Sau những nỗ lực lớn lao,
cuối cùng anh ta cũng vào được đến bờ. Anh ta nằm vật ra trên bãi cát ướt, sự
mệt mỏi làm đầu óc trở nên lơ mơ, còn chân tay thì không cử động nổi. Một đám
đông người tụ tập quanh anh ta. Khuôn mặt nào anh ta cũng thấy quen. Ðó là gia
đình, họ hàng, bè bạn của anh. Người thì muốn đưa anh vào bệnh viện, người thì
muốn đốt lửa, người thì muốn lấy bộ quần áo khô và khăn cho anh lau? Nhưng cứ
khi mỗi người định làm gì, anh ta lại nhớ lại những khi con người đó đối xử
không tốt với mình. Và, Không, cảm ơn?- Anh ta lại nói: Cứ kệ tôi. Anh gượng
đứng dậy, quần áo ướt sũng, dính đầy cát, chân tay rã rời, mệt mỏi đi xa đám
đông.
Sau khi liên tục nằm mơ
thấy giấc mơ đó trong vòng vài đêm, anh ta liền đi hỏi bà, người duy nhất chưa
bao giờ làm gì không tốt với anh, và người mà anh tin tưởng sẽ không bao giờ
làm gì không tốt với anh cả.
- Bà không phải là người
biết ý nghĩa của những giấc mơ?" bà anh nói: Nhưng bà nghĩ cháu đang giữ
trong đầu quá nhiều bực bội và hằn học.
- Bực bội ư? Hằn học ư?
Không thể thế được! Anh ta kêu lên - Nếu có thì cháu phải cảm thấy chứ!
Bà của anh ngồi yên và bình
tĩnh đáp:
- Những cố gắng của cháu và
hồ nước trong giấc mơ chính là những gì cháu đang phải cố gắng trong tâm trí
cháu. Cháu cần sự giúp đỡ, cháu muốn được quan tâm, nhưng cháu thấy không ai đủ
tốt cho cháu tin tưởng. Cháu đã bơi được tới bờ một lần, nhưng còn những lần
khác thì sao? Sự tha thứ không phải là những điều mà chúng ta làm cho người
khác, mà chúng ta làm cho chính chúng ta đấy thôi. Vì khi chúng ta không tha
thứ, có phải là chúng ta đã xây dựng trong tâm trí mình những bực bội và tức
giận ngày càng lớn đó không?
Có một câu nói: Bạn không phải là người hoàn hảo, nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu
bạn tha thứ những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được những
người khác tha thứ những sai lầm của bạn. (Sưu tầm).
Kẻ thù là gì? – Kẻ thù là một người bị một người nào đó rất là căm ghét và có thể muốn giết chết kẻ đó.
Người xưa đã nói: “Yêu nhau cau bổ làm ba, ghét nhau cau sáu bổ
ra làm mười. Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả đường đi lối về”.
Câu tục ngữ có ý nói khi yêu thương, quý mến nhau thì dành cho nhau những thứ
ngon lành, đầy đặn, còn khi đã ghét bỏ nhau thì cư xử với nhau nhạt nhẽo, không
tử tế.
Chẳng thế mà trong thế giới
của chúng ta luôn có những cuộc chiến tranh, khủng bố gây nên những cuộc tàn
sát đẫm máu, giết hại nhau và làm cho nhiều người sợ hãi, lo âu. Người ta gọi
những kẻ làm hại mình là “kẻ thù không đội trời chung”.
Cả trong gia đình hoặc trong
cộng đoàn lớn nhỏ vẫn thường có những xâu sát, ghét bỏ nhau, loại trừ nhau.
Đứng trước những nguy cơ đó,
Lời Chúa dạy chúng ta rằng: "Hãy yêu thương thù địch và làm
ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa
các con”.
“Yêu thương kẻ thù” là bài học “cao thượng” của
đức nhân bản về lòng nhân từ tha thứ.
“Yêu thương kẻ thù” là lời mời gọi con người
hãy biết từ bỏ những bất hòa, chia rẽ, đố kị, ghen tương của nhau để sống yêu
thương, theo lệnh truyền của Chúa: “Các
con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.
“Yêu thương kẻ thù” chính là để trở nên giống
Chúa Giêsu, khi Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình. Nơi
Chúa Giêsu, bộc lộ Dung mạo của lòng
thương xót của Chúa Cha.
“Yêu thương kẻ thù” là nên giống như Cha trên
trời, là Đấng thương xót: “Hãy thuơng xót
như Cha thương xót” (Lc 6,36).
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những ai muốn
sống Lòng Thương Xót rằng: “Để có khả năng thương xót, vì thế,
trước tiên chúng ta phải đặt để chính mình trong việc lắng nghe Lời Chúa. Điều
này có nghĩa là tái khám phá những giá trị của sự im lặng ngõ hầu suy gẫm Lời
Chúa đến với chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể chiêm ngưỡng Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa và chấp nhận điều đó như lối sống của chúng ta”
Bản thân chúng ta đã cảm nghiệm về lòng
thương xót của Thiên Chúa, thì hằng ngày, chúng ta cũng hãy có các hành động cụ
thể giúp đỡ tha nhân.
Truyền thống Kitô giáo từ thời Trung cổ tóm lại
các hành động ấy vào “14 mối thương người”.
Thánh Tôma Aquinô, gọi đây là những công việc
thương xót.
-Về thân thể, con người cần được giúp đỡ về
các nhu cầu luôn luôn cần thiết.
-Về tinh thần, tha nhân có thể lâm vào cảnh
cơ cực về đường thiêng liêng, ta có thể giúp đỡ bằng cách cầu khẩn xin Chúa đến
cứu giúp (tức là cầu nguyện cho họ). Tha nhân có thể túng thiếu về trí tuệ
hay về khôn ngoan (ta có thể giúp bằng sự dạy dỗ, khuyên lơn). Tha nhân có thể
yếu ớt về tình cảm, thì ta đến giúp đỡ bằng sự ủi an. Tha nhân có thể sai lạc về
cách ăn nết ở, thì ta giúp họ bằng việc sửa bảo, tha thứ và chịu đựng. (trích
trong Lòng Thương Xót: Kinh Thánh Và Thần Học của Lm.
Giuse Phan Tấn Thành, O.P)
Muốn làm được điều này đòi hỏi mỗi người can
đảm gột rửa những tội lỗi, xóa tan tính ích kỷ để được biến đổi thành một con
người mới: con người của Lòng Thương Xót Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn
Duy Khang.