Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

 

Thứ năm sau Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

NIỀM TIN ĐƯA ĐẾN HY VỌNG VÀ ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Mc 1, 40-45

 “Chỉ tình yêu của Người mới đem lại cho chúng ta khả năng kiên vững trong một thế giới tự bản chất là bất tòan, mà không đánh mất sức bật của niềm hy vọng”

(x. ĐGH Benedicto XVI, Thông điệp SPE SALVI, số 31)

LỜI KHẨN CẦU KHIÊM TỐN

Có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giêsu, anh ta quì xuống, van xin rằng “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1, 40).

Vào thời xa xưa, bệnh phong hủi là một căn bệnh ghê sợ nhất. Từ “ phong hủi” xuất xứ từ Hy Lạp, mô tả căn bệnh với lớp vảy da hoặc vảy cứng trên da. Trong tiếng Do Thái, phong hủi bắt nguồn từ nghĩa gốc có nghĩa là một sự trừng phạt. Hầu hết các tác giả cổ xưa đều đồng ý rằng phong cùi xuất xứ từ Ai Cập. Và có lẽ, người Do Thái đã mang căn bệnh này khi ra khỏi Ai Cập trong cuộc Xuất hành của mình. Người ta đã tìm thấy ít nhất trong một xác ướp Ai Cập chứng bệnh này. Bệnh phong hủi tấn công vào hệ thống thần kinh của con người và phá hủy dần tay chân người bệnh, làm cho mặt mũi họ biến dạng và trở nên ghê sợ dưới mắt người khác. Vì thế, bệnh phong hủi bị coi như là một nỗi sỉ nhục đối với người mắc chứng bệnh này. Người phong hủi bị lọai trừ ra khỏi nơi thờ phượng, họ bị gia đình, bạn bè bỏ rơi và khi đi trên đường phố, người phong hủi buộc phải la lên “Nhơ uế! Nhơ uế!” để người khác biết tránh xa họ.

Trong thân phận nhơ uế của mình, người phong hủi không nài xin Chúa Giêsu cứu chữa anh, cũng chẳng phàn nàn, kêu ca về thân phận khốn cùng của mình và anh cũng không nói về quyền bình đẳng, quyền công dân của mình. Anh chỉ nói lên một thực tế Ngài có thể chữa anh lành bệnh. Chính điều này cho chúng ta nhận ra “niềm tin” trong lời khẩn cầu của người phong hủi. Anh đã đến với Chúa Giêsu bằng niềm tin và anh đoan chắc rằng Ngài sẽ chữa anh khỏi bệnh. Vì thế, anh đã đến với Ngài. Cũng trong chính lời khẩn cầu, chúng ta nhận ra uy quyền của một vị Thiên Chúa được phản ảnh trong lời van xin của người phong hủi. Anh đến và quì xuống trước Chúa Giêsu, một hành vi thờ phượng trước Đấng quyền năng. Một hành vi phổ biến mà tất cả mọi người Kitô hữu thường diễn tả trong khi thờ phượng Thiên Chúa. Cũng chính trong khía cạnh này, người Kitô hữu đều hiểu rằng: khi họ có đủ niềm tin, họ cũng sẽ được cứu chữa. Người phong hủi đã có niềm tin để đến trước Chúa Giêsu. Và vấn đề của anh là Chúa Giêsu có thể chữa anh lành bệnh nhưng ngài sẽ cứu chữa anh hay không.

Bệnh phong hủi được xem như là một quà tặng cho anh, vì chính trong khao khát được chữa lành, người phong hủi đã có được sự thấu nhìn từ bên trong, nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô chỉ trong một thời gian rất ngắn, khi so với Phêrô, phải vất vả trong nhiều năm, Phêrô mới nhận ra được Ngài là Đức Kitô, con Thiên Chúa.

Chính trong cuộc đời của chúng ta, đôi khi, trong những đau thương, thất bại, bị bỏ rơi, bị sỉ nhục…chúng ta đang có cơ hội để tiếp cận gần hơn với Thiên Chúa, được sờ, được chạm đến một niềm tin chắc chắn vào Thiên Chúa. Đó chính là những cơ hội quí báu tuyệt vời để chúng ta được đụng chạm vào mầu nhiệm của niềm tin, được sống bình an để nhận ra một vị Thiên Chúa thật của đời mình, cho dẫu ngọai cảnh cuộc đời có chìm nổi thế nào đi nữa. Niềm tin vào Thiên Chúa làm cho chúng ta hy vọng. Niềm tin biến đổi cuộc đời chúng ta để chúng ta được cứu rỗi.

MỘT SỰ ĐÁP LẠI ĐẦY TÌNH THƯƠNG

“Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi”. Ngay lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh và anh được sạch. (Mc 1, 41-42).

Có lẽ, chúng ta thường nghe về phép lạ chữa người phong hủi của Chúa Giêsu làm chính là để minh chứng “căn cước” và sứ mạng của Ngài. Nhưng còn lý do khác nữa mang tính thuyết phục hơn cho phép lạ Ngài cứu chữa người phong hủi chính là do bởi tình thương với người phong hủi. Ngài quan tâm đến anh. Và chính bởi vì quan tâm, lo lắng đến “con người” nên Ngài đã cứu chữa anh khỏi bệnh.

Ngài giơ tay đụng vào anh” (c.41).  Trong văn hóa người Do Thái lúc đó, việc đụng chạm vào người bệnh phong hủi, sẽ làm cho người ta trở nên dơ bẩn và vì thế, họ sẽ không được vào đền thờ để thờ phượng. Chúa Giêsu đã động chạm vào anh. Ngài chính là người đầu tiên dám chạm đến anh kể từ khi anh mắc chứng bệnh ghê sợ đó. Chúa Giêsu đã có thể vẫn cứu chữa anh khỏi bệnh mà không cần phải đụng chạm vào sự nhơ bẩn của anh, như Ngài đã cứu chữa đầy tớ của ông đại đội trưởng cách xa hàng dặm (x. Mt 8, 5-13). Ngài chỉ cần nói mà căn bệnh ghê gớm ấy sẽ lìa xa anh mãi mãi. Nhưng không, thay vào đó, Ngài đưa tay ra và đụng chạm vào người anh.

Đó chính là một sự hóa thân hòan tòan của Chúa Giêsu. Một sự hóa thân tuyệt vời đến với thế giới dơ bẩn, tội lỗi trong sự thuần khiết và thánh thiện của một vị Thiên Chúa. Ngài đã đụng chạm đến thế giới tội lỗi, hoang đàng và bước đi trên những con đường rác rưởi của chúng ta và chết trên thập giá sỉ nhục, nhớp nhúa của chúng ta. Đó chính là sự đụng chạm hoàn hảo của một vị Thiên Chúa.

Nếu chúng ta muốn thay đổi thế giới này vì Đức Kitô, chúng ta phải cần một sự hóa thân như Ngài. Một sự hóa thân thực sự đòi buộc chúng ta đưa hai tay của mình ra để đụng chạm, để ôm lấy biết bao nhiêu nỗi thống khổ, những con người bần cùng, tội lỗi với tình yêu của Giêsu. Khi không cùng khổ, cùng ôm lấy nỗi đau của anh em, chúng ta sẽ không thể hiểu và không biết làm gì để thay đổi cục diện thế giới hôm nay. “Chịu đau khổ với kẻ khác, cho kẻ khác; đau khổ vì chân lý và công bằng; đau khổ vì tình yêu có thể trở thành người yêu đích thực- đó là những yếu tố căn bản của nhân tính, và lọai bỏ những yếu tố này sẽ hủy họai chính con người” (x.ĐGH Benedicto XVI, Thông điệp SPE SALVI, số 39)

Chúa Giêsu không trở nên dơ uế khi đụng chạm đến người phong hủi, nhưng thay vào đó, người phong hủi đã trở nên sạch. Khi chúng ta chạm đến những bệnh tật, tệ nạn… chúng ta trở nên dơ uế. Còn khi Ngài chạm đến những xấu xa, bệnh tật và tệ nạn…chúng sẽ biến mất.

Chính điều này nói cho chúng ta về con người của Chúa Giêsu. Cho dẫu con người chúng ta xấu xa đến mức nào, nhưng khi đến với Ngài, chúng ta không làm cho Ngài trở nên nhơ bẩn, nhưng trái lại, chúng ta được sạch trong nhờ sự thánh thiện của Ngài. Ngài biết rõ thân phận, tội lỗi của chúng ta và Ngài luôn thương đến sự yếu đuối mỏng dòn đó của mỗi người chúng ta, và Ngài có thể biến đổi chúng ta hoàn tòan nếu chúng ta đặt trọn niềm tin nơi Ngài.

MỘT LỆNH TRUYỀN UY NGHI.

“Nhưng Ngài nghiêm giọng đuổi anh đi ngay và bảo anh  “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền để làm chứng cho người ta biết” (Mc 1, 43-44)

Sau khi chữa khỏi, Chúa Giêsu nói với người phong hủi vừa được Ngài chữa lành một lệnh truyền trái ngược hẳn với những gì chúng ta suy nghĩ và mong đợi. Có lẽ, chúng ta hy vọng Ngài sẽ nói với anh “Hãy đi và nói cho mọi người biết anh đã nhìn thấy tin mừng và quyền lực của Thiên Chúa. Hãy làm chứng về tôi cho tất cả mọi dân tộc được biết anh vốn là người phong hủi và đã được tôi chữa lành như thế nào” . Nhưng, Chúa Giêsu lại ra cho anh một lệnh truyền rất khác với những gì con người suy tưởng:

- Đừng nói gì với ai.

- Và vẫn không nói gì cả, anh sẽ lên Giê-ru-sa-lem, vào đền thờ và trình diện tư tế.

Khi trình diện với các tư tế, người phong hủi vừa được chữa lành đó sẽ là nhân chứng cụ thể với các tư tế tại Giê-ru-sa-lem. “Đây là luật về người phong hủi, trong ngày nó được thanh tẩy. Nó sẽ được đưa đến với tư tế, tư tế sẽ ra khỏi trại. Tư tế sẽ xem: nếu người phong hủi đã khỏi vết thương phong hủi, thì tư tế sẽ truyền lấy cho người được thanh tẩy hai con chim còn sống và thanh sạch, gỗ bá hương, phẩm cánh kiến và cành hương thảo” (Lv 14,1-4) . Một nghi lễ cụ thể, một công thức đã không được tận dụng, thi hành trong thời gian hơn một ngàn năm qua. Chúng ta có thể tưởng tượng ra các tư tế sẽ bị đe dọa bởi người đàn ông này chăng? Họ phải đi và quét sạch bụi các cuộn sách của Lê-vi đề cập đến luật của người phong hủi. Họ sẽ nhớ đến những gì họ học ở các trường của rabbi, nhưng họ đã không có và cần đến nó từ khi họ thôi học. Và vì thế, họ phải làm cho trí nhớ mình sắc bén trở lại trong những nghi lễ bắt buộc. Các tư tế sẽ phải kiểm tra anh kỹ lưỡng và thông báo anh đã được sạch khỏi những dơ uế bệnh tật, tội lỗi. Tất nhiên, sự tò mò của họ có cơ hội để khám phá, hỏi thăm anh tại sao và cách nào anh được khỏi bệnh. Họ sẽ biết và khẳng định quyền năng của Chúa Giêsu bằng lời chứng của chính họ. Đáng tiếc, điều này lại không xảy ra do bởi sự bất tuân của người vừa được chữa lành.

MỘT SỰ BẤT TUÂN HẤP TẤP, VỘI VÀNG.

Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngòai thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”(Mc 1,45).

Người đàn ông đó có một quyết định phải làm. Anh sẽ tuân theo lời của Chúa Giêsu và theo luật của Mô-sê hay anh sẽ làm theo những gì anh cảm thấy là đúng?

Chúa Giêsu đã muốn anh làm theo luật của Mô-sê “hãy đi và trình diện với tư tế”, vì Ngài đến không phải để phá hủy lề luật, nhưng là để kiện tòan, làm tròn đầy lề luật.

Bằng tất cả nhiệt huyết, hứng khởi và ước muốn loan truyền tin mừng cho mọi người, người phong hủi được chữa lành đã muốn đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu bằng tất cả con người của mình. Nhưng đáng tiếc, anh cũng đáp lại bằng sự bất tuân của mình.

Lòng nhiệt thành, hứng khởi và hăng say không thay thế cho sự vâng lời. Khi chúng ta làm công việc của Thiên Chúa, chúng ta cần làm theo con đường, kế họach của Thiên Chúa. Ngược lại, khi không đi theo, làm theo con đường của Thiên Chúa, chúng ta đã không làm công việc của Ngài. “Ngay trong những chọn lựa nho nhỏ hàng ngày, điều thiện phải đi trước sự thỏai mái, vì biết rằng, chính nhờ đó mà chúng ta sống đúng đắn cuộc sống của chúng ta” (x. ĐGH Benedicto XVI, Thông điệp SPE SALVI, số 39)

Sự bất tuân của anh đã cản trở sứ vụ của Chúa Giêsu “đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”. Chúng ta đang sống trong thời đại của những tiêu chuẩn đạo đức theo hòan cảnh. Chúng ta thường hay nỗ lực chọn lựa một việc làm sai để mang về một kết quả tốt. Điều này không bao giờ đúng khi chúng ta thường biện minh cho hành động sai trái của mình.

Lạy Chúa,

Xin tăng thêm niềm tin cho chúng con, để dù trong những cảnh đời thế nào đi nữa của đời mình, chúng con vẫn một niềm tin tưởng, niềm hy vọng được cứu độ trong tình yêu bao la, đầy lòng thương xót của Chúa.

Xin cho chúng con nhận ra con đường của Chúa khi thi hành sứ vụ của mình, để chúng con biết làm theo những gì Chúa muốn, theo kế hoạch Ngài đã định sẵn cho chúng con. Xin cho chúng con trí khôn ngoan minh mẫn của Thánh Thần, để chúng con biết phân định, chọn lựa cách thức thực hiện tin mừng theo con đường Chúa muốn nơi chúng con.

Đặc biệt, trong xã hội hôm nay, khi con người chịu nhiều khủng hoảng, thử thách… xin cho chúng con một niềm tin kiên vững, một tâm hồn rộng mở yêu thương, một đôi mắt tinh anh của Thánh Thần để sống trọn vẹn nhân chứng của yêu thương bằng trái tim Kitô hữu giữa thế giới hôm nay. Có như thế, chúng con mới có thể được Chúa cứu độ khi chúng con biết mở bàn tay, trở thành những cộng tác viên của Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài.

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - Phaolô Nguyễn Văn Đông
     THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH - ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ SỐNG
     CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, NĂM C - BẮT ĐẦU SÁNG TẠO - Lm. Jmv. HK
     THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH NĂM C
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TRONG TUẦN SAU CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH - Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH, NĂM C - MỖI NGƯỜI LÀ MỘT ÁNH SAO CHO NHAU - Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
     CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH, NĂM C - Phaolô Nguyễn Văn Đông
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY - TỪ NGÀY 01.01.2010 ĐẾN 03.01.2010 (lễ Chúa Hiển Linh) - Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA - “THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI” - Jos. Tạ Duy Tuyền
     CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH, NĂM C - AI TÌM THÌ SẼ THẤY - Lm. HK