CHÚA THÁNH THẦN ĐẤNG HIỆP NHẤT MUÔN DÂN
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, Chúng ta đang sống trong bối cảnh mà từ thế giới đến giáo hội đã và đang có sự chia rẽ trầm trọng, chia rẽ giữa các vùng miền, sự giàu nghèo, chia rẽ về quan điểm lập trường…; Ngay tại Giáo hội Việt nam cũng đang có những dấu hiệu chia rẽ trong quan điểm, lập trường, trong mục vụ và trong lối sống của nhiều người tín hữu, khiến cho nhiều người đã không còn nghe và không hiểu tiếng nói của nhau nữa, mặc dù vẫn dùng Tiếng Việt. Chúng ta đang cùng với Giáo Hội Việt Nam, sống và xây dựng sư HIỆP THÔNG trong Giáo Hội, sống tình hiệp thông cũng đang là một đòi hỏi và là một sự thôi thúc cho tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội, vì hơn lúc nào hết Giáo Hội luôn cần và phải xây dựng tình hiệp thông hiệp nhất như Chúa Giêsu mong muốn.
Hôm nay long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội muốn chỉ cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần chính là Đấng canh tân đổi mới mặt địa cầu, và Ngài còn là Đấng quy tụ muôn dân và là Đấng xây dựng sự hiệp thông hiệp nhất trong Giáo hội.
Bài đọc một mô tả ngày Lễ Ngũ Tuần như là một biến cố Chúa Thánh Thần canh tân đổi mới và quy tụ muôn dân muôn nước nên đồng tâm hiệp nhất: Khi ấy mọi người đang tề tựu một nơi thì có gió mạnh ùa đến, tiếng động làm rung chuyển và có những lưỡi như hình lưỡi lửa đậu xuống trên từng người. Với cách diễn tả này, gợi lại cho chúng ta biến cố Núi Sinai rung chuyển, mây mù bao phủ và ngọn núi Sinai bốc cháy, và Thiên Chúa đã hiện ra với Mose trong khung cảnh đặc biệt này để ký kết giao ước với Israel, nhận dân Israel làm dân riêng của Chúa, thì hôm nay Chúa Thánh Thần cũng hiện xuống trong vinh quang uy nghi như thế để đem một luồng sinh khí mới đến cho Giáo hội, thánh hóa và qui tụ muôn dân trở nên một gia đình của Thiên Chúa. Nếu như trước đây các tông đồ là những con người kém cỏi tầm thường, thì với biến cố này, Chúa Thánh Thần đã hoàn toàn biến đổi các ông làm cho các ông trở nên những con người can đảm thông thái, không còn sợ hãi nữa, nếu như trước đây các tông đồ sống trong sự co cụm khép kín, thì hôm nay, các ông đã bước ra ngoài và công khai rao giảng về chúa Giêsu cho mọi người đang tụ tập chung quanh.
Một điểm mà sách Công vụ hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, đó là Thánh Thần đã quy tụ muôn dân muôn nước, mọi dân tộc mọi ngôn ngữ cùng hiệp thông hiệp nhất với nhau và làm nên một dân duy nhất là Giáo hội của Chúa Kitô. Nếu như ngày xưa, với sự kiêu căng của con người, họ muốn thử thách Thiên Chúa khi cùng nhau xây một cái tháp Babel cao từ đất tới trời để thách thức Thiên Chúa, và hậu quả là chính họ tự chia rẽ, mỗi người không hiểu tiếng nói của nhau nữa, thì hôm nay Chúa Thánh Thần đã làm nên một việc diệu kỳ đó là Ngài làm cho các dân tề tựu về Giêrusalem hôm đó có thể nghe và hiểu cùng một tiếng nói với các tông đồ, họ đã nghe các tông đồ nói về những kỳ công của Thiên Chúa. Sự kiện lạ lùng này là do Chúa Thánh Thần và Thánh Thần là Đấng đã quy tụ muôn dân về một mối, đã kết hợp mọi người nên một, dù những người xa lạ nhau thuộc những vùng miền khác nhau họ đều nghe nhau, hiểu nhau và nghe được tiếng nói của các tông đồ.
Thánh Thần còn là Đấng mở toang cánh cửa nhà tiệc ly và mời gọi các tông đồ lên đường bắt đầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng như Chúa Giêsu Phục sinh đã truyền cho các ông. Thánh Gioan cho thấy, các tông đồ, sau cái chết của Chúa, họ đã sống trong co cụm khép kín, khi Chúa Phục sinh hiện ra, Ngài đã thổi hơi trên các tông đồ để ban cho các ông bình an và Thánh Thần của Ngài: Bình an cho các con, như Cha đã sai Thày thì Thày cũng sai các con. Nói xong Ngài thổi hơi và phán bảo các ông: các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Kể từ khi nhận lãnh Thánh Thần, Phêrô và các tông đồ đã ra khỏi con người cũ, ra khỏi sự sợ hãi để mạnh dạn và công khai giảng về Đức Giêsu cho mọi người, cũng kể từ đây, một sức sống mới, một tinh thần mới đã được trao ban cho các tông đồ để các ông bắt đầu một sứ vụ mới đó là làm chứng cho Tin Mừng và quy tụ muôn dân.
Giáo hội chính là dân mới được qui tụ bởi Thánh Thần, nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, nhờ cùng tin vào Đức Giêsu, cùng nghe Lời của Ngài, cùng đón nhận Ngài chúng ta được trở thành dân mới của Thiên Chúa và làm nên một thân thể duy nhất mà Chúa Kitô là đầu, chúng ta là chi thể. Thánh Phaolô đã giải thích điều này trong thư Corintô: Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, các bộ phận tuy nhiều nhưng vẫn chỉ là một thân thể, thì nhờ phép rửa trong Thánh Thần, mà mọi người không còn phân biệt giàu nghèo sang hèn, Do Thái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, mọi người đều được mới gọi đồng tâm hiệp nhất với nhau trong tình anh em ruột thịt. Không những thế, chính Thánh Thần đã phân định và hoạt động trên từng người với sự thúc đẩy và nhiệm vụ khác nhau, để mỗi người dù là chức vụ nào thì cũng cùng nhắm một mục đích duy nhất là phục vụ đức Kitô và Giáo hội.
Thưa quý OBACE, Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta trong ngày ta lành Bí tich Rửa tội, và đặc biệt trong ngày Thêm Sức để quy tụ chúng ta trở thành thành viên của Hội Thánh, và sai chúng ta lên đường làm chứng cho Chúa Kitô, vì thế chúng ta được mời gọi sống và xây dựng sự hiệp thông hiệp nhất trong Hội Thánh. Để có thể xây dựng tình hiệp thông hiệp nhất, điều cần thiết là chúng ta phải tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đi vào trong sự hiệp thông gặp gỡ với Thiên Chúa. Chỉ khi chúng ta xây dựng được mối dây hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể hiệp nhất với nhau; mà muốn xây dựng được sự hiệp thông hiệp nhất với Thiên Chúa, thì cần phải loại bỏ tội lỗi, sự kiêu căng, lười biếng và những gì ngăn cản cho sự hiệp thông này; và khi chúng ta có được sự hiệp thông hòa thuận với Thiên Chúa, thì chúng ta mới có thể xây dựng sự thuận hoà hiệp nhất với anh chị em.
Nguyên nhân gây chia rẽ thế giới, chia rẽ trong giáo hội, trong cộng đồng với anh chị em ngày nay là vì nhiều người đã không đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chính vì thế, họ không tìm được tiếng nói chung trong gia đình trong cộng đoàn, vì ai cũng muốn nói tiếng nói riêng của mình, và không muốn nghe tiếng nói của người khác, chỉ muốn người khác hiểu mình mà không muốn hiểu và thông cảm cho người khác. Nhiều gia đình, cộng đoàn không hiệp nhất, không yêu thương nhau được là vì họ không nghe được tiếng nói của Chúa của Giáo hội, họ đã đóng kín căn phòng tâm hồn và từ chối không để cho Thánh Thần và Lời của Chúa mở cánh cửa đó, khiến họ chỉ sống trong cái tôi và sự ích kỷ của mình, khiến họ không thể bước đến với anh em và cũng không để cho anh em bước đến với mình, và không hiểu nhau được.
Nhiều gia đình hôm nay cha mẹ con cái đã mất đi sự hiệp nhất và tình yêu thương, bởi vì trong gia đình đã đánh mất ơn của Chúa Thánh Thần, vì thế gia đình chia rẽ, cãi vã, vì ai cũng muốn nói mà không ai muốn lắng nghe, mỗi người nói theo lý lẽ riêng của mình và không chấp nhận người khác vì thế nhiều cảnh bất an bất ổn đã xảy ra cho gia đình và cho lối xóm. Để có thể hiệp thông hiệp nhất với nhau, mỗi người cần phải hiệp thông hiệp nhất với Thiên Chúa và phải biết lắng nghe, lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, lắng nghe sự hướng dẫn của chúa Thánh Thần và phải lắng nghe nhau, biết chú ý lắng nghe là bước đầu tiên và quan trọng để xây dựng lại những gì đã đổ vỡ rạn nứt trong gia đình và xóm ngõ.
Trong cuộc sống cộng đồng cũng thế, để xây dựng được sự hiệp thông hiệp nhất, thì mỗi người cần nghe và nói một tiếng nói chung. Tiếng nói chung ấy là tiếng nói của trái tim của lòng nhân ái, tiếng nói của yêu thương và trắc ẩn là những thứ ngôn ngữ có thể đưa con người lại gần với nhau, dù họ có khác biệt về văn hóa, chính kiến, quan điểm…, mỗi người hãy dám nghe và dám nói tiếng nói của công bằng và chân lý, vì nhiều khi người ta lảng tránh không muốn nghe những tiếng nói như thế vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi và địa vị của họ. Hơn nữa, để có thể xây dựng được sự hiệp thông hiệp nhất, thì mỗi người, dù là người biết Chúa hay chưa biết Chúa, nếu dám nghe và nói tiếng nói của lương tâm chân chính, là chúng ta đang được Thánh Thần quy tụ và hiệp nhất với nhau, vì tiếng nói của lương tâm chính là tiếng nói của Chúa Thánh Thần, làm theo tiếng lương tâm là làm theo sự hướng dẫn của Ngài.
Xin cho mỗi người biết sẵn sàng lắng nghe và tuân theo sư hướng dẫn của Thánh Thần, để cùng nhau xây dựng một thế giới, một giáo hội và công đoàn nên một cộng đòan hiệp nhất yêu thương. Amen
HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
LM ĐAN VINH- HHTM
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Ga 20,19-23
(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
2. Ý CHÍNH: CHÚA PHỤC SINH TRAO BAN THẦN KHÍ
Chúa Ki-tô Phục Sinh đã hiện đến mang lại cho các môn đệ sự bình an (c.19) và niềm vui (c.20). Sau đó Người sai các ông đi (c.21a), cũng như chính Người đã được Chúa Cha sai (c.21b). Cuối cùng, để giúp các ông chu toàn sứ vụ, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông (c.22). Từ đây các ông được hiệp thông quyền năng gây sự sống của Thánh Thần để tha tội hay cầm giữ tội của người ta tùy theo họ tin hay không tin vào lời rao giảng của các ông (c.23).
3. CHÚ THÍCH:
- C 19-20: +Vào chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần: Theo sách Sáng thế, ngày thứ Nhất là ngày sau Sa-bát. Đây chính là ngày kỷ niệm Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại. Từ đây, các Ki-tô hữu sẽ luôn họp nhau vào các ngày thứ nhất trong tuần và gọi là Chúa nhật nghĩa là “Ngày của Chúa”. +Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái: Lý do nhà các môn đệ phải cửa đóng then cài, là vì tinh thần các ông đang hoang mang giao động. Các ông sợ người Do thái sẽ đến bắt các ông như họ đã làm đối với Thầy Giê-su. + Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông: Điều này cho thấy thân xác Chúa Phục Sinh không còn bị không gian và thời gian giới hạn như khi Người còn sống. +“Bình an cho anh em!”: Trong bữa Tiệc ly trước khi nộp mình chịu chết, Đức Giê-su đã hứa ban bình an cho môn đệ (x. Ga 14,27), và động viên các ông can đảm đương đầu với những thử thách sắp đến (x. Ga 16,33). Giờ đây sau khi sống lại, Người đã thực hiện lời hứa ấy bằng việc hai lần chúc ban bình an cho các ông (x. Ga 20,19.21). +Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Chúa Giê-su cho môn đệ xem các dấu đinh bị đóng nơi hai bàn tay (x. Ga 19,23) và vết thương bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này chứng tỏ thân xác Chúa Phục Sinh cũng chính là thân xác Người đã trải qua cuộc khổ nạn.
- C 21-23: +Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em: Việc hiện ra và sai các môn đệ sau khi sống lại, cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng của ơn gọi và sứ vụ loan Tin mừng của Hội thánh. Như Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai xuống trần gian, thì giờ đây, sau khi phục sinh được siêu tôn làm “Chúa” (x. Pl 2,11) và được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18), Người lại sai các môn đệ đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người (x. Mt 28,19), và trở thành chứng nhân của Người (x. Cv 1,8). +Người thở hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần: Xưa khi sáng tạo lòai người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào hình nhân bằng đất sét, để hắn trở thành một người sống động là A-dam (x. St 2,7). Thì nay, Chúa Phục Sinh cũng thổi Thần Khí để biến đổi các môn đệ nên con người mới, đầy ân sủng sự sống của Thánh Thần. Tuy nhiên ngay lúc này các ông chưa đón nhận được ơn Thánh Thần ban, vì còn thiếu đức tin. Vì thế Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần và dùng nhiều cách để tăng cường đức tin cho các ông. Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được Chúa Phục Sinh ban đã phát huy tác động trên các ông (x. Cv 2,1-4). +Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ: Đức Giê-su đã được Gio-an Tẩy giả giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Sứ vụ của Người là tẩy xóa tội lỗi loài người bằng việc tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối và đặt trọn niềm tin nơi Người (x. Lc 23,40-43). Giờ đây các môn đệ cũng được Người trao quyền tha tội nhờ quyền năng Thánh Thần.
4.CÂU HỎI: 1- Sau khi sống lại, tại sao Chúa Giê-su lại cho môn đệ xem tay và cạnh sườn? 2- Người dã sai các ông đi rao giảng Tin mừng khi nào? 3- Đức Giê-su đã làm gì để ban Thánh Thần cho các ông? 4- Các ông chỉ thực sự được ơn Thánh Thần tác động lúc nào? Tại sao? 5- Chúa Phục Sinh đã ban quyền tha tội cầm buộc cho các ông qua câu nào?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
2.CÂU CHUYỆN: THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG.
Trên một toa tàu chợ phát xuất từ thành phố Can-quýt-ta Ấn Độ, giữa đám hành khách nghèo khổ đang ngồi la liệt trên sàn tàu, có một phụ nữ tay cầm tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng đang lẩm bẩm đọc kinh. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là bà Tê-rê-sa. Về sau người đời đã gọi bà bằng một cái tên thân thương: “Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta”. Bà là người đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, với sứ mệnh chuyên lo tìm kiếm những bệnh nhân nghèo khổ đang bị bỏ rơi và bị hấp hối trên các hè phố tại thành phố Can-quýt-ta. Họ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội nước Ấn. Sứ vụ của chị em nữ tu này là mang những người đó về tu viện chăm sóc và giúp họ chết trong bình an. Về sau mẹ Tê-rê-sa đã kể lại ơn gọi ấy như sau: “Khi nhìn thấy đám người nghèo khổ kia đang nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu, đột nhiên có một sức mạnh đã đổ ập xuống trên tôi, làm cho tôi tự nhiên cảm thấy họ chính là những Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi. Tôi sẽ phải làm gì để giúp đỡ họ đây?”. Sau đó bà đã quyết định lập một dòng nữ với sứ vụ chuyên lo phục vụ những người nghèo khổ này. Rồi bà bắt tay vào công việc đầu tiên là đi tìm mướn nhà để có nơi phục vụ họ, đang khi trong túi chỉ còn đúng ba đồng bạc Ấn! Nhưng nhờ ơn Chúa giúp mà ngày nay dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã lan đi khắp thế giới. Quả thực, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và họat động nơi mọi thành phần dân Chúa trong Hội thánh.
3.SUY NIỆM:
1) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊ-SU?:
Về việc đầu thai của Đức Giê-su, Hội thánh đã tuyên xưng đức tin như sau: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (x. Lc 1,35). Nghĩa là chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã thụ thai Hài Nhi Giê-su mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng, Người đã đến xin Gio-an làm phép rửa bằng nước tại sông Gio-đan. Vừa chịu phép Rửa xong, Thánh Thần như chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người (x. Mt 3,16b). Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày và chịu ma quỉ thử thách cám dỗ. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giê-su đã chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-10). Rồi trong quyền năng của Thánh Thần, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Trời bắt đầu từ Ga-li-lê (x. Lc 4,14-15). Cũng nhờ Thánh Thần mà Người đã xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28) và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã hớn hở vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21). Rồi sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần, Người đã hiện ra chúc bình an (x. Ga 20,19), rồi sai các ông đi rao giảng Tin mừng (x. Ga 20,21), tiếp tục sứ vụ của Ngừơi (x. Mt 28,19-20). Người thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ vụ ấy (x. Ga 20,22). Cuối cùng, Người còn ban cho các ông quyền tha tội hay cầm buộc tội người ta nữa (x. Ga 20,23).
2) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TRONG HỘI THÁNH ? : Thời Hội thánh sơ khai, Thánh Thần đã tác động biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm công khai làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu thấu mọi điều Chúa đã dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng muốn thối lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã thâu nạp được nhiều người có lòng sám hối đến xin chịu phép Rửa nhân danh Đức Giê-su (x. Cv 2,41). Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà cộng đoàn tín hữu đầu tiên luôn sống hiệp thông, siêng năng tham dự lễ Bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ đó số tín hữu gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47). Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục giúp Hội thánh chu toàn sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su. Đặc biệt Thánh thần soi sáng cho các vị chủ chăn để có khả năng chu toàn ba sứ vụ do Đức Giê-su trao: Một là sứ vụ Ngôn sứ để công bố Tin mừng Nước Trời. Hai là sứ vụ Tư tế để thánh hóa các tín hữu bằng các phép bí tích do Chúa Giê-su thiết lập. Ba là sứ vụ Vương đế để chăn dắt và phục vụ đòan chiên Hội thánh. Do đó, khi Đức Giáo hòang triệu tập Công Đồng mà công bố điều gì về đức tin và luân lý thì được ơn bất khả ngộ không thể sai lầm, vì luôn được Chúa Thánh Thần soi sáng, như Công đồng Giê-ru-sa-lem vào năm 49 đã ra quyết nghị với câu mở đầu khẳng định như sau: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28).
3) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO NƠI CÁC TÍN HỮU HÔM NAY:
Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, và nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ tác động nơi các tín hữu như sau.
+ Thánh Thần ban 7 ơn để soi sáng, hướng dẫn và giúp các tín hữu nên tốt lành thánh thiện giống như Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô đã kể ra bảy ơn Thánh Thần ban như sau : khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, biết lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x. 1 Cr 12,8-11).
+ Thánh Thần sẽ ban sự sống của Thiên Chúa, biến các tín hữu nên trưởng thành về đức tin, thể hiện qua việc kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và can đảm làm chứng cho Người (x Ga 6,63). Thực vậy, nhờ ơn Thánh Thần, các tín hữu chúng ta sẽ có thể hiểu biết đầy đủ về đức tin và thực hành theo lời Chúa Giê-su day, như Người đã hứa với các môn đệ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25).
+ Thánh Thần sẽ cho các tín hữu chúng ta tham phần vào ba sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su là ngôn sứ, tư tế và vương đế để rao giảng Tin Mừng, thánh hóa và phục vụ dân Chúa. Chúng ta sẽ được tham phần vào sứ vụ làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói việc làm và bằng lối sống bác ái quên mình, quảng đại chia sẻ cụ thể và khiêm nhường phục vụ tha nhân vô vụ lợi… nhờ những việc lành đó, anh em lương dân sẽ dễ dàng nhận biết, tin thờ Thiên Chúa như lời Đức Giê-su đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
4) CẦN CỘNG TÁC VỚI ƠN THÁNH THẦN:
Sở dĩ nhiều tín hữu tuy đã chịu phép rửa tội và thêm sức, nhưng vẫn sống theo tính xác thịt là do mới chịu phép rửa bằng nước mà chưa được tái sinh bời Thánh Thần. Điều chúng ta cần phải làm là tránh xúc phạn đến Thánh Thần và mở lòng để Ngài tác động thánh hóa:
+ Tránh tội xúc phạm đến Thánh Thần: Cần tránh kiêu ngạo cứng lòng tin như các kinh sư Do thái xưa (x Mc 3,30). Đây cũng là tội của ma quỷ chống lại ơn cứu độ của Thiên Chúa như Đức Giê-su đã nặng lời quở trách dân Do thái qua miệng ngôn sứ I-sai-a như sau: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành" (Mt 13,14-15; Is 6,9-10). Do cố tình từ chối ơn cứu độ của Thiên Chúa do Chúa Giê-su ban nên tội này cũng xúc phạm đến Thánh Thần và sẽ không bao giờ được tha (x Mc 3,29).
+ Cần mở lòng đón nhận ơn Thánh Thần thánh hóa: không ai có thể nắm bắt được Thần Khí, cũng không ai có thể mua chuộc được Thánh Thần. Tin Mừng Gioan viết “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu tới và thổi đi đâu” (Ga 3,8). Muốn nhận được ơn Thánh Thần, các tín hữu cần noi gương các Tông đồ như sau: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14). Mỗi ngày chúng ta hãy năng cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến thánh hóa bản thân bằng lời cầu xin: “Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy ngự đến canh tân lòng trí con”.
Hoặc năng nhẩm bài hát sau:
ĐK: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến canh tân đổi mới, đời sống chúng con. Tăng sức linh hồn bồi thêm lửa mến, soi sáng trí khôn, hiệp nhất muôn lòng.
1- Chúa hỡi, khấn xin ngự đến đổ tuôn muôn ơn, phù giúp chúng con. Xin thương soi dẫn nhân tâm nương theo Thần Khí bước trong bình an.
2- Hãy đến Thánh Linh từ ái suối ơn mát trong là Đấng ủi an. Xin thương nâng đở ủi an con chiên lạc hướng khổ đau lầm than.
4.THẢO LUẬN: 1) Phân biệt Thánh Thần và thiên thần giống và khác nhau thế nào? 2) Ngày nay các tín hữu nhận được ơn Thánh Thần khi nào? 3) Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì để được ơn Thánh Thần tác động noi gương các Tông đồ trong lễ Ngũ Tuần?
5.NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nhiều khi chúng con cảm thấy Thánh Thần xa lạ, đang khi Ngài thật là Bạn, là Thầy của chúng con. Ngài luôn ở bên và ở trong chúng con. Ngài cần cho đức tin của chúng con, giống như hơi thở cần cho sự sống. Chúng con chỉ có thể gọi Thiên Chúa: “Áp-ba! Ba ơi!” nhờ Thánh Thần, Đấng làm cho chúng con trở nên nghĩa tử (x. Rm 8,15). Chúng con chỉ có thể gọi Đức Giê-su là “Chúa” khi chúng con ở trong Thánh Thần (x. 1 Cr 12,3). Chính nhờ có Thánh Thần hướng dẫn, chúng con mới dám cầu nguyện và mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Lời Chúa. Cũng chính nhờ Thánh Thần mà Hội thánh không ngừng canh tân đổi mới.
- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH, xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi lo âu sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu của Thánh Thần trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ vụ được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ của Hội Thánh.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
NGÀY LỄ “ QUỐC KHÁNH” CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TOÀN CẦU
An tôn Lương Văn Liêm
“ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con… Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga.20,21-22)
Để ghi nhớ khai sinh ra nền quân chủ, dân chủ hoặc ngày độc lập của một quốc gia trên thế giới, người ta chọn và gọi là ngày quốc khánh. Để rồi hằng năm, cứ vào ngày quốc khánh của một quốc gia, người ta treo cờ, nghỉ ngơi, đồng thời tổ chức những lễ hội hoành tráng….trước là để nhắc nhở mọi người về sự kiện lớn của đất nước, sau nữa là để tưởng nhớ đến những người có công gầy dựng, sau cùng là tự hào, quảng bá hình ảnh về đất nước mình cho toàn thế giới…
Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đây là một biến cố lớn trong Hội Thánh, là ngày khai sinh Hội Thánh, ngày mà các thánh Tông Đồ đón nhận tràn đầy tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa ngang qua Chúa Thánh Thần, và cũng là ngày khởi đầu thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho khắp muôn dân của các thánh Tông Đồ. Vì thế, ta cũng có thể coi ngày lễ hôm nay là ngày “Quốc Khánh” của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.
Giáo Hội Công Giáo, hay nói khác đi theo ngôn ngữ trần thế, đây là một vương quốc, một đất nước tại thế do chính Đức Giêsu thiết lập khi Ngài phán cùng ông Phêrô: “ Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt.16,18).
Vương quốc, đất nước tại thế đó là Giáo Hội Công Giáo do Đức Giêsu thiết lập hiện diện giữa xã hội trần thế. Vương quốc ấy không giới hạn bởi thời gian và không gian, không cắt ngăn bởi thể chế chính trị, ranh giới, địa lý…; không phân biệt tuổi tác, trình độ, tiếng nói, màu da và sắc tộc… Vương quốc, đất nước ấy bao trùm khắp địa cầu và mãi mãi trường cửu; vương quốc được Chúa Thánh Thần hướng dẫn ngang qua phẩm trật của Giáo Hội. Người đứng đầu phẩm trật là ngôi vị Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi.
Với xã hội trần thế, ngoài những lễ hội, nghỉ ngơi vui chơi trong ngày quốc khánh, ngày ấy còn nhắc nhở mọi người, mọi thành phần từ người lãnh đạo cao nhất cho đến những trẻ em ngày đầu đời cắp sách đến trường; từ người quyền quý, cao sang cho đến những người cùng khốn ý thức mình là những con dân trong đất nước, luôn có bổn phận, trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo và cùng chung tay góp sức sao cho đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, vận dụng những gì có thể từ tri thức đến tình cảm để quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước mình cho thế giới…
Là người Công Giáo, sau khi ta cúi đầu lãnh nhận bí tích Rửa Tội, ta chính thức trở thành thần dân của vương quốc Giáo Hội Công Giáo. Vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trước tiên ta hòa cùng với toàn thể Giáo Hội cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa đã ân ban, thiết lập Giáo Hội ngang qua Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Thánh Thần; tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban, mời gọi ta trở thành những thành viên trong gia đình Giáo Hội.
Trong niềm vui và hân hoan của ngày lễ “ Quốc Khánh” Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, ta tri ân các thánh Tông Đồ và những người kế vị các ngài, vì các ngài đã hy sinh cuộc đời và cả tính mạng để gìn giữ giới thiệu và làm cho bộ mặt của Giáo Hội ngày càng sinh động, trưởng thành. Đặc biệt, các ngài đã dẫn dắt và giúp ta trở thành những thần dân tốt trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo.
Là thần dân, là một phần tử trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo, trong ngày lễ “quốc Khánh” của Giáo Hội, ta được mời gọi nhìn lại trách nhiệm và bổn phận của mình đối với Giáo Hội trong việc gìn giữ, xây dựng và giới thiệu hình ảnh của Giáo Hội cho thế giới. Giáo Hội là chi thể và là nhiệm thể của Đức Kitô. Vì thế, một khi ta giới thiệu hình ảnh, đời sống của Giáo Hội là ta giới thiệu chính hình ảnh và đời sống của Đức Giêsu, Đấng đã và đang sống giữa Giáo Hội và thế giới.
Nếu như xã hội trần thế quảng bá hình ảnh đất nước của mình cho thế giới bằng nhiều cách và nhiều hình thức, đôi khi sự giới thiệu được phóng đại, lời giới thiệu được cường điệu và sai với sự thật… Với ta là thần dân trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo, trong bổn phận và trách nhiệm giới thiệu hình ảnh và đời sống của Đức Giêsu ngang qua Giáo Hội ta được giáo huấn: “ Có thì nói có và không thì nói không”(Gc.5,12). Tất cả lời giới thiệu của ta phải là Sự Thật, ta không chỉ giới thiệu Sự Thật ấy bằng lời, mà phải bằng chính đời sống của ta.
Sống giữa xã hội hôm nay, một xã hội tràn ngập sự dối trá. Dối trá từ trong mái ấm gia đình, đối trá nơi học đường, nơi bệnh viện; dối trá qua những hiện tượng hàng gian, hàng giả, bằng cấp, học vị….Giữa một xã hội như thế, ta có khác chi những chú cá lội ngược dòng khi ta sống, nói và giới thiệu hình ảnh và đời sống Giáo Hội bằng lời thật và sống thật.
Trước ngày lễ Ngũ Tuần 50 ngày, nơi căn phòng tiệc ly. Căn phòng mà Đức Giêsu chọn làm nơi từ biệt đồ đệ của mình qua bữa tiệc. Khi ấy, 12 môn đệ của Đức Giêsu quây quần bên Thầy, mỗi người mỗi tâm trạng và mỗi toan tính khác nhau. Sau ngày Đức Giêsu Tử Nạn và Về Trời, cũng nơi căn phòng ấy chỉ còn lại 11 người, các ông đồng mang tâm trạng thất vọng, lo âu và sợ hãi. Đến thời mà Thiên Chúa đã hoạch định và sau khi cùng với Mẹ Maria cầu nguyện. Một sự kiện lạ lùng đã đến như lời trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ: “ Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn phòng… Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra và đậu xuống từng người. Và ai nấy được tràn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo Thánh Thần ban cho”(Cv.21-4).
Sau khi nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần các ông đã nhớ lại lời Đức Giê su đã truyền: “ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con, các con hãy nhận lấy Thánh thần” (Ga. 20,21-22). Từ sau sự kiện cả thể ấy, 11 môn đệ của Đức Giêsu được biến đổi hoàn toàn. Họ đang là những con người mang tâm trạng thất vọng, chán nản và sợ hãi qua cái chết của Thầy, ấy thế mà giờ đây, các ông đã mạnh dạn tông cửa để rao giảng Tin Mừng; là những ngư phủ, chất phác, các ông đã trở thành những con người uyên bác, để rồi qua ngôn ngữ của các ông, tất cả những người chứng kiến, nghe, tất cả họ đều người kinh ngạc và thán phục.
Vâng! Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi các thánh Tông Đồ, Ngài cũng đang hoạt động nơi Giáo Hội, nơi mỗi con người tin nhận Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là một vị Thiên Chúa âm thầm lặng lẽ, nhưng quyền năng của Ngài thì siêu việt, Ngài chính là sức mạnh mở tung những cách cửa luôn khép kín vì sợ sệt, lo âu và nhát đảm khi được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng; Ngài chính là ngọn lửa phá tan đi những tảng băng của hoài nghi, của thất vọng, nghi kỵ, của hận thù và chia rẽ giữa con người với con người;
Với những tâm hồn băng giá, nguội lạnh và khô khan, những tâm hồn nghèo hèn và đau khổm Chúa Thánh Thần chính là ngọn lửa an ủi và đỡ nâng; trong đời sống Đức Tin và cầu nguyện, Chúa Thánh Thần chính là Người Thầy soi lòng mở trí cho ta nhận ra Thiên Ý, giúp và dạy ta cầu nguyện, hướng dẫn ta thực thi giới răn của Thiên Chúa một cách chu toàn và Ngài là Thầy dạy ta am hiểu Kinh Thánh một cách chuẩn mực nhất. Đặc biệt, Ngài chính là Đấng kiến tạo sự Bình An và Hiệp Nhất.
Ngày xưa Đức Giêsu đã lệnh truyền cho các thánh Tông Đồ“ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga.20,21). Hôm nay, Ngài cũng mời gọi ta trở thành những người loan báo Tin Mừng, những người giới thiệu hình ảnh và đời sống Giáo Hội cho mọi người và cho thế giới, dẫu rằng ta đang bị nhốt trong những cánh cửa của sợ sệt, nhát đảm và lo âu; ta đang bị lung lạc Đức Tin bởi những tảng băng của bệnh tật, đói nghèo, khổ đau và thử thách. Tất cả những hệ lụy, những cản trở đó sẽ được hóa giải nếu ta mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần và thường xuyên cầu khẩn Ngài đến ở trong ta và hành động giúp ta.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân đời sống chúng con và canh tân bộ mặt thế giới này. Xin giúp con trở thành thần dân tốt, thần dân có trách nhiệm trong vương quốc Giáo hội Công Giáo mà Chúa đã khai sinh qua các thánh Tông Đồ. Amen.