Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 1

CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG A

Is 2,1-5 ; Rm 13,11-14 ; Mt 24,37-44

HÃY LUÔN SẴN SÀNG

I. HỌC LỜI CHÚA

3 ngon nen.jpg1. TIN MỪNG: Mt 24,37-44

(37) Quả thế, thời ông Nô-e thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. (38) Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-e vào tàu. (39) Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. (40) Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. (41) Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. (42) Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (43) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. (44) Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

2. Ý CHÍNH:

Ngày tận thế chắc chắn sẽ đến vào lúc bất ngờ, nên đòi người ta phải luôn tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa. Như trong nạn lụt hồng thủy thời No-e: chỉ có gia đình No-e vì đã tỉnh thức và chuẩn bị trước bằng việc đóng tàu mới được cứu thoát. Đức Giê-su dạy các môn đệ phải tỉnh thức như chủ nhà thức canh đề phòng kẻ trộm khoét vách nhà mình lúc ban đêm. Tóm lại, cần luôn sẵn sàng đón Chúa đến vào lúc bất ngờ.

3. CHÚ THÍCH:

- C 37-39: + Thời ông Nô-e thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy: “Con Người” ám chỉ Đấng Thiên Sai. Đức Giê-su đối chiếu nạn hồng thủy thời Nô-e với cuộc trở lại trong vinh quang của Ngườii vào ngày tận thế để phán xét chung nhân loại hay vào giờ chết để phán xét riêng mỗi người. + Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy…: Cuộc quang lâm của Con Người vào ngày tận thế giống như nạn hồng thủy thứ hai. Cũng như thiên hạ thời Nô-e cứ sinh hoạt bình thường mà không quan tâm đến những dấu hiệu của cơn đại họa bất ngờ xảy đến, nên đã chết thê thảm, thì cuộc quang lâm của Vua Thẩm Phán Giê-su trong ngày tận thế cũng sẽ xảy đến cách bất ngờ như vậy.           

- C 40-41: + Hai người đàn ông… Hai người đàn bà…: để diễn tả số phận con người khác nhau tùy theo thái độ tỉnh thức và lối sống của họ, Đức Giê-su đã dùng hai hình ảnh cụ thể minh họa: hai người đàn ông đang làm việc ngoài đồng, hai người đàn bà đang xay chung một cối bột. + Thì một được đem đi, một bị bỏ lại: Người ta có thể cùng làm chung một ngành nghề, nhưng tùy theo cách sống mà số phận đời đời sẽ khác nhau: người này được tiếp nhận, kẻ kia bị bỏ rơi.

- C 42-44: + Hãy canh thức, vì không biết giờ nào…: Để khỏi bị bất ngờ như những người thời Nô-e, các môn đệ phải luôn tỉnh thức sẵn sàng. Tỉnh thức không phải là thụ động chong đèn ngồi chờ, nhưng là tích cực làm việc như người quản gia chu toàn nhiệm vụ cấp phát lương thực cho gia nhân (x. Mt 24,45), như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang dầu theo đèn (x. Mt 25,4), như người biết làm lợi gấp đôi số nén bạc được trao (x. Mt 25,20), luôn sống theo tám mối phúc thật (x. Mt 5,3-12), biết quan tâm chia sẻ và phục vụ tha nhân nhất là người nghèo đói (x.Mt 25,34-40). + Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng…: Các môn đệ phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến cách bất ngờ như kẻ trộm thường bất ngờ đến.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao phải tỉnh thức để đón chờ Chúa đến ? 2) Đức Giê-su đã dạy môn đệ bài học gì về sự tỉnh thức qua câu chuyện lụt đại hồng thủy thời No-e ? 3) Đức Giê-su đã dùng hai hình ảnh nào để minh họa cho lối sống tỉnh thức của người môn đệ hầu chuẩn bị cho ngày tận thế sẽ đến ? 4) Người môn đệ Chúa phải có lối sống sẵn sàng tỉnh thức thế nào ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).

2. CÂU CHUYỆN:

1) PHẢI LUÔN TỀ CHỈNH: Một vị thanh tra kia khi đến thăm một trường tiểu học đã nói với các em học sinh như sau: “Hôm nay thầy thấy có nhiều học sinh đã để bàn học lộn xộn mất trật tự, lớp học thì ồn ào và rác rến vung vãi mất vệ sinh. Vậy thầy quyết định sẽ trở lại đây để kiểm tra các em một lần nữa. Từ nay tới hôm thầy trở lại, em nào giữ được bàn học sạch sẽ, sách vở ngăn nắp sẽ được thưởng”. Bấy giờ có mấy em hỏi: “Thưa thầy, khi nào thầy sẽ trở lại ạ ?”. Thầy đáp: “Thầy sẽ trở lại. Nhưng không cho các em biết ngày giờ chính xác”.

Sau khi thầy thanh tra đi, một cô bé liền nói với mấy đứa bạn rằng mình quyết tâm sẽ dành được phần thưởng của thầy. Các bạn khác nghe vậy liền cười ồ chế diễu, vì cô bé này ít khi nào chỉnh tề ngăn nắp. Có bạn hỏi rằng: “Bàn học của bạn chẳng khi nào ngăn nắp tề chỉnh mà bạn lại đòi được lãnh thưởng hay sao ?” Nhưng cô bé trả lời: “Từ ngày mai, mỗi buổi sáng tớ sẽ thu xếp dọn dẹp ngay khi mới đến là sẽ gọn gàng ngay thôi mà”. Một bạn lại hỏi: “Thế nếu thầy thanh tra đến vào buổi chiều thì sao ?” Cô bé im lặng suy nghĩ một lát rồi nói: “Thôi, mình nghĩ ra rồi. Như thế là lúc nào mĩnh cũng phải giữ bàn học thứ tự sạch sẽ phải không các bạn ?”.

2) KẾ SÁCH CÁM DỖ HOÀN HẢO NHẤT: Một câu chuyện ngụ ngôn về phương cách cám dỗ của ma quỷ như sau:

Có ba tên quỷ con đang trong thời kỳ huấn luyện để đi cám dỗ loài người. Một hôm tên quỷ già thầy giáo yêu cầu lũ quỷ học trò suy nghĩ để tìm ra một kế sách nào hòan hảo nhất để cám dỗ loài người. Tên quỷ thứ nhất thưa rằng: “Tôi sẽ nói với loài người rằng: trên đời này làm gì có Thiên Chúa, nên các ngươi cứ việc ăn chơi thỏa thích theo lòng đam mê của mình”. Nhưng tên quỷ già bảo: “Kế sách đó khó thành công lắm, vì dù không thấy Thiên Chúa vô hình, nhưng hầu như mọi người đều cảm thấy sự hiệu hữu của ông ta”. Tên quỷ con thứ hai trình bày: “Phần tôi sẽ rỉ tai cho loài người biết: chết đi là hết. Thiên đàng hay hỏa ngục chỉ là sự tưởng tượng để hù dọa họ ăn ngay ở lành mà thôi chứ không có thực! Do đó, các ngươi cứ việc vui chơi thỏa thích, kẻo giờ chết đến thì khi ấy có muốn cũng không thể vui chơi được nữa!”. Tên quỷ già gật gù nói: “Kế đó cũng hay đấy. Nhưng có lẽ loài người vẫn biết có quả báo, có thiên đàng để thưởng kẻ lành và hỏa ngục để phạt kẻ dữ”. Tên quỷ con thứ ba thì nêu ý kiến này: “Phần tôi, tôi sẽ làm cho con cái loài người tin rằng còn lâu chúng mới chết. Do đó chúng cứ việc thỏa mãn những đam mê lạc thú ở đời. Khi nào nằm liệt giường sắp chết, sẽ ăn năn sám hối cũng chưa muộn!”. Nghe xong, tên quỷ già khoái chí cười hô hố. Nó vừa xoa đầu tên quỷ học trò vừa khen lấy khen để: “Trò giỏi lắm. Quả đó là kế sách hay nhất và rất hạp ý ta. Với phương kế này, chắc chắn nước hỏa ngục của chúng ta sẽ ngày càng bành trướng vì sẽ có thêm rất nhiều kẻ gia nhập đó!”.

3. SUY NIỆM:

Hôm nay chúng ta bước sang Mùa Vọng năm phụng vụ mới là năm A. Mùa Vọng vừa là thời gian chuẩn bị tâm hồn mừng đại lề Giáng sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa đến trần gian lần thứ nhất ban ơn cứu độ cho lòai người, vừa là thời gian để các tín hữu chúng ta trông đợi Chúa Ki-tô sẽ đến lần thứ hai trong uy quyền vinh quang để phán xét chung nhân loại vào ngày tận thế.

1) Phải luôn tỉnh thức sẵn sàng vì Chúa sẽ đến cách bất ngờ:

- Tin mừng Mát-thêu hôm nay ghi lại những lời Đức Giê-su cảnh báo các môn đệ về việc Người sẽ đến cách bất ngờ trong ngày tận thế chung nhân loại và đến với mỗi người trong giờ chết của họ. Người dạy các môn đệ phải có thái độ như sau: « Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,14).

- Tuy nhiên, có lẽ dân Do thái lúc đó đều coi thường lời cảnh báo của Đức Giê-su, giống như dân chúng thời tổ phụ No-ê. Ông No-ê đã được Đức Chúa cho biết trước sắp xảy ra cơn lụt đại hồng thủy nên đã chuẩn bị bằng việc miệt mài đóng một con tàu lớn cho ông và gia đình, đang khi những người khác « vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-e vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy” (Mt 24,38-39). Chỉ riêng gia đình ông No-ê được cứu thoát nhờ con tàu.  

2) Phải cảnh giác và chăm chỉ làm việc:

- Cảnh giác bằng việc làm : Những người thời ông No-ê đã bị chết trong cơn nước lụt, không phải do họ đã phạm tội, mà chỉ vì họ đã không làm những việc lẽ ra phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống vật chất thể xác, nhưng lại không làm gì cho cuộc sống thiêng liêng tinh thần. Số phận của mỗi người được cứu hay không tùy theo họ có chuẩn bị cho cuộc sông đời sau hay không như lời Đức Giê-su: «Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại”  (Mt 24,40-41).

- Chu toàn việc bổn phận: Tỉnh thức sẵn sàng bằng việc chu toàn các việc bổn phận hằng ngày, từ việc nội trợ trong gia đình, học tập tại nhà trường, lao động nơi nhà máy, công sở, buôn bán nơi phố chợ, cày cấy ngoài đồng ruộng... Đức Giê-su cũng cảnh báo các môn đệ đừng quá quan tâm đến các công việc trần gian, mà quên rằng cái chết có thể sẽ bất ngờ đến vào bất cứ lúc nào, giống như “chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc 21,35). Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ phải có thái độ tỉnh thức sẵn sàng giống như ông chủ nhà kia canh thức không để kẻ trộm đào ngạch khóet vách nhà mình!  

3) Phải luôn tỉnh thức cầu nguyện:

- Bất ngờ sẽ trở thành niềm vui cứu độ: Nếu chúng ta biết "tỉnh thức và cầu nguyện luôn" (Lc 21,36), sẵn sàng ra đón khi Chúa đến thì việc Chúa đến bất ngờ sẽ lại trở thành niềm vui cho chúng ta. Ngày đó, chúng ta sẽ không phải "lo lắng hoang mang trong cảnh biển gào sóng thét" (Lc 21,25), sẽ không "sợ đến hồn xiêu phách lạc" (Lc 21,26), nhưng sẽ "đứng thẳng và ngẩng đầu lên" (Lc 21,28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu chuộc của Chúa. 

- Phải luôn tỉnh thức cầu nguyện : Nhiều người sống như mê ngủ. Trong tuần họ lo làm việc để kiếm tiền, rồi đến cuối tuần lại dành thời giờ để đi chơi du lịch leo núi hay tắm biển... mà lơ là các việc đạo đức như cầu nguyện sớm hôm, bỏ dâng lễ Chúa nhật và các lễ buộc, không xưng tội rước lễ… Tỉnh thức là phải chuyên cần cầu nguyện như Đức Giê-su đã cảnh báo ba môn đệ trong vườn Cây Dầu xưa: ”Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41).

4) Phải cấp thời sám hối và sống tốt hơn để đón chờ Chúa đến:

- Cấp thời sám hối không trì hoãn: Trong cuộc sống, chúng ta thường nghĩ rằng mình còn sống lâu, nên không cần phải sám hối ngay, nhưng cứ để đến lúc gần chết sám hối cũng không muộn. Nhưng chần chừ không dứt khoát quay về với Chúa là kế sách cám dỗ hoàn hảo nhất của ma qủi đối với chúng ta. Mùa vọng là thời gian chờ đợi trong tin yêu như con cái chờ đợi người cha thân yêu trở về, chứ không chờ đợi trong sự lo lắng buồn sầu. Người tín hữu chúng ta cần tránh tâm trạng buồn chán lười biếng, nhưng cần hăng say làm việc nhiều hơn và không ngừng cầu xin Chúa ban ơn giúp sức. Hãy làm tất cả những gì có thể làm ngay hôm nay, bắt đầu ngay từ bây giờ và ở đây “hic et nunc”.

- Loại trừ các thói hư và sống theo gương Đức Giê-su: Trong những ngày này, chúng ta cần suy gẫm lời thánh Phao-lô: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14). Nói “mặc lấy Đức Kitô” là quyết tâm loại trừ các thói hư tật xấu như tính tự ái cao, dễ nổi nóng, gian dối, ganh ghét, say sưa, cờ bạc, trai gái, hút sách…  Hãy siêng năng đọc Lời Chúa mỗi ngày và quyết tâm sông noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su bằng việc năng tự hỏi: “Nếu Đức Giê-su ở trong hoàn cảnh của tôi bây giờ thì Người sẽ làm gì?” rồi quyết tâm làm theo ý Chúa muốn.

4. THẢO LUẬN:

1) Có người nói: “Đời người mau qua chóng hết, nên ta cần phải nếm mọi lạc thú ở đời, để đến giờ chết ta sẽ không còn phải hối tiếc vì cuộc sống quá ngắn ngủi mau qua”. Bạn sẽ nói gì với người ấy giúp họ hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng đời sau ? 2) Ngay từ hôm nay bạn sẽ làm gì để xây dựng gia đình, xã hội trở thành thiên đàng trần gian, một nơi chan chứa sự công bình, yêu thương và hạnh phúc ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU: Nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng bối rối. Bối rối vì bản thân chúng con còn nhiều tội lỗi khuyết điểm, vì môi trường và thế giới chúng con đang sống vẫn nhiều dở dang và còn nhiều người chưa nhận biết tin thờ yêu mến Thiên Chúa. Chúa đến không để hủy diệt những kẻ tội lỗi, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống.

- LẠY CHÚA THÁNH THẦN, xin cho chúng con luôn thành tâm sám hối để đón nhận ơn thứ tha của Chúa Cha. Xin cho chúng con biết luôn cộng tác với Chúa Giê-su để xây dựng một “Trời mới Đất mới” công bình và yêu thương, an vui và hạnh phúc. Xin giúp chúng con luôn cậy trông vào tình yêu quan phòng của Chúa Ba Ngôi, vì biết rằng tất cả những điều xảy ra đều nhằm thanh luyện và biến đổi chúng con nên tốt hơn, hầu chúng con có thể tích cực góp phần xây dựng thế giới này ngày một công bình, yêu thương và hạnh phúc hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH -HHTM

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A

Ys 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44

Với những bài Thánh Kinh trên, Phụng vụ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa Mùa Vọng, cũng như về thái độ căn bản của người tín hữu trong Mùa này.

A. Ý Nghĩa Mùa Vọng

Isaia đã nói về tương lai. Ông nhìn thấy "vào những ngày mai sau, hết thảy mọi nước sẽ tuốn lên Ðền thờ Thiên Chúa... Ngài sẽ phân xử mọi dân tộc và thiên hạ sẽ rèn gươm làm cày, nghĩa là không còn luyện binh đao nữa". Ðó là cái nhìn của nhà tiên tri. Ông không nghĩ rằng xã hội lý tưởng kia sẽ xảy ra vào thời ông. Ngược lại ông chắc chắn dân tộc Israel đang đi vào con đường đen tối. Nói rằng đây là những lời an ủi ông đưa ra trước để nói về thời phục hưng sau lưu đày, cũng chỉ một phần nào đúng thôi; vì xã hội tốt đẹp ông nhìn thấy lý tưởng quá, khó xảy ra trong một quê hương bị nạn binh đao tàn phá. Cũng có người tưởng, đoạn văn Isaia ở đây là một văn phẩm sau thời gian lưu đày. Dân Israel được khuyến khích trở về Yêrusalem xây dựng lại Ðền thờ của Chúa. Nhưng lịch sử cho biết số người trở về cũng không rầm rộ đắc thắng và cuộc trùng tu Ðền thờ đã gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, những lời tiên tri không ám chỉ tương lai gần thời Isaia. Cùng lắm cái nhìn thời cuộc lúc bấy giờ chỉ là khởi điểm hay điểm tựa để nhà Tiên tri phác họa ra tương lai của niềm tin. Ông diễn tả đức tin mạnh mẽ của ông vào Lời Chúa. Ngay từ đầu, với Abraham, Ngài đã hứa cho Israel trở thành dân đông đảo và mọi nước sẽ được chúc phúc ở trong ông. Lời hứa mỗi ngày mỗi được củng cố, đào sâu và phổ biến. Dần dần lịch sử đã mở mắt và hướng dẫn cho dân Israel để họ hiệu Lời Hứa trên sẽ không thực hiện đầy đủ trong các biến cố lịch sử do con người tạo ra. Họ ý thức rằng: duy chỉ một mình Chúa có thể thực hiện Lời Hứa trên: và khi Ngài ra tay làm sự nghiệp vĩ đại ấy, lịch sử sẽ đi vào thời đại hoàn toàn mới mẻ, thời đại của chính Thiên Chúa, của Ðấng Thiên Sai mà Ngài sai đến. Như vậy, lời sách Isaia ở trên nói về thời Thiên Sai, thời Ðấng Cứu Thế.

Chúng ta biết: Ngài đã đến. Ðó là Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta. Và các lời sách Isaia cũng đã thực hiện. Các dân tộc đã tuốn về nhà Chúa là Giáo hội và người ta đang đi trong đường lối của Ngài. Tuy nhiên chúng ta đều biết, chưa có sự hoàn toàn và đầy đủ. Chính Ðức Kitô, trong bài Tin Mừng hôm nay, bảo chúng ta phải chờ đợi "Ngày Con Người sẽ đến", khiến thật sự, các lời tiên tri Isaia chỉ thực hiện hoàn toàn sau này, trong tương lai. Vậy dùng những lời ấy để khai mạc Mùa Vọng, và dùng chính lời Tin Mừng để giải thích rõ lời Tiên tri, Phụng vụ hôm nay đã nói lên ý nghĩa đích thực của mùa này, là hướng lòng chúng ta về Ngày "Con Người sẽ đến". Vì thế chủ yếu của Mùa Vọng không nhằm việc dọn mừng lễ Giáng sinh; nhưng muốn khơi lại niềm tin về Ngày Chúa sẽ trở lại, để tất cả cuộc đời của chúng ta là Mùa Vọng, trông đợi "Ngày Chúa lại đến".

B. Vai Trò Của Việc Dọn Mừng Giáng Sinh

Tuy nhiên việc dọn mừng lễ Giáng sinh rất cần thiết cho Mùa Vọng. Cả đời chúng ta phải chờ Ngày Chúa trở lại. Nhưng để nuôi dưỡng và phấn khích lòng chờ đợi này, chúng ta cần làm sống lại mầu nhiệm Chúa đến trong xác thịt hầu khi thấy Chúa đã nhập thể thế nào, chúng ta được thêm vững tin về việc Ngài sẽ trở lại như thế. Và nhất là chúng ta cần đến ơn Nhập thể của Chúa, mới biết chờ đợi và mới có khả năng chờ đợi Ngày Con Người sẽ đến sau này. Có thể nói Phụng vụ muốn giúp chúng ta dọn mừng lễ Chúa Giáng sinh để ta thêm khả năng sửa soạn cho Ngày Chúa trở lại. Như vậy Mùa Vọng nhắm lễ Giáng sinh như mục tiên gần để vươn tới và đạt tới mục tiêu cuối cùng là Ngày Ðức Kitô lại đến để phân xử các nước và phán xét mọi dân tộc.

Nhưng việc dọn mừng lễ Giáng sinh chỉ có thể đóng được vai trò vừa nói, nếu Phụng vụ không phải chỉ là kính nhớ hay nhớ lại. Phụng vụ phải mang đến ơn Chúa Giáng sinh thật sự, nghĩa là phải làm sống lại thật sự cho chúng ta sự kiện Ðức Kitô đã làm người. Phụng vụ phải hiện đại hóa cho chúng ta ngày nay việc Ngài đã giáng sinh ở Bêlem ngày trước, để chúng ta được tiếp nhận Ngài như Ðức Maria và thánh Giuse, để chúng ta lại được như các Tông đồ lắng nghe Lời Chúa và thấy các việc Ngài làm, hầu chúng ta có thể chờ đợi Ngài trở lại. Thành ra không kể việc Chúa đã đến một lần trong lịch sử khi sinh ra làm người, và không kể việc Ngài sẽ đến sau này trong tương lai, còn có việc Ngài đến cách mầu nhiệm trong tâm hồn tín hữu nhờ việc lãnh nhận Bí tích với niềm tin yêu. Việc Ngài đến cách mầu nhiệm này là kết quả của việc Ngài đã đến trong xác thịt; và là bảo chứng cho việc Ngài sẽ đến trong vinh quang. Chúng ta dọn mình mừng lễ Giáng sinh, vì thế, vừa để tạ ơn vừa để xin ơn. Nhớ lại việc Chúa đã giáng sinh, chúng ta cảm mến các ơn lành Người ban để biết chờ mong hạnh phúc viên mãn sẽ đến sau này.

C. Làm Thế Nào?

Isaia đã khuyên nhà Yacob, hãy đi trong ánh sáng của Chúa. Thánh Phaolô cũng bảo, hãy từ bỏ công việc của đêm tối và mặc lấy mã giáp của sự sáng. Vì Chúa đã đến trong thế gian khi Ngài giáng sinh làm người. Ngài đã đem giáo lý chân thật làm ánh sáng dẫn đưa các tín hữu của Ngài trên đường lữ thứ trần gian. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta biết thái độ căn bản trong thời "Con Người chưa đến". Ngài bảo: "Vậy chúng con hãy sẵn sàng". Và để chúng ta hiểu rõ khẩu lệnh này, chính Ngài đã cho chúng ta hai thí dụ, hay hai dụ ngôn để so sánh. Ngài nói: hãy nhớ lại thời Noe; cho đến khi nước lụt ập đến cuốn đi tất cả. Thật ra sách Khởi nguyên còn yếm thế hơn. Tác giả nói thời ấy người ta cứ ăn uống, cưới xin như không có việc gì sắp xảy tới. Như vậy, Ngài không cảnh cáo riêng gì kẻ tội lỗi. Ngài dạy mọi người không được sống "bình chân như vại", chỉ lo việc đời này, dường như không có đời sau. Không có việc Chúa trở lại, không có lễ Giáng sinh sắp tới. Những người sống như vậy chắc chắn sẽ không được ơn gì của lễ Giáng sinh và sẽ ngỡ ngàng khi Ngày Con Người đến. Và để diễn tả sự ngỡ ngàng này, Chúa Yêsu đã lấy hình ảnh hai người (đàn ông) cùng đang ở ngoài đồng và hai người (đàn bà) cùng đang xay bột ở nhà. Người sẵn sàng chờ đợi Chúa đến sẽ được Ngài đem đi (hưởng nơi hạnh phúc); còn người không chờ đợi sẽ chưng hửng thấy người bạn cùng làm với mình được cất lên trời, còn mình phải ở lại nơi trần tục. Như vậy rõ ràng Chúa muốn bảo chúng ta, đang khi chu toàn các phận sự ở đời này, phải thao thức về việc Ngài trở lại. Và ai sống như thế, chắc chắn sẽ được như lời Thánh Tông đồ nói: không bê tha tửu sắc và giành giật gây chuyện với người khác, một sẽ càng ngày càng mặc lấy Chúa Yêsu để trở nên giống Ngài.

Chúa còn lấy một thí dụ khác để nói lên thái độ sống đạo căn bản. Nếu người chủ hộ biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt ông sẽ thức đến lúc đó, không để cho nó đào ngạch khoét vách. Nhiều lời khác như thế đã tạo nên trong Giáo Hội thói quen canh thức cầu nguyện ban đêm. Ở đây, Chúa không đòi mọi người đến mức độ đó. Ngài chỉ bảo: vì chẳng biết giờ nào, Con Người sẽ đến, nên luôn luôn phải sẵn sàng. Và như trên đã nói, thái độ sẵn sàng là luôn nuôi dưỡng ý thức việc Chúa trở lại, để chúng ta được xứng đáng trong Ngày Chúa đến cất nhắc chúng ta lên với Ngài. Ý thức đó phân biệt người tin với kẻ không tin. Người không tin chỉ biết nói đến những sự việc đời này; còn kẻ tin làm tất cả mọi việc ở trần gian mà vẫn không ngơi quy hướng mọi sự về đời sau và Chúa. Họ phải làm tốt các nhiệm vụ trần gian để được nhìn thấy là xứng đáng trong Ngày Chúa trở lại. Không những thế, họ còn biết rằng bất cứ giây phút nào Chúa cũng muốn đến gõ cửa tâm hồn họ để vào ở với họ trong tình thân mật. Nên thái độ sẵn sàng đòi họ giữ tâm hồn trong trắng và muốn cầu nguyện tiếp xúc với Chúa và đón nhận ơn Ngài.

Như vậy, khi nếu cao ý thức "Chúa Sẽ Ðến" Mùa Vọng muốn chúng ta trở thành những con người có thái độ sẵn sàng, sẵn sàng đối với ơn Chúa đến viếng thăm và làm giàu cho đời sống, nên luôn luôn thao thức sống đẹp lòng Chúa. Thái độ ấy phải thực hiện ngay trong việc dâng lễ, để có Chúa đến trong tâm hồn, chúng ta có khả năng đón mừng lễ Giáng sinh và được Chúa cất nhắc khi Ngài lại đến.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

CHÚA NHẬT I MV A:

CHÚNG TA SẼ CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ ?

Đối với những người làm nông nghiệp, thì mỗi khi bước vào mùa lúa họ phải chuẩn bị ráo riết từ khâu: làm cỏ đốt rạ, làm đất cày bừa, nhưng việc quan trọng hơn cả là phải chuẩn bị cho có những giống lúa tốt cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt. Cũng vậy, đối với những người làm nghề cá, thì sau mùa mưa bão cũng là lúc ngư dân bắt đầu cho một mùa ra khơi đánh bắt cá. Họ chuẩn bị không chỉ là thuyền,lưới, mà còn phải chẩn bị và kêu gọi các bạn thuyền đồng tâm hiệp ý để cùng ra khơi, vì không ai có thể đi biển một mình.

Thưa qúy OBACE, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào một Mùa Vọng mới, mùa chúng ta đợi chờ ngày lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng quan trọng hơn đó là mùa Giáo Hội nhắc cho chúng ta nhớ đến việc Chúa sẽ trở lại với mỗi người và chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức và sẵn sàng, chờ đợi giờ quan trọng ấy. Riêng đối với Giáo hội Việt Nam và Giáo phận XL hôm nay chúng ta cùng nhau bắt đầu một mùa mới, đó là mùa của sứ vụ lên đường loan báo Tin Mừng, mùa gặt mới, mùa ra khơi đánh bắt cá mới.

Đây là mùa của hy vọng và vui mừng, như nhà nông mừng vui sau mùa gặt trĩu hạt, như người ngư phủ vui mừng sau chuyến đi biển bằng an và thành công. Hơn thế nữa tiên tri Isai còn cho thấy đây là mùa hân hoan vui mừng vì mọi người sẽ được gặp gỡ Thiên Chúa như con cái ở nhà đợi cha mẹ đi xa trở về, như lữ khách tha hương được về xum họp trong một bữa tiệc gia đình rộn rã tiếng đàn ca. Isaia đã dùng một khung cảnh đầy hình ảnh và âm thanh để diễn tả niềm vui đó: Ngày ấy, núi nhà Đức Chúa sẽ sẽ kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi, dâu dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: Đấn đây ta cùng lên nuí Đức Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacop. Tiên tri còn cho thấy lúc đó Thiên Chúa sẽ là trọng tài giữa các quốc gia, là cha của mọi dân tộc, Ngài sẽ đem hòa bình đến cho muôn dân muôn nước, người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, họ không còn vung kiếm đánh nhau, thiên hạ sẽ được hương một thời thái bình.

Tuy nhiên để có thể chung hưởng niềm vui và hạnh phúc của một thời đại mới như thế, thì đòi phải có những con người mới, biết chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đời của mình và nắm bắt đúng cơ hội và thời điểm Chúa ban. Vì ngày Thiên Chúa trở lại đón chúng ta đi, sẽ là một ngày đầy bất ngờ, vào giờ chúng ta không biết do đó chúng ta phải sẵn sàng để nhận ra dấu chỉ của ngày Chúa đến. Câu chuyện trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy, những người ngày xưa, họ đã bỏ lỡ mất cơ hội, họ lo chuyện vui chơi, ăn uống say sưa và thỏa mãn cho cuộc sống, mà không nhận ra sự chuẩn bị sẵn sàng của ông Noe và gia đình. Khi ông và con cháu tất bật lo chuẩn bị đóng tàu, thì những dân chúng lại lo ăn chơi sa đà, nhậu nhẹt. Chỉ đến khi lụt hồng thủy xảy đến, họ mới thấy là ông Noe và con cháu ông có lý, lúc bấy giờ, mọi người bị cuốn trôi hết, chỉ có gia đình ông Noe là được cứu sống. Câu chuyện đó Chúa Giêsu muốn nhắc cho chúng ta hãy nhận ra những dấu hiệu và hãy tỉnh thức sẵn sàng  để nhận ra ngày của chúa. Vì chúng ta sẽ không biết ngày nào, do đó chỉ những ai tỉnh thức thì mới có thể gặp Chúa đúng hẹn mà thôi. Hãy tỉnh thức như người chủ nhà luôn cảnh giác đề phòng, không để kẻ trộm có thể đào ngạch khoét vách nhà mình. Không ai biết được lúc nào kẻ trộm sẽ đến, cũng vậy Chúa sẽ đến với mỗi người vào một lúc nào đó, chúng ta không thể ngờ. Đừng để mình rơi vào tình trạng thụ động, mê ngủ, bất ngờ, vì nghĩ rằng chúng tôi còn trẻ, còn khỏe, chắc Chúa chưa đến.

Thánh Phaolô  trong thư Rôma đã chỉ cho thấy thế nào là tình và thế nào là ngủ mê, là bất ngờ. Trong thực tế, có những người dù vẫn thức, không ngủ nhưng cũng không tỉnh, mà đang trong tình trạng lơ mơ mất ý thức. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: Anh em phải biết là chúng ta đang sống trong thời nào. Tức là trước hết phải biết mình đang ở trong tình trạng nào? Chính chúng ta là người biết rõ nhất về bản thân mình, tâm hồn mình hơn ai hết. Thánh Phaolô nói thêm: Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì ngày cứu độ của Thiên Chúa đã đến gần hơn trước. Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Thánh nhân cho thấy thời hạn Thiên Chúa dành cho mỗi người không còn nhiều, vì thế, mọi người không thể ngủ nướng nữa, không thể mãi lăn qua lăn lại cách ươn lười trong cuộc đời, mà phải nhanh chóng chỗi dậy, để loại bỏ bóng đêm và chuẩn bị đón nhận ánh sáng mới. Bóng đêm đem tối đó là những góc khuất, là những lộn xộn ngổn ngang trong cuộc sống, là những bận vướng giận hờn chưa tháo cởi, là những bất hòa bất đồng chưa giải gỡ, là những bất bình bất an chưa dàn xếp lại…, cần phải giũ bỏ tất cả những mảng tối đó để bắt đầu đón nhận ánh sáng mới của ngày mới, đó là ánh sáng tình yêu và ơn cứu độ.

Điểm thứ hai Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta mang tính tích cực chủ động hơn nữa, đó là phải cầm lấy vũ khí của sự sáng và chiến đấu với chính bản thân và những lôi kéo của xác thịt của xã hội và phải ăn ở một cách ngay thẳng thành thật như đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tương, nó là những thứ kẻ thù thường xuyên lôi kéo chúng ta vào trong bóng đêm. Và điểm quan trọng hơn nữa đó là: hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn dục vọng.

Thưa qúy OBACE, tất cả những căn dặn của Lời Chúa hôm nay, là những chỉ dẫn để giúp chúng ta sống trong tình trạng tỉnh thức và biết nắm bắt thời điểm Chúa sẽ đến với mỗi người vào ngày cuối cùng, để luôn trong tư thế sãn sàng đón tiếp Người vì không ai biết ngày nào sẽ là ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Vì thế, ngay từ hôm nay chúng ta phải chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng ấy.

Một Mùa Vọng nữa đã đến, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Giống như trước một chuyến ra khơi phải chuẩn bị mọi thứ cho cả đoàn, như ngày mùa phải chuẩn bị đất chuẩn bị hạt giống, thì Các bậc cha mẹ cũng vậy, sẽ phải là những người chuẩn bị cho mình và cho mọi thành viên trong gia đình trong mùa vọng này. Hãy dọn dẹp tâm hồn khỏi cỏ rác bằng việc dẹp bỏ những bất hòa bất đồng, hãy chuẩn bị cho gia đình bằng đời sống đạo đức qua việc cầu nguyện và tham dự thánh lễ, bằng chỉnh sửa những sai lầm. Hãy luôn nhận ra tiếng Chúa nơi các biến cố của gia đình, để biết kịp thời điều chỉnh đời sống đạo của bản thân, và điều chỉnh cảch giáo dục con cái. Hãy uốn nắn con cái bằng chính gương sáng và đời sống đạo đức của cha mẹ, hãy đem Chúa đến gia đình mình qua các giờ kinh tối, qua việc lãnh nhận các bí tich nhất là Bi Tích Giải tội và Thánh Thể. Khi có Chúa trong gia đình, Chúa sẽ phá tan những góc tối góc khuất trong tâm hồn và trong gia đình. Hãy đem niềm vui hân hoan và tâm tình cầu nguyện tạ ơn vào các bữa cơm gia đình, nơi đó mọi người sống tình huynh đệ, chia sẻ và biết ơn nhau. Sau cùng là hãy đan tình yêu trong gia đình cho thật bền thật chắc, vì tấm lưới ấy có thể cứu cả con cái và gia đình khỏi những cơn sóng ngày hôm nay.

Các bạn trẻ đừng chỉ chuẩn bị mùa vọng bằng kế hoạch vui chơi trong đêm Giáng Sinh, mà hãy dám cày xới lại tâm hồn của mình bằng những phút tĩnh lặng trước mặt Chúa, để can đảm tiêu diệt những mầm cỏ dại là những thói xấu là sự lười biếng đang đan xen trong đời sống. Hãy học biết tìm hiểu nhiều hơn về Đức Giêsu qua việc đọc và suy gẫm Tin Mừng, và đón nhận Ngài, để Chúa Giêsu sẽ trở thành người bạn và người dẫn đường cho chúng ta.

Lối sống hướng ngoại hời hợt đang đẩy nhiều bạn trẻ xa bầu khí gia đình, trong mùa vọng này các bạn hãy quay lại với bầu khí của gia đình,  đừng lên kế hoạch cho riêng mình mà hãy có kế hoạch làm một việc gì đó cụ thể và tạo nên niềm vui Giáng Sinh cho cả gia đình, vì chỉ ở nơi gia đình chúng ta mới có thể cảm nhận được sự ấm áp và thánh thiêng của đêm Giáng sinh mà thôi. Amen

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng Năm C_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê_Lm Giuse Nguyễn Đình Nhu
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng C_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng C _Lm. Đan Vinh HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng - Nt.Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A: Không ai biết được giờ nào. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG NĂM C. Nữ Tỳ Thánh Thể
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG NĂM C. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG NĂM C.Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN I MÙA VỌNG NĂM C
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C. Nhiều tác giả
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C. Lm Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN I MÙA VỌNG NĂM B. Lm Giuse Phạm Đình Hiền.
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG NĂM B. Đaminh Monteils