Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH C

HÃY LÀ MỤC TỬ CHO NHAU

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Hằng năm, cứ vào Chúa nhật 4 Mùa Phục sinh, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu trong vai trò Người Mục tử chăn dắt đoàn chiên. Hôm nay, hình ảnh Người mục tử biết từng con chiên, lo lắng và chăm sóc cho từng con chiên được khắc hoạ rõ nét qua chính lời Chúa nói trong tin mừng chúng ta vừa nghe: “Tôi là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên tôi biết tôi”. Thật là hạnh phúc cho cuộc đời chúng ta, vì Chúa biết từng người chúng ta. Chúa lưu tâm đến từng hoàn cảnh của chúng ta. Chúa còn bao bọc chở che chúng ta bằng biết bao ơn lành hồn xác. Sống dưới sự chăm sóc của Chúa, chúng ta không chỉ hạnh phúc ở đời này mà còn hạnh phúc cả đời sau: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong”.

Nếu mục tử Giêsu biết chiên của Ngài, yêu thương chiên đến nỗi nên một với nó và hiến mạng vì nó, thì mỗi người Kitô hữu cũng phải có trách nhiệm liên đới với anh chị em mình trong mọi nỗi niềm và cảnh ngộ của cuộc sống. Bởi mỗi người chúng ta qua bí tích rửa tội, đều lãnh nhận sứ mạng mục tử của Chúa trong nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ anh em mình.

Vì thế, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Là cha mẹ, chúng ta hãy quyết tâm trở nên mục tử Giêsu cho con cái. Hãy biết đến con cái bằng trái tim để cảm thông và yêu thương. Chúng ta sẵn sàng đổ bao mồ hôi nước mắt để nuôi con lớn lên trong thân xác, trong tri thức, nhưng có mấy cha mẹ thực sự dám hiến cả đời sống để con cái lớn lên trong tình mến Chúa yêu người. Chúng ta hãy nhớ điều này: Đức tin và tình mến Chúa yêu người không thể đến với con cái chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc sống của cha mẹ từng ngày dám sống theo Lời Chúa, dám hiến mình vì hạnh phúc của gia đình, dám đặt nỗi khao khát tìm Chúa trên mọi giá trị khác như tiền bạc, thú vui thì cha mẹ mới có thể làm cho con cái thấm nhuần lòng tin yêu Chúa và tình mến tha nhân. Cách sống ấy không chỉ làm nên cái đẹp của đời những đứa con mà còn làm rạng ngời cuộc đời của chính cha mẹ và còn có khả năng khơi dậy ơn gọi dâng hiến nơi tâm hồn con cái. Đó là lúc cha mẹ đang dành cho con cái tình yêu của Mục tử Giêsu.

Là thầy cô, chúng ta hãy trở nên những mục tử của học trò khi biết yêu thương và hết lòng truyền đạt cho học trò không chỉ những tri thức, mà còn giúp các em sống thực như những con người lương thiện, tử tế, nhân ái bằng chính gương quên mình phục vụ, yêu thương chăm sóc từng học trò trong tình yêu của mục tử Giêsu. Có lẽ thật lý tưởng. Nhưng nếu chúng ta không nuôi một lý tưởng cao đẹp như thế trong tâm hồn thì làm sao chúng ta có được một cuộc sống đẹp trong đời thường. Nếu chúng ta không nuôi một ước mơ lớn trong con tim của mình, làm sao chúng ta có được một tấm lòng vàng. Ước gì có nhiều thầy cô Công giáo, quên đi cái bệnh thành tích của xã hội hôm nay, để ôm ấp khát vọng dẫn dắt các em đi vào con đường lương thiện, xả kỷ và yêu thương.

Là các bạn trẻ, đặc biệt các công nhân, chúng ta hãy nâng đỡ bạn mình trong công việc, trong khó khăn, trong đơn côi vì xa gia đình. Hãy thúc đẩy nhau sống đức tin, dẫn nhau đến với Chúa ngày Chúa nhật, tham gia những sinh hoạt của giáo xứ. Trong tình yêu, với nạn sống thử trước hôn nhân, hãy can đảm gìn giữ nhau trong sáng theo luân lý Kitô, hãy giúp nhau vun đắp những đức tính cần thiết cho gia đình tương lai của mình. Đó là cách chúng ta trở thành những mục tử Giêsu của nhau.

Ước gì qua thánh lễ này, xin Chúa cho chúng ta biết noi gương bắt chước Chúa để trở nên mục tử nhân lành trong gia đình, trong xứ đạo, trong khu xóm, trong môi trường mà chúng ta đang làm việc và sinh sống, để cuối cùng tất cả được sống trong cùng một đàn chiên duy nhất của mục tử Giêsu.

Chúa nhật hôm nay cũng được Giáo hội chọn làm Ngày Thế Giới cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Hiệp ý với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu xin cho Giáo hội có nhiều mục tử nhân lành hết lòng dấn thân phục vụ vì đoàn chiên. Chúng ta hướng đến các bạn trẻ và cầu nguyện cho họ quảng đại đáp lại lời mời mọi của Chúa để dấn thân và phục vụ Chúa trên con đường dâng hiến. Xin cho các bậc cha mẹ ý thức và biết xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn cầu nguyện và yêu thương, để trở thành vườn ươm ơn gọi cho thế giới hôm nay. Amen.

ĐÂU LÀ MỤC TỬ ĐÍCH THẬT ?

Lm. Đan Vinh

HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 10,27-30

(27) “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. (29) “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi với Chúa Cha là một !”.

2. Ý CHÍNH:

Tin mừng của Gio-an hôm nay ghi lại những lời tâm sự của Chúa Giê-su với các môn đệ. Người đã tự ví mình là Mục Tử nhân lành, được Chúa Cha sai đến để thay quyền Cha mà chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên đã được trao cho Người. Người và Chúa Cha là Một.

3. CHÚ THÍCH:

- C 27-28: + Con chiên và Mục Tử: Trong Thánh kinh, hình ảnh con chiên mang một ý nghĩa tốt đẹp: Đức Chúa đã trao đàn chiên Ít-ra-en cho một số mục tử chăn dắt (Tv 100,3) như: Mô-sê, A-ha-ron (x. Tv 77,21), Giô-suê (x. Ds 27,18-21), Đa-vít (x.Tv 78,70-72)... Đến thời Tân ước, Chúa Giê-su đã tự xưng mình là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,11) và duy nhất của Thiên Chúa (x.Ga 10,16). Người lại trao quyền mục tử ấy cho các Tông đồ, giám mục, linh mục... để các vị này thay Người tiếp tục chăn dắt dân Ít-ra-en Mới là Hội thánh. + Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi: Vào mỗi buổi tối, các mục tử thường đưa chiên về một cái chuồng lớn để nhốt chung với các bầy chiên khác. Sáng đến, mục tử đứng ở cửa chuồng gọi chiên của mình ra. Chiên sẽ nhận ra tiếng của mục tử và đi theo ông ra đồng ăn cỏ. Các mục tử thực sự là chủ của đoàn chiên thì sẽ thể hiện sứ tốt lành bằng việc quan tâm chăm sóc cho chiên của mình, biết rõ tính nết của mỗi con để săn sóc và bảo vệ chúng cách hữu hiệu.

Ba thái độ mà các tín hữu cần phải thực hành để trở thành chiên ngoan của Mục Tử giê-su là Nghe, Biết và Theo Người như sau:

* NGHE: Lắng nghe là khởi đầu của đức tin như Chúa Cha đã nhắn nhủ các môn đệ của Đức Giê-su: “Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người” (Mt 17,5) và thánh Phao-lô đã khẳng định: “Đức tin là bởi nghe” (Rm 10,17).

* BIẾT: Biết ở đây không phải là biết về tri thức, nhưng là về đời sống. Biết điều gì tức là có kinh nghiệm cụ thể về điều ấy. Biết một người nào là có liên hệ thân tình với người đó, như liên hệ giữa hai vợ chồng (x. Lc 1,34). Cũng vậy, Đức Giêsu biết rõ từng con chiên của Người.

* THEO: Chiên của Đức Giê-su có nhiệm vụ phải đáp trả lời mời gọi của Người bằng việc dứt khóat đi theo, quyết tâm vâng nghe lời dạy và sống theo gương lành của Người.

+ Tôi ban cho chúng sự sống đời đời: Đức Giê-su dẫn các tín hữu đi từ việc được nuôi sống (x. Ga 10,9) đến chỗ được sống dồi dào (x. Ga 10,10) và sống muôn đời (x. Ga 10,28). + Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi: Là mục tử có trách nhiệm và đầy quyền năng, không bao giờ Đức Giê-su để chiên của Người bị giết hại hay bị cướp đoạt. Chỉ có chiên tự bỏ đàn để đi hoang. Còn Chúa thì không bao giờ bỏ mặc đòan chiên của Ngừơi. Người chính là Mục Tử tốt lành, sẵn sàng đi tìm các chiên lạc để đưa về đoàn tụ trong một đoàn chiên duy nhất (x. Lc 15,4-7).

- C 29-30: + Tôi với Chúa Cha là một!: Lời tuyên bố này nói đến sự hiệp thông thân mật giữa Chúa Cha và Chúa Con. Công đồng Ni-xê-a năm 325 đã dựa trên lời này để tuyên tín: “Chúa Cha và Chúa con đồng một bản tính Thiên Chúa, nhưng là hai Ngôi vị khác nhau”, để chống lại lạc thuyết A-ri-ô (thế kỷ thứ IV) không công nhận Thần Tính của Chúa Giê-su. Chính nhờ mang bản tính Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã hứa ban cho các tín hữu được sự sống đời đời. Người cũng nhiều lần tự xưng: “Ta là..”.giống như Đức Chúa khi xưa. Sau cùng Người đã bị tử hình thập giá và ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại để phục hồi sự sống cho lòai người chúng ta.

4. CÂU HỎI: 1) Hãy kể tên một số vị Mục tử thời Cựu ước đã được Thiên Chúa trao quyền mục tử để thay Người chăn dắt đòan chiên là dân Ít-ra-en. 2) Ba thái độ mà các con chiên ngoan của Mục tử Giê-su phải có là gì ? 3) Chúa Giê-su hứa ban những quyền lợi gì cho các con chiên của Người ? 4) Công đồng Ni-xê-a đã dựa vào đâu để tuyên bố tín điều về Thần Tính của Chúa Giê-su chống lại lạc thuyết A-ri-ô ?

SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Tôi chính là Mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14).

2. CÂU CHUYỆN: “GIAI ĐIỆU HẠNH PHÚC”

Trong một cuốn phim tựa đề là “Giai điệu hạnh phúc” (La mélodie du bonheur), cô ma-ry là một người đang đi tìm hiểu ơn gọi tại một tu viện nữ. Một hôm bà bề trên sai cô đi làm gia sư trong một gia đình quí tộc. Ông đại uý chủ nhà là người giàu có, góa vợ và luôn tỏ ra nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái. Ông muốn chúng có tinh thần kỷ luật giống như một người lính trong quân đội. Khi mới đến nhận việc, cô Ma-ry đã bị bọn trẻ cố tình trêu chọc. Nhưng nhờ tình thương của một thầy giáo, kèm theo sự hiểu biết tâm lý và cách ứng xử mềm dẻo nhưng cương quyết, cùng những bài hát vui tươi và vũ điệu lôi cuốn của cô... Cuối cùng cô đã hòan tòan chinh phục được tình cảm của lũ trẻ, biến chúng trở nên những trẻ em ngoan ngoãn dễ dạy. Chúng luôn vâng lời cô giáo, không cần cô phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc theo kiểu cha của chúng. Cuối cùng cô còn chinh phục được tình cảm của chính ông đại uý chủ nhà. Câu chuyện kết thúc bằng việc cả gia đình ông đại úy đã khôn ngoan thoát khỏi sự ruồng bắt của chính quyền phát xít Đức lúc đó. Họ cùng nhau vượt qua biên giới an toàn để bước vào một cuộc sống mới đầy yêu thương và hạnh phúc.

3. SUY NIỆM:

1) ĐÂU LÀ MỤC TỬ THỰC SỰ ?

Mục tử thực sự là người chủ chiên, có tình yêu thương đòan chiên noi gương Chúa Giê-su Vị Mục Tử Tối Cao, thể hiện qua các hành động cụ thể như sau: 

-Hiểu biết và cảm thông: Đức Giê-su đã nói về tình thương của Người dành cho đàn chiên như sau: “Tôi biết chúng” (Ga 10,27), “gọi tên từng con” (10,3). Ngày nay các mục tử cũng chỉ có thể chứng tỏ tình yêu đối với đòan chiên qua việc đi thăm các gia đình trong giáo xứ, biết rõ hoàn cảnh và nhu cầu của từng người, từng gia đình. Người tín hữu sẽ cảm nhận được tình thương của vị mục tử khi thấy ngài hiểu rõ gia cảnh của mình, và ra tay giúp đỡ. 

-Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu: Đức Gie-su phán: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào” (10,10), “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (10,28). Các mục tử hôm nay cũng phải quan tâm đến hòan cảnh sống và sự an nguy của đàn chiên cả về đức tin lẫn công việc làm ăn, noi gương Đức Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5), hay Người đã dặn người nhà : “Bảo họ cho con bé ăn” (Mc 5,43). 

-Hiến thân phục vụ: Đức Giê-su phán: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11); “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đối với mục tử, các tín hữu là những linh hồn quí giá, xứng đáng cho vị mục tử hy sinh mạng sống vì họ. Thái độ này khác xa thái độ của người làm thuê, hay mục tử giả hiệu : “Khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy (…) không thiết gì đến chiên” (Ga 10,12-13). 

2) ĐÂU LÀ MỤC TỬ GIẢ HIỆU ? 

- Thánh Kinh không những nói đến những mục tử tốt lành, mà còn đề cập đến những mục tử giả hiệu, mà sau này Đức Giê-su đã gọi họ là bọn chăn thuê. Họ là những người chỉ biết nghĩ đến bản thân, nghĩ đến sự an nguy, quyền lợi hay hạnh phúc của riêng mình, chỉ biết bòn rút lợi lộc từ đàn chiên, mà không quan tâm đến quyền lợi và hạnh phúc của đàn chiên được trao cho mình chăm sóc:

- Ngôn sứ GIÊ-RÊ-MI-A viết: “Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta thất lạc và tan tác (…) các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm đến chúng” (Gr 23,1-2).

- Ngôn sứ Ê-DÊ-KI-EN thỉ viết: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! (…) Sữa chiên thì các ngươi uống, len của chúng thì các ngươi mặc, con nào béo tốt thì các ngươi giết, và chẳng thèm lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương các ngươi không băng bó; chiên bị lạc các ngươi không đưa về; chiên bị mất các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, khiến chúng bị tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6).

- Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ Ê-DÊ-KI-EN để nguyền rủa loại mục tử bất xứng này như sau: “Bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, nên hỡi các mục tử! Đây Ta chống lại các ngươi. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để các ngươi chăn dắt chiên Ta nữa (…) để chiên của Ta sẽ không còn làm mồi cho chúng nữa (Ed 34,8b-10). 

3) SỨ VỤ CỦA CÁC MỤC TỬ HÔM NAY:

- Mục tử là người được Chúa Giê-su chọn để cho thông phần vào sứ vụ mục tử của Người: Chúa Giê-su phán: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga. 15,16). Mục tử chỉ có thể làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng chăn dắt đòan chiên nếu biết cộng tác với Mục Tử Giêsu bằng sự chuyên cần cầu nguyện: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Cần phải có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết, để được thanh luyện tội lỗi và được trao quyền chăn dắt đòan chiên Hội Thánh (x Ga 21,15-17).

- Hai là phải được chính Chúa Giê-su trao sứ vụ chăm sóc nuôi dưỡng đòan chiên: Như Đức Giê-su đã được Thiên Chúa xức dầu thiêng liêng tại sống Gio-đan để tấn phong làm Đấng Mê-si-a thi hành ba sứ vụ là ngôn sứ, tư tế và vương đế,  thì các mục tử hôm nay cũng nhận được tác vụ qua việc xức dầu và đặt tay của Giám Mục trong bí tích truyền chức thánh, cũng có bổn phận chu tòan sứ vụ chăn dắt nuôi dưỡng thánh hóa đoàn chiên Chúa trao bằng ba của ăn là Lời Chúa, Thánh Thể và Thánh Ý Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su dạy: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4); "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời" (Ga 6,51); "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4,34).

- Ba là nhận được Thần Khí để chu tòan sứ vụ được sai đi: Tin mừng Gio-an thuật lại việc Chúa Phục Sinh trao ban Thần Khí và sứ vụ như sau: “Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-23). Chúa Giê-su cũng trao sứ vụ cho các Tông đồ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chua Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20); “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

4) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?:

Chúa Nhật Chúa Chiên Lành nhắc nhở các tín hữu chúng ta ý thức con đường đức tin và Mục Tử dẫn đường là Đức Giê-su. Hôm nay Đức Giê-su vẫn “ở với Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b)  qua các mục tử được Chúa kêu gọi, huấn luyện và  và trao sứ vụ chăm sóc đòan chiên.

Hôm nay là dịp để các tín hữu ý thức cầu nguyện cho các mục tử của mình, cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ và quảng đại cộng tác với các mục tử cả về tinh thần lẫn vật chất. Đồng thời hôm nay cũng là dịp để các mục tử ý thức về ơn gọi và sứ vụ của mình để duyệt xét lại về ý ngay lành và về cung cách phục vụ khiêm tốn, về cách ứng xử bác ái đối với đòan chiên được Chúa trao cho mình chăm sóc.

Chúng ta cùng nhau cầu xin cho ơn gọi ngày càng phát triển, cho các thanh thiếu niên biết quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, và xin cho các mục tử đang phục vụ đòan chiên được ơn trung thành với sứ vụ mục tử đã lãnh nhận.

Ngày nay, Hội thánh rất cần có thêm nhiều mục tử nhân lành noi gương Mục Tử Giê-su. Đó là những vị mục tử có lòng yêu mến Chúa thực sự, luôn nêu gương sáng khiêm nhường bác ái và phục vụ tha nhân cách vô vụ lợi, nhất là phục vụ những người nghèo hèn, bệnh tật và bị bỏ rơi.

Hội thánh cũng cần những tu sĩ biết kết hợp giữa hai bổn phận chiêm niệm và họat động, cần những bàn tay nhân ái của các nữ tu để xoa dịu các vết thương thể xác cũng như tinh thần, và nhất là cần những trái tim yêu Chúa hết mình, dám hy sinh mọi sự để phục vụ, đặc biệt người đau khổ tội lỗi hoặc mang tâm trạng chán chường thất vọng. Hiện nay cả nước chúng ta mới có được khỏang2000 linh mục và 7000 tu sĩ nam nữ, một con số nhỏ bé so với nhu cầu của 82 triệu dân.

4. THẢO LUẬN: 1) Thế nào là ơn kêu gọi ? Bạn sẽ đáp trả thế nào khi dược Chúa kêu gọi dâng mình phục vụ Chúa trong bậc sống tu trì ? 2) Những ai đang sống bậc hôn nhân có thể đáp lại ơn gọi của Chúa thế nào ?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHA LÀ CHỦ RUỘNG. Đồng lúa đã tới lúc chín vàng cần được gặt hái. Xin Cha sai thêm những thợ gặt lành nghề đến thu họach đồng lúa của Cha. Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay những ước mơ và hoài bão lớn lao cùng những lý tưởng cao cả. Xin cho họ biết yêu thương tha nhân bằng một con tim rộng mở của Chúa Giê-su. Ước gì họ nghe được tiếng kêu của những người đang bị áp bức, cảm nghiệm được cơn đói Lời Chúa và khát tình thương của những kẻ bất hạnh, thấy được những nỗi khó khăn của biết bao người đang bị đau khổ tinh thần và đói cơm bánh vật chất.. để sẵn sàng phục vụ họ với hết khả năng của mình.

- LẠY CHA. Ngay từ hôm nay, xin cho mỗi chúng con biết đáp lại lời mời gọi của Cha, bằng cách chuẩn bị sẵn hành trang là những kiến thức vững chắc về giáo lý và Lời Chúa, là sự nhiệt tình chia sẻ Tin mừng cho tha nhân. Nhờ đó chúng con có thể chu tòan sứ vụ Cha trao phó, và tích cực góp phần làm cho Nước Cha mau trị đến.

 

AI LÀ CHIÊN, AI LÀ CHỦ CHIÊN?

Lm. Paul Nguyễn Nguyên

Hôm thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thành lễ Tiệc ly tại một nhà tù dành cho thanh thiếu niên tại Roma, và trong thánh lễ này, Ngài đã quỳ xuống để rửa chân và hôn lên những đôi chân của các tù nhân trẻ, trong đó cũng có hai thiếu nữ được rửa chân. Trong bài giảng ứng khẩu Ngài nói với các bạn trẻ tù nhân rằng: Đây là điều Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, vì thế đây là những gì cha làm. Và Cha làm tất cả những điều đó với trái tim của Cha. …và vì đó là nhiệm vụ của cha, là linh mục, là giám mục. Cha phải phục vụ các con… Và như vậy, nhờ biết giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta cũng đang làm những việc tốt cho nhau. Việc làm này của Đức Thánh Cha đã gây xúc động cho nhiều  người trẻ và nhiều tù nhân khác, các thiếu niên bị tù ở Los Angeles đã viết thư từ nhà tù để cảm ơn Đức Thánh Cha, họ viết: "Cảm ơn ông đã rửa chân cho những người trẻ giống như chúng tôi ở bên Ý", một tù nhân viết, "Chúng tôi cũng là những người trẻ đã phạm phải sai lầm và Xã hội đã mất hy vọng về chúng tôi, cảm ơn ông, vì ông đã không bỏ mất hy vọng về chúng tôi. "

Thưa quý OBACE, Chúa nhật thứ IV mùa PS hàng năm được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, vì các bài đọc trong ngày hôm nay đều nói về Chúa Giêsu là mục tử đích thực và chúng ta là những con thiên thuộc đàn chiên của Người. Hình ảnh con chiên không phải là một hình ảnh coi thường hay hạ thấp phẩm giá con người, nhưng là một hình ảnh thật cụ thể và sống động trong truyền thống văn hóa và tôn giáo của Do Thái. Theo Thánh Gioan, thì chính Chúa Giêsu cũng là con Chiên của Thiên Chúa, là chiên xóa bỏ tội trần gian bằng cái chết đổ máu của mình, đồng thời cũng là con chiên tinh tuyền hoàn hảo được dùng làm của lễ toàn thiêu và lễ xá tội dâng lên Thiên Chúa. Song cụ thể hơn hết, con chiên gắn liền với truyền thống văn hóa du mục của người Do Thái, người Do Thái không coi con chiên là những con vật vô tri hoặc là tài sản mà họ coi con chiên như là những đứa con, là thành viên trong gia đình, là người bạn ở bên, vì thế, người ta yêu quý và bồng ẵm con chiên và chăm sóc cho nó như chăm sóc cho con cái mình.

Chính trong truyền thống văn hóa và tôn giáo đó, mà Đức Giêsu đã tuyên bố: Ta là mục tử tốt lành ta biết các chiên ta và các chiên ta biết ta. Là mục tử, Chúa Giêsu yêu thương săn sóc chúng ta với trái tim của người cha yêu thương con cái, Ngài lo lắng cho chúng ta không chỉ về đời sống tinh thấn mà còn lo cho cả đời sống vật chất cho chúng ta. Ngài dẫn dắt chúng ta bằng Lời của Ngài, Ngài chấp nhận gian lao nguy hiểm để tìm kiếm những con chiên lạc, Ngài nâng đỡ an ủi nhửng người đau yếu, Ngài dẫn dắt chúng ta đến đồng cỏ hạnh phúc là Nước Trời, và để bảo vệ chúng ta khỏi sự tấn công của sói dữ là ma quỷ và sự chết, Ngài đã liều mạng sống vì chúng ta, và còn trao ban mạng sống làm của ăn làm thức uống đem lại sư sống hạnh phúc đời đời cho chúng ta. Là chủ chiên, Thiên Chúa yêu chúng ta không phải một cách chung chung, chúng ta cũng không phải là những con số trong đoàn chiên của người, nhưng chúng ta là những đứa con được yêu thương cách cụ thể và riêng biệt: Ta đã khắc tên con trong bàn tay ta.

Là con chiên trong đoàn chiên của Đức Giêsu, chúng ta cũng phải biết và nghe tiếng chủ chiên của chúng ta: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Nếu như Thiên Chúa biết và yêu chúng ta với cả trái tim và tấm lòng của một người cha, thì chúng ta cũng phải biết và yêu mết Thiên Chúa với tâm tình của một người con thảo, đó là biết ý của cha mình, và làm theo ý của cha mình. Con cái không thể khôn hơn cha mẹ, thì con chiên không thể đi ra ngoài sư chăm sóc và dẫn dắt của chủ chiên được. Hơn thế nữa, chính Đức Giêsu đã dùng mạng sống để chuộc chúng ta về, nên chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Người, và chỉ khi vâng nghe lời Người thì chúng ta mới thực sự là chiên của Người.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu lại trao đoàn chiên của Ngài lại cho Phêrô và các tông đồ: Con hãy chăn các chiên con và chiên mẹ của Thày, tiếp theo đó sách Công vụ tông Đồ cho thấy, các tông đồ đã tiếp tục và miệt mài nối dài sứ mệnh yêu thương và phục vụ trong vai trò là mục tử mà Chúa Giêsu đã trao. Vì được tham dự vào công việc của Thày là chăm sóc cho đoàn chiên, đến lượt mình, các tông đồ đã bất chấp những hiểm nguy gian khổ để đưa nhiều anh chị em các dân các nước vào gia nhập đoàn chiên của Chúa, hướng dẫn họ đi theo con đường của vị Mục tử Giêsu, Các ông cũng gặp nhiều khó khăn không chỉ từ bên ngoài mà còn đến từ những người Do Thái là những người được tuyển chọn trở thành dân riêng và đoàn chiên của Chúa.

Ngày hôm nay, Hội Thánh chính là đàn chiên của Chúa Kitô mà mỗi người dù là Giáo hoàng, giám mục hay linh mục tu sĩ hoặc giáo dân, thì chúng ta cũng là thành phần của hội Thánh và là những con chiên thuộc đàn chiên của Chúa Kitô mà Chúa Kitô là mục tử duy nhất. Vì thế với tư cách là con chiên của Chúa Giêsu Kitô trong đàn chiên là Hội Thánh, chúng ta cũng phải sống xứng đáng là những con chiên trưởng thành, những con chiên có trách nhiệm trong việc yêu mến, xây dựng và bảo vệ hội Thánh. Hãy là những con chiên biết về Mục Tử Giêsu, tức là hiểu biết Người qua việc tìm hiểu và học hỏi về Đức Giêsu và giáo lý của người, và đón nhận Người, sống gắn bó thân mật với Người trong tin tưởng và cậy trông. Hãy chạy đến với Người qua việc cầu nguyện và chuyên cần lắng nghe Lời của Vị Mục tử Giêsu, Lời ấy được công bố mỗi ngày trong Thánh lễ, hãy lắng nghe, suy gẫm và đem ra thực hành, vì lời đó là lời hướng dẫn, chỉ bảo và sửa dạy chúng ta, đồng thời lời đó còn là lời có sức mạnh chữa lành tâm hồn và dẫn chúng ta đến nguồn suối là sự sống đời đời.

Thiên Chúa cũng còn dự liệu và trao ban cho Thánh Phêrô và các đấng kế vị các Ngài nhân danh Chúa để tiếp tục săn sóc và dẫn dắt đoàn chiên của chúa trong từng hoàn cảnh cụ thể. Các Giáo Hoàng, giám mục và các cộng tác viên của các Ngài là các linh mục đang là những người được gọi, được chọn và trao cho nhiệm vụ phục vụ và hường dẫn dân Chúa, vì thế, là con chiên trong đoàn chiên Hội Thánh, chúng ta được mời gọi yêu mến, kính trọng và vâng nghe theo sư hướng dẫn của các chủ chăn của mình, dù các Ngài có thể còn những bất toàn khiếm khuyết, song các ngài đang nhân danh Thiên Chúa để yêu thương phục vụ và chăm sóc cho chúng ta. Đừng bao giờ biến mình trở thành những con chiên ngang tàng, xa đàn để rồi dẫn đến lạc đàn chỉ vì sự kiêu ngạo hay vì cái tôi và tính tự ái, mà hãy đón nhận các chủ chăn vì lòng yêu mến Chúa, hãy cộng tác với các Ngài với lòng bác ái chân thành, và cùng nhau xây dựng tình yêu thương hợp tác trong đoàn chiên là giáo xứ, giáo phận.

Là những bậc cha mẹ trong gia đình, mỗi người cũng được tham dự và được trao cho nhiệm vụ làm mục tử chăm sóc đoàn chiên nhỏ là gia đình của mình. Hãy noi theo tấm gương của Mục tử Giêsu, tận tụy hy sinh đến cả mạng sống mình vì vợ, chồng, con cái, không chỉ chăm lo cho con có của ăn vật chất, mà trong vai trò mục tử cha mẹ còn phải lo uốn nắn dạy dỗ, giáo dục con cái nên con người và nên những con chiên ngoan của Chúa, học biết về Chúa, đừng để công ăn việc làm chiếm hết thời gian dành cho những con chiên con trong gia đình của mình, hãy tạo nên một bầu khí thân thương ấm cúng cho cả gia đình qua những giờ kinh sớm tối, qua những bửa ăn chung thân ái của gia đình. Một mục tử say sưa lười biếng, bê tha rượu chè bài bạc…thì không thể dẫn dắt đàn chiên của gia đình đi đúng đường được, do đó cha mẹ phải là những mục tử tốt lành, bảo vệ con cái khỏi sư tấn cống của xã hội và những cám dỗ lôi kéo của nó.

Hôm nay còn là ngày cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ cản đảm đáp lại lời mời gọi của Mục tử Giêsu, dám dâng hiến tuổi trẻ và cuộc đời của mình, trở nên giống Chúa Giêsu hầu có thể phục vụ anh chị em mình một cách quảng đại hơn. Hãy để cho Đức Giêsu sử dụng con người và cuộc đời của các bạn, chắc chắn Ngài sẽ không hủy hoại các bạn, nhưng Ngài sẽ đem đến cho các bạn một cuộc sống trong hạnh phục vì hiến thân cho anh em. Các bạn đừng trao cuộc đời của mình cho xã hội, mà hãy trao nó vào bàn tay Chúa, Chúa sẽ biến các bạn nên những dụng cụ hữu hiệu trong tay Ngài, cũng đừng sợ mình không đủ khả năng hay không đủ tài, Thiên Chúa không cần những thứ đó, Thiên Chúa chỉ cần sư sẵn sàng và tình yêu các bạn dành cho Ngài, Ngài sẽ làm được tất cả. Hãy là những chủ chiên ngay từ bây giờ biết làm chủ con người của mình, chống lại những tấn công của sói dữ là những cám dỗ và những lôi kéo của xã hội hôm nay, và hãy trở thành chủ chiên để biết phục vụ anh chị em trong khiênm tốn, và đồng thời đừng quên mình là con chiên trong đoàn chiên của giáo hội, của giáo xứ và gia đình, hãy lắng nghe sư hướng dẫn của các chủ chăn và hết mình cộng tác xây dựng cộng đoàn ngày càng tốt đẹp hơn. Amen 

 

LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH

Antôn Lương Văn Liêm

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”(Ga.10,27)

Nhận được tin báo:Hôm nay, Thống Soái sẽ ghé thăm đơn vị và dân chúng trong vùng. Người chỉ huy đội vệ binh tức tốc triệu tập thuộc cấp chuẩn bị nghênh đón. Một trong những việc chuẩn bị là dọn đường và mở đường.

Thật không may cho đội vệ binh, khi xe của thống soái gần tới, bỗng dưng một đàn cừu (chiên) độ khoảng vài trăm con đổ xô lên đường. Con đường độc đạo giờ đây bị đàn cừu (chiên) chiếm lĩnh. Người chỉ huy ra lệnh cho thuộc cấp:

-   Bằng mọi giá anh em hãy lùa đàn cừu (chiên) rời khỏi mặt đường.

 Đội vệ binh dùng đủ mọi cách, kể cả việc dùng súng bắn chỉ thiên để lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường nhưng vô vọng!

Xe của thống soái ngày càng tiến gần, người chỉ huy đội vệ binh càng hối thúc thuộc cấp của mình, nhưng dường như đàn cừu không màng chi tới những lo lắng của người chỉ huy và đội vệ binh, chúng vẫn nhơn nhơ vui đùa! Xe của thống soái dừng lại trước đàn cừu. Người đội trưởng đội vệ binh lúng túng chưa biết xử sự ra sao.

Bổng từ xa tiếng sáo du dương trầm bổng cất lên. Không cần đuổi, chẳng nhọc công, đàn cừu (chiên) hướng tầm nhìn và ùa chạy về phía tiếng sáo. Hân hoan và vui mừng, chúng quây quần bên người mục đồng nhỏ bé đang đứng trên gò đất cao.

Đội trưởng đội vệ binh và thuộc cấp thở phào nhẹ nhõm, họ ngỡ ngàng, thán phục người mục đồng. Vị thống soái mỉm cười và đoàn xe của ông ta từ từ tiến .

Qua câu chuyện trên, khi người mục đồng cất tiếng sáo du dương, trầm bổng để quy tụ đàn chiên về quanh mình đã làm cho những người trong đội vệ binh thán phục và ngỡ ngàng. Có thể nói, cho dẫu người mục đồng ấy có tài quy tụ đàn chiên bằng ngôn ngữ của sáo, nhưng chắc chắn một điều, người mục đống không thể nào giúp cho đàn chiên thoát khỏi cái chết bởi cái giới hạn của chúng, hoặc bảo vệ đàn chiên an toàn gặp phải hổ dữ hay kẻ trộm mạnh sức hơn mình. Giờ đây dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần ta chiêm ngắm, và noi gương Người Mục Đồng là chính Đức Giêsu Kitô Phục Sinh qua Kinh Thánh.

Như ta đã biết, chiên và nghề chăn chiên là hình ảnh thực tế và gần gũi đối với người Do Thái. Vào thời Cựu Ước chiên là con vật được dùng vào nghi lễ tạ ơn, hiến tế dâng lên cho Đức Chúa, chiên cũng là thú nuôi đem lại lợi ích cho con người, lông chiên được dùng để kiến tạo nên những tấm khăn, tấm áo…Người chăn chiên thường được gọi là mục đồng. Họ là những người chăm sóc đàn chiên, họ thường ở với chiên dẫn đàn chiên đến đồng cỏ, suối nước và bảo vệ đàn chiên khỏi những sói dữ và kẻ trộm, nghề chăn chiên rất cực và đôi khi phải va chạm với những hiểm nguy để bảo vệ đàn chiên. Vì thế, Kinh Thánh dùng hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người nhân loại.

Trước Chúa Giêsu sinh ra trên dưới 800 năm, ngôn sứ Êdêkien đã tiên báo:“Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình….Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta…Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng…Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt đàn chiên…” (Ed.34,11-23).

Trong thư gửi cho giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã viết: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu…” (Dt.13,20).

Trình thuật sách Khải Huyền giới thiệu Đức Giêsu là Con Chiên và cũng là thủ lãnh của đàn chiên (x.Kh.7,9-17). Tin Mừng theo thánh sử Gioan đã trình thuật lời minh định của Đức Giêsu:“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong…”(Ga.10,27).

Vâng! Đức Giêsu chính là Mục Tử Nhân Lành. Nhiệm vụ chính yếu Ngài: Chăn dắt, chăm sóc và vỗ về đàn chiên bằng lời nói, hành động; Ngài thân hành đi tìm những con chiên lạc, băng bó và chữa lành những con chiên bị ốm đau và thương tích. Không những thế, Ngài còn chấp nhận hy sinh, chấp nhận chết đi để cho đàn chiên được cứu và được sống muôn đời. Trước khi bước vào cuộc Tử Nạn Phục Sinh và về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành đã hiến chính mình làm thần lương, thần dược nuôi sống và chữa lành đàn chiên, qua việc Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể vào chiều thứ 5 trước lễ vượt qua.

Hướng về Đức Giêsu vị mục tử nhân lành. Trước tiên ta cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã đón nhận ta vào đàn chiên của Ngài, ta cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài ban tặng cho ta vị Mục Tử Nhân Lành luôn hướng dẫn, dưỡng nuôi ta trong từng phút giây của cuộc sống. Đặc biệt, Ngài hằng bảo vệ ta thoát khỏi nanh vuốt của sói dữ tham mồi, dẫn ta tới đồng cỏ xanh non; đưa ta tới dòng suối mát trong. Không những thế, vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu ấy còn chấp nhận sống khó nghèo, chấp gian khó, khổ đau và cả cái chết để chuộc những lỗi lầm của ta khi vì dại khờ mà ta rời bỏ đàn chiên đi tìm những đồng cỏ lạ, đồng cỏ đưa ta tới sự hủy diệt cả thân xác lẫn linh hồn. Qua cái chết, vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu đã Phục Sinh khải hoàn. Nhờ sự Phục sinh của Ngài mà ta được thông phần vào đời sống bất diệt của Thiên Chúa.

Trong ngày lễ Chúa Chiên Lành, ta được Giáo Hội mời gọi cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cầu nguyện cho hàng linh mục và tu sỹ. Đây là một công việc rất thiết thực và rất có ý nghĩa. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang thiếu hụt trầm trọng ơn gọi trở thành linh mục, tu sỹ…nhiều nơi đang rất cần sự hiện diện của mục tử và tu sĩ để rao giảng lời Chúa và cử hành các bí tích, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, những buôn sóc anh em dân tộc thiểu số…Cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát, ta hiệp lời cùng với Giáo Hội cầu xin Chúa ban tặng nhiều thợ gặt lành nghề như lời mời gọi của Đức Giêsu:“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, anh em hãy xin Cha sai thợ gặt ra gặt lúa đem về” (Mt.9,37-38)

Hòa cùng với Giáo Hội trong ngày lễ Chúa Chiên Lành, ta đồng cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa, trong tâm tình tạ ơn ấy ta cũng được mời gọi hướng lòng về các vị mục tử, tu sỹ nam nữ và những tâm hồn thiện nguyện với tấm lòng trân quý và cám ơn đã vì các ngài đã và đang chăm sóc ta trong đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện như lời mời gọi của thánh Phaolô:“Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy quý trọng những ai đang vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh Chúa và khuyên bảo anh em” (1Tx. 5,12)

Khi nói về hình ảnh và vai trò của người mục tử, ta thường liên tưởng và coi đó là nhiệm vụ của hàng linh mục xa hơn nữa là của tu sỹ nam nữ. Theo ngôn ngữ của thánh Phêrô, vai trò, nhiệm vụ mục tử được Chúa ân ban cho hết tất cả những ai thuộc dân thánh như lời ngài viết cho các giáo đoàn thời Giáo hội sơ khai: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả , là dân thánh, dân riêng của Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi an hem ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sánh diệu huyền…” (1Pr.2,9).

Có thể nói, qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu, ta được thông phần vào đời sống, công việc của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu là Mục Tử, Ngài cũng trao ban cho ta chức vụ mục tử sau khi ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, ta được dìm vào ân sủng của Chúa Thánh Thần. Qua ân sủng và chức vụ mục tử ấy ta có bổn phận, trách nhiệm chăn dắt, chăm sóc và bảo vệ đàn chiên là gia đình, cộng đoàn…Không chỉ là chu toàn bổn phận, trách nhiệm của người mục tử, nhưng qua nhiệm vụ ta được mời gọi trở thành ánh sáng dọi chiếu Tin Mừng cho thế gian theo lệnh truyền Đức Giêsu:“Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất” (Cv.13,47).

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng Nhân Ái, nhưng cũng rất công minh. Vì thế, khi có ân thưởng thì cũng có luận phạt Còn đó lời cảnh báo, lời hạch tội của Thiên Chúa, đấng đã ưu ái trao ban cho ta chức vụ mục tử qua miệng ngôn sứ Êdêkien:“ Đức Chúa là Chúa thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiến đau yếu các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của ta tán loạn và biến thành mồi cho mọi dã thú. Vì thế hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa. Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên của Ta.Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta…. (Ed.34,1-10).

Để giúp ta trở thành người mục tử như lòng Chúa ước mong, người mục tử luôn biết quảng đại, hy sinh và hiến thân mình cho đàn chiên. Thiết tưởng không có con đường nào khác ngoài con đường ta chạy đến với Đức Giêsu vị Mục Tử Tối Cao, vì Ngài đã phán:“Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến đây Ta sẽ nâng đỡ, bổ sức cho các con. Các con hãy học cùng Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt.11,28).

Lạy Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành! Con cảm tạ Chúa đã chăm sóc con và gia đình con, ngay cả khi con rời bỏ Chúa để đi tìm những đồng cỏ nơi thế gian, thế mà Chúa vẫn yêu thương đưa dẫn con trở về và trao ban cho con chức vụ mục tử.

Xin Chúa dạy và giúp con chu toàn bổn phận mục tử mà Chúa đã trao ban.Xin giúp đời con biến thành những tiếng sáo du dương, trầm bổng để quy tụ đàn chiên mà Chúa trao cho con là người dẫn dắt Amen.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy niệm Tin Mừng thứ Bảy tuần III Phục Sinh: Những kẻ “ngược đời”. Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc.
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu tuần III Phục Sinh:ĂN và SỐNG. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     Suy niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần III Phục Sinh. Nt. M. Mai Xinh
     Suy niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần III Phục Sinh: THẤY VÀ TIN. Nữ tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba tuần III Phục Sinh Năm C: BÁNH TRƯỜNG SINH. Nt. Maria Anh Thư, O.P
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai III Phục Sinh Năm C: Sự ngộ nhận trong hành trình theo Chúa. Minh Thùy
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C. Nhiều Tác Giả
     Suy Niệm Tin Mừng chúa Nhật III Phục Sinh Năm C. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     THỨ BẢY TUẦN II PHỤC SINH: ĐỪNG SỢ! Thiên Thảo SJP