Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHÚA NHẬT III MC B:

NHIỆT THÀNH VỚI THIÊN CHÚA VÀ NHÀ CỦA NGÀI

john.jpg

Theo thống kê, cả nước ta có khoảng 7000 lễ hội lớn nhỏ khác nhau, được chia thành các loại: lễ hội dân gian, lễ hội mang tính tôn giáo hoặc tín ngưỡng, lễ hội mang tính cách quốc gia… Báo chí đã nhiều lần đề cập đến những lễ hội quá bạo lực, tranh giành, cướp bóc, đánh nhau phải cấp cứu như Lễ hội Làng Gióng vừa qua. Có những lễ hội quá dã man như Lễ hội Chọi trâu, Chém lợn. Có những lễ hội bị phàm tục, biến thái như Lễ hội Đền Trình. Những lễ hội này đang dần mất đi ý nghĩa tôn giáo và văn hóa, nó biến thành nơi tranh giành, bạo lực, cờ bạc và nhiều thứ trá hình khác nữa. Chính quyền chấp thuận và khuyến khích nhiều lễ hội không phải vì nhu cầu văn hóa, tâm linh cho bằng họ muốn lấp đầy một khoảng trống tâm linh trong xã hội Duy Vật Vô Thần. Nhưng có lẽ lý do khác hơn mà nhiều người có thể nhìn thấy, đó là những người có trách nhiệm càng tổ chức lễ hội càng có nhiều tiền, nhiều nguồn lợi. Việc buôn thần bán thánh, các hình thức thu lợi tại các lễ hội này cũng khiến cho lễ hội ngày càng lộn xộn.

Ngày xưa, luật của Thiên Chúa được ban cho con người không phải vì lợi ích cho Thiên Chúa, nhưng là để uốn nắn và điều khiển hành vi của con người, giúp con người sống tương quan tốt đẹp đối với Chúa và tạo nên cuộc sống hài hòa giữa con người với nhau. Khi ban cho Israel lề luật, Thiên Chúa không dùng luật để trói buộc Israel, nhưng là muốn tiếp tục bảo vệ Israel như Ngài đã từng bảo vệ và đã dùng sức mạnh để đưa họ ra khỏi đất Ai Cập. Như thế, việc Israel chu toàn luật của Thiên Chúa còn là để thể hiện lòng yêu mến, biết ơn đối với tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Cũng vậy, việc thờ phượng Thiên Chúa của Israel là để thể hiện lòng trung thành của họ đối với Thiên Chúa, phát xuất từ lòng tôn kính và biết ơn. Tuy nhiên, các thầy thượng tế và những người lãnh đạo Israel đã biến các ngày lễ tôn thờ Thiên Chúa trở thành dịp để thu lợi hơn là dịp để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa.

Hàng năm, lễ Vượt qua là lễ buộc mọi người từ khắp nơi phải trở về Giêrusalem. Mỗi gia đình phải dâng của lễ tạ ơn Thiên Chúa, nộp vào đền thờ các phần hoa lợi trong năm, đồng thời thi hành các tục lệ và nghi thức ăn tiệc vượt qua. Để kiếm lợi, các thầy thượng tế đã  tổ chức đổi tiền ngay tại sân đền thờ, đồng thời buôn bán những con vật để làm của lễ như chiên, bò, chim câu. Họ làm như thế để thu lợi nhuận và áp dụng bảng giá chặt chém không khác gì các lễ hội ngày nay. Thấy cảnh ồn ào, hỗn loạn và phàm tục đang diễn ra ngay trong sân nhà Thiên Chúa, Đức Giêsu đã không thể chấp nhận, Ngài đã xô đổ bàn ghế của họ, lấy dây làm roi để xua đuổi chiên bò ra khỏi đền thờ. Ngài còn cảnh cáo họ rằng : Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.

Xua đuổi những người đổi tiền và những người buôn bán ra khỏi đền thờ là Chúa Giêsu đã đụng chạm đến tầng lớp thế lực là các thượng tế và luật sĩ. Làm như thế, chắc chắn Chúa Giêsu sẽ bị chống đối, nhưng vì lòng yêu mến Thiên Chúa thúc đẩy, Chúa Giêsu đã hành động quyết liệt như vậy, vì Ngài không chấp nhận con người nhân danh Thiên Chúa để tìm kiếm lợi lộc cá nhân, biến nơi thánh thành nơi phàm tục, biến những việc thiêng thánh thành hàng hóa buôn bán. Việc buôn bán, đổi chác tại đền thờ phản ánh sự bắt tay và buôn bán với sự dữ và sự xấu, là một thỏa thuận, đồng lõa ngay từ trong tâm hồn. Những người này đã dùng Thiên Chúa và các việc đạo đức như là cái màn che cho mình, biến Thiên Chúa thành nguồn lợi cho cá nhân mình.

Những người Do Thái đã chất vấn Chúa Giêsu : Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy ông có quyền làm như thế ?  Họ muốn xem một dấu lạ chứng tỏ Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa, thực hành công việc của Thiên Chúa và là người được Chúa sai đến để tái lập trật tự, canh tân việc thờ phượng và là người bảo vệ sự thánh thiện của nhà Thiên Chúa. Trước đòi hỏi của những người Do Thái, Chúa Giêsu đã báo trước cho họ một dấu lạ : Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại. Những người Do Thái và kể cả các tông đồ khi đó cũng chưa thể hiểu được lời của Chúa Giêsu, họ nghĩ là Chúa muốn nói về đền thờ Giêrusalem. Chúng ta còn nhớ khi tố cáo Chúa Giêsu để gây sức ép tử hình Ngài, họ đã cắt xén lời này của Chúa Giêsu và tố cáo Người rằng : Tên này đòi phá hủy đền thờ Giêrusalem. Sau này, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các tông đồ mới hiểu điều Chúa nói hôm nay muốn ám chỉ đền thờ là thân xác Ngài.

 Có nhiều kẻ chứng kiến các phép lạ thì tin vào Người, nhưng Người không tin họ, vì Người biết họ hết thảy… chính Người biết những gì trong lòng con người. Điều đó nhắc cho chúng ta rằng, khi con người tin và đến với Thiên Chúa thì cần phải có một thái độ chân thành và yêu mến thực sự, vì Chúa biết rõ lòng con người. Chúng ta có thể che mắt người đời qua cái vỏ đạo đức thánh thiện, nhưng chúng ta không thể che mắt Thiên Chúa, vì Ngài thấu suốt tâm hồn và suy nghĩ của mỗi người.

Bài đọc một cho chúng ta nghe lại những điều luật mà Thiên Chúa đã ban cho Israel và đã ký kết với họ như một giao ước. Bộ luật này đòi con người phải dành cho Thiên Chúa một vị trí ưu tiên tuyệt đối, không thể bắt cá hai tay, không thể vừa tôn thờ Thiên Chúa lại đồng thời cúng bái thần minh dân ngoại hoặc những thần minh vật chất như tiền bạc, danh vọng. Đồng thời, luật này cũng đòi con người phải chu toàn những bổn phận đối với nhau vì Danh Thiên Chúa. Vì vậy, khi xúc phạm đến nhau là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Nếu Israel tuân giữ luật của Chúa, thì Thiên Chúa mãi mãi che chở, bảo vệ họ và còn nhận họ làm dân riêng của Ngài; ngược lại, nếu bất tuân, họ sẽ bị hủy diệt. Cam kết là như thế, nhưng thực ra, dân Israel đã mau chóng bỏ qua giới răn, lề luật của Thiên Chúa, quên ơn Thiên Chúa. Họ thờ cúng các thần minh của dân ngoại và quay lại chống đối Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn không hủy diệt họ mà Ngài cứu họ bằng cách cho Con của Ngài là Chúa Giêsu đến để cứu nhân loại qua cái chết trên thập giá.

Thư Corintô cho thấy, Chúa Giêsu chịu đóng đinh là trọng tâm của mọi lời rao giảng của các tông đồ, dù điều này khiến cho người Do Thái khó chịu hoặc những người Hy Lạp khó chấp nhận. Tác giả cho thấy, Chúa Giêsu, qua hy tế thập giá, Ngài đã vình viễn chấm dứt các việc tế tự tại đền thờ Giêrusalem và chấm dứt cả sứ mạng của đền thờ. Từ đây, nơi Thiên Chúa ngự không còn là đền thờ nữa mà là chính con người, thân xác của chúa Giêsu, Ngài là đền thờ Thiên Chúa và chính Ngài đã dâng chính mình là hy lễ đền tội cho toàn nhân loại. Chỉ những ai được ban ơn mới có thể hiểu và đón nhận mầu nhiệm này của Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin và đón nhận Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, là Đấng canh tân việc thờ phượng Thiên Chúa. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cần có thái độ tôn trọng sự thánh thiện của Thiên Chúa và đền thờ của Ngài, dành cho Chúa sự kính trọng, tôn thờ cả hình thức bên ngoài lẫn tâm tình bên trong. Hãy nhiệt thành với Thiên Chúa và thanh luyện thái độ của bản thân trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Hãy dành cho Chúa một lòng yêu mến chân thành được thể hiện qua việc tôn kính, thờ phượng Chúa mỗi ngày. Đừng bao giờ so sánh hoặc đặt Chúa ngang hàng với tiền bạc, của cải, nhưng phải dành cho Chúa một sự ưu tiên tuyệt đối, nhất là đừng bao giờ dùng Thiên Chúa và việc đạo đức bên ngoài để che đậy sự giả dối và những gian tham bên trong.

Gia đình là đền thánh của Thiên Chúa đang bị nhiều người coi thường và biến thành nơi phàm tục, nơi buôn bán và hang trộm cướp bởi sự gian dối, bê tha, bởi lối sống hưởng thụ, ích kỷ. Hãy thanh tẩy đền thờ gia đình của mình, đừng để bất cứ tiền bạc hay của cải vất chất làm hoen ố đời sống gia đình, làm méo mó các tương quan giữa cha mẹ và con cái.

Trong ngày lãnh Bí tích Rửa tội, mỗi chúng ta được thánh hiến để trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn mình khỏi tội lỗi và những thói quen xấu. Hãy gạt bỏ khỏi mình những film ảnh, sách báo và những trang web xấu xa, vì nó hủy hoại tâm hồn chúng ta và nó là thủ phạm bôi bẩn linh hồn là đền thờ Thiên Chúa. Hãy trang hoàng đền thờ Thiên Chúa nơi chúng ta bằng những việc bác ái, hy sinh, việc lành, việc tốt ; những việc làm nhân ái, những cử chỉ đẹp. Nhất là hãy thường xuyên gặp gỡ Thiên Chúa trong tâm hồn qua cầu nguyện và sống trong sự hiện diện của Chúa.

Xin Chúa giúp chúng ta siêng năng đến với Bí tích Giải tội để được tình yêu của Thiên Chúa thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi và thêm ơn giúp chúng ta sống và bảo vệ linh hồn và thân xác chúng ta trong sạch, xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần III mùa chay: THANH TẨY ĐỀN THỜ TÂM HỒN MÙA CHAY. LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay: NỖI LÒNG. Nt. Maria Phương Trâm, Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay: “Đó chính là công trình của Chúa”. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Toàn bộ 14 videos Chặng Đàng Thánh Giá với chủ đề - Diện Mạo Thiên Chúa – Diện Mạo Con Người
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Chay: CÁM DỖ THAM VỌNG QUYỀN LỰC. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Chay: QUYỀN HÀNH TÔN GIÁO. Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Mùa Chay: ĐỪNG XÉT ĐOÁN. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II MC B - Tìm Lại Phẩm Giá Và Hình Ảnh Của Thiên Chúa Nơi Mình - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay: DUYỆT XÉT THÁI ĐỘ SỐNG TRONG MÙA CHAY. Lm. Duy Khang