CHÚA NHẬT X TN C:
THIÊN CHÚA THẤU HIỂU VÀ THẤU CẢM
Một trong những thái độ sống của nhiều người trong xã hội ngày nay đó là sự dửng dưng, người ta có thể mất cả giờ để xúm lại xem một tai nạn, nhưng không mấy người nghĩ đến việc giúp đưa người bị nạn đến bệnh viện, người ta có thể mất cả buổi ngồi tại quán cà phê hay quán nhậu nhưng lại không dám dành thời giờ cho người khác, người ta có thể theo và thông thạo tin tức khắp nơi trên thế giới, nhưng người ta lại không nhìn thấy người hàng xóm bên nhà hôm nay không có tiền đi bệnh viện…nhiều người mải mê với công việc riêng và những toan tính cá nhân, khiến cho họ trở nên dửng dưng vô cảm với nhau. Tình trạng này không chỉ xảy ra trong xã hội, mà người ta còn dửng dưng vô cảm ngay với những người thân trong gia đình của mình.
Lời Chúa của ngày Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta mang lấy trái tim của Chúa, đó là một trái tim một tâm hồn thấu hiểu và thấu cảm với đau khổ và thân phận của nhân loại. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ không phải là một vị thần vô cảm dửng dưng trước nỗi đau của con người, mà qua Đức Giêsu Ngài thực sự là Đấng luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu với những nhọc nhằn đau khổ của chúng ta.
Đau khổ là nỗi ám ảnh và là một tình trạng luôn đeo bám con người, và nó gắn liền với thân phận con người. Cuộc sống của con người dường như những ngày vui ít hơn ngày buồn, nước mắt nhiều hơn nụ cười, có khi niềm vui chưa qua thì nỗi buồn và đau khổ đã đến, mà đau khổ lại muôn màu muôn vẻ, người thì khổ vì gia đình, người thì khổ vì cuộc sống, có người đau khổ vì chính bản thân, khổ vì yêu, khổ vì đau yếu bệnh tật, nhưng cái đau khổ tột cùng nhất của con người vẫn là cái chết, nó không chỉ khiến cho người đối diện với nó đau khổ sợ hãi, mà nó còn khiến cho người ở lại đau buồn tê tái.
Với những đau khổ tràn lan như thế, thì Thiên Chúa đã cho con người có một khả năng để có thể làm giảm bớt đau khổ của anh em đồng loại và có thể đem lại sức mạnh giúp anh em vượt qua đau khổ. Thế nhưng do sự ích kỷ, do lối sống dửng dưng, con người đã đánh mất khả năng đó, nên nhiều người đã để cho trái tim mình trở nên vô cảm, dửng dưng với đau khổ của đồng loại. Chính vì thế Thiên Chúa đã phải đến với con người để tái tạo lại cho con người một trái tim mới, một trái tim bằng thịt và biết yêu thương. Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa đã làm người để dạy chúng ta biết sống như Người, Người có một tâm hồn nhạy bén trước nỗi đau của con người, thấu cảm với nỗi đau tột cùng là sự chết. Câu chuyện thánh Luca thuật lại cho thấy có một sự khác biệt trong lần làm phép lạ cho con trai bà góa thành Naim sống lại, tất cả những lần phép lạ khác như làm cho Lazarô hoặc con gái ông trưởng hội đường sống lại, Chúa Giêsu đều đòi những người thân phải tuyên xưng niềm tin của họ vào quyền năng của Thiên Chúa, nhưng lần này chỉ mới nhìn thấy cảnh mẹ góa con côi, tuổi già khóc mái đầu còn xanh, người mẹ góa đau đớn đi sau xác con, thì Chúa đã chạnh lòng thương và bảo bà: đừng khóc nữa.
Hoàn cảnh của bà góa này thật đáng thương, vì bà đã quá đau khổ, khổ vì mất chồng là nơi nương tựa, là chỗ dựa trong xã hội, bị coi thường và khinh bỉ, bây giờ bà lại mất đứa con là niềm hy vọng cuối cùng của bà, và là nơi bà tựa nương trong lúc tuổi già, chính vì mất tất cả như thế, nên có lẽ tiếng khóc của bà thảm thiết hơn và nó đã lọt vào tai, vào tim của chúa Giêsu khi Người đi ngang qua thành Naim. Bằng một mệnh lệnh: Hỡi thanh niên ta truyền cho con chỗi dây, và chàng trai liền ngồi lên và nói chuyện được. Thánh Luca còn kể tiếp: Đức Giêsu trao anh ta lại cho bà mẹ, cử chỉ này cho thấy, Chúa Giêsu đã trao tặng cho bà một niềm vui, một món quà quá lớn vượt sức tưởng tượng và còn gây ngạc nhiên cho bao người chung quanh, và họ nhận ra quyền năng Thiên Chúa ở nơi Người và còn tin rằng với phép lạ này, thì đã đến giờ Thiên Chúa viếng thăm dân Người. Khi nhắc đến cụm từ giờ Thiên Chúa viếng thăm dân Người là nhắc đến cả một kỷ niệm của biến cố vượt qua, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người để giải thoát cả dân tộc Israel ra khỏi cảnh đau khổ của kiếp nô lệ bên Aicập, thì hôm nay Thiên Chúa viếng thăm dân Người để giải thoát nhân loại ra khỏi cảnh nô lệ của đau khổ và sự chết.
Sự kiện Chúa Giêsu cho con trai bà góa thành Naim đang khiêng đi chôn được sống lại, làm cho chúng ta nhớ đến câu chuyện Thiên Chúa luôn yêu thương và chạnh lòng trước những đau khổ của những con người thấp kém. Cựu Ước cũng đã ghi lại phép lạ Chúa cho con bà goá tại Sarepta được sống lại nhờ lời cầu xin của Elia. Elia đã cầu xin Thiên Chúa trả công cho bà vì bà góa này đã có một tấm lòng quảng đại nuôi sống Elia qua những năm hạn hán đói kém, và phép lạ này như là một sự trả ơn của vị tiên tri đối với lòng quảng đại của bà góa. Với Chúa Giêsu, phép lạ Ngài làm hoàn toàn xuất phát từ tình yêu, sự chạnh thương đến hoàn cảnh của bà góa Naim
Thánh Phaolô đã cảm nhận được tình yêu quảng đại của Thiên Chúa dành cho Ngài, và đã chia sẻ với cộng đoàn Galata về cảm nghiệm ấy: Tác giả cho thấy, Ngài cũng chỉ là một người như muôn người, và trước khi trở lại, Ngài đã sống một cuộc sống mù quáng đáng thương tội nghiệp, nhưng vì được Thiên Chúa thương nhìn đến và đã chọn Ngài biến Ngài trở thành một tông đồ nhiệt thành rao giảng về tin Mừng của chúa Giêsu, và chính Thiên Chúa đã cho Ngài một tâm hồn mới một lòng nhiệt thành mới và một cuộc đời mới, điều đó cũng giống như một cuộc sống lại mới.
Thưa quý OBACE, Đức Giêsu luôn cảm thông luôn thấu hiểu thân phận con người chúng ta, vì Ngài cũng đã từng mang thân phận con người với bao giới hạn và với tất cả đau khổ của con người, Ngài không thể làm ngơ trước những giọt nước mắt, trước những nỗi lòng của con người, chính vì thế, chúng ta đừng ngại ngần, mà hãy đến với Ngài, trải lòng ra với Ngài và trình bày cho Ngài những đau khổ thầm kín trong cuộc đời của mình, để Ngài an ủi nâng đỡ chúng ta. Hãy gặp gỡ Chúa Giêsu bằng những giờ phút cầu nguyện trong ngày, hãy dâng cho Chúa những lao khổ nhọc nhằn của cuộc sống, hãy tin tưởng phó thác những lo toan cho Chúa, Ngài sẽ đỡ đần cho chúng ta, Ngài cũng sẽ lấy tình yêu thương để nói với chúng ta rằng: Đừng khóc nữa, và Ngài sẽ trả lại cho chúng ta niềm vui.
Nhiều bậc cha mẹ đang âm thầm ngày đêm đau khổ vì những đứa con ngỗ nghịch, nó còn sống mà như đã chết, có những đứa con đang sống trong nhà, nhưng cha mẹ không thể nói chuyện được với nó, không thể khuyên bảo được, có những cha mẹ đang đau khổ khi nhìn thấy những đứa con đang chết vì khói trắng, vì tiên nâu,... Đừng thất vọng, các bậc cha mẹ hãy chạy đến với Chúa Giêsu, hãy giải bày với Ngài, hãy để cho Ngài chỉ dạy quý vị biết phải sống và cư xử thế nào, vì Ngài luôn muốn lắng nghe và luôn thấu cảm với chúng ta. Ngày xưa Chúa chỉ nhìn thấy cảnh bà góa khóc lóc vật vã vì đứa con đã chết, thì chắc chắn Chúa cũng sẽ chạnh lòng trước sự thành tâm cầu xin của chúng ta.
Hỡi thanh niên ta truyền cho con chỗi dậy, đó cũng là mệnh lệnh và là lời mời gọi của Chúa dành cho các bạn trẻ, Chúa mời gọi các bạn hãy chỗi dậy khỏi những tình trạng tội lỗi và chết chóc, chỗi dậy để giũ bỏ khỏi mình nhữ đam mê, những lối sống lười biếng, dễ dãi buông thả, và chỗi dậy khỏi những mặc cảm của quá khứ đang trói buộc bản thân để bắt đầu một cuộc sống mới với một tinh thần và một trái tim mới, trái tim biết rung cảm biết chia sẻ, biết yêu thương và phục vụ.
Xin Cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng trải lòng mình ra với Chúa khi vui cũng như khi buồn, luôn tin tưởng cậy trông vào tình thương của Chúa, và xin Chúa ban tặng mỗi người trái tim biết yêu thương biết cảm thông như Chúa. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
CHÚA NHẬT 10 TN C
NÊN GIỐNG TRÁI TIM CHÚA
Tâm lý thường tình của con người là “ăn có mời, làm có khiến”. Đây qủa là một nguyên tắc xử thế rất hay. Tuy nhiên, vì cuộc sống luôn có biến đổi, nên con người không thể đóng khung vào nguyên tắc, hơn nữa nếu cách cư xử giữa người với người mà chỉ căn cứ vào nguyên tắc thì điều đó chắc chắn sẽ giết chết tình cảm và mọi sự tế nhị trong liên hệ giữa người với người. Đoạn tin mừng mà chúng ta vừa nghe như muốn chứng minh điều ấy.
Thật thế, khi cùng đoàn môn đệ đến một thành nhỏ tên là Nain, vừa vào trong cổng thành, thì bị cắt ngang đường bởi một đám ma đang khiêng người con trai duy nhất của một bà goá ra chốn mộ phần. Dẫn đầu đám tang là bà mẹ, theo sau là đám đông cư dân trong thành cùng đi theo để đưa tiễn chàng trai đến nơi chín suối. Hơn một lần phải tiễn đưa người chồng đến nơi an nghỉ cuối cùng, bà đã thấm thía nỗi đau của sự mất mát. Ấy vậy mà hôm nay, đứa con trai duy nhất, núm ruột bà đứt ruột sinh ra, và là niềm hy vọng cho tuổi già của bà, lại cũng đành đoạn bỏ bà ra đi.
Thế nhưng, mọi sự đã thay đổi khi đoàn người của sự chết gặp đoàn người của sự sống mà dẫn đầu là Chúa Giêsu. Lẽ ra Ngài đã đi ngang qua hay đợi cho đến khi người ta gọi Ngài. Nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài đã có sáng kiến đi bước trước, Ngài đã chạnh lòng thương xót mà cho người con trai bà sống lại, dù không một ai, bà mẹ hoặc những người đi đưa đám cầu xin Ngài giúp đỡ. Như thế, Chúa Giêsu đã thực hiện một phép lạ không phải vì Ngài là con người hoàn toàn như chúng ta nên cũng có mọi xúc cảm của con người như buồn phiền, khóc thương… cũng không dựa theo nguyên tắc xử thế của con người mà chỉ vì lòng Chúa yêu thương.
Từ thái độ của Chúa Giêsu, nhìn về cách sống của bản thân ta, ta thử hỏi xem ta đã biết cách sống yêu thương mọi người đi ngang qua con đường đời ta hay chưa, liệu ta có quan tâm đến những bất hạnh của họ hay không, và mối quan tâm ấy có dẫn đưa ta tới chỗ hành động một cách hiệu quả hay chưa ; hay biết bao lần trong đời nhìn thấy những cảnh đời thương tâm, thế mà ta vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, rồi tự xoa dịu sự áy náy lương tâm mình bằng nhiều lý lẽ. Thế nhưng, dù có lý lẽ nào đi nữa thì chúng vẫn không thể biện hộ cho sự chai lỳ, dửng dưng của ta về sự thiếu lòng yêu thương.
Thế nên, lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết quan tâm và cảm thông đến những bất hạnh của người khác, biết “chạnh lòng thương” đến những người đau khổ quanh ta. Tuy nhiên, thái độ cảm thông và thương xót của chúng ta cần phải được bộc lộ qua những việc làm, phải được ưu tiên thể hiện ra với những người mà chúng ta đang chung sống, với những người Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta, ngày lại ngày, trong gia đình, trong cộng đoàn, với tất cả những ai đang cần yêu thương nâng đỡ nhất. Nếu như chúng ta từ chối nhiều cơ hội chợt đến với mình mỗi ngày để thực thi bác ái yêu thương cho những người thân thuộc trong gia đình, giữa nơi xưởng thợ, chốn văn phòng, hay cho những người cộng sự cùng làm việc bên cạnh chúng ta, thì chúng ta chỉ là những người như câu ca dao cha ông ta thường nói “làm phúc nơi nao mà cầu áo rách nát”, và như vậy thì chúng ta chỉ là những người “khoe mã” mà thôi.
Vậy, xin Chúa Giêsu là nguồn tình yêu, biến đổi trái tim chai đá của chúng ta mà thay vào đó là trái tim bằng thịt để chúng ta thấy được nhu cầu và biết rung động, thông cảm, sớt chia với hoàn cảnh của những người sống chung quanh, để chúng ta có thể vui với người vui, buồn với kẻ buồn. Xin Ngài biến đổi chúng ta thành những người sống và san sẻ niềm vui hạnh phúc cho mọi người mọi nơi mọi lúc. Đồng thời cũng xin cho mỗi chúng ta biết nhìn ra Chúa không chỉ đến an ủi, đem lại cho con người sự phục sinh thân xác mà còn là sự sống đời sau, để chúng ta luôn biết nghe lời Chúa kêu gọi, từng ngày bước ra khỏi sự trói cột của ma quỉ, tội lỗi mà sống trong sự sáng của Thiên Chúa. Amen
Lm. Paul Nguyễn Nguyên
MỤC TỬ TỐT LÀNH
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 15,3-7
(3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”. (5) Tim được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.
2. Ý CHÍNH:
Để trả lời cho lời phiền trách của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư về lý do tại sao gần gũi với các người thu thuế và gái điếm tội lỗi..., Đức Giê-su đã dùng 3 dụ ngôn: Con chiên bị lạc, đồng bạc đánh rơi và người cha nhân hậu. Tin mừng hôm nay chỉ đề cập đến dụ ngôn con chiên bị lạc. Dụ ngôn đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót. Người xót thương kẻ lầm đường lạc lối, mau mắn đi tìm kiếm và sẽ vui mừng nếu họ thực tâm sám hối trở về với Người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 3-4: + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà nếu mất một con: Ở đây, khi dùng hai con số 100 và 1, Đức Giê-su muốn làm nổi bật tầm quan trọng của sự mất mát. Dù chỉ bị mất một phần trăm nhưng đối với người chủ chiên cũng là mất mát to lớn. + Để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm kỳ được con chiên bị mất: Để lại ngoài đồng hoang không phải là bỏ rơi, bỏ mất vì chúng kém giá trị hơn, nhưng là giữ chúng lại trong một nơi an toàn. Chi tiết này chỉ muốn nói lên rằng: con chiên bị lạc dù chỉ là số ít, nhưng vẫn là điều quan trọng khiến chủ chiên phải nhất quyết đi tìm cho bằng được. Việc đi tìm xuất phát từ tình thương của chủ chiên, ám chỉ tình thương yêu và khoan dung của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Người không thụ động ngồi yên chờ họ tự quay về, nhưng chủ động lên đường tìm kiếm họ.
- C 5-7: +Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai: Người chủ vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc. Niềm vui này thể hiện qua hai cử chỉ: Một là là vác chiên lên vai và hai là mở tiệc ăn mừng. Vác chiên lên vai nói lên sự thân mật gần gũi đối với con chiên lạc. + “Xin chung vui với tôi”: Mời bạn bè đến chung vui cho thấy ông chủ muốn chia sẻ niềm vui cho nhiều người khác nữa. + “Trên trời cũng thế”: Niềm vui tột đỉnh của Thiên Chúa là muốn cho mọi người trần gian đều được ơn cứu độ. Chỉ những ai xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, thể hiện qua thái độ cứng lòng không tin Chúa Giê-su, cố tình không muốn tái sinh trong phép rửa tội, chọn theo ma quỷ làm sự gian ác chống lại Thiên Chúa và tha nhân... mới không được cứu độ.
4. CÂU HỎI: 1- Trong dụ ngôn này phải chăng người chủ chiên đành hy sinh 99 con chiên ở ngòai đồng hoang, mặc chúng cho sói rừng cắn xé, dể đi tìm một con chiên lạc kia sao? 2- Người chủ chiên đã làm gì để thể hiện tình thương và niềm vui khi tìm lại được con chiên bị lạc mất? 3- Những người bị lọai ra khỏi ơn cứu độ hoặc phai sa hỏa ngục là những ai?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1.LỜI CHÚA: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính” (Lc 15,7).
2. CÂU CHUYỆN: ÔNG CHỦ CHIÊN TỐT LÀNH
Trong cuộc họp của những nhà giáo dục, một vị giáo sư đã kể lại câu chuyện về một con chiên bị lạc mất như sau: Một người kia có nuôi một đàn chiên nhốt trong chuồng ở ngay sau nhà ông. Một hôm có một con chiên non trông thấy một lỗ hổng ở hàng rào và tò mò chui qua. Khi đã ra ngoài chuồng, con chiên vội chạy thật xa để tận hưởng thú vui được tự do giữa đất trời bao la. Nó chạy đến một cánh rừng rộng lớn và không nghĩ đến nguy hiểm đang chờ. Trời tối dần và đột nhiên con chiên nhìn thấy bóng dáng của một con sói đang rình núp ở một lùm cây gần đó. Vô cùng sợ hãi, nó ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về chuồng. Nhưng con sói vẫn không ngừng bám sát phía sau. Khi con sói tiến đến gần và sắp vồ được chiên, thì may mắn thay ông chủ chiên cũng vừa xuất hiện. Ông dùng gậy đánh đuổi con sói hung dữ kia để cứu con chiên khỏi chết trong gang tấc. Sau đó ông vác con chiên non đang run sợ trên vai và đưa về chuồng băng bó những vết trầy xước. Rồi nhiều người nhắc ông phải rào kín lỗ hổng ngay để tránh cho chiên khỏi tiếp tục chui ra khỏi chuồng. Nhưng ông không nghe và cứ để lại lỗ hổng ở hàng rào như trước.
3. SUY NIỆM:
+ Hằng ngày trên các phương tiện truyền thông đều có mục nhắn tin tìm người lạc. Người đi lạc thường là một đứa con bỏ nhà đi hoang hoặc chồng bỏ vợ con đi theo người đàn bà khác... Lại cũng có người đi lạc vì mắc bệnh thần kinh, có người đi lạc vì lỡ phạm tội nghiêm trọng...
+ Chiên lạc thời Đức Giê-su chính là những người thu thuế, trộm cướp và gái điểm, những bệnh nhân mù què câm điếc... Đức Giê-su sẵn sàng ngồi ăn đồng bàn với bọn người này và đã bị bọn đầu mục Do Thái trách cứ. Cuối cùng họ đã làm áp lực bắt tổng trấn Phi-la-tô kết án tử hình thập giá cho Người.
+ Ngày nay vẫn còn vô số các con chiên lạc: Theo Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu họp tại Rôma gần đây thì Á châu hiện có trên ba tỷ năm trăm triệu dân. Thế mà mới chỉ có một trăm mười triệu là người Ki-tô hữu. Còn tới ba tỷ bốn trăm triệu người vẫn đang ở ngoài đoàn chiên Hội thánh. Đó là chưa kể biết bao Kitô hữu theo đạo nhưng không hành đạo, lười biếng đi lễ nhà thờ hoặc phạm phải những tội ác lớn lao khác... Những người này cũng là những con chiên lạc cần được chúng ta phụ giúp tìm kiếm và đưa về đòan chiên Chúa là Hội thánh.
4. THẢO LUẬN: 1- Bạn có đồng ý với quyết định của ông chủ chiên trong câu chuyện trên là không rào lại lỗ hổng ở hàng rào? Tại sao? 2- Bạn nghĩ thế nào về lời khẳng định của thánh Au-gút-ti-nô: “Chúa dựng nên bạn không cần đến bạn, nhưng Chúa không thể cứu độ bạn, nếu bạn không cộng tác với Người”? 3- Noi gương vị chủ chiên trong Tin mừng hôm nay, bạn quyết tâm sẽ làm gì để đưa các người thân hay bạn bè đang lạc xa Chúa trở về với Người?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU. Chúng con xin cảm tạ Chúa đã sẵn sàng hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng con, và da mỏ trái tim ra đê ban cho chúng con muôn vàn ơn phúc, nhất là ơn được làm con cái Chúa.
- LẠY CHÚA GIÊ-SU MỤC TỬ NHÂN LÀNH. Chúa luôn dẫn dắt chúng con từng ngày, luôn tha thứ những lỗi lầm của chúng con. Chúa cũng sẵn sàng đến ở với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con nhận biết tình thương của Chúa, để luôn sống tin yêu phó thác và cậy trông vào Chúa. Xin cho chúng con biết thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những việc bác ái cụ thể phục vụ tha nhân, nhất là quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật và khiêm nhương phục vụ họ là hiện thân của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH-HHTM